CÓ THUỐC, BỆNH VẪN NẶNG
Theo các chuyên gia tâm lý cũng như ban giám hiệu nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, các trường hợp đánh nhau phần lớn là học sinh bậc THCS và THPT có độ tuổi từ 12-17. Đây là lứa tuổi mà tâm, sinh lý các em có nhiều thay đổi, suy nghĩ bồng bột, thích tự chứng tỏ bản thân, dễ bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, kích động, tâm lý có những nét bất ổn, đôi lúc bốc đồng, không kiểm soát được hành vi bản thân… nên dẫn đến nhận thức lệch lạc và hành động sai.
Đã có rất nhiều giải pháp, vô số “bài thuốc” được “kê đơn” cho căn bệnh mang tên bạo lực tuổi học trò. Tuy nhiên, xem ra những “đơn thuốc” này vẫn chưa đủ mạnh để chữa dứt điểm tình trạng này mà còn làm cho “bệnh” có dấu hiệu ngày càng nặng hơn.
“DẬY SÓNG” BẠO LỰC TUỔI HỌC TRÒ
Ngày 19-1-2022, một đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội Facebook về hình ảnh một nữ sinh bị đánh hội đồng xảy ra tại sân vận động huyện Bù Đăng. Trong clip có thể thấy, một cô gái trẻ bị 3 người khác lao vào đánh đấm liên tiếp. Một người nữ đi cùng can ngăn cũng bị nhóm người kia đánh. Vụ việc xảy ra dưới sự chứng kiến của rất nhiều người, tuy nhiên không một ai dám can thiệp. Bước đầu cơ quan chức năng xác định người bị đánh tên H, 17 tuổi, là học sinh của trường THPT trên địa bàn huyện Bù Đăng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mâu thuẫn, lời qua tiếng lại với nhóm 3 người cùng giới (đã nghỉ học) dẫn đến bị đánh hội đồng. Ngày 19-1, H đến Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng khám và được chẩn đoán tổn thương vùng đầu. Công an thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng đã vào cuộc xác minh, làm rõ vụ việc.
Tuyên truyền giáo dục pháp luật là một trong những giải pháp hạn chế bạo lực tuổi học trò. Trong ảnh: Công an huyện Lộc Ninh tuyên truyền pháp luật cho học sinh trên địa bàn
Gần đây nhất là vụ bạo lực tuổi học trò dẫn đến án mạng xảy ra ngày 19-2-2022 phía bên ngoài một trường THCS trên địa bàn huyện Phú Riềng. Vụ việc xảy ra khi học sinh vừa trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến tại nhà. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, khoảng 11 giờ 30 phút cùng ngày, khi em H (SN 2007, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng) vừa tan lớp thì bị một số người lạ mặt đứng trước cổng trường chặn lại dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu, sau đó một người trong nhóm rút dao bấm thủ sẵn đâm H khiến em tử vong do vết thương quá nặng. Ngay sau khi án mạng xảy ra, Công an huyện Phú Riềng và Công an xã Phú Riềng đã có mặt để phong tỏa hiện trường, đồng thời khẩn trương điều tra, làm rõ vụ án.
Trước đó, sáng 22-3-2021, trên mạng xã hội Facebook đăng tải một clip với tiêu đề “1 vụ đánh hội đồng ở Lộc Ninh. Nhờ công an vào cuộc”. Clip kéo dài hơn 1 phút, thể hiện 1 nữ sinh lớp 10 bị một số đối tượng nữ dùng gậy, mũ bảo hiểm đánh vào người, đầu. Ngay sau khi clip đăng tải đã có hàng ngàn lượt chia sẻ, hàng trăm lượt bình luận bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động côn đồ, xem thường pháp luật của nhóm người đánh hội đồng nạn nhân, đồng thời đề nghị công an vào cuộc.
Hay như tối 15-4-2020, mạng xã hội xuất hiện một clip có hơn 20 học sinh nữ đánh nhau, thu hút hàng ngàn lượt chia sẻ và bình luận. Sự việc được cho là xảy ra ngay chiều cùng ngày bên hông một trường THPT ở thị xã Phước Long. Hai nhóm học sinh la hét, túm tóc, dùng mũ bảo hiểm để đánh nhau. Hình ảnh trong clip cũng cho thấy, nhiều người hiếu kỳ chỉ đứng xem, ghi hình mà không có hành động can ngăn. Chính quyền địa phương cho biết, hành vi tụ tập đông người trong thời điểm “nóng” phòng, chống dịch Covid-19 là hoàn toàn không chấp nhận được, đã vậy còn đánh nhau gây mất an ninh, trật tự. Công an thị xã Phước Long đã xác minh làm rõ danh tính số học sinh này, đồng thời làm việc với phụ huynh cũng như các học sinh nữ để có biện pháp quản lý, giáo dục nghiêm túc hơn.
NGUYÊN NHÂN “TRỜI ƠI ĐẤT HỠI”
Dẫn lại một số vụ việc nêu trên để thấy rằng, bạo lực tuổi học trò đang là nỗi ám ảnh trong xã hội hiện nay. Ngoài những hành vi thô bạo, bất chấp luân thường đạo lý, pháp luật thì điều dễ nhận thấy phần lớn các vụ việc đều được giải quyết mâu thuẫn theo kiểu hội đồng. Đáng buồn hơn khi hầu hết nguyên nhân dẫn đến đánh nhau sau khi xảy ra đều được xác định là do mâu thuẫn cá nhân nhỏ nhặt. Một vài bình luận không thuận trên mạng xã hội, “cười đểu”, “nhìn đểu”... đều có thể khiến học sinh những tưởng “ăn chưa no, lo chưa tới” sẵn sàng ra tay hành xử với nhau, bất chấp mọi cấm đoán, can ngăn. Đây thực sự là kiểu hành xử thô bạo, thiếu văn minh, sự vô cảm đến nhói lòng của lứa tuổi học trò.
Nhờ thành lập đội, nhóm “mật” nên nhiều năm qua, Trường THCS&THPT Võ Thị Sáu không xuất hiện bạo lực tuổi học trò. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS&THPT Võ Thị Sáu, huyện Bù Gia Mập trong giờ học
Bạo lực không phải là hiện tượng mới, song thời gian gần đây lại xảy ra nhiều hơn trong lứa tuổi học trò, bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng hơn. Ngay cả khi dịch Covid-19 kéo dài, các em không đến trường để học trực tiếp, nhưng mâu thuẫn không vì vậy mà giảm đi. Nhu cầu được giao tiếp, được nói chuyện, được thể hiện và khẳng định mình cũng như nhu cầu than vãn hoặc “thả thính” trên các trang mạng xã hội dẫn đến mâu thuẫn, xích mích, nói xấu nhau trên các diễn đàn diễn ra sôi nổi hơn.
Đại diện Sở GD&ĐT cho biết, một số phụ huynh phản ánh, thời gian qua tại các cơ sở giáo dục có tình trạng học sinh hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích trong nhà vệ sinh. Đặc biệt, 1 học sinh trên địa bàn huyện Phú Riềng bị đánh tử vong sau khi tan học. Đây là vụ việc thương tâm cần nhanh chóng chấn chỉnh, khắc phục nhằm hạn chế mức thấp nhất tình trạng bạo lực tuổi học trò.
ĐỀ CAO VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU
Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác về các vụ bạo lực tuổi học trò hằng năm xảy ra trên địa bàn tỉnh. Nhưng theo Sở GD&ĐT Bình Phước, các vụ việc đánh nhau, gây thương vong gần đây đều xảy ra ngoài nhà trường và ngoài giờ học chính khóa. Tuy nhiên, dù hành vi bạo lực xảy ra ở trong hay ngoài nhà trường, Sở GD&ĐT đều đề nghị các cơ quan nhanh chóng điều tra và xử lý theo đúng pháp luật. Đối với học sinh vi phạm, đề nghị nhà trường xử lý nghiêm theo đúng điều lệ trường học.
Tình trạng bạo lực tuổi học trò hiện nay có chiều hướng gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp và trở thành vấn đề gây nhức nhối ngành giáo dục và toàn xã hội. Bạo lực tuổi học trò cũng trở thành điểm nóng đáng được quan tâm của nhiều phụ huynh, thầy cô và nhà trường, là nỗi trăn trở của toàn xã hội. Tiến sĩ Uông Thị Lê Na, chuyên gia tâm lý giáo dục |
Năm học 2021-2022, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên phần lớn thời gian học sinh học trực tuyến tại nhà. Tuy nhiên, khi cho học sinh học trực tiếp trở lại thời gian ngắn sau tết Nguyên đán, Sở GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn trường học, an toàn cho học sinh khi dạy học trực tiếp.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng đề nghị các cơ sở giáo dục tăng cường phối hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại trường; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Tăng cường công tác tư vấn tâm lý, đảm bảo an toàn, phòng, chống bạo lực tuổi học trò, ma túy, tai nạn thương tích cho học sinh trong các cơ sở giáo dục. Chủ động phát hiện các trường hợp học sinh bị bạo lực, có nguy cơ bị bạo lực tuổi học trò, bị xâm hại, có bị lôi kéo sử dụng các chất kích thích, gây nghiện… để có biện pháp phối hợp xử lý kịp thời. Đồng thời, làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, không thông tin kịp thời các vụ việc đến cơ quan chức năng để xem xét, xử lý.
Tác giả: BPO
Ý kiến bạn đọc
Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024
lượt xem: 87 | lượt tải:42Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực
lượt xem: 64 | lượt tải:35Hướng dẫn tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ X tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029
lượt xem: 439 | lượt tải:211