Vẹn nguyên ký ức
Nhìn lại những năm tháng khốc liệt, trong kháng chiến chống Mỹ, Bù Đăng là một trong những địa bàn trọng điểm mà địch ra sức chống phá. Dù đối mặt với bao khó khăn, quân và dân ta đã kiên cường bám trụ, xây dựng nên những căn cứ cách mạng vững chắc ngay trong lòng địch. Những địa danh như “Nửa lon”, “Ấp cộng sản”, “Sóc Bom Bo” đã trở thành biểu tượng bất khuất của ý chí cách mạng. Trong đó, phải kể đến sự đóng góp của đồng bào X'Tiêng sóc Bom Bo, họ đã thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc, thâu đêm suốt sáng giã gạo nuôi quân, sẵn sàng ăn củ rừng, uống nước lọc từ tro cỏ tranh để dành gạo và muối cho bộ đội. Hình ảnh đồng bào giã gạo nuôi quân đã trở thành biểu tượng sáng ngời về tinh thần đoàn kết, tương trợ, hy sinh vì Tổ quốc. Già Làng Điểu Lên kể lại: “Mấy năm 1962, 1964 đến 1975 ủng hộ cách mạng liên tục. Ban ngày đi làm, tối giã gạo liên tục. Lấy lồ ô đốt lấy ánh sáng để nam nữ, già trẻ, bộ đội cùng giã. Cao điểm nhất là giã gạo đêm ngày 1 tuần hết 5 tấn gạo. Riêng sóc Bom Bo thì theo Đảng đến cùng”.
Già Làng Điểu Lên quây quần bên con cháu, kể lại những năm tháng đấu tranh khốc liệt của bà con đồng bào dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo
Ông Nguyễn Như Nậm, thôn Sơn Thành, xã Phú Sơn một cựu chiến binh đã từng tham gia đánh trận ở khắp các tỉnh, thành từ Tây Ninh, Long An, Bình Long, Phước Long cho đến trận đánh giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước. Thế nhưng trong đời binh nghiệp của mình, trận đánh giải phóng Bù Đăng là điều ông nhớ nhất: “Năm 1973, tôi vào chiến trường miền Đông Nam bộ, được phân công nhiệm vụ tại Trung đoàn 28 pháo binh miền Đông. Hồi đó chiến trường ác liệt lắm, đánh nhau dữ lắm. Đơn vị tôi thực hiện chiến thuật “đánh nở hoa trong lòng địch”, đánh xong rồi rút ra. Cuối năm 1973, đầu 1974, quân ta mở Chiến dịch Đường 14 – Phước Long, đơn vị chúng tôi tập kết ở huyện Tuy Đức (Đắc Nông). Lúc đó, tôi ở Tiểu đội 4, Đại đội 5, Trung Đoàn 262, Sư đoàn 3. Quân ta tiếp cận 2 mũi, một mũi đánh sân bay Vĩnh Thiện (xã Đoàn kết), một mũi đánh chi Khu Bù Đăng dùng cối 120, Đk 15, B40, B41 đánh mở đường cho bộ binh tiến lên. Thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, lầy lội nên việc hành quân, tổ chức tiến công rất khó khan, sau 2 giờ chiến đấu, đến 10 giờ 30 phút ngày 14/12/1974 ta đã làm chủ hoàn toàn khu trung tâm hành chính quận lỵ Đức Phong, giải phóng hoàn toàn Bù Đăng”
Ông Nguyễn Như Nậm, thôn Sơn Thành, xã Phú Sơn cựu chiến binh tham gia chiến dịch Đường 14 – Phước Long trực tiếp tham gia trận đánh chi khu quân sự Đức Phong, giải phóng Bù Đăng cùng đồng đội xem lại những hình ảnh về trận đánh tại khu trưng bày các kỷ vật lễ kỉ niệm 50 năm giải phóng Bù Đăng
50 năm vươn mình đổi mới
Và hôm nay, sau 50 năm giải phóng và 36 năm tái lập, huyện Bù Đăng đã có những bước chuyển mình đi lê rõ rệt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng nông nghiệp giảm, công nghiệp và dịch vụ tăng. Thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể đạt 77 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,35%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện đã có những bước tiến đáng kể. Đường giao thông được nâng cấp, với hầu hết các đường liên xã đã được nhựa hóa, đường liên thôn được bê tông hóa. 100% số hộ dân đã được tiếp cận điện lưới quốc gia. Hệ thống cấp nước sạch đã phủ rộng, với 99,85% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh.Trong lĩnh vực giáo dục, huyện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nạn mù chữ đã được xóa bỏ hoàn toàn, phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt hiệu quả cao. Có đến 34/54 trường học đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho thế hệ trẻ.
Về xây dựng nông thôn mới, có 13/15 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thị trấn Đức Phong cũng đã đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Chứng kiến sự đổi thay của địa phương, ông Nguyễn Như Nậm nói:“Tôi thấy Bù Đăng hằng năm đều thay đổi. Mỗi lần nghị quyết ra vấn đề thực hiện nghị quyết về cuộc cách mạng nông nghiệp, nông dân và nông thôn tôi thấy phát triển tốt. Đến bây giờ, tôi thấy rằng, Bù Đăng phát triển không kém các địa phương khác. Tuy nhiên, về điều kiện địa bàn rừng núi, trình độ dân cư… huyện phải cố gắng nhiều mới theo kịp với phong trào vươn mình của dân tộc”.
Một góc trung tâm huyện Bù Đăng đang vươn mình phát triển
Để đưa địa phương phát triển, cần có những định hướng dài hạn. Đặc biệt, Bù Đăng là huyện giàu tiềm năng, sở hữu nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu và hội tụ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc; đồng thời, nơi đây còn có nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên. Tuy nhiên, tiềm năng này chưa được khai thác hết hiệu quả. Ông Vũ Văn Mười, Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng nhận định:“Tận dụng lợi thế để phát triển hài hòa. Ví dụ như khai thác khoáng sản, sau khai thác sẽ tận dụng quỹ đất đưa vào phát triển công nghiệp, nông nghiệp theo hướng du lịch, ứng dụng công nghệ cao. Với khí hậu ưu đãi, thiên nhiên ưu đãi và cảnh quan du lịch sẽ ưu tiên phát triển du lịch, nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao, phát triển cụm công nghiệp, công nghiệp để phát triển dịch vụ thương mại”.
Ông Vũ Văn Mười, Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng phát biểu nhận định về sự phát triển vươn mình của Bù Đăng sau 50 năm giải phóng tại lễ kỉ niệm
Phó bí thư thường trực, chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước Huỳnh Thị Hằng trao Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước tặng Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Bù Đăng
Với những kết quả trên, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Bù Đăng vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, về thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc./.