Thời tiền sử, sơ sử, trên đất Bình Phước đã có sự hiện diện của những trống đồng mang tiêu bản của trống đồng Đông Sơn loại I rất nổi tiếng. Những di sản này góp thêm ánh sáng chiếu rọi rõ hơn nền văn hóa, văn minh của cộng đồng cư dân thời xa xưa.
Tháng 4-1987, khi vỡ đất trồng tiêu tại sườn đồi đất đỏ bazan, ông Đỗ Thanh Toàn (ngụ tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh) đã đào trúng chiếc trống đồng ở độ sâu 1 - 1,5m. Sự cố không may xảy ra, trống đồng này bị người phát hiện vô tình cuốc vỡ thành nhiều mảnh. Tuy nhiên, sau quá trình nghiên cứu và thẩm định, vẫn có thể xác định đây là trống đồng Đông Sơn loại I, niên đại vào khoảng thế kỷ I trước CN.
Trống đồng Lộc Tấn sau đó đã được phục chế lại hình thể ban đầu, có chiều cao 32cm, đường kính mặt 48,5cm. Chiều cao của trống có số đo các phần: tang trống 11cm, thân trống 11cm, chân 10cm, vành chân đế choãi hình nón cụt, đường kính đáy 49,5cm. Trống có 4 cặp quai hình mui thuyền, bản rộng 4cm, gắn đối xứng ở hai bên, nối giữa tang và thân trống.
Các chi tiết trang trí còn ghi nhận được trên mặt trống bao gồm: giữa tâm là hình ngôi sao 12 cánh, cánh sao thon, mảnh, đầu nhọn. Nếu quan sát từ tâm của mặt trống ra ngoài, có 3 vành hoa văn vòng tròn nhỏ có chấm giữa; 4 vành văn hình răng cưa; một số vành hoa khác thể hiện những hình người hóa trang với áo lông chim cách điệu (25 người). Các hoa văn chạm khắc hình người trên trống Lộc Tấn khá giống hình người hóa trang bằng lông chim cách điệu trên các trống đồng có tượng cóc quanh rìa mặt như Daglao, Phú Phương, Hữu Trung, Đông Hiếu, Đa Bú, Bù Đăng.
Tháng 4-1998, cũng là một phát hiện tình cờ, trong lúc đào đất đắp đê ngăn nước ở sườn một quả đồi ven suối nhỏ Đắk Ka, ông Lùn Xì Pón (ngụ tại ấp Sơn Thành, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng) đã tìm thấy một trống đồng chôn theo chiều đứng, dưới một gốc cây cổ thụ, cách mặt đồi khoảng 30cm. Khu vực phát hiện trống đồng là một phần của dãy đồi đất đỏ bazan lẫn nhiều sỏi cuội, vốn xưa kia là một dãy đồi rừng lồ ô, có người dân tộc Mnông cư trú lâu đời. Di tích cách Ủy ban nhân dân xã Thọ Sơn 8km.
Trống đồng Bù Đăng thuộc loại lớn, vốn còn nguyên vẹn và phủ đầy lớp patine màu xanh đậm, tuy nhiên do nằm dưới đất quá lâu cho nên bên trong của trống bị cây rừng mọc đội lên, từ bên trong có rất nhiều rễ cây lớn nhỏ, trống bị vỡ thành nhiều mảnh.
Sau quá trình phục chế, trống đồng Bù Đăng đã trở lại hình dáng ban đầu. Chiều cao của trống 40cm; đường kính mặt 65,8cm, cân nặng 13,5kg. Phần tang trống hơi thắt lại, tạo dáng thấp, phần thân và chân tạo gờ nổi cao. Chân choãi hình nón cụt và khá cao so với tổng thể. Dọc thân trống còn hai vết chỉ đúc đối xứng nhau ở hai bên (dấu vết của việc ghép khuôn). Trống có nhiều vết thủng hình vuông và hình chữ nhật 0,4 đến 0,8cm, dấu vết được người thợ đúc vá, chắp lại để khắc phục lỗi kỹ thuật khi đúc trống.
Các chi tiết trang trí của trống đồng Bù Đăng được nhà nghiên cứu Phạm Đức Mạnh ghi nhận như sau:
Mặt trống còn nguyên vì được đúc rất dày, mặt hơi chờm ra khỏi tang. Ở chính giữa mặt trống là hình ngôi sao đúc nổi 12 cánh, đầu cánh thon nhỏ, hơi nhọn. Giữa các cánh sao được trang trí xen kẽ cứ một hình giống lông công cách điệu, xen một hình gồm những hình răng cưa lồng nhau và ngược chiều. Mặt trống có 13 vành hoa văn hình học: dạng gấp khúc kiểu răng cưa lồng vào nhau; đoạn ngắn song song kiểu răng lược; các vòng tròn tiếp tuyến có chấm nổi ở giữa; đường chỉ nổi... Một mảng của mặt trống tạo tác hình 29 người hóa trang mặc áo lông chim cách điệu; một mảng tạo tác hình 10 con chim có mắt tròn, mỏ quặp, đuôi dài, cánh xòe, bay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Hai mảng trang trí khác đối diện nhau trên mặt trống được tạo tác hình ảnh 10 con chim chia thành hai nhóm, mỗi nhóm có 5 con. Các vành trang trí phía ngoài mặt trống được đúc tượng cóc gồm 4 con theo tư thế ngồi, đầu cóc hướng theo chiều ngược kim đồng hồ, giống như hướng bay của chim.
Tang trống có 5 vành hoa văn hình học khá đơn giản, gồm các dạng hoa văn hình răng lược, chấm dải nghiêng và những đường chỉ nổi. Thân trống, có 10 vành hoa văn hình học bố trí thẳng góc nhau theo chiều thẳng đứng và chiều nằm ngang có các kiểu hoa văn như chấm dải nghiêng, hoa văn răng lược; vòng tròn tiếp tuyến và có chấm giữa; đường chỉ nổi. Chân trống choãi hình nón cụt, có điểm xuyết hoa văn hình học, chấm nghiêng; vòng tròn tiếp tuyến và có chấm giữa. Trống có 4 cặp quai kép đối xứng nhau và kết nối tại các vị trí giữa tang và thân trống. Các quai trống trang trí theo kiểu xoắn bện dây thừng.
Tháng 4-1998, cùng thời gian với việc phát hiện trống đồng Bù Đăng kể trên, tại ấp 3 (xã Long Hưng, huyện Phước Long), trong lúc đào ao nuôi cá, ông Trần Đình San cũng đào phải một trống đồng nằm nghiêng dưới độ sâu khoảng 1,3m. Trống đồng cổ đào được ở Phước Long có chiều cao 27cm, đường kính mặt 39,5cm. Trống còn nguyên vẹn và có kiểu dáng tương tự như trống đồng Bù Đăng. Tuy nhiên, quan sát kỹ chiếc trống này, có thể thấy nhiều lỗi kỹ thuật trong quá trình đúc trống. Hoa văn của trống khá đơn giản và không có tượng cóc trên bề mặt.
Các chi tiết trang trí trên trống đồng Phước Long được nhà nghiên cứu Phạm Đức Mạnh ghi nhận như sau: Mặt trống: ở giữa có hình ngôi sao 12 cánh đúc nổi; 04 vành hoa văn hình học, với các mô típ như: văn gấp khúc; văn chấm dải nghiêng; văn hình răng lược. Một vành khác được trang trí hình ảnh của sáu con chim tư thế đang bay và bay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Tang trống có ba vành hoa văn. Hoa văn ở tang trống là các văn theo kiểu vòng tròn lồng nhau có chấm giữa; hoa văn hình răng lược. Thân và chân trống cũng có những dải, băng hoa văn hình học tương tự như kiểu hoa văn trang trí trên tang trống. Tuy nhiên, điều khác biệt ở trống này là có những cụm hoa văn kiểu hình răng cưa lồng nhau tại vị trí đối xứng ở hai bên chân trống. Trống đồng Phước Long cũng có bốn cặp quai trang trí hoạ tiết xoắn dây thừng, nối từ tang xuống thân trống.
Theo các nhà nghiên cứu, thành phần hợp kim của các trống Thọ Sơn (Bù Đăng) và Long Hưng (Phước Long) từ cao xuống thấp theo tỷ lệ là: đồng - thiếc - chì và đồng- chì - thiếc; một số chất khác như sắt, asen, nhôm, canxi, silic... cũng đều thấy trong các trống này như nhiều trống khác. Tuy nhiên, quá trình kiểm định cho thấy, chiếc trống Phước Long chứa nhiều sắt hơn (tỷ lệ 9,15 %).
Theo một nghiên cứu của nhà khảo cổ Phạm Đức Mạnh, trống đồng Bình Phước có đặc điểm chung của dòng trống Đông Sơn loại I nhưng có niên đại sớm hơn, tiêu biểu cho thời kỳ chuyển hóa của nghệ thuật đúc trống Heger I sang luyện chế những loại trống đồng muộn hơn. Niên đại ước định của các trống này dao động trong khoảng từ thế kỷ III trước CN đến thế kỷ I sau CN.
Việc tìm thấy những chiếc trống đồng kiểu Đông Sơn ở Bình Phước tại các địa bàn khác nhau là những phát hiện khoa học quan trọng đối với việc nghiên cứu lịch sử văn hóa vật chất - tinh thần cổ xưa của tỉnh và vùng Đông Nam Bộ. Những phát hiện này làm cho bản đồ phân bố trống đồng cổ khu vực phía Nam và cả nước có thêm nhiều vị trí được đánh dấu và ghi nhận.
M.An
Ý kiến bạn đọc
Định hướng công tác tuyên truyền tháng 11/2024
lượt xem: 205 | lượt tải:56Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024
lượt xem: 314 | lượt tải:96Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực
lượt xem: 272 | lượt tải:71