Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước

http://tuyengiaobinhphuoc.org.vn


Kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã được nâng lên một bước, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và là trách nhiệm của toàn xã hội. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường và thực hiện tốt. Việc huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng hiệu quả; chăm sóc sức khỏe, bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ em được cải thiện tích cực; số trường đạt chuẩn quốc gia và tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ngày càng tăng, đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở và phổ cập bậc mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi. Công tác xây dựng môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em được chú trọng; đời sống văn hóa tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền của trẻ em ngày càng được bảo đảm. Số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc ngày càng nhiều.

Công tác tuyên truyền được các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên tổ chức tuyên truyền phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quyền, nghĩa vụ của trẻ em bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú, nhiều cách làm hay, hiệu quả, đã phát huy được sức mạnh của toàn xã hội trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước đã phát sóng 336 chuyên mục vì trẻ em, hơn 600 chuyên đề với các nội dung về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, treo 14.000 băng rôn, khẩu hiệu và 22 pa nô về trẻ em tại các huyện, thị xã, thành phố, in ấn 45.000 tờ rơi, tài liệu truyền thông về trẻ em. Đã duy trì, phát triển các hoạt động truyền thông trực tiếp về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại cơ sở cho 1.795.000 lượt người. Tỷ lệ người dân được tiếp cận các nội dung truyền thông và biết được những nội dung liên quan đến chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đạt 97%.

Về xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em: trên cơ sở Chỉ thị số 20-CT/TW và Kế hoạch số 94-KH/TU của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh; 100% các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng Chương trình hành động vì trẻ em trên địa bàn theo từng giai đoạn. Các ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp đã chủ động đưa các chỉ tiêu về chăm sóc, bảo vệ trẻ em vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của ngành cũng như của từng địa phương, đơn vị, coi đây là một trong những nội dung đánh giá hằng năm của cơ quan, đơn vị. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em chủ động tham gia vào các hoạt động xã hội, văn hóa, vui chơi giải trí, thể dục thể thao...; thực hiện tốt các quyền của trẻ em phù hợp với từng độ tuổi và tổ chức các hoạt động nhân đạo nhằm tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em, tạo môi trường thân thiện cho trẻ em tham gia hoạt động.

 
9999999
Tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh

Công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện quyền trẻ em được các sở, ngành triển khai thực hiện nghiêm túc, với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Tiêu biểu như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn, Hội Chữ thập đỏ tỉnh ký kế hoạch liên tịch trong việc phối hợp tổ chức các hoạt động hè, tháng hành động vì trẻ em; phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức một số hoạt động như: các lớp học bơi cho trẻ em, kỹ năng cứu đuối nước cho giáo viên các trường học trên địa bàn toàn tỉnh; ký cam kết với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện lồng ghép cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đã tổ chức 273 cuộc tuyên truyền trực tiếp với 18.397 lượt người dự nghe, phối hợp tuyên truyền 24.952 cuộc với 127.532 lượt người tham dự, thông qua hoạt động của 473 điểm chấp hành pháp luật với 1.524 tổ nhóm, nòng cốt và câu lạc bộ pháp luật để tuyên truyền vận động hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện quyền trẻ em.

Sở Y tế, bên cạnh nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của ngành cũng đã hỗ trợ tổ chức các đợt khám sàng lọc tim, phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch, phẫu thuật tim, mắt, sẹo co kéo do bỏng, khám sàng lọc đa khoa nhi, cấp phát thuốc miễn phí.  Hội phụ nữ tỉnh huy động và cấp học bổng tiếp bước cho trẻ em đến trường, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng hằng năm. Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức các hội thi kể chuyện sách hè, kể chuyện năng khiếu. Công an tỉnh đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tổ chức được hơn 500 buổi sinh hoạt nói chuyện chuyên đề trực tiếp tại cộng đồng dân cư tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người, với hơn 17.000 lượt người tham gia…

Việc bảo đảm quyền trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh, nhất là trước những tác động của đại dịch Covid-19 được các cấp, các ngành trong toàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, với tinh thần không bỏ sót một ai lại phía sau. Triển khai đầy đủ, kịp thời, các chính sách hỗ trợ người mang thai, người nuôi con dưới 6 tuổi, trẻ em bị nhiễm Covid-19, trẻ em bị cách ly y tế tập trung hoặc tại nhà được quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà cho các em thiếu nhi tại các khu cách ly, khu điều trị Covid-19, mái ấm tại các huyện, thị xã, thành phố, với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng...

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến công tác chăm sóc, gióa dục và bảo vệ trẻ em được các cấp, các ngành thực hiện thường xuyên, sâu sát theo từng nội dung nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch... các đơn vị được kiểm tra, giám sát đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức, triển khai thực hiện Luật Trẻ em lồng ghép vào các hoạt động của đơn vị. Thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện, giúp cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; đồng thời thường xuyên nắm bắt thông tin báo cáo với các ngành cấp trên và đơn vị quản lý nhà nước có liên quan để có hướng chỉ đạo, định hướng, kịp thời nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; kịp thời pháp hiện xử lý các thông tin về trẻ em như: bạo lực trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được giúp đỡ, can thiệp và ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em.

Đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được phân bổ trong dự toán hằng năm cho các ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố; chủ yếu tập trung cho công tác phát triển giáo dục tại trường học và công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện.

Bên cạnh đó, nguồn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được duy trì. Qũy Bảo trợ trẻ em tỉnh đã không ngừng nỗ lực để huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong nước và quốc tế để chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đã vận động các nhà tài trợ hỗ trợ phẫu thuật tim miễn phí cho 115 trẻ em mắc bệnh tim có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hơn 7,2 tỷ đồng; hỗ trợ học bổng, xe đạp, dụng cụ học tập cho 1.125 em với tổng kinh phí hơn 2,6 tỷ đồng; xây dựng 3 căn nhà tình thương, với tổng kinh phí 150 triệu đồng; hỗ trợ khu vui chơi, sơn nước cho các trường học, hỗ trợ sữa học đường. Bên cạnh việc vận động. Thăm và tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các mái ấm, cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập, Khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Y học cổ truyền… vào các dịp Tết Nguyên đán, Trung thu, ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 hằng năm với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng; khám sàng lọc bệnh và cấp phát thuốc cho hơn 3.000 lượt trẻ em...

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, nhà trường, gia đình và cộng đồng đã có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tích cực vận động tặng 241.316 phần quà trị giá hơn 75 tỷ đồng cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân các dịp lễ, tết, vận động 20.124 suất học bổng trị giá gần 5 tỷ đồng cho các em học sinh nghèo hiếu học. Hội phụ nữ các cấp vận động các nguồn lực trong xã hội hỗ trợ tặng quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn với 3.627 phần quà, 299 suất học bổng trị giá hơn 1 tỷ đồng, tặng 9.590 quyển tập, 10.700 cây viết, 190 chiếc cặp, 39 chiếc xe đạp, 422 áo trắng, 120 nón bảo hiểm, 587 bộ sách giáo khoa cũ, 260 bao quần áo cũ tổng trị giá 443 triệu đồng. Phối hợp với Hội Nữ doanh nhân tỉnh, công ty, doanh nghiệp, các mạnh thường quân tặng 200 phần quà, 25 suất học bổng, 220 bộ bàn ghế, 50 xe đạp, 50 chiếc cặp tổng trị giá 644 triệu đồng.

Để công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em ngày càng nâng cao về chất lượng, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, Các ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW, Kế hoạch số 94-KH/TU của Tỉnh ủy và Quyết định 328/QĐ-UBND của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật có liên quan đến trẻ em.

Hai là, Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 26/2021/NQ-HĐND ngày 07/12/2021 của HĐND tỉnh tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; bố trí đủ nguồn lực về kính phí, cơ sở vật chất và con người, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm về trẻ em mà Trung ương và tỉnh giao.

Ba là, Tham mưu xây dựng các chính sách cụ thể hỗ trợ đối với nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo quy định của Luật trẻ em năm 2016, bố trí ngân sách hỗ trợ Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh để cùng với các cơ quan, đơn vị khác thực hiện hiệu quả về trẻ em mà tỉnh đã xây dựng.

Bốn là, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến trẻ em, các mục tiêu trong Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2020 - 2030; tuyên truyền phổ biến các kiến thức kỹ năng trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em; thường xuyên nêu gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, các mô hình có hiệu quả, đồng thời phê phán các biểu hiện tiêu cực, các việc làm thiếu trách nhiệm đối với trẻ em. Phát huy tốt hơn vai trò của hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn trong các đối tượng trẻ em; tạo mọi điều kiện để trẻ em thực hiện tốt quyền tham gia ý kiến để góp phần quan trọng đối với việc xây dựng Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2020 - 2030 cho phù hợp.

Năm là, Đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Xây dựng cơ chế và tạo khả năng kết hợp, lồng ghép các nguồn lực, các lực lượng trong xã hội và huy động mọi nguồn lực phục vụ chương trình thông qua phong trào “Xã, phường phù hợp với trẻ em”, “Toàn dân bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em”…; đẩy mạnh xây dựng “Ngôi nhà an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em”, “Trường học an toàn”,… Huy động sự tham gia của xã hội vào các công trình, các dịch vụ xã hội phục vụ trẻ em. Tổ chức thường xuyên, liên tục việc vận động xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp để hỗ trợ các mục tiêu chương trình hành động vì trẻ em ở địa phương.

Sáu là, Củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhất là đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực công tác, tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với ngành, đoàn thể triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra.

Bảy là, Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của các ngành, các cấp đối với việc thực hiện Luật trẻ em, thực hiện các mục tiêu, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những lệch lạc trong quá trình thực hiện, đề xuất kịp thời các chủ trương chính sách liên quan đến trẻ em. Tổng kết các mô hình, điển hình có hiệu quả để nhân ra diện rộng. Đẩy mạnh phong trào thi đua bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thường xuyên có sơ, tổng kết phong trào, tiếp tục duy trì nề nếp phong trào thi đua từng cấp.

Tác giả: Hồng Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây