Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo. Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa… tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát.
Dưới đây là các biện pháp Bộ Y tế kêu gọi người dân cùng chung tay, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân gia đình và cộng đồng.
Thứ nhất, không chủ quan với dịch bệnh
Bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân là yếu tố quyết định mang lại sự thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bộ Y tế kêu gọi toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh. Khi người dân nâng cao tinh thần trách nhiệm, hành động tích cực, tự giác sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, không chỉ bảo vệ sức khỏe cho bản thân mà còn cho gia đình, địa bàn, từ đó góp phần phòng bệnh cho cả cộng đồng.
Thứ hai, tăng cường sức đề kháng, ăn uống lành mạnh
Bữa ăn lành mạnh chính là nền tảng giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Một bữa ăn lành mạnh không chỉ có vai trò trong việc cung cấp dinh dưỡng mà còn giúp nâng cao sức khỏe, đẩy lùi các bệnh lý tim mạch, ngăn ngừa ung thư, cải thiện sức khỏe đường ruột, nâng cao tâm trạng… Bộ Y tế đưa ra ba thông điệp rõ ràng, kêu gọi người dân ăn chín, uống sôi, an toàn thực phẩm để phòng, chống dịch bệnh; Thực hiện lối sống khoa học, dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng; Không tiếp xúc động vật ốm, chết và không sử dụng thực phẩm không an toàn; từ đó tăng cường sức đề kháng, chủ động phòng chống dịch bệnh.
Thứ ba, khẩu trang, khử khuẩn
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã đi qua nhưng đã để lại nhiều bài học quý giá trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh. Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình, xã hội, Bộ Y tế kêu gọi người dân tiếp tục chủ động bảo vệ bản thân thông qua các hoạt động hằng ngày như:
- Thường xuyên rửa tay, vệ sinh cá nhân để phòng, chống dịch bệnh;
- Thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nơi ở để ngăn ngừa mầm bệnh phát triển;
- Thực hiện 2K (Khẩu trang-Khử khuẩn) để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm;
- Đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng, tại các địa điểm tập trung đông người.
Thứ tư, quan hệ tình dục an toàn
Quan hệ tình dục an toàn giúp bảo vệ sức khỏe bản thân, hạn chế khả năng mang thai ngoài ý muốn và nguy cơ mắc các bệnh lây lan qua đường tình dục. Tình dục an toàn chỉ thật sự hiệu quả khi cả hai người đều đồng ý và cùng thực hiện.
Quan hệ tình dục không an toàn làm lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục (STDs) như HIV/AIDS, lậu, sùi mào gà, mụn rộp sinh dục, hạ cam mềm, giang mai, nhiễm trùng âm đạo, nhiễm nấm sinh dục, chlamydia,...Nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn buộc phải thực hiện nạo phá thai, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người phụ nữ, cả về thể chất lẫn tinh thần.
thứ năm, tiêm vaccine đầy đủ
Không chỉ trẻ em, bất kỳ ai cũng đều cần tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm. Việc từ chối tiêm chủng hoặc chờ đợi vacxin có thể là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Thứ sáu, không tự ý dùng kháng sinh
Khi bản thân hay con cái có những biểu hiện bất thường về sức khỏe như sốt, ho, sổ mũi,... người dân thường tự mua thuốc về điều trị hoặc “bắt chước” đơn thuốc của người khác, dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh tùy tiện đã kéo theo nhiều hệ luỵ. Nguy hiểm hơn là góp phần làm gia tăng sự kháng thuốc, gây yếu và mất dần đi tác dụng chữa bệnh của kháng sinh. Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, thăm khám kịp thời; không tự ý mua, sử dụng kháng sinh để phòng và chữa bệnh.