Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” trên địa bàn tỉnh có những chuyển biễn rõ nét. Các cấp, các ngành đã làm tốt công tác quán triệt, học tập và tuyên truyền nghị quyết.
Qua đó, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ đã được nâng lên. Công tác phối, kết hợp của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện nghị quyết đạt được nhiều kết quả khả quan, tạo chuyển biến rõ nét và nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, nâng cao chất lượng đời sống cho người nông dân.
Một số kết quả chủ yếu:
Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ trong những năm qua được các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm, lãnh đạo. Xác định việc phát triển khoa học và công nghệ là một nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, là tiêu chí đánh giá hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu, của cấp ủy đảng, chính quyền hằng năm.
Công tác quản lý hoạt động khoa học và công nghệ từng bước đi vào nề nếp và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Việc triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống trên địa bàn từng bước phát triển. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về khoa học và công nghệ được quan tâm. Việc tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, quản lý mang lại hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh, tăng năng suất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, đem lại lợi nhuận cao, cải thiện môi trường sinh thái, phù hợp kinh tế thị trường, phát triển bền vững.
Trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2022, sáng nay 30-5, tại Trung tâm Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước đã chính thức khai trương sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Bình Phước: Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh: “Sàn giao dịch sẽ trở thành một nền tảng quan trọng đóng góp vào sự phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh Bình Phước. Sàn giao dịch là điểm kết nối giữa các doanh nghiệp và nhà khoa học, nhờ đó tri thức được chuyển giao, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực nội sinh” (Nguồn: Báo Bình Phước online)
Kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, kết hợp việc triển khai thực hiện đề án tinh giản biên chế, bộ máy tổ chức quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ của tỉnh đã thực hiện theo hướng tinh gọn, hợp lý và khoa học, đảm bảo thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ.
Thứ hai, việc triển khai các định hướng nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu: Giai đoạn 2013 - 2021, tổng số nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai là 66 nhiệm vụ. Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các viện, trường, sở, ngành và các đơn vị trong và ngoài tỉnh tiếp tục thực hiện 21 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh chuyển tiếp, thực hiện mới 45 nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được phân bổ trên nhiều lĩnh vực, lồng ghép việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh với các hoạt động thuộc Đề án khung nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2014 - 2020. Kết quả nghiên cứu khoa học trên một số lĩnh vực chủ yếu như: nông nghiệp, thủy sản; xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng quan trọng của tỉnh như: “Hồ tiêu Lộc Ninh” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 221701, với gần 3.800 ha hồ tiêu; xây dựng chỉ dẫn địa lý “Bình Phước” cho sản phẩm hạt điều, đã có 09 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước; tạo lập nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Bình Phước” dùng cho sản phẩm cao su của tỉnh Bình Phước; hỗ trợ xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Nhãn da bò Thanh Lương” và “Gà thả vườn Thanh Lương” của thị xã Bình Long từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ năm 2019; thương mại hóa các sản phẩm từ các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, với nhiều tác phẩm đạt giải, có tính sáng tạo và ứng dụng trong thực tiễn.
Thứ ba, phát huy và tăng cường tiềm lực, thị trường khoa học và công nghệ
Tiềm lực khoa học và công nghệ của tỉnh đã được tăng cường đáng kể trên các mặt tổ chức, đội ngũ cán bộ và đầu tư cơ sở vật chất. Mạng lưới các tổ chức khoa học và công nghệ được tăng cường, đến nay trên địa bàn tỉnh có 09 tổ chức khoa học và công nghệ (có đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ. Giai đoạn 2012 - 2021 có 08 sản phẩm, giải pháp đạt giải cao tại Hội thi toàn quốc và được triển khai ứng dụng trong sản xuất.
Từ năm 2012 đến nay, trong xu thế phát triển chung của thị trường khoa học và công nghệ, ngành khoa học và công nghệ đã tham gia 04 Hội chợ công nghệ và thiết bị sản phẩm; tham gia 03 gian hàng trưng bày các sản phẩm chủ lực của tỉnh tại Hội nghị kết nối cung cầu và Hội nghị Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ năm 2018 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Qua các lần tham gia hội chợ, các sản phẩm, công nghệ tiêu biểu của tỉnh đã được chào bán, trưng bày, quảng bá tới rộng rãi tới các doanh nghiệp, nhà phân phối trong và ngoài nước, tạo cầu nối phát triển thị trường khoa học và công nghệ của tỉnh ra phạm vi cả nước. Các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật và ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất đã mang lại những hiệu quả thiết thực nhằm góp phần đa dạng hóa cây trồng vật nuôi cho nông dân.
Phương hướng, nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ trong thời gian tới cần tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu như:
Một là, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa KH&CN trở nhân tố chính cho phát triển nông nghiệp.
Hai là, lĩnh vực công nghiệp: tập trung phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, giảm phụ thuộc vào lợi thế cạnh tranh không bền vững. Từng bước chuyển dịch sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy KH&CN làm động lực, đặc biệt tập trung đầu tư chiều sâu, ưu tiên phát triển công nghiệp sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu, ít thâm dụng tài nguyên và ít ảnh hưởng đến môi trường.
Ba là, lĩnh xây dựng: nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ thiết kế, thi công, tính toán tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng công tác quy hoạch, kiến trúc. Đảm bảo độ an toàn cao cho các công trình xây dựng trên địa bàn. Nghiên cứu các mô hình kiến trúc phù hợp với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Chú trọng ứng dụng công nghệ sạch và tiết kiệm sử dụng năng lượng trong công trình.
Bốn là, lĩnh giao thông vận tải: ứng dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến, hiện đại, hướng tới nâng cao chất lượng quản lý và giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo trì khai thác các công trình giao thông trên địa bàn. Đặc biệt, ưu tiên nghiên cứu đầu tư, xây dựng kết nối hệ thống giao thông an toàn, thông minh, phát triển hệ thống đường gom, giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.
Năm là, đối với ngành thương mại: phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ cơ sở hạ tầng như logistics, bưu điện, tài chính, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm. Đẩy mạnh xã hội hóa các loại dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trên địa bàn. hoạt động phân phối, lưu thông hàng hóa dịch vụ; thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển nhanh chóng và góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.
Sáu là, đối với ngành du lịch: nghiên cứu, tìm giải pháp nhằm đa dạng hoá các sản phẩm, chú trọng xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt, độc đáo của tỉnh. Nâng cao văn hóa và chất lượng các sản phẩm du lịch để đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, gắn hoạt động du lịch của tỉnh với các hoạt động du lịch của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường (thứ 2 từ trái sang) cùng các đại biểu tham quan các sản phẩm, thiết bị trưng bày tại sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Bình Phước.
Bảy là, lĩnh vực ngân hàng - tài chính: chủ động nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào một số công nghệ thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ ngân hàng, từ đó làm phong phú thêm những trải nghiệm của khách hàng.
Tám là, đối với lĩnh vực y tế: tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất; chuẩn hóa các trang thiết bị y tế; đẩy nhanh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong y tế gồm cả các công nghệ hiện đại xử lý chất thải từ các bệnh viện. Ứng dụng các trang thiết bị hiện đại trong việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm định các loại dược phẩm, mỹ phẩm và nâng cao nhận thức của người dân trong phòng bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH&CN trong y học hiện đại, kỹ thuật công nghệ cao (đặc biệt là công nghệ sinh học) trong chẩn đoán và điều trị bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Từng bước củng cố nâng cấp các bệnh viện tuyến tỉnh đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ là những đơn vị chuyên môn, kỹ thuật y tế đầu ngành của tỉnh.
Chín là, đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội: đề xuất chính sách và cơ chế tài chính đặc thù để huy động vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ dành cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ vật liệu trong hoạt động bảo tồn, phục dựng di sản văn hóa vật thể; đẩy mạnh xây dựng dữ liệu số bảo tồn, lưu giữ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tích hợp các ứng dụng nhằm cung cấp dịch vụ trực tuyến đến các đối tượng: nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực văn hóa và dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh cũng như quốc tế.
Mười là, đối lĩnh vực giáo dục - đào tạo: đầu tư nâng cấp, mở rộng và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh. Đầu tư các trang thiết bị công nghệ hiện đại như các loại thiết bị công nghệ cao để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn việc đào tạo lý thuyết với thực hành (công nghệ màn hình đa năng, phòng học ngoại ngữ hiện đại, hệ thống giám sát học đường...)... Hỗ trợ tin học hoá học đường, đưa nhanh việc sử dụng công cụ internet trong các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Mười một là, đối với lĩnh vực môi trường: tiếp tục ưu tiên các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các công cụ kinh tế và kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như thuế, phí môi trường; quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; thanh tra môi trường. Đảm bảo 100% nước thải sinh hoạt và công nghiệp được xử lý trước khi thải ra sông, suối.