Bình Phước những năm trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, chịu sự áp bức, bóc lột, cướp đất của bọn thực dân, chủ sở cac đồn điền cao su. Song, với tinh thần đoàn kết, yêu nước, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã anh dũng đứng lên chống lại áp bức, bóc lột. Các cuộc đấu tranh, nổi dậy của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Phước đã có sưc lan tỏa, ảnh hưởng đến những cuộc đấu tranh trên toàn miền Nam, làm cho bọn thống trị thực dân và tay sai vô cùng hoang mang, lo sợ. Tiểu biểu là cuộc khởi nghĩa vũ trang do thủ lĩnh Điểu Dố, Nơ Trang Lơng... lãnh đạo chống thực dân Pháp nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là những trang sử chống ngoại xâm oanh liệt của nhân dân Bình Phước.
Bình Phước là một trong những vùng đất hình thành và phát triển các đồn điền cao su của thực dân Pháp gắn liền với sự hình thành của đội ngũ công nhân cao su, đồng thời là nơi Đảng gieo hạt giống đỏ cách mạng đầu tiên ở miền Nam. Nơi đây có Chi bộ Phú Riềng Đỏ được thành lập sớm nhất ở khu vực Đông Nam bộ và ngành Cao su Việt Nam đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân tỉnh Bình Phước và của đội ngũ công nhân cao su nói riêng.
Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, cùng với phong trào tổng khởi nghĩa cướp chính quyền diễn ra đồng loạt trên cả nước, nhân dân Bình Phước đã vùng lên khắp nơi, đập tan sự kìm kẹp của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Ngày 25-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh cử hàng trăm công nhân Lộc Ninh, Hớn Quản và nhân dân người dân tộc thiểu số có trang bị vũ khí về thị xã Thủ Dầu Một tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Ở Bà Rá (Phước Long), bọn chỉ huy và binh lính Nhật không dám đi khủng bố, chờ quân đồng minh đến để giao nộp vũ khí. Nhân thời cơ đó, ta đã tước vũ khí của bọn Nhật, thành lập chính quyền cơ sở. Khởi nghĩa thắng lợi ở trung tâm tỉnh Thủ Dầu Một, trong đó có sự góp sức của quân và dân các huyện phía bắc tỉnh Thủ Dầu Một ... đã cùng quân dân cả nước đập tan chế độ thực dân, phong kiến, xây dựng nước Việt Nam độc lập; đồng thời tạo những tiền đề quan trọng cho việc hình thành, thống nhất lực lượng vũ trang toàn tỉnh.
Quân giới miền Đông Nam bộ chế tạo vũ khí cho cách mạng
Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, nhân dân ta đã đấu tranh giành thắng lợi ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, là kết quả của quá trình vận động cách mạng từ những năm 1930, khi tổ chức cộng sản đầu tiên ra đời ở Phú Riềng, cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ trong cao trào cách mạng 1936 - 1939 và trực tiếp cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939 - 1945.
Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 còn là kết quả của quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên làm lực lượng lãnh đạo cách mạng của nhân dân tỉnh Bình Phước. Xây dựng lực lượng cách mạng ngày càng lớn mạnh và khi thời cơ đến đã kịp thời đứng lên lãnh đạo quần chúng nổi dậy đồng loạt giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc.
Tự hào truyền thống anh hùng cách mạng, sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 25 năm tái lập tỉnh (1997-2022), với tiềm năng và lợi thế hiện có, cũng như những định hướng chiến lược phát triển phù hợp trong thời gian tới, cộng với khát vọng mạnh mẽ, Bình Phước sẽ nâng tầm vị thế và đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước. Phấn đấu đến 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, là “điểm đến hấp dẫn”, một trong những động lực phát triển của vùng Đông Nam Bộ. Và đến năm 2045, Bình Phước trở thành tỉnh phát triển, giàu mạnh, văn minh.