Điểm nhấn xây dựng chính quyền điện tử ở Bình Phước

Thứ năm - 10/03/2022 04:37 1.357 0
Với mục tiêu chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử lấy người dân, doanh nghiệp là đối tượng được thụ hưởng lớn nhất, Bình Phước đang từng ngày bứt phá mạnh mẽ, trở thành “điểm sáng” trong khu vực Đông Nam Bộ về lĩnh vực này.
 
3
Bình Phước hiện có bốn trung tâm điều hành thông minh kết nối với lãnh đạo các cấp theo dõi và điều hành công việc hằng ngày
 
Điểm nhấn xây dựng chính quyền điện tử, bắt đầu từ cuối năm 2018, khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Nghị quyết 07/NQ-TU về xây dựng chính quyền điện tử Bình Phước giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. 

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, UBND tỉnh đã xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 1.0. Đến đầu năm 2021, UBND tỉnh tiếp tục ban hành phiên bản 2.0 nhằm thiết lập cơ sở, định hướng cho quá trình xây dựng chính quyền điện tử tại tỉnh; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động các cơ quan nhà nước của tỉnh, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
 
Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành

Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 18/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, với quan điểm: Chuyển đổi số là một bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, chuyển đổi số phải do cấp ủy lãnh đạo, chính quyền thực hiện với sự quyết liệt và chung tay của toàn hệ thống chính trị nhằm chuyển đổi số thành công trên mọi lĩnh vực. 

Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy đưa ra quan điểm, mục tiêu là thực hiện chuyển đổi từng lĩnh vực tiến tới chuyển đổi tổng thể và toàn diện; coi doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình này; lĩnh vực nào doanh nghiệp, người dân cần thì tập trung chuyển đổi trước; chọn một số ngành, địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi toàn diện, làm điểm để rút kinh nghiệm.

Với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm động lực kiến tạo, phát triển”, Bình Phước chọn nhóm 9 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số đến năm 2025, gồm: Quản lý dân cư, tài nguyên, giáo dục, y tế, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp, giao thông, năng lượng, sản xuất công nghiệp. Đồng thời, tỉnh xây dựng nhóm 5 mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện, gồm: mô hình doanh nghiệp với 5 công ty; mô hình hợp tác xã với 2 đơn vị; mô hình cơ quan hành chính với 12 cơ quan; mô hình cấp huyện với 3 địa phương (thành phố Đồng Xoài, thị xã Phước Long và huyện Lộc Ninh); mô hình cấp xã với 20 xã, phường, thị trấn. 

Ngoài ra, Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy còn đề cập việc Bình Phước tăng cường hợp tác với các tập đoàn, công ty có uy tín, năng lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin để hợp tác, thuê dịch vụ, ưu tiên triển khai ứng dụng dùng chung, giảm mua sắm, nâng cao hiệu quả của chuyển đổi số. 

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh: Quan điểm của tỉnh là chuyển đổi số phải do cấp ủy lãnh đạo, chính quyền thực hiện với sự quyết liệt và chung tay của toàn hệ thống chính trị; thực hiện trên từng lĩnh vực tiến tới đồng bộ và toàn diện, với ba trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số); chuyển đổi số gắn liền với cải cách thủ tục hành chính, đổi mới cách thức làm việc của các cơ quan nhà nước, tất cả hướng tới phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng tốt hơn. “Chúng tôi coi nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan trong chỉ đạo thực hiện số hóa tại cơ quan, địa phương mình là nhiệm vụ hàng đầu. Từ đó, lấy tiêu chí số hóa để đánh giá cán bộ hằng năm; qua đó việc tổ chức thực hiện đã đạt được những kết quả rất đáng  mừng”-đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nói. 

Những bước tiến mang tính đột phá

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Quang cho biết: Năm 1997 khi tái thành lập tỉnh, lĩnh vực công nghệ thông tin còn khá mờ nhạt, chỉ có một số ít đơn vị đã xây dựng được mạng LAN; đa số  máy tính đều sử dụng phần mềm ứng dụng văn phòng (Word, Excel) phục vụ cho việc báo cáo, thống kê, tính toán. Đến năm 2002, toàn tỉnh có 5 công chức có trình độ đại học và cao đẳng về tin học... 

Đến nay, tỷ lệ cán bộ, công chức trong các cơ quan khối Đảng và Nhà nước của tỉnh Bình Phước được trang bị máy tính phục vụ công tác đạt 100%; 100% cơ quan, đơn vị có kết nối internet tốc độ cao, được trang bị mạng nội bộ kết nối theo mô hình máy chủ/máy trạm. Lĩnh vực bưu chính, viễn thông đã triển khai thử nghiệm phát sóng thành công mạng 5G tại khu vực trung tâm tỉnh từ tháng 2/2021; đang thực hiện đẩy mạnh phủ sóng thông tin di động 100% các khu vực trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực biên giới; toàn tỉnh đạt gần 1,2 triệu thuê bao (bình quân đạt 115,9 thuê bao/100 dân). 

Đặc biệt, năm 2021 tỉnh bứt phá, vươn lên đứng đầu cả nước ở các nhóm công việc như: Về dịch vụ công trực tuyến, từ chỗ xếp thứ 47/63 tỉnh, thành phố đã vươn lên xếp thứ nhất cả nước (tính đến 31/12/2021 tỉnh có 1.450 dịch vụ công được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia); từ một tỉnh chưa có hồ sơ cấp bản sao chứng thực điện tử từ bản chính đã thành công vươn lên đứng đầu cả nước (tính đến 31/12/2021 có hơn 35.000 hồ sơ chứng thực điện tử thành công). 

Về thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai, các loại phí, lệ phí trực tuyến, từ chỗ chưa có thanh toán trực tuyến nào vươn lên xếp thứ 1/63 tỉnh, thành phố cả về tổng số giao dịch và số tiền thanh toán trực tuyến. 

Trên nền tảng công nghệ thông tin hiện có, Bình Phước đang đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, tổ chức xây dựng các phần mềm để minh bạch các khoản thu trong giáo dục; thuế, phí đến tận cấp xã, phường... Bình Phước đang xây dựng Đề án khám, chữa bệnh từ xa bằng hình thức trực tuyến để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân... 

Xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số bước đầu mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Anh Nguyễn Lê Trường, Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Lộc Ninh (phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, Bình Phước) cho biết: “Khi chính quyền quan tâm giải quyết các thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến, doanh nghiệp chúng tôi thực hiện rất thuận lợi, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. 

Hồ sơ, giấy tờ liên quan đến các dự án thực hiện rất thuận lợi và đúng tiến độ. Qua đó, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh và doanh nghiệp chúng tôi”. Còn chị Hà Phương Hạnh, phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài lại rất hài lòng khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất: “Giờ chúng tôi chỉ nộp hồ sơ vào bộ phận một cửa là nhận giấy hẹn và đến ngày thì nhận kết quả. Còn các nghĩa vụ tài chính, thuế, chúng tôi nhận thông báo, thanh toán trực tuyến nhanh gọn”.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho rằng: Thực hiện chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, khách quan theo xu thế của thời đại, giúp cho mọi hoạt động được đưa lên môi trường số, tạo ra một không gian hoạt động hoàn toàn mới, làm thay đổi cách vận hành công việc và cuộc sống. Đây là cơ hội “vàng” giúp chúng ta bắt kịp và vươn lên phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, làm thay đổi cuộc sống của nhân dân, tạo sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Bình Phước đang được xem là một tỉnh nhỏ, hạ tầng công nghệ thông tin cũng đang cần được ưu tiên nguồn lực đầu tư; nguồn nhân lực để thực hiện còn thiếu, trình độ chuyên môn cần được đào tạo nâng cao...

Để giải quyết bài toán này, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có tiềm năng, nhà đầu tư lớn để tạo ra những nền tảng quan trọng cho các ngành của tỉnh, nhất là ngành công nghệ thông tin. Tỉnh coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực-đây là một hạ tầng mềm rất quan trọng. 

Đến nay, tỉnh đã xây dựng các giải pháp phát triển nguồn nhân lực về chất lượng và số lượng. Về chất lượng, tỉnh đang đẩy mạnh xúc tiến hợp tác với Tập đoàn FPT đào tạo phát triển công nghệ thông tin; tái cấu trúc trường nghề của tỉnh một cách mạnh mẽ. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh phân luồng học sinh để hướng nghiệp và đào tạo nghề nhằm nâng cao số lượng lao động có trình độ. 

Ngoài ra, tỉnh có nhiều chính sách để thu hút nguồn nhân lực như: phát triển nhà ở cho công nhân, hỗ trợ kinh phí ban đầu khi về làm việc tại tỉnh, tăng thu nhập cho những sinh viên chuyên ngành này...

 Xây dựng chính quyền đô thị và chuyển đổi số không chỉ là cải thiện thứ hạng một cách ngoạn mục trên Cổng dịch vụ công quốc gia, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề để UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục chỉ đạo, điều hành những cách làm mang tính đột phá, tạo niềm tin và động lực để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Tác giả: Nhật Phong (BPO)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập306
  • Hôm nay62,711
  • Tổng lượt truy cập16,979,226
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây