Truyền thống đấu tranh của nhân dân Đồng Xoài trước khi có Đảng

Thứ bảy - 18/09/2021 10:23 2.349 0

 

 Theo thời gian, cư dân từ các nơi khác trong cả nước đến lập nghiệp ở Đồng Xoài ngày càng đông, trong số đó có cả đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc di dân tự do, làm cho thành phần các dân tộc ở Đồng Xoài tăng lên, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trên địa bàn. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cộng đồng dân cư ở Đồng Xoài luôn gắn kết với nhau, anh dũng, bất khuất làm nên những trang sử vẻ vang. Họ có những phẩm chất truyền thống của người Việt Nam, giàu lòng yêu nước, nhân ái, yêu thương giống nòi, sống trung thực, thủy chung, không sợ gian khổ, khó khăn, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh. Trong cuộc mưu sinh và đấu tranh giành độc lập tự do, nhất là từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo, các dân tộc, các tầng lớp nhân dân Đồng Xoài đã kết thành một khối đoàn kết thống nhất xuyên suốt các thời kỳ lịch sử. Nhân dân các dân tộc, tôn giáo của Đồng Xoài đã có nhiều đóng góp to lớn cả về sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước.
Trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, vùng đất Đồng Xoài ngày nay vẫn là vùng rừng núi bao la, chỉ có các nhóm người thuộc bộ lạc S’tiêng sinh sống rải rác ở một số nơi, hình thành nên các buôn, sóc. Họ là những chủ nhân đầu tiên của núi rừng bao la, hoang vắng. Từ thuở xa xưa họ phải đấu tranh liên tục với thiên nhiên để bảo tồn và phát triển sự sống của mình. Đây là vùng đất có vị trí địa chiến lược rất quan trọng, với hệ thống giao thông thuận lợi nối liền Sài Gòn với khu vực Tây Nguyên và các đồn điền cao su trong vùng, nên ngay khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã để ý đến vùng đất này. Ban đầu, chúng cho các giáo sĩ vừa đi truyền đạo, vừa dò la thám sát, nắm tình hình an ninh chính trị trong vùng, đồng thời móc nối với những thương gia người Hoa, nắm các chủ sóc để từng bước chinh phục vùng đất bao la, màu mỡ nơi đồng bào dân tộc ít người sinh sống. Sau khi xâm chiếm đất đai, năm 1906 thực dân Pháp bắt đầu thành lập các đồn binh và các địa lý hành chính, từng bước áp đặt bộ máy cai trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Lợi dụng sự hạn chế về nhận thức của đồng bào, thực dân Pháp đã sử dụng những thủ đoạn thâm độc như dùng tôn giáo để mê hoặc quần chúng, gieo rắc tâm lý thành kiến dân tộc giữa người Kinh với người dân tộc thiểu số, hay dùng các loại hóa chất tác dụng với nhau tạo thành ngọn lửa màu xanh để hù dọa đồng bào rằng đấy là ngọn “lửa thần”, nếu ai không nghe theo sẽ bị “lửa thần” thiêu chết,... Mặt khác, chúng lôi kéo một số chủ làng làm tay sai, cấp đất, trao quyền hành và biến bọn này thành công cụ thống trị đắc lực đàn áp đồng bào, dùng binh lính người Khmer, S’tiêng để đàn áp, bắn giết các chiến sĩ cách mạng người Kinh. Chúng lừa mị đồng bào bằng chiêu bài “đất Thượng của người Thượng” và lập ra các tổng tự trị của người S’tiêng trên địa bàn Đồng Xoài, bộ máy cai trị trong các tổng do người S’tiêng đảm nhiệm. Tên Tổng Đinh người S’tiêng ở xã Phú Riềng quản lý một vùng rộng lớn từ Thuận Lợi đến Bù Nho và sang tận các buôn sóc phụ cận của đồn điền Phú Riềng. Đó là tên tay sai đắc lực nhất của thực dân Pháp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Đồng Xoài – Đồng Phú lúc bấy giờ. Chỉ sau vài năm làm chánh tổng, y đã trở nên giàu có nhất vùng, có tới 50 bà vợ, hàng ngàn trâu bò, ché rượu, của cải đầy ắp ba kho lớn.
Song những thủ đoạn thâm độc của thực dân Pháp không dập tắt nổi tinh thần yêu nước và anh dũng đấu tranh của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Đồng Xoài.
Ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược ba tỉnh miền Đông Nam Bộ, chúng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của đồng bào dưới ngọn cờ khởi nghĩa của nhà sư yêu nước người Khmer là Pô Cum Pô. Năm 1864, khi Trương Quyền thay cha là Trương Công Định dẫn nghĩa quân người Kinh lên vùng rừng núi thuộc khu vực Sông Bé và Tây Ninh để xây dựng căn cứ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp tục chống Pháp thì đồng bào S’tiêng, Châu Ro, Khmer,… trên địa bàn Đồng Xoài đã tham gia đông đảo, là nguồn bổ sung nhân lực, của cải cho cuộc khởi nghĩa. Đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Xoài đã sát cánh cùng đồng bào Kinh giữ vững cuộc khởi nghĩa trong nhiều năm, gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất lớn.
Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Xoài cũng có mặt trong nghĩa quân của cuộc khởi nghĩa N’trang Lơng. Họ có thủ lĩnh nằm trong bộ tham mưu của nghĩa quân. Đó là R’Đinh – một tướng lĩnh hoạt động sôi nổi, một chủ làng người S’tiêng ở sóc Bù Koh. Ông đã cùng với các tướng lĩnh người M’Nông lãnh đạo đồng bào dân tộc chiến đấu chống thực dân Pháp trong những năm 1912 - 1914. Khi thực dân Pháp đàn áp dữ dội cuộc khởi nghĩa, nghĩa quân vẫn tập kích vào đồn Pháp, chặn đánh quân Pháp. Nghĩa quân S’tiêng, M’nông vẫn duy trì lực lượng trong những hoàn cảnh rất khó khăn, tạo điều kiện cho N’trang Lơng tiến lên giành thắng lợi lớn ở Bumêra ngày 04/9/1914.
Cuộc khởi nghĩa của Pô Cum Pô, N’Trang Lơng đã nêu cao tinh thần anh dũng, bất khuất và lòng yêu nước nồng nàn của đồng bào các dân tộc. Tuy vậy, các cuộc khởi nghĩa này cũng như các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX cuối cùng đều bị thực dân Pháp dìm trong bể máu vì thiếu vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp tiên tiến nhất trong xã hội, thiếu một đường lối cách mạng đúng đắn để cứu nước nhà khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân. Chỉ từ khi giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo cuộc đấu tranh, nhân dân ta mới giành được thắng lợi hoàn toàn trong cuộc đấu tranh một mất một còn chống kẻ thù giai cấp và kẻ thù dân tộc.
Sau khi thiết lập bộ máy thống trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, bọn tư bản Pháp bắt đầu bỏ vốn đầu tư khai thác vùng đất đỏ phì nhiêu ở khu vực Đông Nam Bộ (trong đó có vùng đất thuộc Đồng Xoài). Đồng bào các dân tộc S’tiêng, M’nông, Khmer,… bị bọn tư bản Pháp đuổi khỏi vùng đất bằng phẳng, màu mỡ nhất để chúng thành lập các đồn điền cao su. Trên địa bàn Đồng Xoài lúc này có đồn điền cao su Phú Riềng thuộc Công ty Michelin (Mít-Sơ-Lanh) được thành lập năm 1927.
Tháng 6 năm 1927, số công nhân đầu tiên gồm 150 nông dân và dân nghèo Hà Nam tới Phú Riềng. Sau đó, bọn chủ Pháp đưa vào Phú Riềng ngày càng nhiều công nhân contrat (công nhân hợp đồng, hay thường gọi là công nhân công tra). Họ sống tập trung trong các làng: Làng số 2, Làng số 3 và Làng số 9 (ngày nay người dân quen gọi là Làng 2, Làng 3, Làng 9 - thuộc địa bàn Công ty cổ phần cao su Đồng Phú), mỗi làng có từ 300 đến 500 công nhân. Đến năm 1930 thì công nhân đồn điền cao su Phú Riềng lên đến hơn 5.000 người.
Hoàn cảnh sống và làm việc của công nhân vô cùng cực nhọc. Bọn chủ sở cai, xếp, đội bắt công nhân làm việc hết sức nặng nhưng đời sống thì cực khổ, nếu không làm đúng ý của chúng thì bị đánh đập dã man. Chúng đã biến đồn điền cao su Phú Riềng thành địa ngục trần gian, đày đọa công nhân trong cảnh khổ ải, đói nghèo giữa một vùng khí hậu thiên nhiên rất khắc nghiệt. Sự áp bức bóc lột của bọn chủ, bệnh tật và đòn roi đã giết hại rất nhiều công nhân. Hàng tháng có hàng trăm người ghi tên vào sổ ghi tử.
Tình cảnh người công nhân đã khổ cực như vậy nhưng bọn thống trị còn tìm đủ mọi cách đầu độc chia rẽ công nhân để dễ bề thống trị. Chúng dùng rượu chè, cờ bạc, ăn chơi, hút sách và giáo lý nhà thờ để làm tê liệt tinh thần đấu tranh của công nhân. Chúng gây chia rẽ giữa những người theo tôn giáo với những người không theo tôn giáo, giữa các miền Bắc - Trung - Nam, giữa người của địa phương này với người của địa phương khác.
Không chịu nổi áp bức cùng cực của bọn chủ sở, thời kỳ đầu công nhân còn bỏ trốn, tìm về quê cũ hoặc chạy ra thành thị. Tuy nhiên, số công nhân trốn thoát được rất ít, đa số chịu chung số phận bi thảm: người làm mồi cho thú dữ, người bị bọn phản động địa phương giết chết. Một số bị lính bắt lại và dẫn về cho chủ, bọn chúng tra tấn số công nhân này rất dã man: “Thằng chủ hạ lệnh cho lính mang giày xăng-đá vào rồi bắt dằn người đi trốn xuống đất cho lính giẫm giầy lên lồng ngực. Đứng ngoài nghe tiếng xương gãy kêu rau ráu. Giậm giày xong chúng còn đánh tiếp một trận nữa rồi bỏ vào nhà tối cùm lại. Một tuần sau nhân có chuyện phạt cùm một công nhân khác, chúng mở cửa nhà tối ra thì 7 người bữa nọ đều đã chết cứng, chân còn tra chéo trong cùm...”. Về sau, công nhân nổi dậy đấu tranh tự phát để chống lại kẻ thù của giai cấp, của dân tộc. Tuy kết quả đấu tranh thời kỳ này còn đơn lẻ, tự phát và kết quả còn hạn chế, nhưng qua những lần đấu tranh, công nhân và đồng bào các dân tộc ngày càng thương yêu, đoàn kết và hiểu biết nhau hơn.
 
Cảnh sống khổ cực của công nhân trước bọn chủ Pháp
 
Một hình thức đấu tranh tự phát khác là nổi dậy chém Tây. Tiêu biểu là cuộc nổi dậy của 120 công nhân Làng 2 chém chết tên Montei (Mông-Tây) do anh Nguyễn Đình Tư cầm đầu xảy ra vào tháng 10 năm 1927. “Trước cảnh người công nhân bị đánh đập tàn nhẫn, anh Tư cùng với nhiều anh em công nhân khác đã cắt máu ăn thề sẽ trả thù bọn Tây. Vào một buổi sáng điểm danh như thường lệ, họ đã chém chết tên Montei ác ôn khét tiếng. Đầu tiên là lưỡi búa của anh Tư bổ xuống. Tiếp sau là hàng loạt lưỡi búa chứa chất căm hờn của anh em công nhân Làng 2. Họ đuổi bọn Cai chạy tán loạn. Thằng Montei vừa chạy đến chân cầu thang đã bị 9 lưỡi búa bổ vào người. Kết quả, tên Montei bị giết, nhưng tên chủ sở là Trie đã “bắt được bốn năm chục người, còn bao nhiêu, đích tay nó dương súng bắn chết. Những người chết bị vùi xác luôn ngoài rừng, cả những người ngắc ngoải cũng bị chôn sống”. Một số anh em bị thương không được cứu chữa cũng đã chết. Anh Nguyễn Đình Tư bị tòa án Biên Hòa xử tử hình, hai công nhân khác bị tù chung thân. Sau vụ này, tên chủ nhất Trie càng đàn áp công nhân dữ dội hơn, khiến cho không khí trong đồn điền rất ngột ngạt và ảm đạm.
Cuộc nổi dậy tự phát này là do anh em công nhân chưa thấy được bộ mặt kẻ thù là toàn thể bè lũ thống trị trong đồn điền, là chủ nhĩa thực dân, đế quốc phong kiến đang xiềng xích cả dân tộc nên đã liều lĩnh chém tên Montei. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy đã tạo tiếng vang rất lớn. Báo chí tiếng Việt, tiếng Pháp xuất bản tại Sài Gòn đều đăng lại sự việc. Điều đó giúp cho Đảng tìm đến Phú Riềng tổ chức và dìu dắt công nhân trên đường đấu tranh.
 Cũng trong thời kỳ này còn có hai hình thức đấu tranh tự phát khác, đó là lãn công và khiếu kiện thông qua hệ thống pháp lý và tòa án của bọn thực dân. Tuy nhiên, những hình thức đấu tranh này ít mang lại hiệu quả vì bị bọn chủ tư bản Pháp đàn áp, mua chuộc hoặc thỏa hiệp.
Tiêu biểu là vụ kiện ra tòa khi tên Va-lăng-tanh đánh chết anh Nguyễn Văn Chánh xảy ra vào cuối năm 1927. Nhưng tòa án Biên Hòa chỉ xử phạt Va-lăng-tanh phải bồi thường 5 đồng bạc cho vợ anh Chánh. Kết quả đó làm cho công nhân rất phẫn uất và bi quan, đồng thời đây cũng là bài học lớn cho công nhân trong nhận thức về phương pháp đấu tranh và bản chất thâm độc nguy hiểm của bọn đế quốc thực dân Pháp. Ngoài ra, công nhân còn khéo léo tố cáo tội ác của bọn chủ sở với thanh tra Pháp và thanh tra Việt, tổ chức hình thức lãn công, đình công, triệt cây giống, đòi yêu sách và buộc bọn chủ sở phải thay đổi cách đối xử và phương thức bóc lột.
    Gia Phúc(Theo Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân Thành phố Đồng Xoài 1930-2018)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

1587-CV/BTGTU

Định hướng công tác tuyên truyền tháng 11/2024

lượt xem: 205 | lượt tải:56

1493-CV/BTGTU

Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024

lượt xem: 314 | lượt tải:96

1494-CV/BTGTU

Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực

lượt xem: 272 | lượt tải:71
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập174
  • Hôm nay57,359
  • Tổng lượt truy cập15,235,640
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây