Kỳ vọng phát triển du lịch trên dòng sông Bé

Thứ tư - 03/07/2024 11:05 339 0
Sau khi tích nước cho Nhà thủy điện Cần Đơn vận hành, vùng lòng hồ rộng lớn tiếp giáp giữa 2 huyện Bù Gia Mập và Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) được hình thành cùng nguồn tôm cá phong phú, kéo theo nhiều hộ dân tìm lấy nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản sinh sống, mở nhà hàng nổi thu hút khách tham quan, thưởng thức món ăn trên hồ.
Còn vùng đất hoang hóa bị nhấn chìm do hồ thủy điện dâng nước được lực lượng kiểm lâm huyện Bù Đốp trồng cây tràm, cây gáo nước để chống xói mòn đất, góp phần giữ rừng phòng hộ đầu nguồn và hướng tới phát triển du lịch sinh thái bền vững.

Bồng bềnh làng cá
 
Bà con ngư dân làng cá Phước Minh, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập nhận thêm hạt điều để bóc, kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống
 
Từ trụ sở UBND xã Phước Minh (huyện Bù Gia Mập), chúng tôi chạy xe dọc theo con đường nhỏ hẹp, hai bên đường là bạt ngàn rừng cao su, điều. Dừng lại ở bến cá, chúng tôi phải mất chừng 20 phút lắc lư trên chiếc thuyền gỗ mới đến langg2 cá Phước Minh, nơi người dân sinh sống. Làng cá bè bồng bềnh trên sóng nước, với 43 hộ dân, 153 nhân khẩu, đa số là Việt kiều hồi hương từ Campuchia về, lấy nghề nuôi trồng thủy sản và đánh bắt cá tôm trên lòng hồ mưu sinh. Nhờ sự nỗ lực vươn lên cùng sự “tiếp sức” của chính quyền địa phương cho cư ngụ, chẳng mấy chốc, cuộc sống ngư dân nơi đây đã ổn định cuộc sống sau nhiều năm phiêu dạt nơi đất khách quê người.
 
Bà con ngư dân mưu sinh bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên vùng lòng hồ Thuỷ điện Cần Đơn
 
Gia đình anh Trần Văn Khỏe (SN 1982, ngụ thôn Bù Tam, xã Phước Minh) về lòng hồ thủy điện từ năm 2008, dựng nhà gỗ, lợp tôn khá kiên cố, nuôi cá lồng bè để sống. Anh Khỏe chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi một bè cá lăng nha vài trăm con, 2-3 năm thu hoạch một lần, tính ra mỗi năm lời vài ba chục triệu đồng. Nhờ nguồn thủy sản có sẵn trên hồ, hằng ngày, vợ chồng bơi thuyền đi giăng câu, thả lưới bắt tôm cá để bán cho bà con trong vùng, có ngày bán được 200-300 ngàn đồng”. Để có thêm thu nhập, gia đình anh Khỏe còn nhận hạt điều nhân của các cơ sở chế biến trong vùng để bóc vỏ lụa, mỗi 1kg kiếm được 5.000 đồng để trang trải cuộc sống. Tuy không giàu có nhưng cũng không lo đói, con cái được đi học đàng hoàng nên yên tâm gắn bó lòng hồ, mưu sinh lâu dài. 

Rời nhà anh Khỏe, chúng tôi bơi thuyền đến nhàng nổi Bảy Tiên nằm trên lòng hồ Thủy điện Cần Đơn mở hơn 10 năm nay do vợ chồng chị Phan Thị Cẩm Thúy (ngụ xã Phước Minh) làm chủ. Chị Thúy cho hay, công việc kinh doanh, buôn bán khá thuận lợi, nhà hàng được gia đình mua lại 600 triệu đồng từ một người quen, dù khá xa trung tâm nhưng đường điện cũng được kéo về phục vụ nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh, buôn bán các món ăn chế biến từ thủy sản như tép cuốn bánh tráng, gỏi cá, lẩu cá lăng nha cho thực khách. Các ngày cuối tuần, dịp lễ, tết, khách kéo về nhà hàng rất đông để ăn uống, đi xuồng ngằm cảnh lòng hồ, do đó tu nhập cũng khá tốt, sau khi trừ chi phí, chị Thúy thu về khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng.
 
Một góc nhà hàng nổi trên lòng hồ Thủy điện Cần Đơn thuộc dòng sông Bé, địa phận huyện Bù Gia Mập
 
Cùng đi có anh Bùi Ngọc Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Minh cho biết, năm 2003, Thủy điện Cần Đơn triển khai xây dựng, trong quá trình ngăn dòng, nước đập dâng lên tạo nên vùng lòng hồ rộng lớn, thấy nguồn lợi từ lòng hồ nên hơn 10 năm trước, khoảng 90 hộ dân đến cư trú, sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản. Hiện có gần 50 hộ dân được cấp tái định cư tại thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa (huyện Bù Gia Mập), số còn lại chưa đủ điều kiện cấp tái định cư vẫn ở lại lòng hồ mưu sinh. Điều đáng quý, bà con siêng năng làm lụng nên không còn hộ đói nghèo, trẻ em được đến trường và tuân thủ quy định về nơi cư trú tại địa phương. 

Phát triển rừng gắn với du lịch sinh thái
 
Ông Nguyễn Văn Ách, nguyên Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp, kể về quá trình trồng rừng bán ngập dưới lòng hồ Thủy điện Cần Đơn thuộc dòng sông Bé
 
Trở qua bên kia lòng hồ thuỷ điện, từ chốt canh nằm trên thượng nguồn sông Đắk Huýt, chúng tôi cùng ông Nguyễn Văn Ách, nguyên Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp lên ca nô chạy về Tiểu khu 72 (xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp). Ca nô rẽ sóng lướt nhanh trên sóng nước, không gian rộng mênh mang, nước mặt hồ trong xanh kết hợp hài hòa với màu xanh của rừng tạo khung cảnh đẹp, hiền hòa, thơ mộng. Chỉ tay về khu rừng bạt ngàn phía trước, ông Ách giải thích: “Tiểu khu 72 là một ốc đảo rộng khoảng hơn 50ha, từng bị khai thác trắng phục vụ cho Thủy điện Cần Đơn, nhiều cá nhân, đơn vị xin trồng cao su, song chúng tôi kiên quyết xin chủ trương của tỉnh giữ lại”. Chiếc ca-nô tấp vào bờ, trước mắt chúng tôi là một khu rừng lồ ô xanh mướt, gần đó có rừng cây gáo nước, cây tràm đang vươn mình mọc lên trên mặt nước, sự hài hòa giữa rừng, sông nước tạo cảm giác yên bình.

Theo lời ông Ách, vào khoảng tháng 7 hằng năm, khu vực rìa của ốc đảo thường bị “sa mạc hóa”, đất bị rửa trôi, xói mòn do Thủy điện Cần Đơn xả nước, không có loài cây nào sống được. Tiếc đứt ruột diện tích rừng bị xoá sổ, ông Ách cùng đồng nghiệp lặn lội tìm loài cây trồng phù hợp cho vùng bán ngập. Thấy cây tràm, gáo nước có khả năng chịu hạn, chịu ngập tốt nên vào văm 2011, lực lượng kiểm lâm trồng thử nghiệm vài ha nhưng vùng đất có lúc ngập nước 2-3 tháng, khi khô cạn nhiều tháng liền, gây khó khăn cho công việc xuống giống. Chỉ riêng cây gáo nước khi còn nhỏ, chỉ cần nước ngập qua ngọn khoảng 15 ngày liên tục sẽ chết. Để hồi sinh rừng, đơn vị chọn diện tích bán ngập cao trồng trước, cùng với đó ươm giống cây đạt độ cao khoảng 0,5 đến 0,7m mới đem ra trồng, tránh việc cây chết khi thủy điện tích nước.
 
Những cánh rừng bán ngập đã phát triển xanh tốt với hàng trăm ha dưới lòng hồ Thủy điện Cần Đơn thuộc dòng sông Bé
 
Các cán bộ kiểm lâm Bù Đốp ngày đêm tranh thủ xuống giống cây con, chỉ trong thời gian ngắn, những khu vực đất trắng được phủ một màu xanh tươi tốt. Một năm sau, UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt cấp hơn 950 triệu đồng trồng rừng bán ngập và sau 4 năm triển khai đã có 72ha tràm, gáo nước vươn cao hơn 2,5m, khi rừng được phục hồi, chim muông rủ nhau về xây tổ. Đến năm 2021, khu vực bán ngập có 137,54ha cây gáo, cây tràm được công nhận thành rừng và hiện lực lượng kiểm lâm huyện Bù Đốp phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước trồng cây gáo nước tại khu vực lòng hồ với diện tích 89,12ha thuộc xã Phước Thiện, Thiện Hưng (huyện Bù Đốp) và xã Phú Nghĩa (huyện Bù Gia Mập), dự kiến công bố thành rừng vào năm 2027.

Ngoại trừ những cánh rừng trồng mới nói trên, điều đáng quý là lực lượng kiểm lâm huyện Bù Đốp còn giúp tỉnh Bình Phước giữ được 6.547,91ha rừng tự nhiên, gồm rừng hỗn giao, rừng khộp cùng nhiều loại động vật, thực vật, dược liệu quý hiếm. Cùng với việc nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông kết nối nội ô, kết nối cửa khẩu Tân Thành và Hoàng Diệu thông qua Vương quốc Campuchia, lãnh đạo tỉnh Bình Phước kỳ vọng sẽ tạo ra những tour du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa, du lịch biên giới, hướng tới phát triển bền vững lòng hồ Thủy điện Cần Đơn.
 

Tác giả: Thanh Trúc – Hoàng Bắc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập327
  • Hôm nay50,426
  • Tổng lượt truy cập17,023,315
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây