Góp ý dự thảo Nghị quyết nâng cấp thị xã Phước Long thành đô thị loại III

Thứ bảy - 06/11/2021 10:36 921 0

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước khóa XI vừa ban hành dự thảo Nghị quyết về xây dựng thị xã Phước Long đạt các tiêu chí trở thành đô thị loại III giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 để lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Ngay sau khi dự thảo được ban hành, Tỉnh ủy đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp trí tuệ, đầy trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Trang thông tin điện tử Tuyên giáo Bình Phước trân trọng giới thiệu bài viết của nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Thỏa.

*
* *

Tôi được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Phước chuyển cho bản dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy Bình Phước đề cập đến vấn đề nêu trên, chắc có lẽ biết tôi nguyên là một cán bộ có nhiều năm cư trú, sinh sống, chiến đấu và công tác trên vùng đất này nên đề nghị tôi xem có gì cần bổ sung, góp ý theo chức năng, nhiệm vụ của Liên hiệp hội thường làm. Đó là thu thập các ý kiến rộng rãi, đặc biệt các ý kiến có tính chất phản biện những ý kiến đề xuất xây dựng.

Tôi thấy việc Tỉnh ủy Bình Phước có chủ trương ban hành Nghị quyết chuyên đề cho thị xã Phước Long - một địa phương có truyền thống lịch sử hào hùng, có vị trí địa lý hết sức quan trọng, đặc biệt có rất nhiều tiềm năng chưa được đầu tư khai thác, tôi cho đây là một việc làm rất lớn lao và hết sức có ý nghĩa. Vì vậy, vừa với tình cảm, vừa là trách nhiệm, tôi xin nêu lên vài suy nghĩ và những đề xuất cá nhân, hết sức chủ quan của mình để các đồng chí tham khảo.

Một vài suy nghĩ tổng quan

Tôi tán thành dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng thị xã Phước Long đạt các tiêu chí trở thành đô thị loại III giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030. Đây là chủ  trương rất đúng, có tầm nhìn xa, chiến lược và toàn diện.

Rất tán thành chủ trương trong nghị quyết xác định xây dựng Đô thị Phước Long là đô thị trung tâm của vùng Đông Bắc của tỉnh. Sự khẳng định này có một định hướng đúng, dựa trên các yếu tố khách quan về vị trí địa lý, lịch sử, dân tộc, dân cư, tạo lập vị thế vừa kết nối vừa hỗ tương thúc đẩy cả một khu vực rộng lớn của tỉnh có điều kiện cùng phát triển.

Việc nhấn mạnh xây dựng các tiêu chí ngay từ đầu của đô thị Phước Long là: Đô thị xanh, sinh thái, một đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Một đô thị phát triển đồng bộ, hài hòa, áp dụng và vận hành công nghệ 4.0 - công nghệ số ngay từ đầu. Đây là một chủ trương rất đúng, phù hợp với thực tại và xu hướng phát triển trong thời gian tới.

Xây dựng và phát triển thị xã Phước Long giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 là cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; có sự kết nối chặt chẽ với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh và các đô thị Đông Nam bộ, Tây Nguyên... Đây là tầm nhìn, là tư duy chiến lược; nó giải quyết đồng thời các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh...

Trong dự thảo nghị quyết cũng đặt ra nhiệm vụ xây dựng và phát triển con người ở các khía cạnh: Tầm cao dân trí, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần. Mọi công dân đều có tinh thần đoàn kết nhân ái, tôn trọng kỷ cương, phép nước...

Đề cập đến nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị bao gồm những con người có đức, có tài, trong sạch vững mạnh để Đảng ta thực sự là một Đảng lãnh đạo, đảng cầm quyền, tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”...

Những đề xuất cụ thể

1. Để xây dựng nghị quyết vừa đúng, vừa trúng, đề nghị cần đánh giá khách quan, rất cụ thể các mặt yếu, mạnh, tồn tại vướng mắc và tiềm năng, thế mạnh của thị xã Phước Long hiện nay là gì? Nếu không đầy đủ, khách quan thì sẽ không có một chủ trương, giải pháp, chính sách cụ thể, phù hợp.

Khu vực trung tâm hành chính thị xã Phước Long, Quảng trường 6-1, công viên cây xanh được quy hoạch, xây dựng khang trang, hiện đại (ảnh: Báo Bình Phước online)

2. Hiện nay, quy mô diện tích và dân số của Phước Long rất nhỏ. Diện tích chỉ bảng 15% mức diện tích tối thiểu theo quy định của đô thị loại III (>150 km2). Dân số chỉ bằng 50% mức tối thiểu theo quy định (>150.000 người). Vì vậy, cần có sự điều chỉnh lại địa giới hành chính cho phù hợp để có không gian đủ lớn, nhằm không những đáp ứng yêu cầu theo quy định, đồng thời có nguồn lực về tài nguyên đất đai và nhân lực để phát triển.

Về định hướng phát triển không gian đô thị Phước Long không nhất thiết chỉ về một hướng Tây - Nam theo dự thảo mà quy hoạch địa giới hành chính mở rộng ra các hướng, lấy Sông Bé là ranh giới tự nhiên điểm giới hạn (chú ý mở rộng diện tích, nhất là đất cao su để có quỹ đất rộng, sạch để phát triển).

3. Khi địa giới hành chính được điều chỉnh phù hợp, được cấp thẩm quyền thông qua thì cần triển khai ngay quy hoạch: Tổng quan, chi tiết, cụ thể, vấn đề này cần được khẳng định ngay trong nghị quyết. Bởi quy hoạch là một khoa học, của tầm nhìn, tư duy chiến lược, là công cụ hữu hiệu để lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý. Nó là căn cứ pháp lý để các cấp, các ngành, cơ quan, doanh nghiệp và người dân có căn cứ thực hiện. Nó còn là công cụ để kiểm soát hành vi đạo đức của tổ chức và cá nhân, nếu vi phạm.

Với vị trí địa lý Phước Long “sơn thủy hữu tình”, thời tiết khí hậu ôn hòa, đất đai tốt tươi màu mỡ, ở vị trí là trung tâm, là đầu mối kết nối với các địa phương khác trong vùng, nếu quy hoạch đúng khoa học nó sẽ tạo ra một tiềm lực lớn để phát triển, để thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả, văn minh, hiện đại.

Khi có quy hoạch thì việc quản lý quy hoạch phải chặt chẽ, nghiêm minh không để tùy tiện phá vỡ quy hoạch. Sự yếu kém về quản lý quy hoạch này thường xảy ra khi kết thúc nhiệm kỳ hay có sự thay đổi lãnh dạo, chỉ một vài ý kiến cá nhân có thể làm thay đổi quy hoạch.

4. Cơ cấu kinh tế Phước Long hiện tại, thể hiện nền kinh tế nhỏ bé, chậm phát triển, nguồn thu thấp, chỉ đủ cân đối tại chỗ, chưa có tích lũy, đầu tư phát triển, nhìn vào thực trạng chưa thể hiện rõ tiềm năng, lợi thế nguồn lực... Vì vậy, để nghị quyết này đi vào cuộc sống thì đòi hỏi phải có sự tính toán, đầu tư công sức và sự nỗ lực rất lớn của tỉnh, của Phước Long và các địa phương khác nằm trong khu vực.

5. Ngoài việc tập trung bố trí nguồn lực đâu tư hàng năm, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2026 và giai đoạn 2026-2031 đầu tư từ nguồn ngân sách của tỉnh là rất cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải ban hành cơ chế, chính sách gì để giúp Phước Long phát huy sự năng động sáng tạo, chủ động phát triển nguồn lực.

Nguồn lực trước mắt và lâu dài của Phước Long phải là diện tích được mở rộng, quy hoạch được định hình và quỹ đất sạch rộng lớn; có cơ chế, chính sách phù hợp, thủ tục đầu tư thông thoáng kết hợp với các yếu tố khác như: vị trí địa lý, lịch sử, thời tiết, khí hậu và sự kết nối giao thông thông suốt.

6. Về vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đồng bộ, hiện đại, đây là yêu cầu rất đúng, rất phù hợp trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn để phát huy nhanh tác dụng hiệu quả thì việc đầu tư phải tập trung có trọng điểm, không dàn trải, phát triển giao thông cần có bước đi trước đột phá, có giao thông thông suốt, chất lượng sẽ thúc đẩy, lôi kéo cả kinh tế - xã hội - dân sinh cùng phát triển vì “đại lộ là đại lợi”. Chính vai trò tiên phong của giao thông sẽ tạo ra cho Phước Long vị thế là đô thị trung tâm vùng Đông Bắc của tỉnh.

7. Về giáo dục - đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đây là một yêu cầu nội sinh cấp bách của thị xã Phước Long, của một đô thị khu vực.

Vấn đề nâng cao dân trí là một tiêu chí, là nhiệm vụ thường xuyên xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền; là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị và nhân dân Phước Long. Tuy nhiên, đây là việc lớn, việc khó, vì vậy cần phải có tầm nhìn cụ thể, chiến lược, lại vừa có bước đi phù hợp. Về vấn đề này tôi đề xuất mấy ý như sau:

Nhanh chóng chuẩn hóa các tiêu chí về cơ số, trường lớp của các cấp học ngành học, trên toàn địa bàn thị xã.

b) Phổ cập đúng độ tuổi các cấp học, bậc học tiến tới năm 2025 có 100% công dân Phước Long trong độ tuổi đạt trình độ phổ thông trung học cơ sở, trong đó có 80-> 90% đạt trình độ phổ thông trung học.

c) Khuyến khích xã hội hóa giáo dục, đặc biệt ở ngành học mầm non, các cơ sở giữ trẻ lớp mẫu giáo, các trung tâm dạy ngoại ngữ, tin học, dạy nghề nhằm huy động thêm nguồn lực cho giáo dục và đào tạo.

d) Khuyến khích con em nhân dân có điều kiện học lên bậc cao đẳng, đại học. Thực hiện nghiêm quy định về việc tuyển dụng công chức, viên chức, bắt buộc phải có trình độ đại học, kể cả những cán bộ chủ chốt ở xã, phường, thị trấn.

Khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tranh thủ thời gian tại chức học tập để có trình độ về ngoại ngữ, tin học - đây là 2 công cụ rất quan trọng trong thời đại công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế. Khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tốt, hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nếu xét thấy có triển vọng, có nhu cầu học tập thêm văn bằng hai bậc đại học hoặc trên đại học thì ưu tiên sắp xếp, bố trí thời gian, ngân sách và quyết định cho đi học. Những cán bộ trẻ có triển vọng nằm trong diện quy hoạch đào tạo cần thiết có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ do Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ thống nhất tham mưu cho Tỉnh ủy không nằm trong kế hoạch điều chỉnh của nghị quyết này.

e) Việc xây dựng một trường chuyên và trường dân tộc nội trú cho khu vực này tôi cho là thiết thực. Trước hết là tạo cơ hội, điều kiện cho con em đồng bào các dân tộc trong vùng có điều kiện thuận lợi được đi học ở những cơ sở trường lớp có chất lượng, đầy đủ tiêu chuẩn.

Về trường chuyên ở Phước Long hay các trường chuyên khác ở tỉnh Bình Phước: Tôi đề nghị cần xác định lại chức năng, nhiệm vụ chính trị đặc biệt của nó phải là cơ sở tuyển chọn đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực có kiến thức trình độ chuyên môn chất lượng cao cho địa phương, cho tỉnh. Vì vậy, phải xây dựng lại quy chế tuyển chọn đào tạo, ban hành chính sách đầu tư, khuyến khích để các em thi đua học tập rèn luyện. Có sự cam kết giữa học sinh, gia đình, nhà trường và các cơ quan tuyển dụng của tỉnh, của huyện, thị xã, thành phố để ngay khi còn ngồi ghế nhà trường các em đã nhìn thấy tương lai triển vọng, sẽ quyết tâm học tập tốt, gắn bó địa phương khi ra trường mong muốn được về phục vụ cống hiên tại địa phương.

Về trường dân tộc nội trú 2 cấp học trung học cơ sở và trung học phổ thông: Do đặc điểm học sinh ở đây là con em của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, vì vậy đồng thời với việc xây dựng cơ sở trường, lớp tốt phải có nội quy, kỷ luật ngay từ đầu, chú ý việc tuyển chọn được đội ngũ thầy, cô giáo tốt, vừa có kiến thức sư phạm, vừa có đạo đức, có trách nhiệm tốt, có tấm lòng vì các em thân yêu.

Theo tôi, đối với học sinh loại trường này, căn cứ vào phong tục, tập quán, đặc điểm, tâm lý, tình cảm của con em đồng bào nên định hướng nội dung chương trình đào tạo một cách cụ thể và thiết thực hơn. Vừa có trình độ kiến thức văn hóa, vừa có kiến thức kỹ năng nghề nghiệp (vừa học, vừa làm), tất nhiên mong muốn của chúng ta là muốn các em học hết chương trình học lên các bậc học cao hơn, nhưng do nếu vì hoàn cảnh gia đình, do việc tập tục dựng vợ, gả chồng sớm phải bỏ học giữa chừng thì các em đã có một phần kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp nhất định để các em có thể mưu sinh, lập thân, lập nghiệp giảm thiểu sự đầu tư lãng phí.

Với 42 thành phần dân tộc trong tỉnh tập trung phần lớn ở các huyện, thị vùng này, trường dân tộc cũng cần được xác định chức năng, nhiệm vụ chính trị là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho tỉnh, cho huyện, thị, cho vùng dân tộc thiểu số.

8. Một số cơ sở vật chất thiết chế văn hóa cần được quan tâm đầu tư xây dựng phát triển, coi đây là tiền đề để phát triển dịch vụ du lịch.

a) Sân vận động, nhà thi đấu cần được nâng cấp, mở rộng đủ tiêu chuẩn không phải chỉ để phục vụ cho Phước Long mà các thiết chế này phục vụ cho đăng cai các giải đấu cấp tỉnh, khu vực và quốc gia một cách thường xuyên, nhất là vào dịp các ngày lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương, của tỉnh.

b) Mở rộng thêm quy mô xây dựng và nội dung trưng bày Bảo tàng chiến dịch Đường 14 - Phước Long. Bảo tàng này cần bổ sung hình ảnh, hiện vật lịch sử truyền thống cách mạng của quân và dân Phước Long qua các thời kỳ, các huyện, thị vùng Đông Bắc của tỉnh hiện nay; trước đây, cùng chung một cội nguồn lịch sử truyền thống với huyện Phước Long. Trưng bày tư liệu hiện vật, hình ảnh về tù Bà Rá. Hình ảnh, hiện vật về đoạn cuối đường Hồ Chí Minh. Tranh thủ Quân khu 7, Quân đoàn 4, Bộ Quốc phòng để bào tàng này có thể được công nhận là chi nhánh của Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam.

c) Duy trì thường xuyên, nâng cấp chất lượng các hoạt động văn hóa thể thao, lễ hội văn hóa tâm linh có lịch sử tồn tại và phát triển nhiều năm ở Phước Long - Bình Phước tạo ra sự kiện, điểm nhấn để thu hút du khách, mở đường cho dịch vụ phát triển như:

Giải Việt dã “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” được tổ chức hàng năm vào ngày 6-1 ngày đầu năm mới. Đây là giải đấu quốc gia được tổ chức vào đúng ngày kỷ niệm tỉnh Phước Long - tỉnh lỵ đầu tiên toàn miền Nam được giải phóng. Nếu tổ  chức tốt giải đấu thường xuyên, có chất lượng thì có thể đề nghị nâng cấp thành giải đấu quốc tế. Đây là một giải đấu quy mô lớn nhiều tỉnh, thành trong cả nước tham gia và giải đấu đã tồn tại hơn 25 năm qua.

Lễ hội Chùa Bà: Chùa Bà khởi đầu được xây dựng từ những năm 30-40 của thế kỷ XX do những tù nhân Bà Rá xây dựng. Sau khi trại lao động đặc biệt (tù Bà Rá) bị giải thể, Chùa Bà được người dân địa phương di dời ra đặt ở vị trí hiện tại - đây là công trình đã được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa tâm linh cấp tỉnh. Hàng năm được nhân dân địa phương tổ chức lễ hội “Vía Bà” có đông khách thập phương, bá tánh đến dự. Nếu được đầu tư, nâng cấp đồng bộ thì lễ hội này sẽ là một sản phẩm du lịch thu hút khách thập phương, bá tánh đến tham dự.

9. Nghiên cứu khảo sát để xây dựng một số dự án công trình sau: 

Tái hiện lại Thác Đức Mẹ dựa trên mặt thác tự nhiên có sự đầu tư, cải tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan làm đẹp nơi thác đổ, khai thác sử dụng nguồn nước để thác vận hành quanh năm sẽ là điểm nhấn du lịch của Phước Long - Bình Phước.

Xây dựng bờ đập giữ nước ở chân cầu Đắk Lung tích nước từ việc lợi dụng vực sâu tích nước vào mùa mưa và nước mội tạo thành một cái hồ dưới chân Thác Mơ giữa lòng thị xã. Một hồ lớn tích nước nhiều do hai bên thành vách cao, nếu dự án thành công thì cảnh quan môi trường ở Phước Long thật tuyệt vời, lý tưởng, ít nơi nào có được “sơn thủy hữu tình” giữa lòng thành phố. Nước hồ này có thể được sử dụng là nguồn cung cấp trở lên cho thác. Dưới hồ hàng năm sẽ diễn ra các lễ hội phóng sinh, bơi lội, đua thuyền... quản lý khai thác tốt sẽ là nơi cung cấp nguồn thủy sản cho nhu cầu tiêu thụ tại địa phương.

Phát động thực hiện dự án trồng 1 triệu cây rừng bản địa cho Phước Long: Trồng các cây có giá trị kinh tế, loại cây bản địa phù hợp, các loại cây lấy gỗ, cây có hoa theo mùa, một số loại cây có trái (vải, trường, sấu, xoài mút, chôm chôm...). Nếu chỉ đạo thành công thì cảnh quan môi trường ở Phước Long sẽ là điểm đến, là nơi đáng sống, thị xã Phước Long sẽ là một thành phố ở trong rừng.

Đầu tư và thực hiện thành công những công trình, dự án này sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển “ngành công nghiệp không khỏi” không chỉ của Phước Long mà còn cho tỉnh Bình Phước, đánh thức tiềm năng du lịch của tỉnh như “Nàng công chúa ngủ trong rừng” thức dậy sau bao giấc mơ hồng tươi đẹp! Không chỉ sẽ tăng nguồn thu ngân sách có tính bền vững mà còn tạo cho hàng ngàn người có việc làm và thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống và đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Nhưng vấn đề tôi đề cập nêu trên bắt nguồn từ tình cảm và mong muốn chân thành. Tôi biết rằng nếu mong muốn lớn phải có quyết tâm cao, phải đầu tư lớn cả trí lực, nhân lực, tài lực mà phần này lại phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của các đồng chí.

Tôi đề nghị các đồng chí hãy mời gọi các nhà khoa học, những đồng chí lãnh đạo, quản lý qua các thời kỳ ở địa phương, có kiến thức, có thực tiễn, kinh nghiệm, để họ cùng xem xét, cùng tham gia giải quyết để Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng thị xã Phước Long đạt các tiêu chí trở thành đô thị loại III giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 thực sự khả thi. Để sau khi có Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chung thị xã Phước Long đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 thì nhất định Phước Long sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trên các mặt kinh tế - xã hội với tốc độ đô thị hóa nhanh, bộ mặt đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ sẽ có sự thay đổi nhanh chóng, đồng bộ và hiện đại - là đô thị loại III trực thuộc tỉnh.

Tác giả: Nguyễn Văn Thỏa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

118-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ X tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029

lượt xem: 219 | lượt tải:107

1383-CV/BTGTU

V/v tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền

lượt xem: 1475 | lượt tải:1288

112-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (01/5/1904-01/5/2024)

lượt xem: 385 | lượt tải:180
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập228
  • Hôm nay20,787
  • Tổng lượt truy cập10,465,945
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây