Tiểu ban Tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Phước định hướng công tác tuyên truyền tuần thứ 41 (từ ngày 09/10 đến ngày 16/10/2021) với thông điệp Thích ứng với trạng thái “bình thường mới”. Cùng cài đặt “ứng dụng PC-Covid quốc gia”, tạo thói quen quét mã Code trong phòng, chống dịch COVID-19
1. Truyền đi thông điệp thích ứng với trạng thái “bình thường mới” trong phòng, chống dịch COVID-19.
- Phân tích, giải thích trạng thái “Bình thường mới” là yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao khả năng thích ứng của mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội của đất nước đặt trong bối cảnh mới, cụ thể là tác động của đại dịch COVID -19. Vì đại dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu, tạo nên cuộc khủng hoảng đa chiều, tác động đến nhiều ngành nghề khác nhau, cuộc sống vật chất lẫn tinh thần của con người.
- Dịch COVID-19 đã và đang làm thay đổi toàn diện cấu trúc xã hội mang tính lâu dài. Khái niệm “Bình thường mới được dùng để đề cập tới sự thay đổi về các hoạt động, quan hệ xã hội và hành vi con người sau đại dịch COVID-19. “Bình thường mới” hiểu đơn giản là những điều khác với những cái cũ. Có thể là những điểm mà trước đây được cho là bất bình thường thì sẽ trở nên bình thường ; hoặc cũng có thể là những điều mà trước đây chúng ta đang phấn đấu để thực hiện thì nay, trong điều kiện mới bắt buộc chúng ta phải thực hiện nó nhanh hơn, nhằm thích ứng với tình hình mới. Trạng thái “ bình thường mới ” COVID-19 là trạng thái mà tại đó đất nước vừa tập trung chống dịch, vừa khôi phục và phát triển lại nền kinh tế như trước khi xảy ra đại dịch.
- 4 điểm đặc trưng nhận diện trạng thái “bình thường mới ”, đó là: (1) Khi làm bất kỳ việc gì, phải vừa đảm bảo tính hiệu quả vừa đảm bảo mục tiêu; (2) Dịch bệnh là vấn đề diễn ra trên quy mô toàn cầu, tình huống bất thường không ai đoán trước được, tác động đến mọi giai tầng xã hội, không phụ thuộc vào trình độ phát triển hay thể chế chính trị; (3) Tác động của dịch bệnh đòi hỏi mỗi con người, tổ chức và toàn bộ hệ thống xã hội phải năng động và có khả năng chống chịu và thích ứng với bối cảnh mới; (4) Đặt ra nhiều vấn đề phải định hình lại, phải đối mặt với nhiều rủi ro xã hội: dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu...
Cùng cài đặt “ứng dụng PC-Covid quốc gia”
2. Để thích ứng với “Trạng thái bình thường mới”, cần tập trung tuyên truyền để người dân hiểu và thích ứng dần việc sống chung trong môi trường có COVID-19 một cách an toàn. Sống chung với COVID-19 hoàn toàn không có nghĩa là sống chung với đại dịch mà có nghĩa phải quan tâm phương thức để giảm thiểu tác hại của dịch bệnh và dần biến nó trở thành loại cúm mùa thông thường. Để sống chung với COVID-19 cần phải trang bị cho người dân sự hiểu biết chính xác, khách quan và khoa học về COVID-19 và cách thức phòng chống nó. Chính vì có hiểu biết sẽ tạo ý thức làm gia tăng sức đề kháng lại dịch bệnh của toàn bộ hệ thống xã hội.
3. Thông điệp “Trạng thái bình thường mới” cần được lan tỏa rộng khắp trên tất cả các loại hình truyền thông khác nhau: truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội và truyền thông trực tiếp theo phương châm thống nhất, minh bạch, dựa trên bằng chứng, dễ hiểu dễ thực hiện, phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau. Tăng cường tương tác với các nhóm xã hội khác nhau một cách cầu thị, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
4. Tập trung vào việc tuyên truyền kế hoạch phục hồi kinh tế “Thích ứng an toàn” với dịch bệnh, trên tinh thần sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất; góp phần thay đổi thói quen, nâng cao ý thức phòng dịch đối với người dân, doanh nghiệp, để tiếp tiến về phía trước. Mỗi cá nhân, nhóm xã hội và cộng đồng phải tự điều chỉnh và giảm bớt nhiều nhu cầu hành vi và quan hệ xã hội có “nguy cơ lây nhiễm cao”.
5. Tuyên truyền việc lợi ích từ việc tiêm ngừa vắc-xin COVID-19. Tiêm vắc xin COVID-19 là biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khoẻ. Tiêm vắc xin COVID-19 giúp bảo vệ những người xung quanh. Càng nhiều người tiêm vắc xin, cuộc sống bình thường càng sớm trở lại: “Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất” và thực hiện tốt khuyến cáo của Bộ Y tế và các chuyên gia đối với người dân “Hãy tiêm bất kỳ loại vắc xin nào khi đến lượt, vì tất cả vắc xin đó đã được cấp phép lưu hành và kiểm định chất lượng rất chặt chẽ” nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm số ca bệnh chuyển nặng và giảm tỷ lệ tử vong.
Tạo thói quen quét mã Code trong phòng, chống dịch COVID-19
6. Tuyên truyền “Cùng cài đặt ứng dụng PC-Covid quốc gia”. Đây là ứng dụng thống nhất, đồng bộ nhiều tính năng phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Ứng dụng PC –Covid tích hợp và phát triển trên nền tảng công nghệ, dữ liệu của nhiều ứng dụng phòng dịch trước đó. Sau khi cài và đăng nhập, dữ liệu từ các ứng dụng cũ sẽ được tự động đồng bộ, kết nối hiển thị trên PC-Covid, không đòi hỏi người dùng khai báo lại từ đầu. PC-Covid là công cụ hữu hiệu để phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc, hỗ trợ xã hội trong trạng thái “bình thường mới”, người dân nên cài đặt để sử dụng.
- Hướng dẫn cài đặt, hiểu biết về các tính năng, tiện ích của ứng dụng PC-Covid:
+ 9 tính năng chính như: thẻ Covid-19; khai báo y tế; khai báo di chuyển nội địa; thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm; cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; quét mã QR; truy vết tiếp xúc gần, bản đồ nguy cơ và phản ánh. Các tính năng trên được thiết kế để liên thông, đối soát, xác thực với 4 nguồn dữ liệu đã có gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý), Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý); Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm phòng Covid-19 (do Bộ Y tế quản lý) và Cơ sở dữ liệu về xét nghiệm Covid-19.
+ Ứng dụng PC-Covid tại https://www.pccovid.gov.vn/. Ngoài ra, người dân có thể tải ứng dụng PC-Covid trên kho ứng dụng Apple Store và Google Store.
+ Trường hợp người dân không sử dụng điện thoại thông minh, có thể khai báo trực tiếp trên website https://www.pccovid.gov.vn/ hoặc nhờ người khác đăng ký trên ứng dụng. Sau đó, người dùng in mã QR được cấp và mang theo khi di chuyển.
+ Đối với trường hợp không có mạng internet, ứng dụng PC-Covid quốc gia có cơ chế lưu dữ liệu đệm, tải mã QR về để có thể sử dụng khi không có kết nối mạng.
- Nhằm hoàn thiện ứng dụng PC- Covid, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phát động chiến dịch tìm kiếm lỗ hổng bảo mật cho các nền tảng công nghệ PC- Covid. Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn các chuyên gia công nghệ cùng chung tay tìm kiếm, phát hiện các lỗ hổng bảo mật nếu có để ứng dụng hoàn thiện hơn.
7. Tăng cường tạo và sử dụng mã QR Code trong phòng, chống dịch COVID-19:
- Tuyên truyền, tổ chức ký cam kết yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… tạo điểm quét mã QR và thực hiện kiểm soát người ra/vào bằng việc quét mã QR.
- Tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai quét mã QR; giúp người dân hiểu được tác dụng việc sử dụng mã QR code là hình thức kết nối liên thông, bổ sung, cập nhật dữ liệu, phục vụ hiệu quả cho việc phân tích, truy vết khi phát hiện trường hợp dương tính với Covid-19; Việc quét mã QR code còn tạo thuận lợi cho người dân khi chỉ cần cài đặt 1 lần duy nhất đã có thể thực hiện khai báo y tế ở tất cả mọi nơi đi và đến để tạo thành thói quen được quyền quét QR Code mọi lúc, mọi nơi, để từng bước chung sống an toàn với dịch bệnh.
Tác giả: Gia Phúc (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024
lượt xem: 57 | lượt tải:33Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực
lượt xem: 38 | lượt tải:27Hướng dẫn tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ X tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029
lượt xem: 391 | lượt tải:196