BHXH tỉnh Bình Phước đẩy mạnh công tác phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp không dùng tiền mặt khu vực đô thị năm 2022
Kim Lâm (BHXH tỉnh)
2022-11-15T01:32:03-05:00
2022-11-15T01:32:03-05:00
http://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/tuyen-truyen-chinh-sach-bao-hiem/bhxh-tinh-binh-phuoc-day-manh-cong-tac-phat-trien-nguoi-nhan-luong-huu-tro-cap-bhxh-tro-cap-that-nghiep-khong-dung-tien-mat-khu-vuc-do-thi-nam-2022-1342.html
/themes/egov/images/no_image.gif
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước
http://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/uploads/logo-btg.png
Được triển khai thực hiện từ năm 2019, việc chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thông qua các phương thức không dùng tiền mặt đang ngày càng phát huy được những hiệu quả vượt trội, được người lao động và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ủng hộ và lựa chọn thực hiện.
Người hưởng lương hưu được nhân viên Bưu điện tư vấn nhận lương qua ATM (ảnh internet)
Thực hiện Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược tài chính toàn diện quốc gia năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và các văn chỉ đạo của BHXH Việt Nam, UBND tỉnh; BHXH tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, bưu điện, các ngân hàng thương mại, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp… nhận tiền qua tài khoản cá nhân. Theo đó, tính đến hết tháng 10/2022, số người chi lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng vùng đô thị qua tài khoản cá nhân đạt là 47% , đạt 151% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao (31%); số người chi trợ cấp BHXH 1 lần vùng đô thị qua tài khoản cá nhân là 89%, đạt 148% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao (60%); số người chi trợ cấp thất nghiệp vùng đô thị qua tài khoản cá nhân là 95%, đạt 126% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao (75%).
Có thể nói việc áp dụng phương thức chi trả các chế độ về BHXH, BHTN không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ rõ ràng đã và đang ngày càng chiếm ưu thế với ưu điểm như: Độ an toàn cao, tiện lợi, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm chi phí đi lại cho người hưởng, hạn chế lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường... Đặc biệt, trong giai đoạn COVID-19 hoành hành, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt có thể được xem là một phương thức an toàn xét ở khía cạnh bảo vệ sức khỏe, tránh việc tiếp xúc, tập trung đông người gây mất an toàn do dịch bệnh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được cũng như những ưu điểm của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh thời gian qua thì cũng còn tồn tại những hạn chế nhất định mà ngành BHXH tỉnh Bình Phước ghi nhận như: Số lượng máy rút tiền ATM tại một số huyện, thị xã còn hạn chế, chủ yếu được lắp đặt ở khu vực thị trấn, thị tứ, người dùng phải di chuyển khá xa mới rút được tiền, thường gặp lỗi khi giao dịch, từ đó công tác tuyên truyền, vận động, chưa thực sự thuyết phục; người thụ hưởng, đặc biệt là cán bộ hưu trí, do tuổi cao và thói quen sử dụng tiền mặt, khả năng tiếp cận với các dịch vụ mang tính hiện đại còn hạn chế, đồng thời tâm lý của người hưởng mong được gặp gỡ, giao lưu với bạn bè; công tác phối hợp với bưu điện còn một số hạn chế, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do nhân viên bưu điện được phân công kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nên bị chi phối, chưa tập trung quan tâm đến công tác vận động, thuyết phục người thụ hưởng chuyển đổi hình thức nhận từ tiền mặt sang tài khoản cá nhân….
Ngày 31/3/2022, BHXH Việt Nam ban hành Quyết định số 999/QĐ-BHXH về việc giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khu vực đô thị năm 2022. Theo đó, BHXH tỉnh Bình Phước được giao chỉ tiêu vận động người nhận các chế độ BHXH, BHTN, cụ thể như sau:
- Người nhận lương hưu, trợ cấp hàng tháng: 31% trên tổng số người hưởng thuộc khu vực đô thị.
- Người nhận chế độ trợ cấp một lần: 60% trên tổng số người hưởng thuộc khu vực đô thị.
- Người nhận chế độ bảo hiểm thất nghiệp: 75% trên tổng số người hưởng thuộc khu vực đô thị.
|
Ngoài việc tăng cường quán triệt và chỉ đạo thực hiện từ tỉnh đến huyện, để thực hiện thành công mục tiêu vận động người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian tới, ngành BHXH tỉnh rất cần sự chung tay, vào cuộc của các ngành, các cấp, sự phối hợp của các đơn vị có liên quan, các hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trên địa bàn tỉnh cùng tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, người lao động được tiếp cận các phương thức thanh toán tiên tiến, hiện đại, an toàn. Quan tâm nhiều hơn nữa việc nâng cấp, lắp đặt mới hệ thống các máy rút tiền tự động, đặc biệt là khu vực nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí đi lại cho người dùng...
Tác giả: Kim Lâm (BHXH tỉnh)