Tại Trung Quốc, một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới, bạo lực học đường luôn là vấn đề nhức nhối, thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Những năm gần đây, việc thiết kế, thí điểm và nhân rộng thực hiện mô hình “phó hiệu trưởng pháp chế” góp phần không nhỏ vào phòng, chống vấn nạn này.
Bạo lực học đường diễn ra khá phổ biến ở các địa phương của Trung Quốc. Mới đây, video quay cảnh một bé gái 13 tuổi bị nhiều bạn nữ bắt nạt trong trường học, chọc dị vật vào tai, mắt, gây tổn thương không thể phục hồi ở tỉnh Hải Nam nhận sự chú ý lớn của dư luận Trung Quốc. Do những người tham gia vụ việc đều là trẻ vị thành niên, cơ quan công an đã chỉ xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật và yêu cầu các phụ huynh quản lý con nghiêm khắc hơn.
Tranh tuyên truyền về vai trò của gia đình, nhà trường và cơ quan pháp luật trong phòng, chống bạo lực học đường tại Trung Quốc. (Ảnh: Sohu.com)
Những vụ việc như vậy không phải là cá biệt, mà xảy ra ở hầu hết các địa phương, ở các cấp từ tiểu học đến trung học, cả nam và nữ, với tính chất và mức độ khác nhau, có trường hợp dẫn đến thương tích nặng, thậm chí gây tàn phế suốt đời hoặc tử vong.
Bạo lực học đường liên tiếp xảy ra, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của thanh thiếu niên, mà còn tác động tiêu cực đến quản trị trường học và hoạt động dạy học. Một thống kê của Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn Tư pháp Trung Quốc tiến hành cho thấy, 57,5% vụ việc bạo lực học đường là cố ý gây thương tích, trong đó 88,74% vụ việc dẫn đến thương vong cho người bị hại.
Một trường tiểu học ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc tổ chức cho học sinh ký tên, thể hiện quyết tâm "nói không với bạo lực, xây dựng nhà trường hài hòa". (Ảnh: meipian.cn)
Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu về hiện đại hóa quản trị giáo dục thuộc Đại học Sư phạm Hoa Trung đối với hơn 10.000 học sinh ở hơn 130 trường tiểu học và trung học ở Trung Quốc, tỷ lệ bắt nạt học đường cao tới 32,4%. Trong đó, bắt nạt bằng các mối quan hệ tiêu cực là 10,5%, bắt nạt bằng lời nói là 17,4%, bắt nạt về thân thể là 12,7%, bắt nạt trên mạng là 6,8%. Bạo lực học đường đến từ nhiều nguyên nhân, như thiếu sự giáo dục của gia đình, nhà trường không thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo vệ học sinh, việc giám sát và quan tâm của xã hội đối với người vị thành niên còn chưa đầy đủ...
Theo phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc, ngoài việc hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật liên quan phòng, chống bạo lực học đường như: Chương trình hành động xử lý tình trạng bạo lực học đường của Văn phòng Ủy ban Giám sát giáo dục Quốc vụ viện (Chính phủ), Hướng dẫn phòng, chống tình trạng bạo lực và bắt nạt trong học sinh tiểu học và trung học của 9 bộ, ngành Trung ương; Luật Bảo vệ người vị thành niên, Luật phòng, chống người vị thành niên phạm tội...; những năm gần đây, các địa phương ở Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện mô hình phó hiệu trường pháp chế, theo đó mời các chuyên gia trong các cơ quan bảo vệ pháp luật như: tòa án, viện kiểm sát, công an, tư pháp... kiêm nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng phụ trách kỷ luật và pháp chế của trường học.
Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành quy chế tuyển dụng và quản lý
Phó Hiệu trưởng pháp chế tại các trường tiểu học và trung học,
xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn chặn bạo lực học đường.
Ông Vương Đại Tuyền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp quy Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết, chức danh Phó Hiệu trưởng pháp chế có thể phát huy vai trò rất quan trọng trong phòng, chống bạo lực học đường, như: phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là giáo dục phòng, chống bạo lực học đường với vai trò chuyên gia trong các cơ quan bảo vệ pháp luật; giám sát và định hướng nhà trường xây dựng và thực hiện các nội quy dựa trên quy định pháp luật về bảo vệ người vị thành niên; kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi bạo lực học đường, phát hiện các nguy cơ tiềm tàng để xử lý sớm nhất; tham gia xác định tính chất vụ việc bạo lực học đường theo quy định, trên cơ sở phát huy tính chuyên môn trong công việc, giúp xử lý các vụ việc khách quan, công bằng hơn, từ đó giúp giáo dục người vị thành niên có hành vi bạo lực học đường.
Một thẩm phán ở thành phố Hải Khẩu, Trung Quốc tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường trong vai trò Phó Hiệu trưởng pháp chế. (Ảnh: thepaper.cn)
Đến nay, hầu hết các trường học ở Trung Quốc đều có Phó Hiệu trưởng pháp chế với một trong các chức năng chính là phòng, chống bạo lực học đường. Ngoài công tác quy hoạch, xây dựng các chương trình, biện pháp phòng, chống bạo lực học đường, người đảm nhận chức danh này còn định kỳ lên lớp, thực hiện phổ biến và giáo dục pháp luật thông qua phân tích các vụ việc điển hình, truyền tải các kiến thức, kỹ năng liên quan phòng, chống bạo lực học đường cho giáo viên và học sinh, góp phần quan trọng vào việc ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường tại Trung Quốc.
Một buổi học “Nói không với bạo lực học đường” do Phó Hiệu trưởng pháp chế lên lớp tại huyện Lâm Tuyền, tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh: Fuyang)
Đại diện Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết, thời gian tới, việc đào tạo và xây dựng đội ngũ Phó Hiệu trưởng pháp chế sẽ trở thành chương trình quốc gia, với việc đổi mới phương thức, đa dạng hóa nội dung, nâng cao hiệu quả đào tạo, bảo đảm cho người đảm nhận chức danh này có đóng góp thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực quản trị trường học, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người vị thành niên.
Từ lâu, bạo lực học đường là một trong những vấn đề rất được quan tâm ở Nga. Nhằm hạn chế vấn nạn này, nhiều sáng kiến đã được đưa ra. Đáng chú ý là việc thành lập tổ hòa giải tại các trường học, hoạt động với phương châm giải quyết mâu thuẫn trên tinh thần xây dựng.
Anhia đến giờ vẫn nhớ như in ngày bị truy lùng tại trường vì những hiểu lầm và bịa đặt. Cho rằng Anhia đã xúc phạm mình, một nữ sinh cùng nhóm bạn đã hăm dọa, đẩy Anhia ngã xuống sàn khiến cô choáng váng. Trước đó, Anhia cũng đã nhiều lần bị bắt nạt. Cô và các học sinh khác bị trêu chọc, miệt thị ngoại hình. Nhiều hôm Anhia dàn dụa nước mắt từ trường về nhà.
Chuyện Anhia bị xô ngã, cùng những mâu thuẫn trong trường đến tai người lớn. Giáo viên chủ nhiệm và mẹ của Anhia quyết định nhờ đến tổ hòa giải. Nhóm đã cố gắng làm việc với những đứa trẻ, để chúng tự nhận ra lỗi lầm và tự thoát ra những mâu thuẫn. Nhằm giải quyết triệt để vấn đề, cả lớp Anhia đã cùng tham gia các vòng hòa giải.
Sau lần đó, Anhia thay đổi khá nhiều. Cô cố gắng làm “cầu nối hòa bình” giữa các bạn trong lớp và quyết định tham gia tổ hòa giải của trường. Cô được đào tạo một thời gian trước khi trở thành thành viên chính thức của nhóm.
Có quá sớm không để một cô gái 15 tuổi tham gia giải quyết những vấn đề nghiêm túc? Trả lời câu hỏi này, Anhia thổ lộ, việc bị bắt nạt hồi học lớp 5 đã khiến bản thân trưởng thành sớm hơn về mặt tâm lý. Cô cho rằng, các tổ hòa giải là cần thiết, để trẻ em kịp thời thoát khỏi những rắc rối mà không phải “rời bỏ tuổi thơ” quá sớm.
Học sinh trước giờ vào học tại một ngôi trường ở thủ đô Moskva của Nga. (Ảnh: THANH THỂ)
Cũng như ở nhiều địa phương khác, tổ hòa giải trong trường của Anhia ở thủ đô Moskva là một nhóm gồm thầy cô, phụ huynh và học sinh, được đào tạo về phương pháp hòa giải và có nhiệm vụ giải quyết các mâu thuẫn bằng các giải pháp mang tính xây dựng, đồng thời thúc đẩy tinh thần đoàn kết trong trường. Mục tiêu chính là khôi phục các mối quan hệ.Theo phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Nga, việc tổ chức các nhóm hòa giải đã được triển khai ở Nga hơn 20 năm. Tại nhiều khu vực, hàng trăm nhóm hòa giải được thành lập. Ở thủ đô Moskva, đông đảo giáo viên được đào tạo để phát triển phong trào. Với sự hỗ trợ của Sở Giáo dục, các chuyên gia về hòa giải của thành phố đến tận trường để tổ chức hội thảo, chia sẻ bài học. Những người có kinh nghiệm về giải quyết mâu thuẫn được cử đến các trường để xử lý những tình huống khó khăn nhất.
Thông thường, để giải quyết mâu thuẫn, các tổ hòa giải sử dụng gói giải pháp xử lý vụ việc trong bầu không khí an toàn; tương tác với từng người mà không dùng áp lực hay đe dọa; chữa lành tinh thần cho nạn nhân thông qua đối thoại cởi mở và sự ăn năn của người phạm lỗi; vạch kế hoạch hành động để không lặp lại mâu thuẫn; khôi phục tinh thần cảm thông giữa các bậc phụ huynh…
Sau thời gian hoạt động, các tổ hòa giải ngày càng lấy được niềm tin từ các bậc cha mẹ. Bà Tamara Karpenko có con gái lớn tham gia tổ hòa giải của trường. Bà cho biết, trong quá trình giảng hòa, phụ huynh cũng tham gia xây dựng lại các mối quan hệ. Tổ hòa giải đã giúp các bậc cha mẹ lắng nghe nhau và nhìn con họ một cách công bằng, không bao che. Nhóm cũng đề xuất giáo viên, phụ huynh và học sinh chịu trách nhiệm trong tình huống cần đưa ra quyết định chung, có lợi cho tất cả các bên. Mỗi người tham gia đều có cơ hội nói và được lắng nghe.
Tổ hòa giải là nhóm thúc đẩy sự thỏa hiệp, tìm cách hợp tác
giữa các bên, giải quyết mâu thuẫn có tính đến lợi ích của
mọi người, bất kể tuổi tác và địa vị.
Nhà tâm lý học Daria Zakharova tin rằng, cả trẻ em và người lớn cần hiểu rằng, tổ hòa giải không phải là cơ quan phán xét và trừng phạt. Đây là nhóm thúc đẩy sự thỏa hiệp, tìm cách hợp tác giữa các bên, giải quyết mâu thuẫn có tính đến lợi ích của mọi người, bất kể tuổi tác và địa vị. Theo chuyên gia, điều quan trọng là giải thích cho trẻ hiểu rằng, việc yêu cầu giúp đỡ không có gì đáng xấu hổ, cũng không phải biểu hiện của sự yếu đuối và hèn nhát. Khả năng giải quyết mâu thuẫn, lắng nghe người khác và truyền đạt quan điểm cũng là những kỹ năng quan trọng của học sinh mà nhà trường cần chú trọng.
Theo kết quả khảo sát năm 2019 của UNICEF về tình trạng bạo lực trẻ em tại Lào, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, cứ mỗi sáu trẻ em dưới 18 tuổi tại Lào thì có một em từng chứng kiến bạo lực thân thể trong gia đình. Đối với bạo lực thân thể trong cộng đồng, con số này tăng lên tới hơn 33,3%.
UNICEF trích dẫn số liệu từ Khảo sát toàn cầu về tình trạng sức khỏe học sinh trong các nhà trường (thực hiện năm 2015) cho biết, 19% học sinh Lào tuổi từ 13 đến 15 phản ánh bị bắt nạt hơn một lần trong khoảng thời gian 30 ngày, hoặc hơn một lần có liên quan các vụ ẩu đả trong vòng 12 tháng.
Để ngăn ngừa và chấm dứt tình trạng bạo lực trong trường học, UNICEF và các đối tác kêu gọi hành động khẩn cấp trong các lĩnh vực như: thực thi các chính sách và pháp luật để bảo vệ học sinh khỏi bạo lực trong trường học; tăng cường các biện pháp phòng ngừa và ứng phó trong trường học; thúc giục các cộng đồng và cá nhân tham gia cùng học sinh khi các em lên tiếng về bạo lực và nỗ lực thay đổi văn hóa của lớp học cũng như cộng đồng; đầu tư có mục tiêu và hiệu quả hơn vào các giải pháp đã được chứng minh giúp học sinh và trường học được an toàn; thu thập dữ liệu tốt hơn, phân tách về hành vi bạo lực đối với trẻ em trong và chung quanh trường học và chia sẻ những gì mang lại hiệu quả.
Bên cạnh đó, UNICEF cũng khuyến khích những người trẻ tuổi
lên tiếng nhằm chấm dứt bạo lực trong trường học, cũng như
đóng góp các ý kiến, giải pháp để chấm dứt hoàn toàn bạo lực
trong và chung quanh trường học.
Theo phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Lào, phát biểu khai giảng năm học 2022-2023, Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Lào Phouth Simmalavong nhấn mạnh, điều quan trọng là các em học sinh phải tập trung học tập, nghiên cứu, rèn luyện để phát triển các phẩm chất tốt, thực hiện nghiêm các quy định của nhà trường, thi đua học tốt, sử dụng thời gian rảnh một cách có ích, tránh xa các tệ nạn, đặc biệt là ma túy.
Phó Thủ tướng Lào Kikeo Khaykhamphithoune, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, bà mẹ và trẻ em Lào cho biết, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia 5 năm của Chính phủ, chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới, chương trình hành động quốc gia về bà mẹ và trẻ em, chương trình hành động quốc gia phòng ngừa và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (giai đoạn 2021-2025) của Lào đều tập trung nhấn mạnh vào các chiến lược bảo trợ xã hội và ngăn ngừa lao động trẻ em. Điều đó thể hiện cam kết của Chính phủ Lào trong việc thúc đẩy quyền trẻ em và trao quyền cho phụ nữ trẻ đóng vai trò quan trọng hơn trong cuộc sống.
Lào thực hiện cơ chế Báo cáo cấp nhà nước định kỳ về thực hiện Công ước về quyền trẻ em (CRC), với sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà ước, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, bà mẹ và trẻ em Lào (NCAWMC) và UNICEF. Một loạt các cuộc tham vấn về trẻ em và thanh thiếu niên trên khắp cả nước được tiến hành sau khi quy trình báo cáo bắt đầu được triển khai vào năm 2021.
Các nữ học sinh Lào với khẩu hiệu chấm dứt tình trạng bạo lực với trẻ em. (Ảnh: UNICEF)
Theo bà Chongchith Chantharanonh, Phó Thư ký Thường trực NCAWMC cho biết, ý kiến đóng góp của những người trẻ có thể giúp Chính phủ Lào xây dựng các chương trình và chính sách hòa nhập nhằm hỗ trợ mọi trẻ em phát huy hết tiềm năng. Nhấn mạnh sự tham gia của trẻ em là một trong những nguyên tắc cốt lõi của CRC, bà Chongchith Chantharanonh cho rằng các cuộc tham vấn của CRC cung cấp một diễn đàn cho trẻ em có hoàn cảnh khác nhau tự do bày tỏ quan điểm về các vấn đề liên quan đến chúng và tham gia vào quá trình ra quyết định.
Bên cạnh đó, Chính phủ Lào cũng thường xuyên tổ chức các diễn đàn với sự tham gia của trẻ em. Diễn đàn Trẻ em Lào năm 2022 quy tụ các đại diện trẻ từ khắp nơi trên cả nước. Diễn đàn đã chia sẻ và thảo luận về những thách thức chính mà trẻ em và thanh niên trong nước phải đối mặt, như đại dịch Covid-19, tai nạn giao thông, mạng xã hội và tảo hôn.
Cần sự phối hợp
của tất cả các bên liên quan
Từ đầu năm 2023, khi các trường học ở Thái Lan bắt đầu mở cửa đón học sinh trở lại học tập bình thường sau đại dịch, vấn đề bạo lực học đường cũng nóng trở lại. Chỉ trong hai tháng đầu năm, báo chí và mạng xã hội ở Thái Lan liên tiếp đưa tin về một số vụ bạo lực học đường nghiêm trọng, gây xôn xao dư luận.
Tháng 1/2023, tại tỉnh Buriram, một học sinh trung học sau khi bị bạn cùng lớp chế giễu, cô lập và quấy rối, đã nhảy xuống sông tự tử. Tiếp theo đó, một học sinh ở tỉnh Songkhla đã cố tự sát bằng cách nhảy từ tầng bốn của trường học và bị thương nặng. Mẹ học sinh này tin rằng nguyên nhân khiến con bà hành động như vậy là do đã bị các bạn khác bắt nạt.
Tại tỉnh Chachoengsao, một học sinh lớp 7 bị một số bạn học cùng lớp đe dọa và tống tiền bằng một đoạn video clip. Cha của học sinh này đã thông báo vụ việc tới giáo viên chủ nhiệm nhưng giáo viên này đã bỏ qua và nói rằng đó chỉ là xung đột nhỏ của trẻ con.
Chung tay chấm dứt bạo lực đối với trẻ em. (Nguồn: end-violence.org)
Năm 2018, Cục Sức khỏe tâm thần thuộc Bộ Y tế Thái Lan ước tính có khoảng 600.000 học sinh Thái Lan bị bắt nạt ở trường học. Con số này tương đương 40% tổng số học sinh trên cả nước, cao thứ hai thế giới, chỉ sau Nhật Bản. Một nghiên cứu gần đây do cơ quan này thực hiện cũng cho thấy, hơn 50% số thanh thiếu niên thừa nhận có dính líu tới các hình thức bạo lực trên mạng.
Trong khi đó, theo kết quả một cuộc khảo sát do Mạng lưới Luật sư vì trẻ em và thanh thiếu niên thực hiện năm 2020 với sự tham gia của các học sinh trong độ tuổi 10-15 từ 15 trường học trên toàn quốc, có tới gần 92% số em đã từng bị bắt nạt và khoảng 69% cho rằng bắt nạt là một hình thức bạo lực. Trong số đó, có 35% số em nói rằng đã bị bắt nạt ít nhất từ một đến hai lần trong một học kỳ, trong khi 25% nói rằng đã phải chịu đựng ít nhất từ ba đến bốn lần bị bạn bè bắt nạt mỗi tuần.
Bà Chosita Pavasuthipaisit, chuyên gia của Viện Phát triển trẻ em Rajanagarindra thuộc Bộ Y tế Thái Lan đánh giá, tình trạng bắt nạt trong trường học trên đà gia tăng, trong khi giáo viên tại các trường không biết cách giải quyết vấn đề một cách rốt ráo.
Theo phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Thái Lan, để giải quyết nạn bạo lực học đường hiện nay ở Thái Lan, Tiến sĩ Chosita Pavsuthipaaisit cho rằng, cần có sự hợp tác của tất cả các bên liên quan. Từ các cơ quan định hướng chính sách trực tiếp tham gia như: Bộ Giáo dục, Cục Sức khỏe Tâm thần, Bộ Y tế Công cộng, các thầy cô giáo viên cho đến các bậc phụ huynh.
Mạng lưới luật sư vì Trẻ em và Thanh thiếu niên kêu gọi xã hội Thái Lan thiết lập một quá trình giáo dục đúng chuẩn, trau dồi cho các em kiến thức về tôn trọng quyền về thân thể con người và tôn trọng lẫn nhau từ gia đình đến trường học và ngoài xã hội. Bộ Giáo dục cũng cần chú trọng đến vấn đề bạo lực học đường và xây dựng một kênh thông tin để các học sinh có thể chia sẻ thông tin, tìm kiếm sự hỗ trợ một cách thân thiện và bảo đảm được sự riêng tư.
Mặc khác, nếu các vụ bạo lực học đường có nguy cơ trầm trọng hơn thì cần áp dụng Đạo luật Bảo vệ trẻ em năm 2003 để giải quyết sự việc. Đối với vấn đề này, với các cơ chế sẵn có và nhân nhân lực phân bổ trong cả nước, Bộ Phát triển xã hội và an ninh con người Thái Lan phải đẩy nhanh việc thiết kế mô hình, quá trình giải quyết vấn đề để có một hệ thống chuẩn, với sự chung tay của các tổ chức phi chính phủ và tổ chức bảo vệ trẻ em.
Trong khi đó, các trường học cần giáo dục học sinh về nạn bạo lực học đường và tác động của nó đồng thời có các hoạt động tư vấn cho các nạn nhân, khuyến khích học sinh lên tiếng nếu bị bắt nạt, hoặc chứng kiến các vụ bạo lực học đường.
Các bậc cha mẹ cần hợp tác chặt chẽ với nhà trường, thầy cô giáo để tạo ra môi trường học tập an toàn tại gia đình bằng cách giám sát các hoạt động trên mạng và nâng cao nhận thức của con về sự thông cảm và tôn trọng đối với các người khác. Đặc biệt, phụ huynh cần xây dựng mối quan hệ tốt và lắng nghe con tâm sự một cách cởi mở. Nếu trẻ rơi vào hoàn cảnh bị bắt nạt, cha mẹ không được để trẻ một mình đấu tranh với vấn đề này.
Bạo lực học đường
là một hành vi phạm tội
Luật phòng chống bạo lực học đường của Pháp quy định, hành vi bắt nặt và bạo lực học đường có liên quan học sinh, sinh viên hoặc giáo viên, cán bộ và nhân viên trường học, đều phải bị xử lý theo quy định.
Đối với chủ thể của hành vi bạo lực học đường là trẻ vị thành niên dưới 13 tuổi, nguy cơ bị phạt tù là không có, tuy nhiên học sinh này sẽ được gửi trả về cho phụ huynh hoặc người giám hộ hợp pháp, được tiếp cận với biện pháp khuyên răn và tư vấn từ chuyên gia tâm lý, đôi khi là cả những biện pháp quản chế như cảnh cáo nghiêm khắc, tịch thu đồ vật hoặc cấm gặp một số người trong tối đa 1 năm.
Đối với các học sinh từ 13 đến dưới 18 tuổi có hành vi vi phạm bạo lực học đường phải chịu án tù 6 tháng và 7.500 euro tiền phạt. Với những người trên 18 tuổi, hình phạt này sẽ tăng lên 1 năm tù và 15.000 euro tiền phạt. Ngoài ra, với từng mức độ của hậu quả do hành vi bạo lực học đường gây ra sẽ có từng quy định khác nhau về mức xử phạt.
Hòa giải xã hội tại trường học ở Pháp. (Nguồn: Shutterstock.com)
Những biện pháp trừng phạt này cũng được áp dụng khi sự việc tiếp diễn, ngay cả khi nạn nhân hay chủ thể của hành vi đó có đang còn học tập, làm việc trong phạm vi môi trường sư phạm đó hay không.
Kèm theo đó, người vi phạm sẽ bị đưa đi cải tạo nhận thức về những rủi ro liên quan hành vi bắt nạt, bạo lực học đường. Cùng với đó, các thiết bị điện tử như điện thoại di động và máy tính được sử dụng để thực hiện các hành vi bắt nạt, bạo lực học đường có thể bị thu giữ.
Bên cạnh các quy định pháp luật, các cơ quan quản lý giáo dục ở Pháp triển khai nhiều chương trình cụ thể nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh, giáo viên và phụ huynh, tăng cường sự hiện diện và hợp tác giữa các bên liên quan, thúc đẩy môi trường học đường tích cực.
Video với tựa đề “Và nếu người kia là bạn?”, được thực hiện bởi các học sinh thuộc Câu lạc bộ “Không gian giới trẻ” của trường cấp hai Louis Braille ở thành phố Esbly, đã xuất sắc giành chiến thắng trong cuộc thi làm phim tuyên truyền “Nói không với bạo lực học đường” năm học 2021-2022 dành cho toàn bộ học sinh, sinh viên trên khắp nước Pháp. Đoạn clip được phát rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và tại các trường học, sơ cở giáo dục.
Được thành lập năm 2015, Ngày quốc gia Chống bắt nạt học đường diễn ra hằng năm vào ngày thứ Năm đầu tiên sau ngày nghỉ lễ Tous-Saints. Ngày này là cơ hội để trường học và các đối tác tổ chức các sự kiện như hội thảo, triển lãm, giao lưu nghệ thuật, diễn kịch,… ở trường hoặc tại địa phương.
Kể từ năm 2015, Bộ Giáo dục quốc gia Pháp đã thông qua kế hoạch đào tạo chính các học sinh trở thành những “đại sứ phòng, chống bạo lực học đường và bắt nạt trên không gian mạng”. Cách tiếp cận này đã có những kết quả đáng kể, do học sinh được đóng vai trò chủ động và phát huy tinh thần công dân có trách nhiệm trong công tác tuyên truyền và phòng ngừa vi phạm.
Tổng đài 3020 là đường dây nóng hoàn toàn miễn phí để lắng nghe, tư vấn và hướng dẫn các nạn nhân. Với sự đồng ý của những người liên quan, các tình huống bạo lực học đường sẽ được chuyển đến các chuyên gia và nhân sự phụ trách của hệ thống giáo dục quốc gia thông qua ứng dụng bảo mật do chính quyền cung cấp.
3018 - Đường dây nóng phản ánh tình trạng bắt nạt trên không gian mạng
Kể từ ngày 13/4/2021, đường dây nóng miễn phí 0800 200 000 được đổi thành 3018, được điều hành bởi hiệp hội e-Enfance, nền tảng nhằm ngăn chặn kịp thời và hiệu quả các hình thức bạo lực kỹ thuật số có liên quan trẻ em và thanh thiếu niên
Bên cạnh đó, kể từ tháng 4/2022, người dân cũng có thể gửi phản ánh trực tiếp lên hệ thống của Bộ Giáo dục quốc gia thông qua ứng dụng di động do Bộ này phát hành.
Nỗ lực
tìm biện pháp phù hợp
Số vụ bắt nạt học đường ở Hàn Quốc gia tăng nhanh trong vòng 10 năm qua. Năm 2013, Hàn Quốc ghi nhận 11.749 báo cáo về bạo lực học đường, con số này tăng hơn gấp đôi vào năm 2019, với 31.130 trường hợp được báo cáo. Trong đó, 50% số vụ được báo cáo là bạo lực thể xác. Đáng chú ý, theo thời gian, các trường hợp bạo lực bằng lời nói, giam giữ, ép buộc và bạo lực tình dục cũng gia tăng.
Tình trạng bạo lực học đường gia tăng tại Hàn Quốc. (Nguồn: www.koreatimes.co.kr)
Hình phạt của Hàn Quốc đối với nạn bắt nạt học đường được chia thành 9 cấp độ: Cấp độ 1 nhẹ nhất - buộc xin lỗi cho nạn nhân bằng văn bản. Cấp độ 6 và cấp độ 7 - bị đình chỉ học và buộc chuyển lớp. Cấp độ 8 - chuyển trường và cấp độ 9 - thôi học. Từ năm 2016 đến 2019, trong số những học sinh bị trừng phạt vì hành động của mình, 73.912 trường hợp (29,25%) đã xin lỗi bằng văn bản. 46.194 trường hợp cần giáo dục đặc biệt hoặc điều trị tâm lý. 625 trường hợp (0,25%) bị đuổi học.
Ngày 22/2/2023, Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố, các trường học ở nước này bắt đầu lưu giữ hồ sơ về những kẻ bắt nạt học đường từ cấp độ 8 trở lên trong hai năm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người Hàn Quốc tỏ ra không hài lòng, đặc biệt là vì hồ sơ của tất cả các vụ bắt nạt, bạo lực học đường có thể được xóa sau khi tốt nghiệp hai năm. Các nạn nhân phải chịu nỗi đau và chấn thương kéo dài do bị bắt nạt, trong khi kẻ bắt nạt có thể có một khởi đầu mới.
Theo kết quả khảo sát toàn quốc về các hành vi rủi ro đối với thanh thiếu niên do Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) của Mỹ thực hiện năm 2019, khoảng một phần năm học sinh trung học cho biết từng bị bắt nạt trong khuôn viên trường. Khoảng 8% học sinh trung học từng đánh nhau trong khuôn viên trường ít nhất một lần trong vòng 12 tháng trước khi tham gia khảo sát. Khoảng 9% học sinh trung học đã không đến trường ít nhất một ngày trong 30 ngày trước khi tham gia khảo sát vì cảm thấy không an toàn ở trường, trên đường đến trường hoặc về nhà.
Các nhà quản lý giáo dục và hội đồng trường trên toàn nước Mỹ
đang tích cực thử nghiệm các biện pháp khác nhau để cải thiện
mức độ an toàn của trường học.
Biện pháp ngăn chặn bạo lực đầu tiên mà nhiều trường nghĩ tới là ban hành các quy định về kỷ luật đối với các hành vi bạo lực. Nhiều trường học tại Mỹ áp dụng chính sách không khoan nhượng đối với bạo lực súng đạn trong nhà trường. Tại Khối trường Công lập Thống nhất Los Angeles (LAUSD), tổ hợp các trường công lập lớn thứ 2 ở Mỹ, bất kỳ học sinh nào bị phát hiện mang súng tới trường đều bị đuổi học. Trong năm đầu tiên triển khai quy định, khoảng 500 học sinh đã được đề nghị đưa vào danh sách thôi học.
Nhiều trường học áp dụng các biện pháp an ninh chặt chẽ như trang bị máy dò kim loại, camera giám sát, hàng rào cao, cùng đội ngũ nhân viên bảo vệ. Các thiết bị kiểm soát an ninh tương tự như tại những sân bay án ngữ tại các lối vào trường. New York thậm chí trang bị máy X-quang để quét ví và túi sách của học sinh nhằm kiểm soát vũ khí.
7.000 đôi giày tượng trưng cho những trẻ em là nạn nhân của bạo lực súng đạn, được đặt trên bãi cỏ ngoài Đồi Capitol, Mỹ, năm 2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Những biện pháp an ninh này góp phần ngăn chặn thành công một số vụ bạo lực, nhưng cũng có nhược điểm. Việc trang bị máy dò kim loại cần chi phí đầu tư cao, đồng thời việc kiểm tra mọi học sinh khi bước vào trường cũng rất tốn thời gian. Máy dò kim loại cũng không thể ngăn được học sinh “tuồn” vũ khí qua hàng rào cho bạn bè.
Các nhà quản lý giáo dục tại Mỹ cho rằng, biện pháp kiểm soát an ninh chặt chẽ chưa đem lại hiệu quả tối ưu. Chưa rõ đình chỉ và hay buộc thôi học giúp cải thiện môi trường học đường hoặc hành vi của học sinh như thế nào, song các biện pháp này rõ ràng có thể gây nên những tác động tiêu cực, như tỷ lệ bỏ học cao hơn. Nhiều tiểu bang tại Mỹ, trong đó có Illinois, đã hạn chế việc lạm dụng các chính sách không khoan nhượng này.
Ngày xuất bản: 28/4/2023
Chỉ đạo thực hiện: Chu Hồng Thắng
Nội dung: Nhóm phóng viên Ban Quốc tế và các cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại nước ngoài
Trình bày: Ngô Hương
Tác giả: nhandan.vn
Ý kiến bạn đọc
Định hướng công tác tuyên truyền tháng 11/2024
lượt xem: 20 | lượt tải:4Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024
lượt xem: 241 | lượt tải:90Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực
lượt xem: 205 | lượt tải:65