Bối cảnh lịch sử
Cùng với mũi tiến công quân sự, mũi tiến công chính trị cũng phát triển mạnh, nhất là phong trào đấu tranh của công nhân cao su Bình Long, Lộc Ninh; phong trào đấu tranh của học sinh ở Bình Long chống quân sự hóa học đường, đòi giảm học phí; các phong trào đấu tranh của đồng bào các dân tộc, đồng bào Kinh ở các đồn điền đã nhanh chóng thành một phong trào rộng lớn và mạnh mẽ đến các ruộng vườn và nương rẫy.
Ở Bình Long, quần chúng đã giành quyền làm chủ 47 ấp trong tổng số 104 ấp chiến lược, các phong trào đấu tranh đã uy hiếp tề xã, tề ấp và diệt một bộ phận lớn sinh lực địch. Sĩ quan, binh lính địch suy sụp tinh thần chiến đấu, binh lính đào ngũ, rã ngũ tăng lên, đồn bót địch co lại, không dám bung ra hoạt động như trước.
Về tổ chức chiến trường: đối với địch, Bình Long là một tỉnh, còn đối với ta vào thời năm 1972, địa bàn Bình Long thuộc tỉnh Bình Phước do đồng chí Đỗ Văn Nuống (Tư Nguyện) làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Huỳnh Văn Tố làm Phó Bí thư Thường trực, đồng chí Trần Ngọc Khanh làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Trung ương Cục và Quân ủy Miền đã vạch kế tiến công Xuân - Hè năm 1972 cho tất cả các hướng chiến lược toàn Miền, trong đó có quyết định mở chiến dịch Nguyễn Huệ ở Đông Nam bộ, hướng chủ yếu là đường 13, khu vực quyết chiến là Bình Long và Lộc Ninh nhằm tiêu diệt phần lớn quân chủ lực ngụy, tiêu diệt và làm tan rã phần lớn lực lượng bảo an dân vệ; bộ máy kèm kẹp của địch, phá vỡ tuyến phòng thủ biên giới ở bắc Sài Gòn, giải phóng những khu vực quan trọng, tạo bàn đạp tiến công vững chắc, uy hiếp Sài Gòn và các hướng thứ yếu nghi binh, thu hút cầm chân địch ở các chiến trường Tây Nguyên, Tây Ninh, Long An, Biên Hòa…
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Cục và Quân ủy Miền, tháng 11-1971, Đảng bộ Bình Phước tổ chức hội nghị kiểm điểm việc triển khai tinh thần các chỉ thị, nghị quyết của trên, vạch kế hoạch hành động cho toàn phân khu trong thời gian tới. Nghị quyết nêu rõ “toàn Đảng bộ ra sức nắm lấy thời cơ thuận lợi trước mắt… Quyết tâm đánh bại về cơ bản chương trình bình định của địch. Quyết tâm giành thắng lợi lớn nhất”. Nghị quyết đã đề ra nhiệm vụ cụ thể cho từng vùng, từng đơn vị trực thuộc, nhấn mạnh phương châm vừa đánh tiêu diệt địch, vừa hỗ trợ quần chúng phá ấp, phá kềm làm tan rã, sụp đổ lực lượng kềm kẹp và hệ thống phòng thủ của địch; mở rộng vùng giải phóng tạo thế và lực cho ta; huy động lực lượng địa phương vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược về nơi tập kết theo kế hoạch; bố trí lực lượng vũ trang địa phương hiệp đồng với quân chủ lực tiến công địch.
Trong khí đó, để khơi thông Đường 13 và đập tan lực lượng cách mạng chốt chặn Tàu Ô, địch huy động toàn bộ lực lượng của các Sư đoàn 18, 21, 25, Lữ đoàn 15 tăng thiết giáp, 1 lữ đoàn lính dù và sử dụng hơn 35.000 quả đạn pháo 105mm, 155mm, đánh phá trận địa ta. Trong 3 ngày đầu (từ ngày 5-8/4/1972), địch dùng hai phi đội máy bay chiến thuật với 120 lần chiếc đánh vào Tàu Ô; 80 lần chiếc yểm trợ cho bộ binh tấn công vào Tàu Ô. Địch còn huy động máy bay chiến lược B52 đánh 2 lần vào 2 giờ gần nhau, đánh thành chữ (X) lấy Tàu Ô làm giao điểm từ tây sang đông với chiều sâu 800m. Trước sự hủy diệt của lực lượng không quân, bộ binh và các hỏa lực pháo binh của địch, bộ đội ta vẫn đứng vững, kiên quyết đánh trả và từng bước đẩy lùi địch.
Diễn biến trận đánh chốt chặn Tàu Ô trong chiến dịch Nguyễn Huệ
Trên cơ sở phân tích tình hình chiến sự, lực lượng của địch, Bộ Tư lệnh Miền hạ quyết tâm cao và huy động, bố trí ba sư đoàn bộ binh chủ lực (Sư đoàn 5, Sư đoàn 7, Sư đoàn 9) cùng với sự tăng cường của các đơn vị, lực lượng vũ trang Bình Phước.
Đúng 5 giờ 30 phút, ngày 5-4-1972, Sư đoàn 5 quân Giải phóng mở trận tấn công mãnh liệt vào cụm cứ điểm Lộc Ninh – trọng điểm chính của chiến dịch Nguyễn Huệ.
Thanh niên Bình Long làm nghĩa vụ dân công hỏa tuyến
Phối hợp với chiến trường trọng điểm, các lượng vũ trang Bình Long cùng với quân chủ lực tấn công và làm chủ hoàn toàn các cứ điểm quân sự xung yếu của địch trên đường 13: Sư đoàn 7 quân Giải phóng triển khai chốt chặn dọc đường 13 từ ngã ba Đồng Tâm xuống thị xã An Lộc và từ phía Nam thị xã An Lộc đến phía Bắc huyện Chơn Thành. Trong lúc các lực lượng vũ trang Bình Phước đẩy mạnh hoạt động tiêu diệt địch, du kích các xã của huyện Hớn Quản tổ chức trừng trị bọn ác ôn, giải tán các ban tề xã, kêu gọi binh sĩ ra hàng.
Ngày 13-4-1972, trong khi cánh quân chủ lực bí mật đánh vào thị xã Bình Long, lực lượng vũ trang tỉnh, các đội công tác huyện và du kích các xã tập trung đánh diệt trung đội bảo an đóng ở ấp chiến lược Xa – cô – xuýt, truy bắt bọn tề điệp, phá rã bộ máy kềm kẹp của địch, đánh chiếm và dứt điểm đồn Xa – cô – đơn do 1 đại đội bảo an đóng giữ. Một bộ phận vũ trang huyện Hớn Quản và du kích Phước An hỗ trợ cho trung đội dân vệ ấp chiến lược Tổng Cui đứng lên khởi nghĩa giành thắng lợi, phá tan ấp chiến lược tổng Cui.
Khi các đơn vị tiến công vào thị xã, Tiểu đoàn 368 của tỉnh và lực lượng vũ trang của huyện Hớn Quản tiến công đồn bảo an ở Phú Miêng, bót cảnh sát Quản Lợi, bót dân vệ Phú Lạt, bao vây đánh chiếm diệt các ban tề ngụy, kêu gọi binh lính dân vệ, bảo an ra hàng. Tại Sóc Gòn, lực lượng cách mạng chặn đánh quyết liệt một tiểu đoàn biệt động quân ngụy, diệt 40 tên khi chúng định khôi phục lại thế trận. Ta liên tiếp đánh địch ra phản kích, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu ở ngoại vi và kềm chân địch để lực lượng chủ lực đánh vào các vị trí trong nội ô, sau đó lực lượng địa phương được lệnh chuyển sang phối hợp với quân chủ lực Miền đánh chiếm Núi Gió và cao điểm 169, diệt phần lớn tiểu đoàn dù ngụy và ban chỉ huy lữ đoàn dù.
Ở vùng ven thị xã, các mũi tiến công cùng du kích phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá tề, kêu gọi binh lính ra hàng. Ở Xa Cam, Xa Cát, Văn Hiến,…hàng chục lính phòng vệ bỏ súng về với cách mạng, một số cơ sở mật tại Xa Cát đã vận động thuyết phục được 29 lính phòng vệ dân sự trở về cách mạng.
Trong 32 ngày đêm (từ ngày 5/4-16/5/1972) trên chiến trường Bình Long, đường 13 diễn ra những trận đánh vô cùng ác liệt, vòng vây của quân ta ngày càng xiết chặt các căn cứ, đơn vị địch trong thị xã. Nhiều trận đánh diễn ra ác liệt trong nội ô thị xã như: đại lộ Hoàng Hôn, khu nhà thờ, khu vực chợ thị xã,… Ta và địch giành đi, giật lại từng bức tường, từng căn nhà. Địch tập trung hỏa lực đánh phá nội ô thị xã để ngăn chặn bước tiến quân của ta. Thời gian này, địch đã giết hại hàng ngàn đồng bào, người dân, phần lớn nhà cửa, tài sản của nhân dân bị tiêu hủy hoàn toàn.
Đến ngày 15-5-1972, do yếu tố bất ngờ của chiến dịch không còn nữa và do lực lượng cách mạng bị tổn thất nhiều, không kịp bổ sung để đối phó với địch khi chúng tập trung các loại phương tiện chiến tranh để giải tỏa đường 13, giải tỏa thị xã An Lộc, Bộ tư lệnh Miền quyết định không tiến công thị xã, mà chuyển sang bao vây cô lập địch trong thị xã, dùng lực lượng mạnh chốt chặn ở Tàu Ô, Tân Khai đánh địch càn quét, giải tỏa đường 13, tiêu diệt sinh lực địch. Lúc này vùng giải phóng ở Bình Long được mở ra rất rộng, hình thành thế bao vây áp sát địch trong nội ô thị xã An Lộc.
Từ ngày 16-5-1972, Sư đoàn 7 chủ lực Miền chốt chặn đường 13 nhằm đẩy lùi và đánh bại âm mưu phản kích giải tỏa đường 13 của địch, tạo điều kiện cho chiến dịch phát triển tiếp, phục vụ cho việc giữ vững vùng giải phóng phái sau. Sư đoàn 7 đã dựng lên trên đường 13 một bức “tường thép” với chiều dài gần 20km, đoạn từ phía nam Bình Long đến phía bắc Chơn Thành, trọng điểm là khu vực Tàu Ô để quân ta giải phóng Lộc Ninh và tiến công thị xã An Lộc, lấy khu vực Tàu Ô – Xóm Ruộng thuộc Hớn Quản làm khu vực then chốt. Nhiều trận đánh dọc theo các trận địa chốt chặn Tàu Ô diễn ra quyết liệt và kéo dài gần 4 tháng (từ 16-5 đến 28-8-1972). Tàu Ô trở thành cái bẫy thu hút nhiều đơn vị chủ lực của địch đến tham chiến và trở thành ác mộng đối với nhiều sĩ quan chỉ huy cấp sư đoàn, quân đoàn và cả Bộ Tổng tham mưu quân ngụy sài Gòn. Những trận đánh Tàu Ô – Xóm Ruộng, cống Ông Tề, Tân Khai, Thanh Bình của bộ đội chủ lực tạo điều kiện để du kích địa phương tập trung uy hiếp tề xã, tề ấp và diệt một bộ phận lớn sinh lực địch. Sĩ quan, binh lính địch suy sụp tinh thần chiến đấu, binh lính đào ngũ, rã ngũ tăng lên, đồn bót địch co lại, không dám bung ra hoạt động như trước.
Lợi dung lúc địch đang bị thu hút ở chiến trường ác liệt thị xã An Lộc, tại Chơn Thành, lực lượng vũ trang huyện cùng du kích phát động nhân dân các xã Minh Hòa, Minh Thành, sóc số 5 nổi dậy, giải phóng hoàn toàn các xã. Tại thị trấn Chơn Thành, tuy quân địch tập trung không đông, nhưng do chúng đang bị thu hút vào mục tiêu giải tỏa đường 13, tiếp ứng cho An Lộc, nên phong trào đấu tranh của quần chúng đươc duy trì. Các chi bộ Đảng vận động nhân dân, một mặt cung cấp cho cách mạng lương thực, thuốc men và đưa con em tham gia lực lượng chiến đấu, mặt khác tổ chức các cuộc đấu tranh với địch đòi đưa chồng con, em đang đi lính trở về với gia đình.
Trong khi chiến sự diễn ra, hơn 80.000 nhân dân thị xã An Lộc phải chịu đựng một cuộc thử thách gay go ác liệt chưa từng có, hơn 5.000 người bị máy bay địch ném bom giết hại, nhiều bộ phận dân chúng bị dồn về các “vùng an toàn” nhưng thực tế có nguy cơ tiếp tục bị tổn thất hàng loạt. Trước tình hình đó, Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã kịp thời cử cán bộ đón và đưa dân từ các đồn điền bị bom địch đánh đe dọa chạy ra khỏi vùng chiến sự, về khu an toàn. Các đồng chí Năm Sao, Tám Lênh, Chính Thu, Sáu Dư, Tám Gia, Chín Chùa, Hai Kỳ, Năm Thành… nỗ lực khắc phục khó khăn về lương thực, thuốc men, phương tiện vận chuyển, đưa hơn 20.000 dân vượt qua bom đạn về vùng giải phóng.
Chiến dịch Nguyễn Huệ trên chiến trường Lộc Ninh – Bình Long đã góp phần vào thắng lợi của cuộc tập kích chiến lược xuân hè năm 1972, đòn tiến công có ý nghĩa quyết định trên toàn miền Nam buộc địch phải trở lại đàm phán tại hội nghị Paris. Cùng với thắng lợi to lớn của quân dân miền Bắc đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai mà đình cao là trận “Điện Biên phủ trên không” cuối năm 1972, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Đây là thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, kết quả của 18 năm đấu tranh kiên cường của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Đồng chí Trần Văn Trà triển khai kế hoạch tác chiến trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 ở Bình Long
Kết quả, ý nghĩa lịch sử chiến thắng chốt chặn Tàu Ô
Trải qua 150 ngày đêm chiến đấu tại chốt chặn Tàu Ô (từ ngày 5-4 đến 28-8-1972), Sư đoàn 7 và quân dân Bình Phước đã tổ chức đánh gần 800 trận lớn nhỏ với nhiều hình thức khác nhau như: Đánh phục kích, tập kích, vây ép… tiêu diệt 8.189 tên; bắt 211 tên địch; bắn rơi và phá hủy 119 máy bay các loại; phá hủy 202 xe các loại, 102 khẩu pháo, 20 hầm đạn và nhiên liệu, thu 390 súng các loại. Địch thiệt hại nặng buộc phải rút chạy khỏi khu vực tác chiến, từ bỏ ý đồ giải tỏa Quốc lộ 13.
Nhiều trận đánh dọc theo các trận địa chốt chặn Tàu Ô diễn ra quyết liệt. Tàu Ô trở thành cái bẫy thu hút nhiều đơn vị chủ lực của địch đến tham chiến và trở thành ác mộng đối với nhiều sĩ quan chỉ huy cấp sư đoàn, quân đoàn và cả Bộ Tổng tham mưu quân ngụy Sài Gòn. Những trận đánh Tàu Ô, Xóm Ruộng, cống Ông Tề, Tân Khai, Thanh Bình của bộ đội chủ lực tạo điều kiện để du kích địa phương tập trung uy hiếp tề xã, tề ấp và diệt một bộ phận lớn sinh lực địch. Sĩ quan, binh lính địch suy sụp tinh thần chiến đấu, binh lính đào ngũ, rã ngũ tăng lên, đồn bót địch co lại, không dám bung ra hoạt động như trước.
Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô trên Đường 13 đã làm cho đế quốc Mỹ, ngụy quyền Sài Gòn thiệt hại nặng nề. Đây là chiến công oanh liệt của Sư đoàn 7 cùng với quân dân địa phương đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của Chiến dịch Nguyễn Huệ trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta bước sang một giai đoạn mới, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán để bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Khúc tráng ca bất tử Tàu Ô – xóm Ruộng vẫn vang mãi trong trí nhớ của những người đồng chí, đồng đội. Chốt chặn Tàu Ô – xóm Ruộng gắn liền với con đường 13 chiến lược, con đường chiến lược năm xưa, nay vẫn giữ vai trò chiến lược, kết nối giao thương giữa Bình Phước với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và với Vương quốc Campuchia, trở thành động lực phát triển của Bình Phước.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và lãnh đạo Quân đoàn 4, Binh đoàn 16, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh đạo tỉnh, huyện Hớn Quản dâng hoa, dâng hương tại di tích lịch sử quốc gia chốt chặn Tàu Ô
Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 50 năm chiến thắng chốt chặn Tàu Ô, về Hớn Quản hôm nay, chúng ta tự hào về sự thay da, đổi thịt của một huyện anh hùng đang từng ngày phát triển vững bước đi lên. Hớn Quản đã và đang phát huy truyền thống cách mạng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, khơi dậy sức dân thành động lực, khát vọng vươn lên, xây dựng huyện Hớn Quản ngày càng văn minh, giàu đẹp để tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 cùng các lực lượng và Nhân dân Bình Phước đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước nhân kỷ niêm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/8/1972-28/8/2022).