Lời Tòa soạn: Chiều 31-10 vừa qua, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có buổi trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV. Trước đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần đề cập tới sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Xung quanh chủ đề hết sức quan trọng này, Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu loạt bài của TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản về “Phát triển Việt Nam trong kỷ nguyên mới”.
Ngày 20-10-2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ đạo: “Với những thành tựu vĩ đại sau gần 80 năm lập nước, với thế và lực đã tích lũy được, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đã hội tụ đủ điều kiện và đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc, xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục nhấn mạnh: Phải “thống nhất quyết tâm chính trị, những đột phá chiến lược, phương hướng, giải pháp chiến lược với tư duy, nhận thức mới” và phải “thống nhất chủ trương đối với nhiều công việc hệ trọng để tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng”. Theo đó, một cách tự nhiên và tất yếu, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu: “Tìm con đường ngắn nhất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.
Từ thực tiễn thời đại và kinh nghiệm 40 năm đổi mới, có thể hình dung một số phương diện căn bản và chủ yếu nhằm phát triển Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Từ mục tiêu định hướng, định tính tới không ngừng định hình, định lượng
Nhìn lại thế kỷ XX và 20 năm đầu thế kỷ XXI, dưới sự lãnh đạo của Đảng, con đường XHCN Việt Nam trải dài qua hơn 94 năm, trong đó có 40 năm Đổi mới, và ngày càng xác thực hình hài, vóc dáng và hệ tố chất của xã hội XHCN Việt Nam và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) càng hiện dần lên qua mỗi chặng đường vận động của lịch sử dân tộc.
Từ con đường với tư cách là mục tiêu, lý tưởng tới con đường là sự vận động hiện thực của đất nước để vươn tới mục tiêu lý tưởng đó; từ con đường là hiện thực còn sơ khai, giản lược tới con đường ngày càng rõ nét, toàn diện và hoàn thiện hơn, dẫn tới gần mục tiêu hơn, thông qua hàng loạt bước phủ định biện chứng: phủ nhận chế độ thuộc địa, nửa phong kiến; phủ nhận chế độ tư bản chủ nghĩa trong mỗi bước quá độ lên CNXH; phủ nhận mô hình xây dựng CNXH kiểu cũ... Và, con đường XHCN hiện ra “ngày càng rõ hơn”, dẫn Việt Nam bước ra khỏi các cuộc khủng hoảng hoảng suốt hơn hai thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, vững bước vào thế kỷ XXI.
Trong chặng đường đó, Đảng ta bước đầu xác lập hệ khái niệm về CNXH Việt Nam với nội hàm khá đầy đủ và hệ thống: Vừa là mục tiêu lý tưởng, vừa là sự vận động hiện thực rộng lớn của đất nước vừa là một chế độ xã hội - chính trị phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại.
Từ khi Đảng ra đời ngày 3.2.1930 tới nay, nếu nhịp sóng thứ nhất, với 30 năm đầu từ 1930 - 1960, qua 2 kỳ Đại hội của Đảng: Đại hội I (tháng 3.1935), Đại hội II (tháng 2.1951), chúng ta giành chính quyền, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, từng bước tiến hành cuộc cách mạng dân chủ; tới nhịp sóng thứ 2 với 4 kỳ Đại hội của Đảng, khoảng gần 30 năm từ 1960 - 1986, bắt đầu từ Đại hội III (tháng 9.1960), Đại hội IV (tháng 12.1976), Đại hội V (tháng 3.1982), chúng ta hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; nhịp sóng thứ 3 tròn 30 năm từ 1986 - 2016, tiến hành toàn diện công cuộc Đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Tổng Bí thư Tô Lâm với các cán bộ, học viên lớp Bồi dưỡng. Ảnh: TTXVN
Có thể nói, đây là nhịp sóng phát triển thứ 4 trong lịch sử phát triển của đất nước, dưới ngọn cờ của Đảng, trước mắt tròn 30 năm từ 2016 tới năm 2045 - nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tròn 100 năm. Đó là thành quả lý luận và thực tiễn của 7 kỳ Đại hội của Đảng, kể từ Đại hội VI năm 1986.
Chúng ta đang sống và hành động trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, với tất cả sự phức tạp của thời cơ và nguy cơ đan xen, chuyển hóa khôn lường, đặt ra thách thức lớn, hoặc là tụt hậu tức là bị bỏ rơi, hoặc là bứt lên ngang tầm thời cuộc, làm chủ vận mệnh của chính mình, mà một khi dừng lại hoặc đứng im cũng chính là tụt hậu. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tạo nên sự rung chuyển của thế giới, gây chấn động tới mọi quốc gia, dân tộc toàn cầu. Tất cả càng đòi hỏi chúng ta chủ động, tiên liệu để tìm đối sách cho phù hợp.
Hơn nữa, chúng ta tưởng sống trong một “thế giới phẳng”, nhưng kỳ thực chúng ta không ít lúc lại bị đẩy rơi và cả tự rơi vào vùng không phẳng. Nên đối với chúng ta, nguy cơ tụt hậu lại càng đe dọa khủng khiếp. Nếu hơn 20 năm trước, tháng 1.1994, Đảng ta tiên lượng và cả dân tộc ta đang nỗ lực không ngừng để vượt lên vùng “không phẳng” ấy, thì hiện nay tự mình phải vượt qua thách thức, quyết tâm trở nên phú cường, mạnh mẽ; đồng thời, không thể không vượt lên chính mình để định vị chỗ đứng mới của đất nước trên trường quốc tế.
Làm theo cách cũ, bám lấy kinh nghiệm cũ, dù tốt nhưng thường ngắn hạn, thì chỉ đi sau các quốc gia - dân tộc khác. Đó tiếp tục là một thách thức, với thách thức mới đang đến từ tương lai và cơ hội cũng song hành với thách thức. Thay vì cho dự báo tương lai, chúng ta phải kiến tạo tương lai.
Hiện nay, hơn bao giờ hết, con đường duy nhất đúng là, chỉ phát triển toàn diện, bền vững, thì chúng ta mới có tiếng nói thực sự. Bởi thế, chúng ta có thể bứt phá lên hay bị tụt hậu, mà khi tụt hậu tức là đứng ngoài “sân chơi” toàn cầu hóa.
Do đó, nếu chúng ta không định vị chiến lược phát triển đất nước mình, nhất định sẽ khó tìm được chỗ đứng xứng đáng trên trường quốc tế và càng khó có cơ hội góp phần cùng nhân loại xây dựng thế giới. Đó là vận mệnh quốc gia, là danh dự của dân tộc.
Phát triển nhanh, mạnh nhưng cân bằng, hài hòa, nhân văn
Kinh nghiệm của thế giới, nhất là 20 năm đầu của thế kỷ XXI cho thấy, thế giới càng toàn cầu hóa, thì vấn đề dân tộc đối với mỗi quốc gia càng nổi lên như một mệnh đề cấp thiết. Việc xử lý vấn đề dân tộc vì sự phát triển toàn cầu, chủ động tiên lượng và nắm lấy tổng thể sự vận động toàn cầu để giải quyết cụ thể, thiết thực những công việc của dân tộc đã và đang trở thành mệnh lệnh hành động song trùng một cách tự nhiên hiện nay.
Phát triển nhanh, mạnh nhưng phải cân bằng và hài hòa, hướng tới nhân văn, đó là mục tiêu phát triển bao trùm mà đất nước cần và phải vươn tới. Khi mâu thuẫn này không được giải quyết, nhất định tự nó phá vỡ hoặc bị phá vỡ mang tính chỉnh thể tự nhiên. Không thể có sự phát triển nhanh, mạnh, nếu không tính toán tổng thể hướng tới bền vững. Làm trái thế, nhất định rơi vào hoặc “dục tốc bất đạt” hoặc “hoạch phát hoạch tàn” một cách không thể tránh khỏi.
Và cũng chính vì vậy, sau gần 40 năm, chúng ta không chỉ tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ mạnh mẽ hơn mà là đổi mới khác trước và phải khác trước, với nội hàm và cách thức khác trước, vì thời thế đã khác, dù trên nguyên tắc lớn và mục tiêu cơ bản là đổi mới XHCN, vì và cho CNXH.
Toàn bộ công cuộc Đổi mới toàn diện, đồng bộ, phải nhằm mục tiêu giữ vững tốc độ tăng trưởng bền vững từ 6 - 7% mỗi năm trong tầm nhìn trước mắt tới năm 2030. Mâu thuẫn thật sự gay gắt bậc nhất hiện nay là giữa tiếp tục tụt hậu, phát triển chậm chạp, rơi vào bẫy thu nhập trung bình; sa lầy vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề; hóa giải các thách thức, mối đe dọa đối với chủ quyền, quyền chủ quyền, khả năng giữ vững và phát triển các cục diện, vị thế có lợi cho nước ta trên trường quốc tế với yêu cầu thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển cao, bền vững... Vì thế, không có cách nào khác là phải cải cách, đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa, với tốc độ mới, chất lượng mới, trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ XXI.
Muốn đi xa phải mở tầm viễn kiến. Năm 2024, nếu nhìn ra khu vực, Việt Nam phải mất 10 năm để đuổi kịp Indonesia, cần 14 năm để kịp Thái Lan, cần 62 năm để đuổi kịp Malaysia và phải tới 114 năm sau mới kịp Singapore, nếu tốc độ phát triển như hiện nay.
Nhìn lại 9 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,82%, ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. CPI 9 tháng tăng 3,88%.
Dự báo, với tốc độ đó, năm 2025, trước thềm Đại hội XIV của Đảng, dự kiến mục tiêu tăng trưởng GDP phải đạt khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt mức cao hơn (7 - 7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31 - 33 thế giới về quy mô GDP. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD. Theo dự báo của Công ty tư vấn Pricewaterhouse, chỉ với tốc độ tăng trưởng GDP hơn 5%, trước năm 2030, GDP của Việt Nam sẽ đạt giá trị 1.301 tỷ USD, đứng thứ 29 thế giới. Mục tiêu năm 2030 - 2035 với mức thu nhập trung bình cao, GDP bình quân đầu người đạt tối thiểu từ 15.000 USD tới 18.000 USD, tạo tiền đề để năm 2045, trở thành quốc gia thực sự thịnh vượng, phát triển. Đó là một đại sự khó khăn của kỷ nguyên mới.
Có thể hình dung, nếu giai đoạn 30 năm đổi mới đầu tiên từ 1986 - 2015 là sự thức dậy về tư duy, đổi mới về cơ chế, chủ động trong hội nhập toàn cầu, nhằm thực thi mục tiêu định hướng, định tính, định hình, thì giai đoạn 30 năm đổi mới tiếp theo tới năm 2045, trong đó với 10 năm (2015-2024) động lực, phải được định lượng bởi những cố gắng phi thường của cả dân tộc đột phá về đổi mới tầm nhìn chiến lược, đổi mới thể chế, trỗi dậy toàn diện, đồng bộ sức mạnh dân tộc, kết hợp sức mạnh thời đại thực thi mục tiêu định hình và mục tiêu định lượng, với gia tốc phát triển mới, từ năm 2024, xây dựng xã hội phồn vinh và Nhân dân hạnh phúc, trở thành một quốc gia hùng cường, giữ vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế, vào năm 2045.
Đó chính là căn cứ khẳng định “quyết tâm chính trị, những đột phá chiến lược, phương hướng, giải pháp chiến lược với tư duy, nhận thức mới”, như Tổng Bí thư Tô Lâm và Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất.
Đó cũng chính là con đường hiện thực hóa cương lĩnh chính trị với cương lĩnh hành động mở đường bước vào kỷ nguyên mới, về thực tiễn “đối với nhiều công việc hệ trọng để tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng” - với tốc độ của kỷ nguyên mới, như Tổng Bí thư Tô Lâm và Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII xác quyết, trong tầm nhìn trước mắt tới Đại hội thứ XV (năm 2030) và Đại hội XVIII (năm 2045).
Tác giả: daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc