Dự hội nghị có đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan. Tại hội nghị, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước đã thông tin một số nội dung về tình hình kinh tế - xã hội; Công tác phòng, chống dịch Covid-19; tình hình dạy và học trực tuyến và kết quả hoạt động ngân hàng trong 9 tháng của năm 2021.
Theo đó, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng trong 9 tháng đầu năm, trong bối cảnh có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều địa phương diễn biến phức tạp, nhưng với tinh thần vượt khó, quyết tâm cao và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực và có nhiều điểm sáng.
Toàn cảnh hội nghị
Về cơ bản tỉnh đã thực hiện được mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Kinh tế tăng trưởng khá 5,05% (kế hoạch đề ra là 8,5%), trong đó 6 tháng đầu năm tăng 7,56% và quý III tăng 0,45%. Đây là mức tăng trưởng dương, trong khi nhiều tỉnh thành trong khu vực có mức tăng trưởng âm trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Thu ngân sách đạt khả quan, thực hiện 9 tháng đạt tiến độ đề ra theo dự toán Bộ Tài chính và HĐND tỉnh giao, kịp thời đáp ứng nhu cầu kinh phí cho phòng chống dịch và chi đầu tư phát triển.
Hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và phát triển hợp tác xã tăng cao so với cùng kỳ: Kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ 868 triệu USD, tăng 39,9%; thu hút đầu tư trong nước 9.206 tỷ đồng, tăng 2,4 lần; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) 691 triệu USD, tăng 8,1 lần so với cùng kỳ 2020. Sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 9 tháng tăng 14,02%; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, chăn nuôi với quy mô tập trung và theo chuỗi giá trị tiếp tục phát triển mạnh gắn với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.
Đồng chí Phạm Văn Trinh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh cung cấp thông tin về tình hình - kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2021
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo. Công tác cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền điện tử đạt kết quả tích cực, 100% dịch vụ công trực tuyến được kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia và vươn lên đứng đầu cả nước.
Tính đến 18 giờ 00 ngày 07/10/2021, tỉnh Bình Phước đã ghi nhận 1.434 ca dương tính với Covid-19. Hiện còn cách ly điều trị 342 bệnh nhân, 1.080 bệnh nhân khỏi bệnh, 12 bệnh nhân tử vong. Tỉnh có 55 khu cách ly tập trung với khả năng tiếp nhận gần 9.000 giường. Các địa phương xác định nâng cấp, cải tạo 115 khu cách ly với khả năng tiếp nhận 4.308 người. Tỉnh đã triển khai 14 đợt. Tổng số người đã được tiêm mũi 1: 164.847 người, đạt 23,8% dân số cần tiêm và số người đã được tiêm mũi 2: 66.685 người, đạt 9,6% dân số cần tiêm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra mô hình “3 tại chỗ” tại Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam có 857 công nhân đang làm việc.
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, vào đầu năm học, toàn tỉnh có trên 43.000 học sinh chưa có thiết bị, máy tính, điện thoại để học trực tuyến. Tuy nhiên với tinh thần dừng đến trường nhưng không ngừng học, các địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên đã thực hiện nhiều giải pháp để dạy và học đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến ngày 25-9, toàn tỉnh chỉ còn chỉ còn 14.531 học sinh thiếu thiết bị học tập.
Công nhân lao động trong khu công nghiệp tỉnh Bình Phước thi đua lao động sản xuất và phòng chống dịch bệnh, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Tuy ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng việc huy động vốn và dư nợ tín dụng các ngân hàng trên địa bàn vẫn đạt kết quả khả quan. Tính đến cuối tháng 8-2021, các ngân hàng huy động được hơn 48.000 tỷ đồng tăng 6.600 tỷ đồng; Dự nợ tín dụng đạt gần 86.000 tỷ đồng, tăng 8,21%.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, khó dự báo, tiếp tục tác động bất lợi đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó rõ nét nhất là sự giảm sút của ngành thương mại, dịch vụ. Số doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể tăng khá cao so với cùng kỳ (289 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng, tăng 20,92% so với cùng kỳ, 160 doanh nghiệp đăng ký giải thể, tăng 113,33% so với cùng kỳ năm 2020); khả năng thích ứng trước khó khăn của các doanh nghiệp để duy trì sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Việc dạy và học trực tuyến gặp một số khó khăn do học sinh chưa đủ phương tiện học tập. Đời sống một bộ phận người dân chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là các lao động thuộc ngành dịch vụ, tiểu thương ở các chợ truyền thống, lao động phổ thông.
Tác giả: Gia Phúc
Ý kiến bạn đọc
Hướng dẫn tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tỉnh Bình Phước năm 2024, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2025
lượt xem: 81 | lượt tải:28Tài liệu Hỏi – Đáp sử dụng mạng xã hội đúng cách
lượt xem: 119 | lượt tải:19KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC “Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ TẦM VÓC CHIẾN LƯỢC CỦA CHIẾN THẮNG CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG 14 - PHƯỚC LONG” (06/01/1975 - 06/01/2025)
lượt xem: 248 | lượt tải:66