Sáng 19-8, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh dự hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Hội nghị do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Dự hội nghị tại điểm cầu trung ương có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương, các chuyên gia, nhà giáo lão thành, đại diện các cơ sở giáo dục.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Phước
Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, năm học 2023-2024, ngành giáo dục đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra. Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, THCS và xóa mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định. Kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học, kỹ thuật học sinh trung học năm học 2023-2024 cấp quốc gia, quốc tế, các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực tiếp tục đạt kết quả cao. Cả nước đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đảm bảo nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế.
Các đại biểu theo dõi Hội nghị qua màn hình trực tuyến
Song song đó, mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung 27.826 biên chế giáo viên năm học 2023-2024. Ngành giáo dục cũng tập trung thực hiện nhiều chính sách, hoạt động thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao. Đến nay đã hoàn thành việc xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục từ mầm non, phổ thông, kết nối cơ sở dữ liệu ngành giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm.
Hội nghị đã dành thời gian để các đại biểu trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến kết quả năm học 2023-2024, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất. Theo đó, các khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến tình trạng thiếu giáo viên, một số văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, khó khăn về cơ chế tài chính, chất lượng đội ngũ chưa đồng đều, bất cập trong việc rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông...
Các đại biểu cũng thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ năm học mới 2024-2025. Đây là năm học áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 1 đến lớp 12, là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu năm học 2024-2025, toàn ngành giáo dục tập trung chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới, tổ chức tốt lễ khai giảng, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, phấn khởi; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế chính sách để đổi mới giáo dục đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Tổng kết đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên cho phù hợp; tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục...
Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị kỹ, tổ chức kỳ thi đảm bảo chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, tạo thuận lợi nhất cho học sinh và phụ huynh. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính |