Văn hóa độc hại, sùng ngoại, lai căng
Đánh giá đúng tầm mức sự nguy hại của làn sóng xâm lăng văn hóa, thể hiện rõ quyết tâm ngăn chặn làn sóng này, ngày 27-7-2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW “Về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”.
Chỉ thị đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ, tác hại của các sản phẩm văn hóa độc hại và sự sùng ngoại, lai căng đã “tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc; có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận công chúng; dẫn đến khuynh hướng “tự diễn biến” về chính trị, tư tưởng, tác hại lâu dài đến các thế hệ mai sau”.
Làn sóng xâm lăng văn hóa thể hiện rõ ở chỗ các nước phát triển, các nước lớn có âm mưu sẽ xây dựng chiến lược để lặng lẽ đưa các giá trị chuẩn mực, đạo đức xã hội, tư tưởng chính trị, phương pháp kinh tế... của họ dần áp đặt vào các nước đang phát triển thông qua giao tiếp giữa các nước. Từ phân tích trên, chúng ta có thể hiểu sự xâm lăng văn hóa là chiến lược được các cường quốc tính toán nhằm thực hiện tham vọng bá chủ thế giới. Không giống như các dạng truyền thống của quyền lực quốc gia, xâm lăng văn hóa thể hiện quyền lực mềm của một cường quốc.
|
Các hộ gia đình ở huyện đảo Trường Sa thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa.
Ảnh: Hoa Huyền |
Nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, văn hóa luôn là đối tượng mà các thế lực thù địch tập trung hướng đến thông qua nhiều cách thức, thủ đoạn, trong đó trắng trợn nhất là dùng văn hóa để xâm lược; tấn công bằng văn hóa để áp đặt các giá trị văn hóa và lối sống của phương Tây; phá hoại bản sắc văn hóa của dân tộc, từ lĩnh vực văn hóa chuyển hóa dần sang lĩnh vực chính trị; hình thành ý thức chống đối về chính trị, phản bội lại Đảng, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa; đi ngược lại với nền văn hóa của dân tộc.
Dùng văn hóa để phá hoại sự ổn định xã hội
Các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, an ninh mạng đã phân tích và chia sẻ một số thủ đoạn mà các thế lực thù địch thường dùng, đó là: Sản xuất các sản phẩm văn hóa mang hơi hướng thời đại, đánh mạnh vào tập tính thói quen của giới trẻ, những người yếu thế, tiểu thương, những người về hưu, người ít tiếp cận với thông tin chính thống từ cơ quan quản lý nhà nước. Với nhóm đối tượng này, chúng khuyến khích những nhu cầu văn hóa, tinh thần không lành mạnh, tạo ra các mâu thuẫn không có thật thông qua các tin giả được tán phát tinh vi, từ đó tạo ra khuynh hướng văn hóa đối lập với chính trị, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa.
Tiếp đó, chúng thông qua các hoạt động trực tiếp và gián tiếp để lôi kéo nghệ sĩ, những người có ảnh hưởng đi theo trào lưu hưởng thụ xa hoa, các trào lưu sáng tác tự do, dân chủ kiểu phương Tây; lấy số ít người có ảnh hưởng làm “ngọn cờ”, từ đó tuyên truyền làm tha hóa thế hệ trẻ; từng bước làm cho thế hệ trẻ quên đi gốc văn hóa dân tộc, đua đòi ăn chơi, hưởng thụ, không quan tâm tới vận mệnh đất nước...
Bước tiếp theo tinh vi hơn, các thế lực thù địch thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để sản xuất, truyền bá các sản phẩm văn hóa xấu độc, lai căng với ý đồ rõ rệt là tạo thói quen xấu, nhân lên những hành vi phản nhân văn, phi tiến bộ, từng bước tác động vào tâm lý, sở thích, kích thích lối nghĩ, lối sống cá nhân ích kỷ, bạo lực, những ham muốn vật chất tầm thường.
Từng bước làm thay đổi các thang giá trị xã hội, đạo đức, lối sống, làm cho một bộ phận người dân trong xã hội sao nhãng nghĩa vụ, trách nhiệm với cộng đồng, đất nước. Kích thích lối sống hưởng thụ, ca ngợi dục vọng, lạc thú bản năng thấp hèn, chỉ lo cho mình mà quên đạo nghĩa, quay lưng lại với truyền thống và những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
“Dạo” một vòng trên các trang mạng xã hội, chúng ta có thể thấy rõ, nhiều trang mạng xã hội, các tờ báo điện tử của phương Tây có phiên bản tiếng Việt vẫn ngày đêm thêu dệt, đơm đặt những câu chuyện không có thật về các đồng chí lãnh đạo cấp cao; lợi dụng thông tin xử lý cán bộ để bôi nhọ, công kích Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chúng ra sức xuyên tạc chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; phủ nhận giá trị của hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược trước đây và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của dân tộc hiện nay; đánh đồng chính nghĩa và phi nghĩa; làm lẫn lộn vai trò của những chiến sĩ cách mạng chân chính với những kẻ cướp nước, bán nước. Chúng ra sức quảng bá, tuyên truyền các giá trị văn hóa phương Tây; đề cao chủ nghĩa đa nguyên, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng; sử dụng tiêu chuẩn kép trong vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”...
Chúng cũng đầu tư không ít tiền bạc để quảng bá các sản phẩm văn hóa như phim, ảnh, video tuyên truyền, văn hóa phẩm, sách báo, văn học... với ý đồ thao túng rõ rệt nhằm phá hoại nền văn hóa của dân tộc ta; phá hoại sự ổn định xã hội.
Bằng các cuộc tiếp xúc trực tiếp, thông qua con đường du học, hội thảo, du lịch... những lời hứa hão, các thế lực thù địch đang thực hiện âm mưu ly gián về tư tưởng, chia rẽ về tổ chức, lôi kéo những người có ảnh hưởng cổ xúy cho các trào lưu tư tưởng văn hóa phương Tây, gây nhiễu loạn tư tưởng nhân dân, đặc biệt là giới trẻ.
Mục đích của chúng là từng bước làm cho người dân phai mờ những giá trị đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam; từng bước xa rời sự lãnh đạo của Đảng trong công tác văn hóa, tiến tới phủ nhận tính giai cấp, tính Đảng trong văn hóa; tách lĩnh vực này ra khỏi đời sống chính trị-xã hội của đất nước, phá hoại bản sắc văn hóa của dân tộc, từ lĩnh vực văn hóa chuyển hóa dần sang lĩnh vực chính trị, hình thành ý thức chống đối về chính trị, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa, đi ngược lại với nền văn hóa của dân tộc... Đây là mưu đồ rất thâm độc của các thế lực thù địch khi chúng quyết tâm từng bước xâm lăng văn hóa đối với nước ta.
Ngăn chặn từ sớm hành vi mở rộng xâm lăng văn hóa
Những bước đi của cuộc xâm lăng văn hóa đang dần mở rộng ở các cấp độ và phạm vi khác nhau trong tổng thể chiến lược thôn tính văn hóa, nhất là trong bối cảnh nước ta tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Việc chúng ta tham gia tích cực vào một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng sự bùng nổ các thiết bị thông minh kết nối mạng, mọi biến đổi, tác động từ bên ngoài dù nhỏ nhất cũng gây ra ảnh hưởng, theo chiều hướng ngày càng rộng và đa dạng.
Các nước phương Tây hiểu rõ điều này và cũng quyết tăng cường sử dụng “sức mạnh mềm văn hóa” kết hợp cùng sự phát triển vượt bậc của công nghệ, làm cho quá trình xâm lăng văn hóa diễn ra mạnh hơn. Các nước phương Tây và các cường quốc dựa vào công nghệ cao kiểm soát phương thức phổ biến thông tin, từ đó chủ động tạo định hướng dư luận với tốc độ chóng mặt.
Cùng với đó, quá trình toàn cầu hóa, đa dạng hóa văn hóa thế giới chính là mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch công khai lợi dụng hội nhập văn hóa của các nước đang phát triển mà ra sức truyền bá các sản phẩm văn hóa độc hại, truyền bá giá trị tư bản chủ nghĩa, với mục đích cuối cùng là nô dịch văn hóa và đạt được các mục tiêu chính trị.
Mặt khác, chúng ra sức công kích Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; phủ nhận giá trị của hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược trước đây và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của dân tộc hiện nay; đánh đồng chính nghĩa và phi nghĩa, làm lẫn lộn vai trò của những chiến sĩ cách mạng chân chính với những kẻ cướp nước, bán nước, để rồi dần theo thời gian, các tầng lớp trong xã hội chấp nhận các giá trị phương Tây, quên đi lịch sử, văn hóa dân tộc, từng bước bị đồng hóa với văn hóa nước ngoài một cách “êm dịu”, không phản kháng.
Đây cũng là đặc điểm thay đổi lớn trong chiến lược “diễn biến hòa bình” mà phương Tây đang áp dụng.
Văn hóa cũng là trận chiến không khoan nhượng
Hiểu rõ ý đồ của các thế lực, các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam cũng có sự đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng. Đánh giá về tầm quan trọng của nền tảng văn hóa đối với một quốc gia, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: “Văn hóa không chỉ là yếu tố truyền tải giá trị tinh thần mà còn là công cụ định hướng, quản lý sự thay đổi trong xã hội. Đối với các quốc gia đang phát triển như chúng ta, văn hóa có thể là chìa khóa để xây dựng nền tảng vững chắc, bảo đảm sự phát triển toàn diện, hài hòa giữa các lĩnh vực và nâng cao đời sống của nhân dân.
Trong kỷ nguyên mới, khi chúng ta đối mặt với những thay đổi nhanh chóng về công nghệ, môi trường và lối sống, văn hóa cần được coi trọng hơn bao giờ hết. Văn hóa không chỉ là sự phản ánh quá khứ mà còn là sự dẫn dắt, định hướng cho tương lai như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Một quốc gia có nền văn hóa vững chắc là một quốc gia có khả năng vượt qua mọi thử thách, duy trì sự ổn định và đồng lòng để tiến bước trong bối cảnh toàn cầu hóa đầy cạnh tranh. Văn hóa là sức mạnh vô hình nhưng bền vững, là nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội thịnh vượng cả về vật chất lẫn tinh thần”.
Vì thế, tăng cường giáo dục, bồi đắp hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới, như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên” vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp hết sức quan trọng để ngăn ngừa tác động của những âm mưu, thủ đoạn xâm lăng văn hóa; tạo sức đề kháng, sự miễn dịch trong các tầng lớp nhân dân trước mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch.
(còn nữa)