Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong xây dựng văn hóa, con người Bình Phước”. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, văn nghệ sĩ trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan, Hội thảo diễn ra ngày 29/11/2024.
Sau đây, Ban Biên tập Website Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước trân trân trọng giới thiệu toàn toàn văn phát biểu kết luận của đồng chí Vũ Tiến Điền - UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tại Hội thảo khoa học.
Sau một buổi làm việc tích cực, với tinh thần trách nhiệm, khách quan và khoa học. Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong xây dựng văn hóa, con người Bình Phước” đã thành công tốt đẹp; hoàn thành nội dung, mục đích, yêu cầu đề ra. Với 36 tham luận, trong đó có 05 tham luận và 09 ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ, các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Có thể nói, những bài viết, ý kiến phát biểu của các đại biểu là những tâm huyết, những trăn trở, những định hướng rất quan trọng nhằm phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong xây dựng văn hóa, con người Bình Phước.
Đồng chí Vũ Tiến Điền - UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phát biểu kết luận Hội thảo
Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ giá trị lý luận, thực tiễn, giải pháp quan trọng để phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; đặc biệt trong xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước “đa dạng, bản sắc và hội nhập”, xây dựng con người Bình Phước “Hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo” theo tinh thần Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 20/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Hội thảo cũng đã làm rõ hơn vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật; hiểu rõ và trân trọng những đóng góp của văn học, nghệ thuật, tôn vinh, chăm lo thiết thực cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Phát huy tài năng, tâm huyết của văn nghệ sĩ, sáng tạo những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao về chủ đề xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo không khí phấn khởi, góp phần củng cố, bồi đắp lòng tự hào, tự tôn dân tộc, niềm tin của Nhân dân với Đảng, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong thời gian qua, Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà đã có sự khởi sắc, tiến bộ vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Từ chỗ khi mới thành lập chỉ có 61 hội viên, đến nay đã quy tụ được 307 hội viên sinh hoạt trong 09 chi hội chuyên ngành, trong đó có 29 hội viên đang tham gia Hội chuyên ngành Trung ương. Đặc biệt, đã có nhiều tác phẩm đạt giải cấp Trung ương. Thể loại nhạc có các tác phẩm: “Hành khúc thanh niên cao su” của tác giả Mai Quảng; “Thanh niên Việt Nam tiến bước” của tác giả Nguyễn Văn Luân; “Tiếng hát chiến sĩ Biên phòng Bình Phước” của tác giả Quang Vượng. Nhạc sĩ Trần Cao Vân sáng tác đặc sắc về con người Bình Phước với ca khúc “Tôi yêu S’tiêng của tôi”. Nhiếp ảnh có tác phẩm: “Băng đồng” của tác giả Nguyễn Văn Phúc đạt giải Huy chương vàng tại Nhật Bản (năm 2006). Bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc truyền thống của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh như S’tiêng, Mơ nông, Khơ mer, Tày, Thái, Chăm…
Về thơ trong xây dựng văn hóa, con người Bình Phước: có không ít thi sĩ thành danh với những tập thơ, bài thơ hay đã xuất bản, ra mắt công chúng như cố nhà thơ Ngân Hoàn, Nguyệt Lãng, Lê Viết Liệu, Nguyễn Văn Sữa… Cùng những nhà thơ đang sinh hoạt ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh như nhà thơ Bùi Thị Biên Linh, Hữu Diên, Triệu Quốc Bình, Trịnh Loan… và nhiều tác giả thơ ở Chi hội Văn học. Trong giải thưởng Văn học Nghệ thuật 5 năm lần thứ nhất đã có các nhà thơ đạt giải thưởng như: Giải C của nhà thơ Nguyễn Văn Sữa, giải Khuyến khích của nhà thơ Bùi Thị Biên Linh...
Về những bất cập, bức xúc về cơ chế, chính sách, về trách nhiệm, về tầm nhìn… đã được Hội thảo làm rõ, rất sâu, gióng lên hồi chuông báo động đỏ. Đó là, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa còn hạn chế; hệ thống thiết chế văn hóa còn thiếu và chưa được đầu tư đồng bộ, phương thức hoạt động chậm đổi mới; trong sáng tác, biểu diễn, truyền bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật còn thiếu các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; điều kiện hưởng thụ văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biên giới còn nhiều khó khăn; việc chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp có nơi chưa được triển khai mạnh mẽ.
Những ý kiến góp ý, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Nguyên uUyr vien Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương; đồng chí Phạm Quý Trọng - Phó Vụ trưởng, Phó trưởng Cơ quan Thường trực khu vực miền Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương là hết sức quý giá và thiết thực. Ban tổ chức Hội thảo xin tiếp thu và tổ chức thực hiện có hiệu quả; sau Hội thảo sẽ thành lập Ban biên soạn để biên tập, xuất bản Kỷ yếu Hội thảo báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và tham mưu Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 20/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Các ý kiến tại Hội thảo cũng đã làm rõ những giải pháp rất quan trọng để phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong xây dựng văn hóa, con người Bình Phước trong thời gian tới, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Các sở, ban ngành tiếp tục quan tâm, coi trọng vai trò quan trọng của văn học, nghệ thuật trong xây dựng văn hóa, con người Bình Phước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XI, Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 20/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; nghiên cứu đề xuất với lãnh đạo tỉnh sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, định mức chi phù hợp đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
2. Đối với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh
- Tiếp tục, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, các chi hội trực thuộc; thành lập các chi hội văn học, nghệ thuật cấp huyện trực thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, tiến tới thành lập hội văn học nghệ thuật cấp huyện, thị khi có đủ điều kiện theo tinh thần Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 20/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước. Phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hoá - tinh thần ngày càng cao của Nhân dân. Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, tập trung xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp. Trong đó, tập trung thực hiện tốt việc Tổng kết 50 năm nền Văn học, Nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 -30/4/2025), đồng thời chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
- Phát huy vai trò của Hội trong việc đề xuất và thực hiện nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao, làm tốt vai trò cầu nối giữa đội ngũ văn nghệ sĩ với cấp ủy đảng, chính quyền; nâng cao chất lượng Tạp chí Văn nghệ Bình Phước; kết hợp với các Hội chuyên ngành Trung ương tổ chức trại sáng tác thuộc các lĩnh vực: thơ, nhiếp ảnh, mỹ thuật, kiến trúc,...
- Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; đẩy mạnh sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, phong phú về nội dung, chất lượng về nghệ thuật. Phát huy mạnh mẽ, trí tuệ của tập thể Ban Chấp hành Hội, định hướng cho hội viên hoạt động đúng đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng về văn học, nghệ thuật trong tình hình mới.
3. Đối với các huyện, thị xã, thành phố: quan tâm, phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh thành lập chi hội văn học nghệ thuật cấp huyện trực thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, tiến tới thành lập hội văn học nghệ thuật cấp huyện, thị khi có đủ điều kiện; thường xuyên chấn chỉnh các hoạt động, dịch vụ văn hóa; các sáng tác, bình luận, chia sẻ không lành mạnh về văn hóa trên không gian mạng, tuyên truyền, lan tỏa, các giá trị văn hóa, các tác phẩm văn học mới. Tích cực xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước “đa dạng, bản sắc và hội nhập”; vừa đậm đà giá trị văn hóa của dân tộc, vừa giàu có bản sắc của địa phương. Xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam; đồng thời phát huy mạnh mẽ các đặc tính nổi trội là “hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo”.
4. Tăng cường giao lưu, hợp tác phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật với các địa phương là trung tâm văn hóa, văn học nghệ thuật trong cả nước, các tỉnh thành trong khu vực Đông Nam Bộ và cả nước có ký kết hợp tác phát triển với tỉnh; chú trọng liên kết, trao đổi về đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật, nhất là tài năng trẻ; tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ hợp tác, giao lưu, tiếp cận với các xu hướng, sản phẩm văn học, nghệ thuật mới, tiến bộ trên thế giới.
5. Sau hội thảo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ chọn lọc, biên tập các bài tham luận, các ý kiến thảo luận thành Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp tỉnh với chủ đề “Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong xây dựng văn hóa, con người Bình Phước” để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong toàn tỉnh.
6. Một số kiến nghị, đề xuất
- Đề nghị Hội đồng Lý luận phê bình, Văn học, Nghệ thuật Trung ương quan tâm hỗ trợ, định hướng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ của cả nước hoạt động, sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài vùng đất, văn hoá, con người Bình Phước - Vùng đất giàu truyền thống cách mạng, giàu tiềm năng và khát vọng phát triển. Mở các lớp bồi dưỡng chuyên đề cập nhật kiến thức về văn học, nghệ thuật cho văn nghệ sĩ nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm hơn nữa trong việc ban hành các cơ chế chính sách đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và người làm công tác văn hóa, văn nghệ trong tình hình mới. Nghiên cứu, xem xét bố trí trụ sở làm việc có không gian để hội viên sinh hoạt, trưng bày, giới thiệu tác phẩm như tranh, ảnh, tác phẩm văn, thơ… để quảng bá tác phẩm đến với công chúng.