Trong thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng “lấy đức phục người” đã được kế thừa, phát triển lên tầm cao mới. (Ảnh tư liệu) |
Tư tưởng “lấy đức phục người” suy rộng ra là tính nhân văn, nhân đạo, là nét độc đáo trong truyền thống dân tộc, trong nghệ thuật quân sự Việt Nam, yếu tố đóng vai trò quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến đấu và chiến thắng quân thù. Thực tiễn lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam cho thấy, tư tưởng “lấy đức phục người” đã được ông cha ta vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo. Điển hình như trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, dù quân địch đã có những hành động vô cùng độc ác đến mức “Trúc Nam Sơn không ghi hết tội”, “nước Đông Hải không rửa sạch mùi”, nhưng với tinh thần “mưu phạt tâm công”, “đem đại nghĩa để thắng hung tàn”, “lấy chí nhân để thay cường bạo”, sau khi đánh bại quân xâm lược, tướng, sĩ và nhân dân ta còn cấp cho chúng “vài nghìn cỗ ngựa” để chạy về nước. Bởi lẽ, đánh vào lòng người là cách đánh nhanh nhất để thu phục nhân tâm; giáo, gươm, súng đạn có thể tiêu diệt quân thù, nhưng khi tâm chưa phục thì thật khó để thống nhất giang sơn, định yên bờ cõi.
Điều đáng chú ý trong tư tưởng “lấy đức phục người” của ông cha ta là sự gắn bó, hòa quyện mật thiết giữa “đại nghĩa” và “chí nhân”, trong đó “đại nghĩa” là yếu tố quan trọng, được đặt lên hàng đầu; tức là phải coi trọng vận động, thuyết phục, tiến công vào nhân tâm đối phương trước để làm giảm nhuệ khí, thu phục lòng quân đối phương trước, sau đó mới dùng đến mưu trí, tài thao lược và biện pháp quân sự.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng “lấy đức phục người” đã được kế thừa, phát triển lên tầm cao mới. Theo Bác, máu của người Việt Nam hay máu của người Pháp, người Mỹ đều đỏ như nhau. Hơn nữa, là con người nên ai cũng có gia đình, ai cũng có nỗi đau; kháng chiến cốt là đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập tự do chứ hoàn toàn không ai mong muốn máu chảy thành sông, thây phơi thành núi. Vì vậy, Người yêu cầu không được tận diệt theo kiểu “nhổ tận gốc, trốc tận ngọn” như việc nhổ cỏ. Điều đó thể hiện rõ trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhấn mạnh đến vai trò của yếu tố chính trị, tinh thần trong hoạt động vũ trang cách mạng. Thực tiễn suốt cuộc đời hoạt động vĩ đại của Bác Hồ cũng chứng minh, Người luôn quan tâm chỉ đạo tiến hành tốt công tác địch vận nhằm cảm hóa và thu phục nhân tâm của nhiều người từng đứng bên kia chiến tuyến. Bác khẳng định “Đánh thắng địch là giỏi. không đánh mà thắng địch càng giỏi hơn. Không đánh mà thắng là nhờ địch vận”.
Hiện nay, tuy hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế lớn của toàn cầu nhưng các thế lực thù địch, cơ hội chính trị vẫn đang ra sức chống phá Đảng, Nhà nước ta trên mọi lĩnh vực, nhất là mặt trận tư tưởng, văn hóa. Đáng chú ý, những năm gần đây, lợi dụng sự phát triển của internet, mạng xã hội và những vấn đề nảy sinh từ mặt trái nền kinh tế thị trường, kẻ thù đã ra sức sử dụng các phương tiện công nghệ kỹ thuật cao để xuyên tạc, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Theo đó, không gian mạng trở thành “mặt trận không tiếng súng” đầy cam go, phức tạp và nóng bỏng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trở thành nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Do vậy, bất luận trong mọi tình huống, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng đều phải bình tĩnh, kiên trì, tỉnh táo, xây dựng tâm trong trí sáng, lấy gương tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau; thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Vận dụng tư tưởng “lấy đức phục người” trong điều kiện mới hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên cần tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; sẵn sàng khoan dung, rộng lượng đối với những người lầm đường, lạc lối nhưng biết ăn năn, hối cải, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ” (1).
Cùng với đó, từng cán bộ, đảng viên cần chủ động “thực hiện đồng bộ với các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu” (2); tiên phong nêu gương về đổi mới tư duy, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ do tổ chức phân công. Thực hiện đúng phương châm công tác tuyên truyền, vận động của Đảng; đồng thời quán triệt và vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng “lấy đức phục người”, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết, nhân lên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.
-------------------------------
Tài liệu tham khảo:
(1). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, tr. 280.
(2). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tập I, tr. 74 - 75.
Tác giả: Tống Xuân Lý (Trường Sĩ quan Chính trị)
Ý kiến bạn đọc
Định hướng công tác tuyên truyền tháng 11/2024
lượt xem: 75 | lượt tải:25Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024
lượt xem: 258 | lượt tải:90Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực
lượt xem: 219 | lượt tải:65