Thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý thuế” là một trong những nguyên tắc quản lý thuế được quy định tại Luật Quản lý Thuế, hướng tới thực hiện mục tiêu Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nhằm “Xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp; đồng thời trọng tâm của công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và ba trụ cột cơ bản: thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số”.
Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, số lượng người nộp thuế ngày càng tăng nhanh, trong khi số lượng cán bộ, công chức ngành Thuế cần tinh gọn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 31/12/2022 có 895.876 doanh nghiệp đang hoạt động. Do vậy, để đảm bảo công tác quản lý thuế hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bắt kịp xu hướng quản lý thuế hiện đại của các nước phát triển trên thế giới, ngành Thuế áp dụng quản lý rủi ro trong các nghiệp vụ quản lý thuế, gồm: Đăng ký thuế; khai thuế; nộp thuế; nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; hoàn thuế; kiểm tra; thanh tra thuế; quản lý hóa đơn và các nghiệp vụ quản lý thuế khác.
Theo cơ chế quản lý rủi ro này, ngành Thuế thực hiện phân tích các thông tin về người nộp thuế nhằm phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế dẫn đến khả năng gây thất thu ngân sách nhà nước về thuế; từ đó, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tự nguyện tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế đồng thời phòng chống, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và quản lý thuế.
Việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế đã được ngành Thuế nghiên cứu, áp dụng từ những năm 2011, khởi đầu thí điểm đối với công tác lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, đến nay đã đem lại những kết quả tích cực, đó là:
Thứ nhất, đánh giá được mức độ rủi ro cũng như mức độ tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, tạo sự tin tưởng, công bằng cho người nộp thuế hướng đến tính tự giác, chủ động cao trong việc tuân thủ pháp luật thuế, góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng trước pháp luật; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tuân thủ tốt các quy định pháp luật; hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật thuế và giúp cơ quan Thuế có những biện pháp nghiệp vụ cần thiết ở từng mức độ phù hợp nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật thuế.
Thứ hai, giúp cơ quan Thuế tiết kiệm được thời gian, nâng cao hiệu quả trong quá trình lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra tại trụ sở người nộp thuế.
Thứ ba, việc áp dụng các tiêu chí để quản lý rủi ro vào thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đã tiết kiệm đáng kể chi phí, nguồn lực con người; xác định đúng đối tượng cần thanh tra, kiểm tra thuế, đảm bảo tính khách quan, minh bạch hóa trong việc lựa chọn đối tượng cần thanh tra, kiểm tra thuế.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra thuế do lựa chọn đúng đối tượng, đúng nội dung cần thanh tra, kiểm tra thuế. Số lượng doanh nghiệp có rủi ro cao đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế đều phát hiện có vi phạm pháp luật về thuế và bị truy thu ở các mức độ khác nhau.
Thứ năm, thể hiện sự hiện đại hóa của ngành Thuế, chuyển từ thủ công sang ứng dụng công nghệ thông tin trong từng nghiệp vụ quản lý thuế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế. Đồng thời, tăng khả năng phát hiện hành vi vi phạm, chống thất thu thuế góp phần đảm bảo số thu Ngân sách Nhà nước.
Có thể nói, các quy định của pháp luật về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế đã khẳng định, cụ thể hóa yêu cầu đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế phù hợp yêu cầu cải cách, hiện đại hóa của Chính phủ, hướng tới chuyển đổi số quốc gia, phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, việc áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT được thực hiện dựa trên các nguyên tắc quản lý hoàn thuế GTGT được áp dụng, bao gồm:
Thứ nhất, người nộp thuế thuộc trường hợp được hoàn thuế theo quy định tại Luật Thuế GTGT tự xác định số tiền thuế GTGT đủ điều kiện khấu trừ, hoàn thuế, khai đề nghị hoàn thuế, lập và gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Thứ hai, việc giải quyết hoàn thuế được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thứ ba, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong việc giải quyết hoàn thuế GTGT theo quy định.
Thứ tư, cơ quan thuế ứng dụng công nghệ công tin theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử trong việc tiếp nhận, giải quyết, quản lý hoàn thuế và thực hiện kết nối, trao đổi thông tin với các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế.
Do vậy, khi các quy định pháp lý và hạ tầng công nghệ thông tin được đáp ứng, ngành Thuế đã triển khai áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT và lựa chọn người nộp thuế để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế. Ngành Thuế kỳ vọng với biện pháp quản lý rủi ro này sẽ góp phần đẩy nhanh việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT đảm bảo “Minh bạch – Chuyên nghiệp – Liêm chính – Đổi mới”, đồng thời phát hiện kịp thời những hồ sơ đề nghị hoàn thuế có rủi ro cao và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, chống thất thu Ngân sách Nhà nước./.
Tác giả: Lê Quang
Ý kiến bạn đọc
Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024
lượt xem: 63 | lượt tải:34Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực
lượt xem: 42 | lượt tải:31Hướng dẫn tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ X tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029
lượt xem: 404 | lượt tải:198