Lê Hồng Phong - Người chiến sĩ cộng sản trọn đời "sống vì Đảng, chết không rời Đảng"

Thứ năm - 15/09/2022 21:56 3.028 0

(ĐCSVN) - Hy sinh khi mới 40 tuổi, gần hai mươi năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, dù ở cương vị và điều kiện nào, đồng chí Lê Hồng Phong luôn thể hiện là tấm gương sáng ngời của một nhà lãnh đạo xuất sắc, người chiến sĩ cộng sản kiên cường: sống vì Đảng, chết không rời Đảng, trọn đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

 Chân dung đồng chí Lê Hồng Phong. (Ảnh tư liệu)

Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại xã Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có truyền thống yêu nước, với nhiều sĩ phu nổi tiếng, tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm than, nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, người thanh niên giàu nhiệt huyết, bản lĩnh, kiên cường Lê Hồng Phong đã tiếp bước truyền thống của lớp lớp cha anh sớm dấn thân vào con đường cứu nước, cứu dân.

Bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của người thanh niên xứ Nghệ là cuộc gặp gỡ đầu tiên với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại một cơ sở bí mật của Tâm Tâm xã ở Quảng Châu (Trung Quốc), tháng 12/1924. Sớm nhận thấy những phẩm chất cách mạng ưu tú, tài năng của Lê Hồng Phong, Người đã lựa chọn Lê Hồng Phong cùng một số thanh niên yêu nước vào Nhóm Việt Nam Thanh niên Cộng sản do Nguyễn Ái Quốc thành lập, trở thành hạt nhân của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - lớp thế hệ cán bộ đầu tiên được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tuyển chọn, huấn luyện và đào tạo.

Lê Hồng Phong và các đồng chí của mình đã được nghe những bài giảng về lịch sử phong trào cách mạng quốc tế và cách mạng giải phóng dân tộc, về những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin... Những bài học đó đã dẫn dắt và nâng tầm nhận thức của Lê Hồng Phong, từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, dám xả thân vì sự nghiệp cứu nước, cứu dân, trở thành người cộng sản và bộc lộ tư chất, tài năng của người cán bộ cách mạng. Chính vì thế, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp tục gửi Đồng chí vào những cơ sở đào tạo cán bộ cao cấp của Chính phủ Trung Hoa và trường đào tạo lãnh tụ của Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô. Không phụ lòng của người thầy dẫn dắt, Lê Hồng Phong đã từng bước trưởng thành cả về nhận thức lý luận và năng lực lãnh đạo, có nhiều đóng góp quan trọng vào việc hình thành chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần đưa cách mạng Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới đúng với những tư tưởng chỉ đạo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng

Vào những năm 1930 - 1931, phong trào cách mạng Việt Nam ở vào giai đoạn vô cùng khó khăn; hàng ngàn cán bộ, đảng viên và chiến sĩ yêu nước bị bắn giết hoặc tù đày. Các cơ sở đảng từ Trung ương đến địa phương bị tan vỡ, nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng bị bắt hoặc bị sát hại... Trong bối cảnh đó, sự hình thành một văn bản để hướng dẫn hành động cho những người cộng sản Đông Dương và sự ra đời của một tổ chức để chắp nối các cơ sở đảng còn lại với Quốc tế Cộng sản là đòi hỏi khách quan đối với sự tồn tại của Đảng ta.

Cuối năm 1931, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Phương Đông, Lê Hồng Phong nhận trọng trách từ Quốc tế Cộng sản trở về nước chỉ đạo việc tổ chức khôi phục và phát triển các cơ sở Đảng, tiếp tục đưa phong trào cách mạng tiến lên. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đồng chí, cuối năm 1932, Ban lãnh đạo lâm thời của Đảng được thành lập và thống nhất chủ trương tuyên truyền, học tập và hành động theo nội dung của bản kế hoạch “Chương trình hành động của Đảng” do Lê Hồng Phong tham gia soạn thảo và được Quốc tế Cộng sản thông qua. Đây là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng trong lúc cách mạng Việt Nam bị khủng bố trắng, Đảng đang gặp thoái trào, những tư tưởng dao động, cơ hội đang thừa cơ trỗi dậy.

Tháng 3/1934, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hồng Phong, Hội nghị thành lập Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài (Ban Chỉ huy ở ngoài) được tiến hành. Sự thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài cùng Hội nghị Ban Chỉ huy ở ngoài và đại diện các tổ chức đảng trong nước đã khẳng định vị trí lãnh đạo tối cao của Ban Chỉ huy ở ngoài đối với các tổ chức Đảng, đồng thời cũng ghi nhận vai trò chỉ đạo cao nhất của đồng chí Lê Hồng Phong đối với mọi vấn đề về đường lối, tổ chức của Đảng. Trong đó có việc quan trọng là chuẩn bị mọi mặt về đường lối, tổ chức, nhân sự cho Đại hội lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Thẻ đại biểu Đại hội VII Quốc tế Cộng sản của đồng chí Lê Hồng Phong. (Ảnh tư liệu) 

Từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935, Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương được diễn ra. Mặc dù không trực tiếp dự Đại hội nhưng vai trò và tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Phong đã được thể hiện trong tiến trình và kết quả của Đại hội; đồng thời việc Đại hội bầu vắng mặt đồng chí Lê Hồng Phong vào cương vị Tổng Thư ký (Tổng Bí thư) đã khẳng định công lao và uy tín của Đồng chí đối với việc xây dựng đường lối chính trị, khôi phục cơ quan lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong thời gian diễn ra Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Lê Hồng Phong cùng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương đến Mátxcơva tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và được bầu là Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Cộng sản.

Trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương trong những năm 1935-1936 và Uỷ viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong đã có nhiều cống hiến to lớn đối với cuộc đấu tranh thống nhất các quan điểm trong Đảng, xây dựng đường lối chiến lược và sách lược cách mạng phù hợp với tình hình mới trên thế giới và trong nước, trên cơ sở vận dụng Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, để tập hợp rộng rãi lực lượng quần chúng trong cuộc đấu tranh chống nguy cơ phát xít, chống chiến tranh đế quốc, đòi tự do, cơm áo hoà bình cho dân tộc, qua đó giáo dục, rèn luyện và nâng cao trình độ giác ngộ chính trị của quần chúng.

Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Hồng Phong chủ trì, diễn ra vào ngày 26/7/1936 tại Thượng Hải (Trung Quốc) có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Tại Hội nghị này, chính từ việc vận dụng chính xác đường hướng chung của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng điều chỉnh chiến lược và thay đổi sách lược, đưa cách mạng Việt Nam vào một thời kỳ mới, hòa nhập với xu thế chung của cách mạng thế giới và khu vực.

Cuối năm 1937, Lê Hồng Phong về nước hoạt động bí mật tại Sài Gòn. Sau Hội nghị Trung ương Đảng tháng 3/1938, đồng chí Lê Hồng Phong tiếp tục tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh Nam Kỳ và có nhiều đóng góp trên mặt trận báo chí nhằm thống nhất các quan điểm của Đảng về đấu tranh dân chủ. Thông qua các hoạt động tư tưởng, lý luận, đồng chí Lê Hồng Phong đã luận giải, tuyên truyền, cổ động các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, uốn nắn những nhận thức mơ hồ, lệch lạc trên các vấn đề chiến lược, sách lược trong một bộ phận đảng viên và quần chúng Nhân dân; vạch trần các luận điệu sai trái, phản động, cơ hội chủ nghĩa của bọn tờrốtkít, tay sai của chủ nghĩa phát xít, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Trong cuộc đấu tranh tư tưởng đó, Đồng chí đã tỏ rõ sự nhạy bén, bản lĩnh chính trị, sự kiên định và trình độ tri thức lý luận khoa học; góp phần quan trọng trong việc xây dựng và củng cố Đảng về mặt tư tưởng, tổ chức, đưa tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam thời kỳ Mặt trận dân chủ, cũng là sự chuẩn bị tích cực để đi tới thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Phần mộ đồng chí Lê Hồng Phong tại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo. (Nguồn: Vietnam+) 

Người chiến sĩ cộng sản kiên cường

Đồng chí Lê Hồng Phong thuộc lớp chiến sĩ cộng sản thời dựng Đảng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương những năm 1935-1936 và là người Việt Nam duy nhất được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản trong nhiệm kỳ Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của Đồng chí gắn liền với một giai đoạn đầy khó khăn và thử thách của lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc - những năm 20 đến đầu những năm 40 của thế kỷ XX. Trong mọi hoàn cảnh, dù ở trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng hay trong những năm tháng sống gian khổ trong nhà tù đế quốc, đồng chí Lê Hồng Phong luôn luôn thể hiện phẩm chất cách mạng tiên phong, tinh thần chiến đấu không mệt mỏi, tấm gương người cộng sản kiên cường.

Đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn ngày 22/6/1939. Biết Đồng chí là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, bọn mật thám Pháp dùng mọi thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ hòng khai thác các cơ sở cách mạng, nhưng chúng vẫn không lay chuyển được ý chí kiên cường của Đồng chí. Không tìm ra chứng cứ pháp lý để buộc tội đồng chí Lê Hồng Phong, ngày 30/6/1939, Tòa tiểu hình Sài Gòn đã kết án Đồng chí 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc ở Nghệ An. Mặc dù bị quản thúc gắt gao, theo dõi chặt chẽ, Đồng chí vẫn không nản chí thường xuyên bí mật liên hệ với tổ chức, với Đảng và dành thời gian viết bài, bí mật gửi cho các tờ báo của Đảng như tờ Dân Chúng, Đông Phương tạp chí... thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường của người cách mạng kiên trung.

Tuy đã theo dõi chặt chẽ những hoạt động của Lê Hồng Phong hòng âm mưu tách Đồng chí ra khỏi tổ chức, cắt đứt mối liên lạc với phong trào cách mạng, với Trung ương Đảng, song chính quyền thực dân vẫn lo ngại về sự tự do của người cộng sản Lê Hồng Phong. Thực dân Pháp tìm mọi cách buộc tội Đồng chí phải “chịu trách nhiệm tinh thần” cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, kết án 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc. Cuối năm 1940, đồng chí Lê Hồng Phong bị đày ra Côn Đảo. Trong những ngày bị biệt giam, kẻ thù luôn tìm cách hành hạ, tra tấn, đánh đập dã man đồng chí Lê Hồng Phong nhưng không làm nhụt tinh thần, ý chí của người lãnh đạo cộng sản. Những trận đòn thù tàn ác, dã man và liên tục làm đồng chí Lê Hồng Phong dần dần kiệt sức. Đồng chí đã vĩnh biệt anh em, đồng chí của mình vào trưa ngày 6/9/1942.

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh (1902-2022), 80 năm ngày mất (6/9/1942-6/9/2022) của đồng chí Lê Hồng Phong là dịp để chúng ta thành kính và tri ân công lao, đóng góp to lớn của Đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân; qua đó củng cố và bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Ở tuổi 40, trước lúc hy sinh, lời dặn dò của Lê Hồng Phong với những người bạn tù, những đồng chí và với Đảng còn sống mãi với các thế hệ cách mạng, tiếp tục thôi thúc chúng ta trên con đường xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh của Đồng chí và các thế hệ cha anh đi trước: "Xin chào tất cả các đồng chí. Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng..."./.

Tác giả: Phương Nghi (dangcongsan.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập214
  • Hôm nay48,638
  • Tổng lượt truy cập15,870,353
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây