Xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển

Thứ bảy - 17/02/2024 23:11 594 0

 Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17-2-1979 - 17-2-2024) đã lùi xa 45 năm. Với tinh thần "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai", Việt Nam và Trung Quốc đã xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.


Phương tiện chở hoa quả tươi ra khu vực xuất khẩu cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: Quang Duy/TTXVN

Hơn bao giờ hết, hai nước đều cần môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ mục tiêu chiến lược phát triển ở mỗi nước; cùng nỗ lực vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Hợp tác địa phương

Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện vào năm 2008 đến nay, hợp tác trên các lĩnh vực đã đạt được tiến triển tích cực, toàn diện. Nhiều năm qua, các địa phương của hai nước cũng đã xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, tạo ra cơ sở, tiền đề quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân...

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, có đường biên giới quốc gia tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc dài hơn 231 km. Lạng Sơn cũng là cửa ngõ quan trọng trong hoạt động giao lưu, trao đổi giữa Việt Nam - Trung Quốc, cũng như giữa khu vực ASEAN và Trung Quốc, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại mà cả trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội...

Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực thúc đẩy, phát huy hiệu quả quan hệ giao lưu hữu nghị, các chương trình, cơ chế hợp tác với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, đặc biệt là chương trình gặp gỡ đầu Xuân và cơ chế Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp giữa 4 tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Các ngành, lực lượng chức năng, địa phương hai bên duy trì thường xuyên quan hệ giao lưu hữu nghị, phát huy tốt các cơ chế hợp tác, nghiên cứu, cụ thể hóa triển khai những nội dung hợp tác.

Hai bên thực hiện hiệu quả hợp tác phòng, chống dịch COVID-19 làm cơ sở duy trì các hoạt động thông quan, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, kết nối giao thông, nâng cấp cửa khẩu, tiện lợi hóa thông quan, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa, quản lý biên giới, hợp tác phòng, chống tội phạm, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới; xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Hai bên đã duy trì thường xuyên, linh hoạt các hoạt động giao lưu tiếp xúc, gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao hai tỉnh - khu, cùng quan tâm chỉ đạo các cấp ủy Đảng, các ngành, các huyện, thị biên giới của hai bên tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi, thúc đẩy hợp tác.

Cùng với đó là tích cực phát huy các cơ chế, hoạt động hiện có như: Hoạt động gặp gỡ đầu Xuân giữa Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) với Bí thư Khu ủy Quảng Tây (Trung Quốc), cơ chế Ủy ban công tác liên hợp giữa 4 tỉnh biên giới của Việt Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) và nhiều cơ chế gặp gỡ, hội đàm định kỳ và hợp tác giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các lực lượng chức năng, các huyện, thành phố trong tỉnh.

Tỉnh cũng tổ chức một số Đoàn cấp cao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh thăm, làm việc tại Quảng Tây, đồng thời đón tiếp các đoàn cấp cao của Quảng Tây thăm, làm việc với tỉnh Lạng Sơn. Thông qua các chương trình làm việc, hai bên đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng. Lãnh đạo hai bên cũng thường xuyên duy trì hoạt động thăm hỏi, chúc mừng nhân dịp Tết cổ truyền, kỷ niệm ngày Quốc khánh và các sự kiện chính trị quan trọng của hai nước.

Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, các huyện biên giới và tổ chức đoàn thể tăng cường hoạt động giao lưu hữu nghị, hội đàm và ký kết thỏa thuận hợp tác, tổ chức giao lưu văn hoá - thể thao, biểu diễn nghệ thuật, tổ chức lễ hội xuân cho nhân dân hai bên biên giới nhân các dịp lễ, Tết, Quốc khánh của hai nước và các sự kiện văn hóa, xúc tiến thương mại, du lịch do hai bên tổ chức. Hai bên tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khu vực biên giới phát huy quan hệ láng giềng truyền thống, qua lại thăm thân, giao lưu, hợp tác kinh doanh, trao đổi hàng hoá, tích cực triển khai thiết lập quan hệ hữu nghị cụm dân cư biên giới.

Hiện nay đã có 5 huyện biên giới và thành phố Lạng Sơn của tỉnh Lạng Sơn thiết lập quan hệ huyện/thị hữu nghị quốc tế; 12 cặp thôn, bản kết thỏa thuận “kết nghĩa thôn, bản hữu nghị” với các thôn, bản phía đối diện của Quảng Tây. Các hoạt động giao lưu văn hóa - thể thao, giao lưu thanh thiếu nhi được duy trì thực hiện. Bên cạnh đó, hai bên cũng đã tích cực triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực du lịch, giáo dục và đào tạo, hợp tác về lao động, nông lâm nghiệp, khoa học kỹ thuật, hành chính, tư pháp, tài chính.

Du khách tham quan cột mốc 1116, Km0 Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Quang Duy/TTXVN

Trong năm 2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan của tỉnh Lạng Sơn đã ký kết 12 thoả thuận, bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác của Quảng Tây, Trung Quốc (5 văn bản cấp tỉnh, 7 văn bản cấp sở, ngành), tạo cơ sở khôi phục mạnh mẽ hoạt động hợp tác toàn diện giữa các cấp, các ngành hai bên trên nhiều lĩnh vực sau đại dịch COVID-19. Các thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác đã ký kết cơ bản đều được thường xuyên chú trọng chỉ đạo triển khai tích cực, hiệu quả.

Lãnh đạo Sở Ngoại vụ tỉnh Lạng Sơn cho hay, thời gian qua cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng, tổ chức đoàn thể của tỉnh đã tăng cường giao lưu, hợp tác với các cơ quan tương ứng của Quảng Tây trên nhiều mặt, lĩnh vực. Hai bên đã xây dựng mối quan hệ hợp tác phát triển kinh tế cửa khẩu; hoạt động đảm bảo an ninh trật tự, an toàn khu vực biên giới, giao thương hàng hóa, giao lưu văn hóa nghệ thuật. Nhiều lĩnh vực hợp tác mới cũng đã được hai bên cùng quan tâm thúc đẩy như: Hợp tác giữa Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn và Ban Thường vụ nhân đại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; Hội chữ thập đỏ hai tỉnh - khu; tòa án, tư pháp, Đoàn Thanh niên, khối doanh nghiệp...

Thời gian tới, hai bên tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả những nhận thức chung đã đạt được của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước từ các chuyến thăm cấp Nhà nước; duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế giao lưu, hợp tác hiện có; phát huy vai trò dẫn dắt hợp tác của chương trình gặp gỡ đầu Xuân. 

Hai bên tăng cường giao lưu, hợp tác hiệu quả giữa các cấp ủy Đảng địa phương, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, khảo sát mô hình, thúc đẩy các hoạt động hợp tác cụ thể; khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động giao lưu nhân dân, giao lưu văn hoá, xã hội. Hai bên quan tâm chỉ đạo hợp tác trên các lĩnh vực trọng điểm như: Phòng, chống dịch bệnh, đầu tư, thương mại, logistics, kết nối giao thông, du lịch, tiện lợi hóa thông quan, mở, nâng cấp cửa khẩu, quản lý biên giới, hành chính tư pháp, đảm bảo an ninh, thực thi pháp luật và phòng, chống tội phạm, y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo nghề, tài chính - ngân hàng...

Tại cuộc hội đàm với Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn vào ngày 30-3-2023, ông Lưu Ninh, Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) khẳng định: Lạng Sơn là tỉnh láng giềng quan trọng nối liền với Quảng Tây, có địa lý ưu thế, tiềm năng hợp tác lớn. Quan hệ hợp tác giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu trên các lĩnh vực. Quảng Tây sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản đi vào thị trường Trung Quốc...

Phát triển kinh tế cửa khẩu

Hoạt động thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu nghị (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn luôn xác định tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tỉnh đã cụ thể hóa, vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là cơ chế ưu tiên đầu tư phát triển khu kinh tế cửa khẩu. Tỉnh ủy,

Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển khu kinh tế cửa khẩu nhằm thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, thu ngân sách...

Trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, tỉnh Lạng Sơn có 10 cửa khẩu hoạt động giao thương hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chỉ còn các cửa khẩu chính như: Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma, ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng duy trì hoạt động thông quan.

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã tích cực làm việc, hội đàm, trao đổi với cơ quan chức năng của Quảng Tây, Trung Quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từng bước mở lại hoạt động các cửa khẩu. Hiện hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đang diễn ra sôi động tại 7 cửa khẩu gồm: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; cửa khẩu chính Chi Ma; cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình, Nà Nưa và cửa khẩu ga quốc tế Đồng Đăng.

Trong năm 2023, lượng xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu trung bình qua các cửa khẩu Lạng Sơn đạt khoảng 1.100 - 1.350 xe/ngày. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh ước đạt 4.925 triệu USD, đạt 129% kế hoạch, tăng hơn 60% so với cùng kỳ. Hàng xuất khẩu địa phương năm 2023 ước đạt 156 triệu USD, đạt 101% kế hoạch, tăng 9,9% so với cùng kỳ…

Để kinh tế cửa khẩu là một trong những trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, tháng 6/2023, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và đại diện chính quyền Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã ký kết Thỏa thuận khung về thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại các cặp cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc). 

UBND tỉnh Lạng Sơn đã hoàn thiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh, hiện đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Với mô hình cửa khẩu thông minh, Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2030 nâng cao năng lực thông quan tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh lên khoảng 4 - 5 lần so với thời điểm hiện tại. Đặc biệt, mô hình này sẽ giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, giảm chi phí vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu…

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, những năm qua, Lạng Sơn đã đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực từ phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Năm 2023, tỉnh đã thực hiện và đạt 16/18 chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Kinh tế của tỉnh phát triển khá toàn diện. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 59,8 triệu đồng, tăng hơn 8 triệu đồng so với năm 2022. Thu ngân sách Nhà nước đạt trên 7.792 tỷ đồng...
Vũ Văn Đạt (TTXVN)

Tác giả: BPO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

1493-CV/BTGTU

Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024

lượt xem: 57 | lượt tải:33

1494-CV/BTGTU

Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực

lượt xem: 39 | lượt tải:28

118-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ X tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029

lượt xem: 392 | lượt tải:196
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập218
  • Hôm nay44,754
  • Tổng lượt truy cập11,853,339
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây