Báo động bạo lực tuổi học trò - Bài cuối

Thứ tư - 30/03/2022 22:59 629 0
Phải thẳng thắn nhìn nhận, bạo lực tuổi học trò không chỉ diễn biến phức tạp ở tỉnh Bình Phước mà đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều cơ sở giáo dục đã xây dựng và đề ra nhiều giải pháp, cách làm hay nhằm “dập tắt” những mối nguy cơ, mầm mống dẫn đến tình trạng bạo lực tuổi học trò.
Báo động bạo lực tuổi học trò - Bài cuối

ĐỂ BẠO LỰC KHÔNG CÒN “ĐẤT SỐNG”

TRĂM NGÀN LÝ DO

Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác đoàn, đội, nay là Phó hiệu trưởng Trường THCS&THPT Võ Thị Sáu, huyện Bù Gia Mập, thầy Ngô Văn Tám cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực tuổi học trò gia tăng thời gian gần đây là do học sinh sử dụng mạng xã hội quá nhiều dẫn đến tâm lý so sánh, ganh đua bạn với mình, mình với bạn. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các em phải thực hiện giãn cách, học trực tuyến thời gian quá dài dẫn đến tâm lý ức chế trong cuộc sống. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác xuất phát từ nhà trường, gia đình, xã hội, nhất là nhiều em chưa thường xuyên được giáo dục kỹ năng sống, tư vấn tâm lý về bạo lực tuổi học trò.

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh luôn là giải pháp làm “hạ nhiệt” tình trạng bạo lực tuổi học trò. Trong ảnh: Một tiết học giáo dục kỹ năng sống trong trường học trên địa bàn huyện Bù Đăng

Cùng quan điểm, thầy Lê Hồng Thân, Phó hiệu trưởng Trường THPT Phước Bình, TX. Phước Long cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến bạo lực tuổi học trò một phần là từ học trực tuyến quá dài. Học trực tuyến đã giải quyết được nhiều vấn đề trong đại dịch nhưng để lại hậu quả về tâm, sinh lý cho học sinh. Khi học sinh sử dụng thiết bị công nghệ quá nhiều dẫn đến nghiện game, mạng xã hội. Và một khi các em nghiện game sẽ ảnh hưởng lớn đến trí não, dẫn đến sự vô cảm, lạnh lùng, không làm chủ được bản thân, nói xấu nhau trên Facebook, xích mích nhau trong nhóm, lớp học. Ngoài ra, bạo lực tuổi học trò còn xuất phát từ lười học, ham chơi bời, bị kẻ xấu xúi giục, lôi kéo…

Trong khi đó, Tiến sĩ Uông Thị Lê Na, chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực tuổi học trò, trong đó gồm 2 nhóm nguyên nhân chính là khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng từ môi trường sống gia đình, cha mẹ, những người xung quanh… có hành vi bạo lực. Nguyên nhân chủ quan là do chính bản thân học sinh. 

Lứa tuổi bậc THCS, THPT thường suy nghĩ và hành động bồng bột nhất thời, những suy nghĩ còn chưa trưởng thành gây nên những vấn nạn đau đầu trong trường học. Cái tôi cá nhân luôn được đề cao, học sinh luôn làm theo những ý nghĩ và sở thích của chính mình; chưa làm chủ được bản thân nên dễ nghe lời khích từ bạn bè. Các em muốn được thể hiện mình, khẳng định mình, chứng tỏ mình. Không chỉ thế, trong khoảng thời gian này, học sinh còn dễ học hỏi từ văn hóa phẩm không lành mạnh. Những điều đó đã ảnh hưởng xấu đến tâm lý học sinh và dẫn đến nhiều vụ bạo lực tuổi học trò, gây hậu quả nghiêm trọng cho gia đình, nhà trường và xã hội.

NHỮNG CÁCH LÀM HAY TỪ CƠ SỞ

Khi được hỏi về tình trạng bạo lực tuổi học trò tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo các trường học đều thừa nhận có tình trạng xích mích, va chạm, tuy nhiên với mức độ lớn nhỏ, nặng nhẹ khác nhau. Nhưng quan trọng là cách xử lý, giải quyết như thế nào để tình trạng bạo lực tuổi học trò hạn chế tối đa trong các cơ sở giáo dục.

Lồng ghép vào các tiết chào cờ, sinh hoạt chủ nhiệm, giáo dục kỹ năng sống, trường mời lực lượng công an, quân đội đến tuyên truyền tác hại của nạn bạo lực tuổi học trò, Luật An ninh mạng... cho các em. Vì thế, các tệ nạn xã hội cũng như ẩu đả, đánh nhau giữa các em học sinh giảm hẳn trong trường học.

Thầy Lê Tân Khánh, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập

Trường THCS Lý Thường Kiệt, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập là ngôi trường vùng sâu, xa, có đông học sinh dân tộc thiểu số theo học, phần lớn các em đều ngoan, hiền. Tuy nhiên, không vì thế mà tình trạng xích mích, mâu thuẫn giữa các bạn không có. Thầy Lê Tân Khánh, Phó hiệu trưởng trường cho biết, khi trong trường có nguy cơ dẫn đến đánh nhau giữa các học sinh là nhà trường tìm giải pháp “dập tắt” ngay. Từ lâu trường đã quán triệt với học sinh về những vụ việc nhỏ vặt ở trường không được về nói lại với phụ huynh mà tìm mọi cách giải quyết, hòa giải ngay tại trường. Vì nếu phụ huynh chỉ nghe thông tin một chiều không đầy đủ và chính xác, sẽ làm lớn chuyện, không chỉ ảnh hưởng đến học sinh mà còn dẫn đến mâu thuẫn giữa phụ huynh với nhau. 

Dù hằng năm có hơn 1.700 học sinh theo học, lại đến từ nhiều địa bàn, thành phần dân tộc với phong tục, tập quán, lối sống khác nhau nhưng nhiều năm nay, Trường THPT Phước Bình chưa xảy ra tình trạng bạo lực học đường. Thầy Lê Hồng Thân, Phó hiệu trưởng trường cho biết: Để hạn chế tối đa bạo lực tuổi học trò, trường thành lập ban nền nếp học sinh kết hợp giáo viên chủ nhiệm, đoàn thanh niên và các tổ chức khác thường xuyên giáo dục kỹ năng sống, răn đe, xử lý kịp thời những vi phạm, xích mích, gây rối trong trường học. Đặc biệt, trường có đội tự vệ, thanh niên xung kích và một số lực lượng “tình báo” trong và ngoài trường thường xuyên nghe ngóng, nắm bắt thông tin và báo cáo “ngầm” với Ban giám hiệu để kịp thời ngăn ngừa và hòa giải những bất đồng xảy ra trong học sinh. 

GIẢI PHÁP ĐỂ “HẠ NHIỆT”

Là chuyên gia tâm lý giáo dục, Tiến sĩ Uông Thị Lê Na cho rằng, để giảm tình trạng bạo lực tuổi học trò hiện nay, đối với học sinh: Cần tập khả năng kiềm chế cảm xúc “Người giỏi là người giải quyết mọi việc bằng trí tuệ”. Tập khả năng “Chấp nhận những điều người khác nói về mình như là một góc nhìn của họ”. Tập khả năng phản hồi một cách văn minh. Tránh xa bạo lực, nói không với bạo lực (bạo lực thể chất và tinh thần). Nếu thấy hiện tượng bạo lực phải kịp thời báo ngay cho nhà trường, thầy cô giáo hoặc cơ quan có thẩm quyền để kịp thời can thiệp và xử lý. Hăng hái tham gia các hoạt động tình nguyện mà trường tổ chức nhằm tăng tính thiện và tính hướng thiện trong con người các em.

Đối với gia đình: Cha mẹ là tấm gương sáng về đạo đức cho các con, cần tạo ra một môi trường sống lành mạnh, yêu thương cho con. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nắm bắt tình hình học tập của con em mình.

Đối với giáo viên: Hiểu tâm lý học sinh. Giới thiệu cho các em những gương người tốt, việc tốt, người thực, việc thực. Thường xuyên quan tâm, theo dõi và nắm bắt tình hình học sinh trong lớp mình chủ nhiệm hoặc tham gia giảng dạy, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm và giáo viên tham gia dạy kỹ năng sống. Có biện pháp can ngăn, giáo dục kịp thời đối với hiện tượng có nguy cơ dẫn đến bạo lực. Tạo môi trường học tập, giảng dạy công bằng và yêu thương. Phối hợp với gia đình, nhà trường để quan tâm và hỗ trợ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của học sinh.

Đối với nhà trường: Xây dựng văn hóa ứng xử cho học sinh ngoan, xây dựng cẩm nang học sinh ứng xử văn minh; tích cực hoàn thiện bộ rèn luyện kỹ năng sống và đưa bộ môn dạy kỹ năng sống vào trường học. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền tác hại và cách phòng tránh bạo lực tuổi học trò trong và ngoài trường.

Tác giả: BPO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

112-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (01/5/1904-01/5/2024)

lượt xem: 104 | lượt tải:89

111-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954-21/7/2024)

lượt xem: 318 | lượt tải:155

109-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23/3/1975-23/3/2024)

lượt xem: 195 | lượt tải:110
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập144
  • Hôm nay28,089
  • Tổng lượt truy cập8,764,212
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây