Điểu Son chưa rõ năm sinh, là người dân tộc Xtiêng. Ông sinh trưởng trong một gia đình khá giả tại sóc Bù Bin, cách Bù Na hàng chục km về hướng đông nam. Lớn lên trong lúc quê nhà bị đô hộ, tận mắt chứng kiến cảnh áp bức bóc lột của thực dân Pháp đối với đồng bào, trực tiếp là những thủ đoạn cai trị tàn bạo của quận trưởng Morière, Điểu Son với những người cùng chí hướng đứng lên liên lạc với các sóc khác quanh vùng chống lại ách áp bức của chế độ thực dân.
Sau trận phục kích giết chết Morière do Điểu Môn, Điểu Mốt chỉ huy (25-10-1933), Điểu Son cùng một số nghĩa quân bị thực dân Pháp truy lùng và bắt giam tại Bà Rá. Trong thời gian bị giam cầm, Điểu Son được tiếp xúc với nhiều chính trị phạm - trong đó có những đảng viên cộng sản, nên ông có cơ hội nâng cao nhận thức chính trị và phương pháp tổ chức đấu tranh.
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Để mị dân, Nhật cho mở cửa các nhà tù, thả những người bị bắt. Điểu Son trở về sóc Bù Bin, tích cực vận động đồng bào chuẩn bị tinh thần và lực lượng chờ thời cơ nổi dậy.
Năm 1946, thực dân Pháp tái xâm lược Nam Bộ. Trong một chuyến kinh lý qua sóc Bù Bin, nhận thấy thái độ lạnh nhạt, chống đối của đồng bào và biết được vai trò của Điểu Son, quận trưởng Voisine trực tiếp đưa quân vây bắt ông. Khi Voisine chỉ huy lính xông vào nhà Điểu Son, ông đã dùng xà gạt chém, làm Voisine bị thương. Điểu Son bị bắt và bị biệt giam, hai chân bị xiềng chặt. Nhiều lần Điểu Son tìm cách vượt ngục, nhưng không thành công. Đến năm 1952, Điểu Son phá xiềng thoát khỏi nhà tù, nhưng bị lính canh phát hiện và bắn chết. Ông ngã gục, cách nhà giam khoảng 200m (gần xã Sơn Giang, thị xã Phước Long hiện nay).
Tấm gương chiến đấu và hy sinh anh dũng của Điểu Son để lại niềm tiếc thương và thán phục của đồng bào các dân tộc ở Bình Phước cho đến ngày nay.