Chương trình đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều của giáo viên cũng như các chuyên gia giáo dục đầu ngành, bởi lo ngại khi Lịch sử trở thành môn tự chọn, học sinh sẽ “quay lưng” với môn học này.
Trăn trở của giáo viên dạy Lịch sử
Cô Hoàng Thị Hải, giáo viên Trường THCS Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập có 17 năm dạy môn Lịch sử ở bậc THCS không khỏi chạnh lòng và lo lắng khi biết thông tin Lịch sử sẽ là môn học tự chọn. Theo cô Hải, Lịch sử là một trong những môn khoa học xã hội căn bản của chương trình giáo dục phổ thông. Đây là môn học không chỉ trang bị vốn kiến thức cần thiết về lịch sử dân tộc và thế giới mà còn góp phần quan trọng trong việc bồi dưỡng lòng yêu nước, tôn trọng các giá trị văn hóa nhân loại, ý thức trách nhiệm của công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vai trò, tầm ảnh hưởng lớn của môn Lịch sử là vậy nên cô Hải rất lo ngại học sinh sẽ “quay lưng” với môn học này khi đưa vào nhóm các môn học tự chọn. Bởi lẽ, đây không phải là lần đầu tiên môn Lịch sử được nhắc đến với sự lo ngại về việc bị “lãng quên” dần trong các trường học, mà một thực tế đã tồn tại ở bậc THPT, số học sinh lựa chọn môn Lịch sử xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng rất ít, nay lại đưa vào môn học tự chọn thì tỷ lệ học sinh học môn Lịch sử giảm hơn là điều đã được dự đoán. Cô Hải chia sẻ: “Để học sinh lựa chọn cũng đồng nghĩa với bản “tuyên án kết thúc” môn Lịch sử, bởi với học sinh đây là môn học “khó nhằn” với dày đặc những con số, sự kiện… Để học sinh đủ đam mê cần phải có thời gian thay đổi phương pháp, thay đổi chiến lược trong giáo dục bằng cách truyền đam mê cho học sinh, từ đó các em sẽ trở thành những người chủ động nghiên cứu lịch sử và rút ra bài học ứng dụng cho cuộc đời của mình”.
Cần phải thay đổi phương pháp dạy để giữ được niềm đam mê học môn Lịch sử của học sinh. Trong ảnh: Thông qua những hình ảnh minh họa, học sinh rất hào hứng với tiết học Lịch sử - Ảnh: Trương Hiện
Là người dạy môn Lịch sử lâu năm, thầy Nguyễn Văn Nga, giáo viên Trường THCS Đa Kia, huyện Bù Gia Mập nhận định, nguyên nhân khiến học sinh chưa yêu thích môn Lịch sử là khối lượng kiến thức quá nặng nề, học sinh rất khó để nhớ chi tiết các mốc sự kiện, nhiều mốc thời gian. Mặt khác, cách dạy sử hiện nay mới chú trọng đến việc ghi nhớ kiến thức, chứ chưa dạy cho học sinh tư duy lịch sử. Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng, đó là môn Lịch sử chỉ bó hẹp là môn thi vào các ngành xã hội, trong khi sức hút về cơ hội tìm kiếm việc làm những ngành này lại không như các khối ngành kinh tế. Thầy Nga trăn trở: “Lịch sử vốn không phải môn học gây hứng thú với đại đa số học sinh, khi đưa vào danh sách các môn tự chọn, ngoài những em theo ngành xã hội ở đại học, môn Lịch sử sẽ bị yếu thế so với các môn lựa chọn khác”.
…Và thay đổi cách tiếp cận
Thống kê từ các kỳ xét tuyển đại học, cao đẳng trước cho thấy, tỷ lệ học sinh chọn môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ luôn dẫn đầu, những ngành liên quan đến Lịch sử rất ít. Vậy làm gì để môn Lịch sử vẫn có chỗ đứng vững chắc trong hệ thống giáo dục? Đây không chỉ là trăn trở của giáo viên dạy Lịch sử mà còn là sự quan tâm của toàn xã hội. Theo cô Nga, muốn học sinh yêu thích môn Lịch sử thì phải thay đổi cách dạy sao cho hấp dẫn mới khơi gợi, giúp học sinh đam mê tìm tòi, khám phá và ham học. Khi đó, dù các em không chọn Lịch sử do định hướng nghề nghiệp nhưng vẫn tự tìm tài liệu lịch sử để đọc. “Hiện nay, các lĩnh vực đã ứng dụng công nghệ thông tin, do đó, trong mỗi tiết học Lịch sử nên lồng ghép nhiều hơn những hình ảnh minh họa để tạo sự hứng thú đối với học sinh. Giáo viên biến những tiết học Lịch sử không chỉ là quá khứ với những số liệu khô khan mà còn mang cả hơi thở cuộc sống, tạo điểm nhấn để học sinh hào hứng” - cô Trần Thị Hồng Nga, giáo viên Trường THCS Thác Mơ, thị xã Phước Long chia sẻ.
Song song với phần lý thuyết, tiết dạy Lịch sử của cô Nguyễn Thị Lý, giáo viên Trường THCS Tân Phú, thành phố Đồng Xoài đã lồng ghép chiếu phim tư liệu, hình ảnh minh họa tạo tính hấp dẫn, lôi cuốn học sinh khi được tiếp nhận những kiến thức. Theo cô Lý, thay vì trình bày diễn biến trận đánh bằng những đoạn văn mô tả, học sinh sẽ dễ nhớ hơn khi thể hiện sự kiện đó bằng bản đồ lịch sử, hình ảnh sinh động. Từ đó, tiết học đã mở rộng thêm nhiều kiến thức gần gũi với các em trong cuộc sống, việc liên hệ thực tế trở nên dễ dàng hơn, phong phú, hấp dẫn hơn rất nhiều. Cô Lý bày tỏ: “Khi mình dùng những hình ảnh, thước phim tư liệu trong dạy Lịch sử thì thu hút học sinh hơn, các em thích thú và ghi nhớ sự kiện dễ dàng hơn”.
“Em học các môn tự nhiên, lên lớp 10 em sẽ chọn nhóm khoa học tự nhiên. Môn tự chọn còn lại em vẫn chọn môn Lịch sử. Bởi kiến thức môn học này rất phong phú, nó bồi đắp cho em nhiều thông tin về lịch sử dân tộc, truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường của dân tộc Việt. Em nghĩ bậc THPT là giai đoạn học sinh cần được bồi đắp và tiếp thu tốt nhất lý tưởng cách mạng, nhất là qua học môn Lịch sử. Chính vì vậy không nên để đây là môn học tự chọn”. |
Em Sú Ngọc Trân, học sinh Trường THCS Đa Kia, huyện Bù Gia Mập |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” và việc học Lịch sử còn là để giúp các em biết về truyền thống dân tộc, thêm yêu quê hương, đất nước. Vậy nên, sự cần thiết hiện nay là làm thế nào để học sinh yêu thích môn Lịch sử, gắn bó với môn học này. Trong đó, phải thay đổi cách dạy, tiếp cận, đổi mới phương pháp, kỹ năng, chứ không phải đưa môn Lịch sử trở thành môn học lựa chọn để học sinh nào thích và có khả năng thì đăng ký học, số còn lại thì lơi lỏng, thờ ơ với lịch sử dân tộc, lịch sử nhân loại.
Tác giả: BPO
Ý kiến bạn đọc
Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024
lượt xem: 60 | lượt tải:33Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực
lượt xem: 41 | lượt tải:29Hướng dẫn tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ X tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029
lượt xem: 401 | lượt tải:196