Những thành tựu về mọi mặt mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Phước đạt được sau 25 năm tái lập tỉnh thực sự to lớn, toàn diện, từng bước làm thay đổi diện mạo của vùng đất đất đỏ miền đông gian lao mà anh hùng, đóng góp tích cực vào thành tựu của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Đây là niềm tin, động lực to lớn, cơ sở vững chắc để tỉnh nhà tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, phát triển nhanh và bền vững với khát vọng vươn lên trong những năm tiếp theo.
Nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của Nhân dân được đáp ứng nhờ sự phát triển đa dạng của ngành thương mại, dịch vụ
Năm đầu mới tái lập, Bình Phước chỉ có các doanh nghiệp quốc doanh và hộ tư nhân hoạt động thương mại - dịch vụ, các thành phần kinh tế khác hầu như chưa có. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội cả tỉnh trong năm 1997 chỉ đạt trên 869 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu năm 1997 chỉ ở con số trên 33,3 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 2 triệu USD.
Sau 25 năm tái lập, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ. Năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gấp gần 56 lần so với năm 1997, tính riêng 9 tháng đầu năm 2021, đạt 36.528 tỷ đồng, đạt 66% kế hoạch năm 2021; cơ cấu của ngành thương mại - dịch vụ chiếm 37,6% tăng gần 13% so với năm 1997.
Từ chỗ hàng hóa ít ỏi, khan hiếm, do khó khăn về công tác vận tải và kết cấu hạ tầng thương mại, đến nay, dịch vụ vận tải phát triển nhanh, ổn định. Toàn tỉnh đã có khoảng 7.400 ô tô chuyên chở hàng hóa, hành khách; có 130 tuyến vận tải hành khách cùng 6 doanh nghiệp kinh doanh taxi và 8 bến xe khách, đáp ứng cơ bản nhu cầu về phương tiện đi lại, giao thương hàng hóa của Nhân dân.
Kết cấu hạ tầng thương mại được đầu tư đổi mới với hệ thống 58 chợ truyền thống phân bố rộng khắp tỉnh, 03 trung tâm thương mại, 07 siêu thị và 65 cửa hàng Bách hóa xanh với cơ sở vật chất khá hiện đại, phương thức mua bán văn minh, mang lại diện mạo mới cũng như đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trong tỉnh. Năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 48.389 tỷ đồng và trong 9 tháng đầu năm 2021, đạt 36.528 tỷ đồng. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.839 triệu USD, tăng hơn 85 lần, kim ngạnh nhập khẩu đạt 1.581 triệu USD tăng hơn 790 lần so với năm đầu tái lập tỉnh.
Thông tin liên lạc cho Nhân dân và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được đảm bảo tốt
Công nghệ thông tin và bưu chính viễn thông những ngày đầu mới tái lập gần như không có gì, hạ tầng cơ sở đơn giản, thô sơ, số thuê bao điện thoại cố định hết sức khiêm tốn. Công nghệ thông tin chậm cập nhật, trình độ người sử dụng chưa đáp ứng yêu cầu công việc, chủ yếu phục vụ cho việc đánh máy văn bản hành chính.
Tính đến tháng 9/2021, trên địa bàn tỉnh có 7 doanh nghiệp có hạ tầng viễn thông và cung cấp các dịch vụ viễn thông. Cả tỉnh có gần 1,2 triệu thuê bao điện thoại, đạt tỷ lệ hơn 118 thuê bao/100 dân; gần 2.100 trạm phát sóng di động toàn tỉnh. 100% xã, phường, thị trấn có dịch vụ điện thoại cố định và đường truyền cáp quang. Toàn tỉnh có 4.598 trạm phát sóng, trong đó, Internet bằng công nghệ 2G là 1.647 trạm, 3G là 1.603 trạm, 4G là 1.345 trạm và tỉnh đang triển khai thí điểm 03 trạm bằng công nghệ 5G tại trung tâm hành chính tỉnh. Mạng bưu chính của tỉnh phát triển rộng khắp, đa dịch vụ. Hiện tỉnh có 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính với 141 bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã và thùng thư công cộng phục vụ bưu chính.
Khai trương Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Phước
Hệ thống Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử các sở, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố được quan tâm đầu tư đã từng bước minh bạch hóa hoạt động hành chính. Đến tháng 9/2021, 100% sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố có mạng nội bộ và kết nối internet băng thông rộng. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã được triển khai tại hơn 300 điểm. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã triển khai từ tỉnh đến 111 xã, phường, thị trấn, đảm bảo tất cả các cuộc họp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện trên môi trường Internet khi có yêu cầu.
Toàn tỉnh có khoảng 875.907 thuê bao internet, nhiều loại hình dịch vụ mới được cung cấp với chất lượng tốt, giá cước linh hoạt. Theo đó đưa viễn thông, internet từ dịch vụ cao cấp, xa xỉ trở thành bình dân, phổ biến, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, mà còn tạo ra môi trường học tập, lao động vô cùng tiện ích cho mọi người.
Giáo dục - Đào tạo phát triển mạnh mẽ, trình độ dân trí được nâng cao
Những ngày mới tái lập tỉnh, Bình Phước được coi là “vùng trũng” về giáo dục - đào tạo. Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vừa thiếu vừa yếu. Năm 1997, số người trong độ tuổi 15-35 mù chữ chiếm hơn 7%, trẻ em dưới 14 tuổi tốt nghiệp tiểu học chỉ đạt hơn 73%. Toàn tỉnh có 159 trường học các cấp với tổng số hơn 141.000 học sinh. Thiếu hơn 1.200 giáo viên (chưa tính giáo viên cấp III), 1/3 giáo viên chưa qua chuẩn hóa; thiếu hàng trăm phòng học; chưa có trường sư phạm và trung tâm dạy nghề.
Từ chỗ thiếu trường lớp, học sinh phải học ca ba; đến nay mạng lưới trường, lớp được quy hoạch và phát triển tập trung rộng khắp từ cấp mầm non đến cấp THPT, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tính đến tháng 9/2021, toàn tỉnh có 387 trường với 8.159 phòng học và 261.592 học sinh. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục liên tục phát triển nhanh số lượng có khoảng gần 14.600 người, hầu hết đạt chuẩn theo quy định, hiện nay tỉnh đang có chính sách khuyến khích cán bộ, giáo viên tiếp tục học tập để nâng cao trình độ trên chuẩn theo quy định.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh dự hội nghị tổng kết năm học 2020 - 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại điểm cầu tỉnh Bình Phước (ảnh Báo Bình Phước online)
Chất lượng giáo dục - đào tạo của tỉnh được nâng lên rõ rệt. Năm 1998, tỉnh được công nhận xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; đến năm 2009 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đến tháng 9/2021, toàn tỉnh có 88/387 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 22,74%. Công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục được tăng cường theo hướng đánh giá năng lực người học, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong khảo thí đảm bảo công bằng, khách quan, chính xác, tin cậy, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dạy và người học.
Số lượng học sinh THPT đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia tăng, năm học 2019-2020 có 47 học sinh đạt giải, năm học 2020-2021 có 54 học sinh đạt giải. Nổi bật là 02 trường THPT chuyên Quang Trung và THPT chuyên Bình Long là lá cờ đầu của ngành giáo dục đào tạo tỉnh Bình Phước. Công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp được quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhờ đó giúp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT có thể lựa chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở trường cá nhân và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội và các doanh nghiệp. Trong năm học 2020-2021, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THPT vào học tại các trường cao đẳng, đại học chiếm 55%; học tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề đạt 17%, số còn lại chủ yếu tham gia vào lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong và ngoài tỉnh.
Phát huy thành tựu, kết quả đạt được của 25 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Phước tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, ra sức khắc phục khó khăn, vượt lên thách thức, tạo ra những đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra, xây dựng quê hương Bình Phước ngày càng phát triển nhanh và bền vững, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(Tổng hợp theo Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh Bình Phước)
Tác giả: Gia Phúc
Ý kiến bạn đọc