Cảnh báo về nguy cơ xâm lăng văn hóa, nhà sử học người Israel-Yuval Noah Harari cho rằng, các sản phẩm văn hóa thông qua nhiều con đường khác nhau, nhất là internet, mạng xã hội, đang “là một vùng đất tự do và vô luật làm xói mòn chủ quyền quốc gia, phớt lờ các biên giới, phá hủy quyền riêng tư và đem lại mối đe dọa an ninh toàn cầu có thể nói là đáng sợ nhất”. Các sản phẩm văn hóa một khi trở thành vũ khí trong tay các thế lực muốn xâm lăng thì sự nguy hiểm tăng lên gấp bội.
Lấy văn hóa nước khác để tự đồng hóa mình
Trong kỷ nguyên số, khi sự giao lưu và trao đổi văn hóa trong xu thế toàn cầu hóa kéo theo sự giao thoa, trao đổi, tương tác rất mạnh, văn hóa được xem là vũ khí hữu hiệu khi nó trở thành công cụ, vũ khí mềm, là “củ cà rốt” mà những nước lớn, các thế lực thù địch sử dụng để tiến hành cuộc xâm lăng mềm, xâm lăng bằng văn hóa, nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình”. Với mục tiêu đạt tới là đồng hóa văn hóa, tiến tới nô dịch văn hóa và bước cuối cùng là thay đổi văn hóa, suy nghĩ, hành động tại các nước đối tượng mà họ hướng tới.
Nhiều bạn trẻ cho rằng, làm gì có cuộc xâm lăng văn hóa nào, làm gì có chuyện giới trẻ bị đồng hóa văn hóa. Chúng tôi giải trí với trò chơi, phim ảnh, sách báo, mạng xã hội của nước ngoài đều đã được cấp phép; chúng tôi ăn uống các loại bánh trái, hoa quả, thực phẩm của nước ngoài cũng đều được sự cho phép của cơ quan chức năng; quần áo, kiểu tóc của chúng tôi, muốn học theo ai là do sở thích cá nhân... Chúng tôi theo chân các thần tượng nước ngoài là tôi muốn học hỏi để được thành công như họ...
Trẻ em tỉnh Hòa Bình được gia đình giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa từ những bộ trang phục. Ảnh: Hoa Huyền |
Giải thích về “lý sự” của một số bạn trẻ đang mang suy nghĩ trên, TS Nguyễn Ánh Hồng, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Các bạn trẻ Việt Nam đang sống trong thời đại công nghệ số với tâm lý thích khám phá, thích thể hiện cái tôi cá nhân của mình, thích cái mới và thích sự thay đổi, nhưng lại chưa có đủ độ chín chắn, chưa đủ trải nghiệm, chưa đủ bản lĩnh để có thể phân biệt được đâu là những giá trị tích cực, đâu là giá trị tiêu cực từ bên ngoài đưa vào Việt Nam. Thế nên, một cách vô thức bị tác động, ảnh hưởng bởi các yếu tố văn hóa ngoại lai. Các thế lực thù địch đã triệt để khai thác tác động tiêu cực của mạng xã hội, sử dụng nó trở thành một phương tiện thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.
Thử hỏi, với một quốc gia hơn 100 triệu dân, nếu ai cũng sùng ngoại, sính ngoại như vậy, cũng hành xử như vậy, quốc gia ấy có phải bản sao của một nước khác không? Trong khi tại chính các nước phương Tây, như Mỹ đã đưa ra cảnh báo đỏ sẽ cấm hoạt động đối với mạng xã hội TikTok do nghi ngại vấn đề an ninh quốc gia. Ở Pháp cũng cấm trẻ em dưới 16 tuổi không được tiếp cận mạng xã hội. Một số nước khác thì ban hành những quy định nghiêm khắc đối với việc sử dụng mạng xã hội nếu vi phạm, truyền tải nội dung thông tin không đúng đắn, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, xúc phạm tôn giáo chính thống, kêu gọi biểu tình, lập hội nhóm bất hợp pháp, trò chơi bạo lực; xuyên tạc lịch sử thông qua các sản phẩm phim ảnh, văn học, sách giáo dục...
Ngẫm lại ở ta, đi đâu cũng gặp cảnh từ anh bán cơm tới chị bán hàng, từ nhà chờ xe buýt cho tới góc khuất một công sở... tay cầm điện thoại mà trên loa phát ra tràn ngập các phim ngắn về tổng tài, kiều nữ, anh hùng; các đoạn video, bài viết dạy dỗ, hướng dẫn “nuôi con kiểu Nhật”, “dạy con theo cách của người Do Thái”, “phong cách thời trang Hàn Quốc”, “truyện tranh Nhật Bản”... hình ảnh khoe tiền, khoe của, ăn uống vô độ, ứng xử bất kính... Rồi cứ đến dịp các ngày lễ của nước ngoài, như Halloween-lễ hội hóa trang; Valentine-ngày lễ tình nhân, lễ Giáng sinh... thì các nam thanh nữ tú lại xúng xính váy áo cũn cỡn, lố lăng, phản cảm “check in”, chờ dịp để khoe mẽ lối sống ảo.
Trong lĩnh vực truyền thông, khán giả truyền hình và những người tham dự các sự kiện mấy năm gần đây, đặc biệt là trên các kênh truyền hình cấp tỉnh chỉ biết thở dài ngao ngán khi chứng kiến tên không ít chương trình giải trí cũng nửa tiếng Việt, nửa tiếng Anh, rồi diễn viên, người dẫn chương trình thì khoe mẽ trình độ ngoại ngữ “nửa Tây, nửa ta” khiến bao người ngao ngán... Thật buồn, khó chịu và cám cảnh, lo ngại cho sự quý giá của tiếng Việt và văn hóa dân tộc.
Sự lai căng đã tới mức phải báo động
Trong cuốn “Internet và sự tác động đến văn hóa Việt Nam”, TS Từ Thị Loan chỉ ra: Sự lai căng văn hóa đang có những tác động tiêu cực đến quan niệm về đạo đức, ý thức đạo đức. Tác động nổi bật nhất về vấn đề này là tư tưởng đề cao các giá trị vật chất trước các giá trị tinh thần, giá trị đạo đức. Những cảnh sống xa hoa, giàu sang trong các bộ phim và MV ca nhạc, những thông tin về cung cách tiêu xài khủng của các đại gia, phong cách ăn mặc sang chảnh của các “sao”, thói ăn chơi thời thượng, “chịu chơi” và “chịu chi” của những người nổi tiếng ở nước ngoài đã tác động không nhỏ đến nhận thức, tư tưởng của cộng đồng cư dân mạng, đặc biệt là giới trẻ. Từ đó hình thành ở họ tư tưởng coi trọng vật chất, coi nhẹ đạo đức, đề cao hình thức, biểu hiện bề ngoài mà không chú trọng đúng mức đến phẩm chất đạo đức, cái đẹp bên trong”.
TS Từ Thị Loan nhận định, những tác động tiêu cực của truyền thông mới cũng góp phần cổ xúy các hành vi vô văn hóa, phản đạo đức, vi phạm các chuẩn mực xã hội, như: Kích động dâm ô, đồi trụy, những biểu hiện suy đồi...
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì nhận định: Tâm lý sùng ngoại, muốn chứng minh mình tiên phong trong xu hướng khiến giới trẻ Việt Nam tiếp thu văn hóa nước ngoài một cách dễ dãi. Hơn nữa, sự phát triển và phổ biến các phương tiện truyền thông mới đã khiến cho hiện tượng lai căng văn hóa lan truyền nhanh chóng mà không bị kiểm soát, kích thích và thu hút sự tò mò của giới trẻ. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh cụ thể, một số bạn đã có những biểu hiện lệch lạc trong suy nghĩ, hành vi và lối sống. Việc bắt chước những trào lưu như thần tượng thái quá các ngôi sao; sử dụng ngôn ngữ nước ngoài vô tội vạ... đã gây ra những hậu quả hết sức tai hại, hình thành nên những nhận thức mới, thói quen mới, tạo ra những định hướng giá trị xa lạ với văn hóa truyền thống, có nguy cơ trở thành những bản sao của văn hóa nước ngoài. Điều đó khiến giới trẻ mất phương hướng trong việc xây dựng và hình thành nhân cách con người Việt Nam, không có sự tự tin để hội nhập quốc tế. Nguy hiểm hơn, lai căng văn hóa sẽ khiến văn hóa đất nước nói chung dễ bị phai nhạt, mất sức sống, ảnh hưởng đến sức mạnh chung của quốc gia.
Cuộc xâm lăng mềm xuyên biên giới, xuyên quốc gia
Phải khẳng định, trong thời đại số, mỗi một phút, một giờ lại có hàng vạn thông tin được chia sẻ thông qua mạng xã hội và các kênh giao tiếp văn hóa phi chính thức khác nhau, cho thấy mức độ nhập khẩu văn hóa không kiểm soát lớn như thế nào.
Không phải tự nhiên chỉ một thời gian ngắn mạng xã hội phát triển ở nước ta, không ít người giờ đây chỉ yêu thích các sản phẩm văn hóa từ nước ngoài, biến họ trở nên khác hẳn, sùng ngoại, “đặc sệt” phương Tây, với đặc trưng là thích quan tâm tới bản thân hơn là chia sẻ với cộng đồng; thích kiểu ăn mặc khác lạ, lối sống thực dụng chứ không thích lối sống gia đình theo nếp nhà truyền thống với các giá trị gia đình; tinh thần chia sẻ với xóm làng, cộng đồng. Nguy hại hơn, họ xa rời trách nhiệm với Tổ quốc, họ trốn tránh nghĩa vụ công dân, chỉ biết đòi hỏi quyền lợi, đòi hỏi tự do dân chủ một cách vô độ, tuyệt đối, muốn làm gì thì làm theo kiểu phương Tây.
Văn hóa lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên được các đội cồng chiêng của các thôn, xã tại Gia Lai thường xuyên luyện tập, biểu diễn. Ảnh: Hoa Huyền |
Những biểu hiện nguy hiểm ấy đang bào mòn chất văn hóa Việt, khiến họ dần quên đi những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc, quên đi mình là ai. Thật nguy hiểm khi hàng triệu người đang dùng mạng xã hội hay các sản phẩm văn hóa độc hại đang không nhận ra mình dần bị đồng hóa văn hóa theo “kế hoạch” đã được tính toán của các nước lớn; các nước phương Tây thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình” và làn sóng xâm lăng văn hóa êm dịu, tĩnh lặng, bất bạo lực.
Không khó để nhận ra, “kế hoạch” của các thế lực này đã thành công một phần nào đó. Nhìn các sản phẩm văn hóa trên các trang mạng xã hội, hay một số trang điện tử, báo điện tử với nội dung đánh vào tâm lý người Việt trẻ, như scandal của văn nghệ sĩ; những cuộc đấu khẩu, chửi rủa, bạo lực; cuộc sống của các ca sĩ, ban nhạc nước ngoài, video clip bói toán, dạy nấu ăn, dạy làm giàu, dạy ứng xử mà cốt truyện, những nhân vật đều thuộc về một quốc gia khác... Tóm lại, từ việc nhỏ nhất cho đến việc lớn, đều bị văn hóa ngoại chi phối.
Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo: Không ít giá trị văn hóa Việt Nam đã và đang bị thay đổi trong đời sống hằng ngày ở từng con người, mỗi gia đình. Trong xu thế toàn cầu hóa, nhiều người đã đón nhận những yếu tố văn hóa ngoại lai một cách không chọn lọc, không biết nhận diện, phân tích và bỏ đi những cái xấu, cái không phù hợp. Nhiều người khác thì dễ dãi tiếp thu, vay mượn vốn văn hóa của nước ngoài để giúp mình tưởng như đã đạt tới cột mốc là công dân văn minh toàn cầu; chăm chăm mượn cái của nước khác, người khác mà tưởng rằng đó là tiêu chuẩn của giá trị. Họ không hiểu thế nào là tiếp thu những mặt tích cực; thế nào là bị đồng hóa, bị nô dịch văn hóa.
Như vậy, nhiều người đang tự mình tan ra, dần mất bản sắc văn hóa dân tộc, bị đồng hóa văn hóa từ chính những biểu hiện trong lối sống, lối ứng xử, trong cách tiếp nhận và thay đổi quan niệm về giá trị vật chất, tinh thần họ đang học theo. Nếu “căn bệnh” sùng bái văn hóa ngoại lây lan từ cá nhân sang gia đình, rồi ra cộng đồng và các tầng lớp xã hội thì lúc đó, xã hội đã thực sự bị xâm lăng văn hóa. Nỗi lo xâm lăng văn hóa càng được nhân lên khi internet, mạng xã hội dưới sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... ngày càng trở nên phổ biến.
Ngoài sự tấn công có chủ đích của các thế lực từ bên ngoài, còn có nguyên nhân từ sự buông lỏng trách nhiệm trong giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội và các cơ quan chức năng, cộng thêm sự buông thả của các cá nhân. Như vậy, không cần tốn một viên đạn, các cường quốc đã xâm lăng văn hóa thành công, từng bước thực hiện cuộc thôn tính mềm, bành trướng văn hóa, bá chủ văn hóa.
Văn hóa độc hại, sùng ngoại, lai căng
Đánh giá đúng tầm mức sự nguy hại của làn sóng xâm lăng văn hóa, thể hiện rõ quyết tâm ngăn chặn làn sóng này, ngày 27-7-2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW “Về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”.
Chỉ thị đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ, tác hại của các sản phẩm văn hóa độc hại và sự sùng ngoại, lai căng đã “tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc; có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận công chúng; dẫn đến khuynh hướng “tự diễn biến” về chính trị, tư tưởng, tác hại lâu dài đến các thế hệ mai sau”.
Làn sóng xâm lăng văn hóa thể hiện rõ ở chỗ các nước phát triển, các nước lớn có âm mưu sẽ xây dựng chiến lược để lặng lẽ đưa các giá trị chuẩn mực, đạo đức xã hội, tư tưởng chính trị, phương pháp kinh tế... của họ dần áp đặt vào các nước đang phát triển thông qua giao tiếp giữa các nước. Từ phân tích trên, chúng ta có thể hiểu sự xâm lăng văn hóa là chiến lược được các cường quốc tính toán nhằm thực hiện tham vọng bá chủ thế giới. Không giống như các dạng truyền thống của quyền lực quốc gia, xâm lăng văn hóa thể hiện quyền lực mềm của một cường quốc.
Các hộ gia đình ở huyện đảo Trường Sa thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa. Ảnh: Hoa Huyền |
Nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, văn hóa luôn là đối tượng mà các thế lực thù địch tập trung hướng đến thông qua nhiều cách thức, thủ đoạn, trong đó trắng trợn nhất là dùng văn hóa để xâm lược; tấn công bằng văn hóa để áp đặt các giá trị văn hóa và lối sống của phương Tây; phá hoại bản sắc văn hóa của dân tộc, từ lĩnh vực văn hóa chuyển hóa dần sang lĩnh vực chính trị; hình thành ý thức chống đối về chính trị, phản bội lại Đảng, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa; đi ngược lại với nền văn hóa của dân tộc.
Dùng văn hóa để phá hoại sự ổn định xã hội
Các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, an ninh mạng đã phân tích và chia sẻ một số thủ đoạn mà các thế lực thù địch thường dùng, đó là: Sản xuất các sản phẩm văn hóa mang hơi hướng thời đại, đánh mạnh vào tập tính thói quen của giới trẻ, những người yếu thế, tiểu thương, những người về hưu, người ít tiếp cận với thông tin chính thống từ cơ quan quản lý nhà nước. Với nhóm đối tượng này, chúng khuyến khích những nhu cầu văn hóa, tinh thần không lành mạnh, tạo ra các mâu thuẫn không có thật thông qua các tin giả được tán phát tinh vi, từ đó tạo ra khuynh hướng văn hóa đối lập với chính trị, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa.
Tiếp đó, chúng thông qua các hoạt động trực tiếp và gián tiếp để lôi kéo nghệ sĩ, những người có ảnh hưởng đi theo trào lưu hưởng thụ xa hoa, các trào lưu sáng tác tự do, dân chủ kiểu phương Tây; lấy số ít người có ảnh hưởng làm “ngọn cờ”, từ đó tuyên truyền làm tha hóa thế hệ trẻ; từng bước làm cho thế hệ trẻ quên đi gốc văn hóa dân tộc, đua đòi ăn chơi, hưởng thụ, không quan tâm tới vận mệnh đất nước...
Bước tiếp theo tinh vi hơn, các thế lực thù địch thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để sản xuất, truyền bá các sản phẩm văn hóa xấu độc, lai căng với ý đồ rõ rệt là tạo thói quen xấu, nhân lên những hành vi phản nhân văn, phi tiến bộ, từng bước tác động vào tâm lý, sở thích, kích thích lối nghĩ, lối sống cá nhân ích kỷ, bạo lực, những ham muốn vật chất tầm thường.
Từng bước làm thay đổi các thang giá trị xã hội, đạo đức, lối sống, làm cho một bộ phận người dân trong xã hội sao nhãng nghĩa vụ, trách nhiệm với cộng đồng, đất nước. Kích thích lối sống hưởng thụ, ca ngợi dục vọng, lạc thú bản năng thấp hèn, chỉ lo cho mình mà quên đạo nghĩa, quay lưng lại với truyền thống và những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
“Dạo” một vòng trên các trang mạng xã hội, chúng ta có thể thấy rõ, nhiều trang mạng xã hội, các tờ báo điện tử của phương Tây có phiên bản tiếng Việt vẫn ngày đêm thêu dệt, đơm đặt những câu chuyện không có thật về các đồng chí lãnh đạo cấp cao; lợi dụng thông tin xử lý cán bộ để bôi nhọ, công kích Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chúng ra sức xuyên tạc chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; phủ nhận giá trị của hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược trước đây và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của dân tộc hiện nay; đánh đồng chính nghĩa và phi nghĩa; làm lẫn lộn vai trò của những chiến sĩ cách mạng chân chính với những kẻ cướp nước, bán nước. Chúng ra sức quảng bá, tuyên truyền các giá trị văn hóa phương Tây; đề cao chủ nghĩa đa nguyên, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng; sử dụng tiêu chuẩn kép trong vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”...
Chúng cũng đầu tư không ít tiền bạc để quảng bá các sản phẩm văn hóa như phim, ảnh, video tuyên truyền, văn hóa phẩm, sách báo, văn học... với ý đồ thao túng rõ rệt nhằm phá hoại nền văn hóa của dân tộc ta; phá hoại sự ổn định xã hội.
Bằng các cuộc tiếp xúc trực tiếp, thông qua con đường du học, hội thảo, du lịch... những lời hứa hão, các thế lực thù địch đang thực hiện âm mưu ly gián về tư tưởng, chia rẽ về tổ chức, lôi kéo những người có ảnh hưởng cổ xúy cho các trào lưu tư tưởng văn hóa phương Tây, gây nhiễu loạn tư tưởng nhân dân, đặc biệt là giới trẻ.
Mục đích của chúng là từng bước làm cho người dân phai mờ những giá trị đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam; từng bước xa rời sự lãnh đạo của Đảng trong công tác văn hóa, tiến tới phủ nhận tính giai cấp, tính Đảng trong văn hóa; tách lĩnh vực này ra khỏi đời sống chính trị-xã hội của đất nước, phá hoại bản sắc văn hóa của dân tộc, từ lĩnh vực văn hóa chuyển hóa dần sang lĩnh vực chính trị, hình thành ý thức chống đối về chính trị, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa, đi ngược lại với nền văn hóa của dân tộc... Đây là mưu đồ rất thâm độc của các thế lực thù địch khi chúng quyết tâm từng bước xâm lăng văn hóa đối với nước ta.
Ngăn chặn từ sớm hành vi mở rộng xâm lăng văn hóa
Những bước đi của cuộc xâm lăng văn hóa đang dần mở rộng ở các cấp độ và phạm vi khác nhau trong tổng thể chiến lược thôn tính văn hóa, nhất là trong bối cảnh nước ta tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Việc chúng ta tham gia tích cực vào một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng sự bùng nổ các thiết bị thông minh kết nối mạng, mọi biến đổi, tác động từ bên ngoài dù nhỏ nhất cũng gây ra ảnh hưởng, theo chiều hướng ngày càng rộng và đa dạng.
Các nước phương Tây hiểu rõ điều này và cũng quyết tăng cường sử dụng “sức mạnh mềm văn hóa” kết hợp cùng sự phát triển vượt bậc của công nghệ, làm cho quá trình xâm lăng văn hóa diễn ra mạnh hơn. Các nước phương Tây và các cường quốc dựa vào công nghệ cao kiểm soát phương thức phổ biến thông tin, từ đó chủ động tạo định hướng dư luận với tốc độ chóng mặt.
Cùng với đó, quá trình toàn cầu hóa, đa dạng hóa văn hóa thế giới chính là mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch công khai lợi dụng hội nhập văn hóa của các nước đang phát triển mà ra sức truyền bá các sản phẩm văn hóa độc hại, truyền bá giá trị tư bản chủ nghĩa, với mục đích cuối cùng là nô dịch văn hóa và đạt được các mục tiêu chính trị.
Mặt khác, chúng ra sức công kích Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; phủ nhận giá trị của hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược trước đây và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của dân tộc hiện nay; đánh đồng chính nghĩa và phi nghĩa, làm lẫn lộn vai trò của những chiến sĩ cách mạng chân chính với những kẻ cướp nước, bán nước, để rồi dần theo thời gian, các tầng lớp trong xã hội chấp nhận các giá trị phương Tây, quên đi lịch sử, văn hóa dân tộc, từng bước bị đồng hóa với văn hóa nước ngoài một cách “êm dịu”, không phản kháng.
Đây cũng là đặc điểm thay đổi lớn trong chiến lược “diễn biến hòa bình” mà phương Tây đang áp dụng.
Văn hóa cũng là trận chiến không khoan nhượng
Hiểu rõ ý đồ của các thế lực, các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam cũng có sự đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng. Đánh giá về tầm quan trọng của nền tảng văn hóa đối với một quốc gia, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: “Văn hóa không chỉ là yếu tố truyền tải giá trị tinh thần mà còn là công cụ định hướng, quản lý sự thay đổi trong xã hội. Đối với các quốc gia đang phát triển như chúng ta, văn hóa có thể là chìa khóa để xây dựng nền tảng vững chắc, bảo đảm sự phát triển toàn diện, hài hòa giữa các lĩnh vực và nâng cao đời sống của nhân dân.
Trong kỷ nguyên mới, khi chúng ta đối mặt với những thay đổi nhanh chóng về công nghệ, môi trường và lối sống, văn hóa cần được coi trọng hơn bao giờ hết. Văn hóa không chỉ là sự phản ánh quá khứ mà còn là sự dẫn dắt, định hướng cho tương lai như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Một quốc gia có nền văn hóa vững chắc là một quốc gia có khả năng vượt qua mọi thử thách, duy trì sự ổn định và đồng lòng để tiến bước trong bối cảnh toàn cầu hóa đầy cạnh tranh. Văn hóa là sức mạnh vô hình nhưng bền vững, là nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội thịnh vượng cả về vật chất lẫn tinh thần”.
Vì thế, tăng cường giáo dục, bồi đắp hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới, như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên” vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp hết sức quan trọng để ngăn ngừa tác động của những âm mưu, thủ đoạn xâm lăng văn hóa; tạo sức đề kháng, sự miễn dịch trong các tầng lớp nhân dân trước mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch.
Tại hội thảo cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023)-Khởi nguồn và động lực phát triển” tổ chức ngày 27-2-2023, nhấn mạnh tính cấp bách trong cuộc chiến chống xâm lăng văn hóa, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: “Cần kiên quyết chống lại mọi sự xâm lăng về văn hóa, bài trừ các hình thức văn hóa lai căng, mê tín, dị đoan, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục”.
Sức mạnh văn hóa Việt Nam
Theo thống kê của Bộ Công an Việt Nam, hằng năm, có hàng nghìn tài liệu chiến tranh tâm lý phá hoại tư tưởng; hàng chục nghìn thư ân xá quốc tế xâm nhập, tán phát, đưa vào bằng nhiều con đường khác nhau. Những điều này đặt ra vấn đề, chúng ta phải có những giải pháp cụ thể nào chống lại hiện tượng “xâm lăng văn hóa” trong chiến lược “diễn biến hòa bình” và “sức mạnh mềm văn hóa” của các cường quốc đang tác động trực diện đến tư tưởng, suy nghĩ của người dân trong nước, đặc biệt là thanh niên Việt Nam hiện nay, nhằm nâng cao sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho rằng: Nền văn hóa Việt Nam có sức mạnh riêng. Nền văn hóa ấy trải qua hàng nghìn năm đấu tranh, chưa bao giờ khuất phục trước các nước lớn có sức mạnh lấn át về kinh tế hay sức mạnh quân sự. Đặc trưng lớn của văn hóa Việt Nam là sức mạnh tự thân. Vừa chống lại mạnh mẽ, vừa tiếp nhận, tiếp biến có ý thức, khiến cho các cuộc tấn công từ ngoại bang đều thất bại.
Quân và dân huyện đảo Trường Sa tổ chức gói bánh chưng đón Tết. Ảnh: Hoa Huyền |
Cũng về vấn đề này, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, văn hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển của một quốc gia, đặc biệt là những quốc gia như Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ trình độ phát triển trung bình đến cao. Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là động lực và nguồn lực thúc đẩy sự phát triển bền vững về mọi mặt: Kinh tế, xã hội, khoa học, giáo dục...
Trong quá trình chuyển tiếp này, văn hóa giúp định hình bản sắc dân tộc, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống, đồng thời tạo ra sự ổn định xã hội và sự đồng thuận trong các chính sách phát triển. Một quốc gia có nền văn hóa vững mạnh sẽ có khả năng vượt qua các thử thách trong quá trình toàn cầu hóa, giữ vững được bản sắc trước những thay đổi nhanh chóng về mặt kinh tế và công nghệ.
Các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam thả hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ quê hương, tại khu vực đảo Gạc Ma. Ảnh: Hoa Huyền |
Bên cạnh đó, văn hóa còn là yếu tố then chốt trong việc xây dựng niềm tin, tinh thần cộng đồng, và động lực làm việc của người dân. Văn hóa không chỉ là yếu tố truyền tải giá trị tinh thần mà còn là công cụ định hướng, quản lý sự thay đổi trong xã hội. Đối với các quốc gia đang phát triển như chúng ta, văn hóa có thể là chìa khóa để xây dựng nền tảng vững chắc, bảo đảm sự phát triển toàn diện, hài hòa giữa các lĩnh vực và nâng cao đời sống của nhân dân.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn còn nhấn mạnh, để phát triển văn hóa trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chiến thắng các thế lực thù địch muốn áp đặt văn hóa, xâm lăng văn hóa, chúng ta cần xây dựng và củng cố nền văn hóa vừa giữ vững được bản sắc truyền thống, vừa thích ứng và phát triển cùng những thay đổi nhanh chóng của thời đại. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, bản sắc văn hóa dân tộc như một ngọn lửa thiêng cần được gìn giữ và trao truyền. Giữa dòng chảy mạnh mẽ của các luồng văn hóa ngoại nhập, bảo vệ bản sắc dân tộc không phải là sự khép kín mà là cách khẳng định lòng tự tôn, bản lĩnh và sự độc đáo của dân tộc ta. Bản sắc ấy là tâm hồn, là cội nguồn của sự phát triển, giúp chúng ta đứng vững và không bị hòa tan giữa những biến động của thế giới.
Văn hóa cần được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển
Muốn đánh bại các thủ đoạn nô dịch, xâm lăng văn hóa của các thế lực thù địch thì văn hóa phải thực sự đóng vai trò trong việc định hình các chuẩn mực xã hội, tạo ra tinh thần đồng thuận, nuôi dưỡng những giá trị cốt lõi như lòng nhân ái, tinh thần sáng tạo và ý thức cộng đồng. Một quốc gia có nền văn hóa vững chắc là một quốc gia có khả năng vượt qua mọi thử thách, duy trì sự ổn định và đồng lòng để tiến bước.
Nghề dệt truyền thống được đồng bào các dân tộc tại tỉnh Gia Lai gìn giữ, phát huy và giúp nhiều người thoát nghèo. Ảnh: Hoa Huyền |
Văn hóa với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, cần được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển trong kỷ nguyên mới. Đó không chỉ là một khía cạnh phụ trợ cho kinh tế hay xã hội mà là yếu tố cốt lõi định hình bản sắc, tạo dựng giá trị và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Nếu coi kinh tế là xương sống thì văn hóa chính là linh hồn, là nguồn năng lượng tinh thần giúp xã hội phát triển hài hòa, toàn diện. Văn hóa phải thực sự là ánh sáng “soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa là sức mạnh vô hình nhưng bền vững, là nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội thịnh vượng cả về vật chất lẫn tinh thần.
Vậy phải làm gì để bản sắc văn hóa của dân tộc không bị mai một, hòa tan, trộn lẫn vào các dòng văn hóa khác của các nước hay các trào lưu mới trên thế giới, khi chúng ta hội nhập với thế giới ngày càng sâu hơn? TS Nguyễn Ánh Hồng, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Để ngăn chặn tình trạng xâm lăng văn hóa, đặc biệt trên mạng xã hội thì chúng ta phải trang bị cho cộng đồng và trước hết là các bạn trẻ những hiểu biết về văn hóa giao tiếp, ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội phải được trang bị và đưa vào trong chương trình giáo dục. Tôi nhấn mạnh rằng, nếu các bạn trẻ tăng cường hiểu biết những giá trị của văn hóa truyền thống, hiểu biết được hệ giá trị trong tâm thức của văn hóa Việt Nam và luôn có lòng tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và có trách nhiệm để bảo vệ các giá trị văn hóa đó, họ sẽ có sức đề kháng trước những tác động của văn hóa ngoại lai”.
Một lớp học của thầy và trò tại huyện đảo Trường Sa. Ảnh: Hoa Huyền |
Đánh giá cao phương án phải giáo dục cho thế hệ trẻ từ sớm, PGS, TS Bùi Hoài Sơn cũng nhấn mạnh: Giáo dục văn hóa cần phải trở thành trọng tâm. Bắt đầu từ gia đình, trường học cho đến cộng đồng. Giáo dục văn hóa không chỉ là việc truyền dạy lý thuyết mà còn là sự trải nghiệm thực tế thông qua các hoạt động nghệ thuật, lễ hội, phong tục, tập quán. Khi văn hóa trở thành một phần tự nhiên trong đời sống hằng ngày, nó sẽ không bị lãng quên hay pha loãng.
Gìn giữ bản sắc văn hóa, lan tỏa giá trị cốt lõi
Vậy cần làm gì để giữ vững bản sắc văn hóa trong dòng chảy toàn cầu hóa? PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho rằng: Trước hết, điều căn bản là xác định rõ giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc. Chúng ta cần hiểu sâu sắc về lịch sử, phong tục, tập quán, triết lý sống và những giá trị truyền thống đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Đây là nền tảng không thể thay thế, là căn cốt của bản sắc dân tộc.
Sáng tạo không có nghĩa là thay đổi bản chất của văn hóa, mà là tìm kiếm những cách thức mới để biểu đạt và truyền tải những giá trị ấy. Việc biến văn hóa thành một "tài sản" không chỉ giúp bảo tồn mà còn phát triển và quảng bá văn hóa dân tộc ra thế giới. Hội nhập với thế giới là điều tất yếu, nhưng giữ gìn bản sắc văn hóa là nhiệm vụ quan trọng hơn bao giờ hết, để dân tộc ta luôn có một bản ngã riêng biệt, tự tin bước ra thế giới với một vị thế đáng tự hào.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: Để văn hóa thực sự là nền tảng cho sự phát triển bền vững, chúng ta cần hành động quyết liệt và đồng bộ trên cả phương diện lý luận, thực tiễn và đầu tư. Về lý luận, trước tiên, chúng ta cần xây dựng một hệ thống lý luận về phát triển văn hóa hiện đại nhưng vẫn giữ được tính bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát triển lý thuyết liên ngành là cực kỳ quan trọng. Văn hóa không thể tách rời với kinh tế, chính trị hay môi trường. Ngoài ra, làm tốt công tác phối hợp giữa văn hóa và các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh. Mối quan hệ này cần được xử lý trên tinh thần kết nối và tương hỗ lẫn nhau. Điều này có thể nhìn từ cách thức phối hợp tổ chức, uy tín, thông điệp tích cực của Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 vừa diễn ra cách đây ít ngày. Văn hóa đã len lỏi vào mọi lĩnh vực, và ngược lại trong mọi lĩnh vực đều có yếu tố văn hóa.
Về đầu tư, văn hóa cần được đầu tư xứng tầm cả về tài chính lẫn nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực văn hóa phải đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng con người mới cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bởi con người chính là chủ thể của mọi sự phát triển, đặc biệt trong một thế giới đầy biến động và cạnh tranh. Văn hóa giúp tạo ra những công dân có trách nhiệm, có lòng yêu nước và ý thức tự hào về bản sắc dân tộc; sống có đạo đức, lòng nhân ái và ý thức cộng đồng.
Những giá trị này không chỉ tạo nên một cá nhân hoàn thiện mà còn góp phần xây dựng một xã hội đoàn kết, bền vững và mạnh mẽ. Trong kỷ nguyên mới, khi công nghệ và toàn cầu hóa tác động mạnh mẽ, nền tảng văn hóa chính là yếu tố giúp con người giữ vững bản sắc, tránh bị cuốn theo những trào lưu hay ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài. Đây là cái gốc để chiến thắng trước văn hóa ngoại lai, lai căng, xâm lăng văn hóa.
Đặc biệt, cần nhìn văn hóa như một yếu tố chiến lược trong việc nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, biến văn hóa thành “sức mạnh mềm” để hội nhập một cách chủ động, tự tin đánh bại âm mưu, ý đồ của các thế lực muốn đồng hóa, xâm lăng văn hóa. Hành động quyết liệt từ sớm, từ xa, để đừng bao giờ "văn hóa bị lâm nguy" như lời cảnh tỉnh của đại văn hào Nga M.Gorki.
NGUYỄN HÒA
Tác giả: qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Hướng dẫn tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tỉnh Bình Phước năm 2024, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2025
lượt xem: 68 | lượt tải:21Tài liệu Hỏi – Đáp sử dụng mạng xã hội đúng cách
lượt xem: 108 | lượt tải:18KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC “Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ TẦM VÓC CHIẾN LƯỢC CỦA CHIẾN THẮNG CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG 14 - PHƯỚC LONG” (06/01/1975 - 06/01/2025)
lượt xem: 236 | lượt tải:66