Đại hội XIII của Đảng đề cao ý chí, khát vọng phát triển đất nước, để đến năm 2025 đưa nước ta trở thành nước có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Trong đó, chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số trên 3 trụ cột: Xây dựng Chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số là những mục tiêu cụ thể nhằm hiện thực hóa ý chí, khát vọng đó.
Thực tế cho thấy, chuyển đổi số đã và đang góp phần quan trọng, tạo đột phá mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, cũng như đời sống văn hóa - xã hội, dần trở thành xu thế không thể đảo ngược, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế và mỗi tổ chức, cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có. Vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đã thể hiện qua nhiều lợi ích mà người dân được thụ hưởng, trong đó có việc tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất, bình đẳng nhất với tất cả các dịch vụ của xã hội, tạo dựng một cuộc sống, môi trường sống hiện đại, văn minh và linh hoạt, nhưng cũng đồng thời đặt những thách thức, yêu cầu mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Bù Đốp Nguyễn Thị Hoài Thanh phát biểu tại Hội nghị tọa đàm về thực trạng và giải pháp chuyển đổi số trong công tác tuyên giáo tỉnh Bình Phước
Bù Đốp là huyện miền núi, biên giới, nằm ở phía bắc tỉnh Bình Phước; được thành lập theo Nghị định số 17/NĐ-CP, ngày 20/02/2003 của Chính phủ, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/5/2003. Toàn huyện có 86,376 km đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia; dân số trên 60 nghìn người, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 18% tổng dân số của huyện với 26 thành phần dân tộc từ mọi miền đất nước hội tụ, sinh sống, lập nghiệp.
Từ những đặc điểm, tình hình đó, nhận thức rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua Đảng bộ, chính quyền huyện Bù Đốp đã xây dựng và ban hành các văn bản để cụ thể hóa việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; đặc biệt, đã triển khai nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 của ban Chấp hành đảng bộ tỉnh; Kế hoạch 312/KH-UBND ngày 13/10/2021 của UBND tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của huyện.
Bên cạnh việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của huyện giai đoạn 2022-2025 và kế hoạch hàng năm đảm bảo chủ động, linh hoạt, khả thi. Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện về chuyển đổi số với VNPT Bình Phước giai đoạn 2022-2025 để thống nhất nội dung, phương thức, mục tiêu thực hiện; định kỳ tổ chức hội nghị sơ, tổng kết đánh giá hiệu quả thực hiện trên từng phương diện để ghi nhận kết quả, nhìn nhận những khó khăn, hạn chế và định hướng giải pháp tháo gỡ cho những năm tiếp theo. Đặc biệt, tận dụng tốt và sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích các nguồn lực ưu tiên chuyển đổi số từ nguồn thụ hưởng ngân sách của Trung ương, tỉnh và bố trí nguồn ngân sách huyện đảm bảo chuyển đổi số hàng năm và cả giai đoạn. Theo đó, tổng kinh phí huyện bố trí thực hiện chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025 là trên 23 tỉ đồng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư chuyển đổi số trên địa bàn huyện, tập trung vào 09 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025 gồm: Quản lý dân cư; Quản lý Tài nguyên – Môi trường; Quản lý Giáo dục; Quản lý Y tế; Quản lý Giao thông... Đến thời điểm hiện tại, Huyện đã bố trí trên 10 tỷ đồng để triển khai các dự án, lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số như: đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển mạng viễn thông, mạng internet rộng khắp; đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số cho các cơ quan, ban ngành đoàn thể huyện và các xã, thị trấn; xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả các phòng họp trực tuyến từ huyện đến xã đảm bảo liên thông 4 cấp; hoàn thành, đưa vào sử dụng hệ thống camera giám sát an ninh, giám sát phương tiện giao thông; thí điểm xây dựng trường học thông minh, bệnh viện thông minh… qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo nghị quyết lãnh đạo của huyện thời gian vừa qua.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm gắn với thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn huyện được xác định thời gian qua là phải tạo sự đột phá trong công tác tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của huyện.
Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ trên, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện phối hợp triển khai đồng thời, có trọng tâm, trọng điểm những nội dung sau:
Thứ nhất: Đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác thông tin tuyên truyền
Hiện nay, cơ sở hạ tầng, mạng viễn thông, mạng internet đã phủ rộng khắp đến các xã, thị trấn và các thôn, ấp, khu phố trong toàn huyện. Có 7/7 xã, thị trấn đều có dịch vụ mạng di động 4G chất lượng tốt và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng. Có 52/52 nhà văn hóa thôn, ấp, khu phố được kết nối mạng internet tại trụ sở ấp, đồng thời phủ sóng wifi cho người dân truy cập miễn phí, tạo thuận lợi cho hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở và hỗ trợ, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng số hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội số, công dân số.
Bên cạnh đó, huyện được tỉnh đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh kết nối mạng không dây 4G, 5G với 193 cụm loa với 495 Loa truyền thanh thông minh và hệ thống thông tin cơ sở (màn hình hiển thị lớn tại xã Thiện Hưng) kết nối hệ thống thông tin nguồn của tỉnh để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền trên địa bàn toàn huyện.
Hai là: Phát huy vai trò, trách nhiệm của các ngành, đoàn thể trong thúc đẩy chuyển đổi số gắn với tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân
Theo đó, Huyện ủy chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội huyện ký kết chương trình phối hợp đẩy mạnh chuyển đổi số với UBND huyện, giai đoạn 2023-2025 nhằm tăng cường hiệu ứng tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của các lực lượng đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân và thúc đẩy phong trào thi đua chuyển đổi số.
UBND huyện xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp tổ chức các đợt ra quân thực hiện đợt cao điểm 92 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển chính quyền số”; chiến dịch 90 ngày đêm triển khai mục tiêu "4 phủ" trên địa bàn huyện nhằm hỗ trợ, hướng dân người dân đủ điều kiện được cấp căn cước công dân, được kích hoạt định danh điện tử, sử dụng sim chính chủ kèm chữ ký số…
Chỉ đạo việc thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng thực hiện Đề án 06/CP ở các xã và Tổ Công nghệ số cộng đồng thôn/ấp với trên 450 thành viên. Đây là lực lượng nòng cốt trong triển khai, phối hợp và trực tiếp hướng dẫn người dân trong cài đặt, sử dụng các phần mềm, ứng dụng trên điện thoại di động, giúp người dân được tiếp cận, trải nghiệm và thụ hưởng các dịch vụ tiện ích và các giá trị mà chuyển đổi số mang lại.
Ba là: Tăng cường hoạt động truyền thông về chuyển đổi số thông qua tổ chức các lớp tập huấn
Từ năm 2022 đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với Sở Thông tin và Truyền Thông, các nhà mạng VNPT, Viettel tổ chức gần 20 lớp tập huấn, hướng dẫn cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước cách cài đặt, tạo, quản lý tài khoản và sử dụng các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các nhiệm vụ về chính quyền số như: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành, ký số, phần mềm họp không giấy, các hệ thống báo cáo trực tuyến… hướng dẫn người dân biết cách tải, cài đặt và sử dụng các phần mềm VneID, Binhphuoc Today, biết cách truy cập vào Cổng Dịch vụ trực tuyến để tạo và sử dụng tài khoản Dịch vụ công nộp hồ sơ và thanh toán trực tuyến, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ người khác cách đăng ký, sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công Bình phước trong giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công huyện và Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp xã mọi lúc, mọi nơi, trên máy vi tính và các thiết bị thông minh.
Bốn là: Nâng cao tính hiệu quả và lan tỏa thông tin tích cực trên các trang điện tử của huyện và các trang, nhóm do các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị thành lập
Hiện nay cấp huyện có 03 trang thông tin điện tử được thiết lập và hoạt động ổn định gồm: Trang thông tin điện tử của Huyện ủy, HĐND, UBND. 7/7 xã, thị trấn có trang điện tử được tích hợp với các trang thông tin điện tử của huyện và Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Hệ thống nhóm truyền thông Zalo cấp huyện, cấp xã và các thôn, ấp, khu phố được thiết lập nhằm trao đổi thông tin nội bộ và triển khai thực hiện các nhiệm vụ được tiện lợi, nhanh chóng.
Hệ thống trang fanpage của huyện, của các chi, đảng bộ, của các cơ quan, ban ngành, hội đoàn thể cấp huyện, cấp xã và thôn, ấp được thành lập trên nền tảng facebook để đăng tải thông tin tuyên truyền, đặc biệt trên trang facebook Bù Đốp ngày mới.Theo số liệu thống kê chỉ số đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số năm 2023 trên địa bàn huyện, có: 15.336/ 16.679 hộ dân được gắn địa chỉ số hỗ trợ công tác tìm kiếm, xác định thông tin tuyên truyền đến địa điểm mong muốn; 43.820/52.057 người dân từ 14 tuổi trở lên biết kỹ năng về công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Có 62.984 thiết bị thông minh/60.027 người chiếm 104,93 % và đều được cài ứng dụng Zalo, Facebook. Các thông số, dữ liệu trên cho thấy việc tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội sẽ mang lại hiệu quả rất cao.
* Đánh giá những hiệu quả chuyển đổi số mang lại trong thông tin, tuyên truyền nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện
- Đối với Chính quyền: Chuyển đổi số làm đa dạng hóa các kênh tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Nhà nước triển khai tuyên truyền dễ dàng hơn, giúp giảm chi phí, nhanh chóng, hiệu quả và tăng tính công khai, minh bạch. Nội dung cần tuyên truyền qua không gian mạng không bó hẹp mà được mở rộng góp phần nâng cao hiệu quả hiệu quả tuyên truyền nói chung và trong vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện nói riêng.
- Đối với lĩnh vực kinh tế: Người dân, Doanh nghiệp trong huyện nhận thức và hiểu rõ hơn về Kinh tế số và Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, qua đó giúp họ mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để thúc đẩy chuyển đổi số, tạo ra nhiều loại sản phẩm sạch, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Hiện Bù Đốp có 17 sản phẩm OCOP được cấp giấy chứng nhận, gán mã truy xuất nguồn gốc, mã vùng nguyên liệu, được tham gia các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hình thức hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông hộ, tham gia chuỗi liên kết giá trị, giúp người dân nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập; các loại hình dịch vụ, kinh doanh, mua bán online phát triển mạnh tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế và ổn định đời sống nhân dân.
- Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội: Chuyển đổi số đã giúp người dân theo dõi, cập nhật thông tin nhanh chóng, kịp thời, tiện lợi, nhất là trong giai đoạn Covid 19 đã hỗ trợ đắc lực trong việc tuyên truyền người dân về tình hình dịch bệnh và cách phòng tránh, vận động nhân dân quyên góp lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân vùng tâm dịch; công tác dạy và học online đã phát huy hiệu quả, chủ động thích ứng với đại dịch; hoạt động chia sẻ thông tin giữa nhà trường, gia đình và học sinh được kết nối, thiết lập giúp nâng cao hiệu quả quản lý, giáo dục học sinh; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chủ động hơn qua triển khai ứng dụng sổ sức khỏe điện tử để khai báo tình hình sức khỏe, giúp phòng, tránh và quản lý nguồn lây nhiễm dịch bệnh...
Đối với quốc phòng - an ninh: Việc đầu tư hệ thống camera an ninh, camera giao thông trên địa bàn huyện đã hỗ trợ tăng cường quản lý vi phạm an toàn giao thông, nhanh chóng sàng lọc đối tượng, rút ngắn thời gian điều tra, truy bắt tội phạm; hệ thống viễn thông hỗ trợ thông tin liên lạc nhanh chóng, chính xác cho lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện, nhất là lực lượng biên phòng quản lý đường biên giới, đảm bảo giữ vững biên cương của Tổ quốc.
Đó là kết quả cụ thể, nổi bật của quá trình triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số mang lại trong hoạt động thông tin tuyên truyền trên địa bàn huyện.
* Một số khó khăn, hạn chế
- Thứ nhất, việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn huyện thời gian qua chưa đáp ứng đồng bộ; hạ tầng viễn thông, internet cơ bản rộng khắp đến các thôn, ấp, khu dân cư của huyện song vẫn còn có khu vực vùng lõm sóng (ấp Bù Tam xã Hưng Phước, ấp Mười Mẫu xã Phước Thiện).
- Thứ hai, khả năng tiếp cận, ứng dụng và năng lực tham gia vận hành các phương thức truyền thông mới trong đội ngũ cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm công nghệ thông tin ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế nên chưa khai thác hết các tiềm năng lớn của không gian số hiện nay.
- Thứ ba, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân đã được huyện triển khai chủ động đến nhiều đối tượng nhưng cũng còn hạn chế nhất định do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan; trong đó vẫn còn một bộ phận người dân chưa thực sự quan tâm đến lợi ích chuyển đổi số mang lại, chưa có hoặc chưa biết sử dụng điện thoại thông minh trong khai thác các phần mềm, ứng dụng tiện ích…
- Thứ tư: Công tác phối hợp triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa của huyện có lúc, có nơi chưa nhịp nhàng, hiệu quả.
* Giải pháp thời gian tới:
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nói chung và tạo đột phá tuyên truyền trong vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số qua triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số thời gian tới, huyện sẽ tập trung khắc phục những hạn chế đã chỉ ra bằng những giải pháp cụ thể sau:
- Một là: Ưu tiên bố trí đảm bảo nguồn kinh phí để mở rộng, nâng cấp hạ tầng mạng viễn thông đến 100% thôn, ấp, khu phố đảm bảo không còn vùng lõm sóng; triển khai phủ sóng mạng 4G diện rộng và thí điểm mạng 5G ở khu vực trung tâm huyện nhằm phát huy tính ưu việt của tốc độ đường truyền trong kết nối internet vạn vật, kết nối hoạt động của con người với con người và con người với thiết bị thiết bị công nghệ: Đồng thời tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo hướng đồng bộ, hiện đại phục vụ tốt nhất cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và ứng dụng thực tiễn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
- Hai là: Đẩy mạnh thực hiện số hóa công tác thông tin tuyên truyền gắn với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ thông tin, nâng cao nhận thức, kỹ năng, kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ toàn huyện nói chung và cán bộ phụ trách công tác tuyên giáo, đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên…
- Ba là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng từ huyện đến cơ sở, nâng cao nhận thức của chính quyền và hệ thống chính trị toàn huyện về xu hướng chuyển đổi số là động lực, cơ hội lớn tạo đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nâng cao hiệu quả thông tin truyền thông đến người dân thực hiện các chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và nhiệm vụ chính trị tại địa phương nhằm chuyển hóa tư duy nhận thức sang ý thức hành động.
- Bốn là: Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp triển khai chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện, tổng kết đánh giá chương trình phối hợp chuyển đổi số giữa UBND huyện với các đoàn thể chính trị - xã hội; kết hợp đẩy mạnh các hình thức, phương pháp tuyên truyền truyền thống với hiện đại qua hoạt động thực tiễn bằng hoạt động cụ thể của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận công nghệ thông tin, hình thành thói quen và thay đổi nhận thức trong định hình và xây dựng xã hội số, công dân số.