Thành tựu sau 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Thành Trung
2023-04-13T20:58:06-04:00
2023-04-13T20:58:06-04:00
http://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/dinh-huong-tuyen-truyen/thanh-tuu-sau-48-nam-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-1578.html
http://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/uploads/news/2023_04/image-20230412173343-1.png
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước
http://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/uploads/logo-btg.png
Sau 48 năm kể từ ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2023), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh, lại bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã vượt lên, phát triển kinh tế khá nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Đất nước ta không những đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phá được thế bao vây cấm vận, vượt qua những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực và thế giới những năm 1997 - 1998 và cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu những năm gần đây mà vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Hàng hoá trên thị trường dồi dào, đa dạng và lưu thông tương đối thuận lợi.
Kinh tế đối ngoại phát triển mạnh, mở rộng hơn trước về quy mô, hình thức, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. Mức tăng trưởng GDP bình quân 6-7%/năm, đặc biệt giai đoạn 1990 - 2000 đạt 7,5%; giai đoạn 2001 - 2005 đạt 7,51%, riêng năm 2006 là 8,23% và năm 2007 là 8,48%. Năm 2008, do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước, GDP chỉ đạt 6,23%. Trong các năm từ 2009 đến 2014 tăng trưởng GDP lần lượt là 5,32%; 6,78%; 5,89%; 5,03%; 5,4%; 5,98%, từ 2015 đến 2019 tăng trưởng GDP lần lượt là 6,68%; 6,21%; 6,81%; 7,08%; 7,02%. Trong 2 năm 2020 - 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, gây nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội đất nước, trong khi nền kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng GDP lần lượt 2,91% và 2,58%, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.
Bước sang năm 2022, nền kinh tế từng bước mở cửa trở lại, dù vẫn ghi nhận những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh mới (như bệnh đậu mùa khỉ); ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraina bùng phát từ tháng 02/2022 và kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến đà phục hồi của chuỗi cung ứng, giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới tăng cao, an ninh năng lượng, an ninh lương thực ở nhiều nước, kể cả các nền kinh tế hàng đầu bị đe dọa. Với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt 8,02%, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Từ năm 2008 chúng ta đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người trên 1.000 đô la, vượt qua ngưỡng nước nghèo chậm phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Đến năm 2022, GDP bình quân đầu người đạt 95,6 triệu đồng, tương đương hơn 4.100 USD, tăng hơn 400 USD so với 2021 (năm 2021 đạt khoảng 3.694 USD).
Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân có tiến bộ. Tuổi thọ của người dân ngày càng tăng. Phúc lợi và an sinh xã hội được coi trọng và từng bước mở rộng. Công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước và cả xã hội quan tâm. Vấn đề tạo điều kiện ưu đãi về tín dụng, đào tạo nghề, phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo cho đối tượng chính sách được quan tâm. Công tác giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tốt; sự nghiệp giáo dục có bước phát triển mới về quy mô, đa dạng hoá về loại hình trường lớp; khoa học công nghệ và tiềm lực khoa học - công nghệ có bước phát triển nhất định; công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân có tiến bộ; những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc được kế thừa và phát triển, giao lưu hợp tác văn hoá với nước ngoài được mở rộng, các tài năng văn hoá - nghệ thuật được khuyến khích; chính sách phát triển nguồn nhân lực được chú trọng.