Học tập quan điểm tự phê bình và phê bình của đồng chí Nguyễn Văn Cừ trong tác phẩm “Tự chỉ trích”

Chủ nhật - 10/07/2022 11:11 1.859 0
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - nhà lý luận xuất sắc của Đảng, người đã có những cống hiến hết sức to lớn trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, đã để lại những tài sản tinh thần vô cùng quý giá trong công tác xây dựng Đảng.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ (1912-1941) là lớp đảng viên thuộc thế hệ đầu tiên và trở thành Tổng Bí thư của Đảng vào tháng 3/1938, khi chưa đầy 26 tuổi. Với 29 tuổi đời, hơn 13 năm hoạt động cách mạng, hai lần bị tù với 7 năm giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn 2 năm làm Tổng Bí thư, cuộc đời của đồng chí tuy ngắn ngủi nhưng “cống hiến của đồng chí thì sáng rực như một ánh sao băng trên bầu trời cách mạng Việt Nam ở một thời đoạn lịch sử mang tính bước ngoặt lớn, phức tạp”  . Đồng chí đã để lại tấm gương sáng ngời về tinh thần cách mạng và nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đặc biệt là đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thể hiện qua tác phẩm “Tự chỉ trích”.

Trong đó, tác phẩm “Tự chỉ trích” có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn, đóng góp có giá trị vào kho tàng lý luận cách mạng của Đảng ta.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
 
Với bút danh Trí Cường, tác phẩm được viết trong bối cảnh lịch sử có những biến động mau lẹ và phức tạp; cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II có nguy cơ bùng nổ, thực dân Pháp trở mặt, ra sức đàn áp phong trào dân chủ ở các nước.

Còn trong nước, nội bộ Đảng và phong trào cách mạng xuất hiện những khuynh hướng có thể gây chia rẽ, mất đoàn kết, vai trò lãnh đạo của Đảng có nguy cơ bị suy yếu, đòi hỏi Đảng phải nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc trong sinh hoạt và tổ chức, làm tốt công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Trong đó vấn đề phê bình và tự phê bình cần được nhìn nhận, đánh giá và thực hiện thực chất, hiệu quả hơn.

Tác phẩm “Tự chỉ trích” gồm 4 phần: (1) Nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng; (2) Bài học về cuộc tuyển cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ; (3) Đấu tranh về bảo vệ đường lối Mặt trận Dân chủ của Đảng chống tả khuynh và hữu khuynh; (4) Tóm tắt đường lối chiến lược và sách lược của Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Nội dung xuyên suốt là nêu rõ mục đích, nội dung, phương pháp tự phê bình, phê bình của người đảng viên, qua đó đấu tranh chống lại những tư tưởng, nhận thức sai trái nhằm giữ vững và phát huy đoàn kết, thống nhất trong Đảng. “Tự chỉ trích” được xem tác phẩm điển hình về quan điểm tự phê bình và phê bình của đồng chí Nguyễn Văn Cừ và nó vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận ngày nay.

Về mục đích của tự phê bình và phê bình, theo đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đối với một đảng chính trị, đặc biệt lại là một đảng còn non trẻ, thì trong quá trình hoạt động, việc mắc phải khuyết điểm, sai lầm là điều khó tránh khỏi, vì vậy đòi hỏi Đảng phải thường xuyên kiểm điểm, đánh giá và thực hiện phê bình và tự phê bình, nhằm làm cho Đảng ngày càng mạnh.

Đồng chí cho rằng: phê bình và tự phê bình là để chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm, đặc biệt để kịp thời phát hiện ra những xu hướng cần phải đấu tranh loại bỏ như “tả khuynh”, “hữu khuynh”, xa rời quần chúng, làm mất đoàn kết nội bộ. Đồng thời, phải tìm ra nguyên nhân của những sai lầm, khuyết điểm để kịp thời khắc phục, sửa chữa.

Về phương pháp thực hiện, đồng chí cho rằng, trong phê bình và tự phê bình, phải đảm bảo thế giới quan mác-xít, tức là “phải tôn trọng sự thật, công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những lỗi lầm của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp”. Đồng chí phân tích, nếu không trung thực, thẳng thắn, không mạnh dạn đấu tranh, nghiêm túc trong phê bình và tự phê bình mà thực hiện theo kiểu “đóng kín cửa bảo nhau” để “giữ cái vỏ thống nhất bề ngoài mà bên trong thì hổ lốn một cục” thì “đó không phải một đảng tiền phong cách mạng mà là một đảng hoạt đầu cải lương” và dẫn đến nhiều hậu quả tai hại.

Đối với Đảng, khi phê bình và tự phê bình, “Đảng có bổn phận phải phân tích xác thực hoàn cảnh, không bi quan, hoảng hốt mà cũng không đắc chí tự mãn”, “Chúng ta không bao giờ có thể đổ hết những nguyên nhân thất bại cho việc quân thù đàn áp và cử tri chưa giác ngộ. Chúng ta phải biết nhìn nhận những khuyết điểm về chủ quan mà chính ta gây ra, chính ta phải chịu hoàn toàn trách nhiệm” và “phải đứng về lợi ích, về công cuộc của dân chúng mà chỉ trích những khuyết điểm, những chỗ lừng chừng hoặc hèn nhát để đẩy phong trào phát triển rộng rãi, mạnh mẽ hơn”.
 
Phát huy tinh thần tác phẩm 'Tự chỉ trích' trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ ảnh 1
Tác phẩm "Tự chỉ trích" của đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một tác phẩm lý luận mẫu mực về xây dựng Đảng không chỉ trong giai đoạn cách mạng khi đó, mà nó còn nguyên giá trị cho tới ngày nay. Ảnh tư liệu.

Đối với mỗi đảng viên, “có quyền tự do thảo luận, tự do chỉ trích, miễn là sự thảo luận luôn luôn mang tinh thần Bôn-sê-vich, không làm giảm uy tín của Đảng, nhằm làm cho kẻ thù không thể hí hửng tìm ở đây một sự chia rẽ hay mầm bè phái gì giữa những người cộng sản”. “Người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo đuôi họ, hay phỉnh họ… Và dẫu cho có sai lầm, có thất bại thì phải có can đảm “mở to mắt ra nhìn sự thật”; khi phê bình không để xẩy ra “cãi vã những chuyện nhỏ nhen” mà phải biết “trọng uy tín của Đảng, coi nó là cốt yếu, luôn luôn làm cho nó được gia tăng...”, “phải nắm vững mục đích xây dựng đảng, xây dựng đồng chí mình, không được đả kích hoặc cường điệu những sai lầm khuyết điểm của đồng chí mình”.

Như vậy, đối với mỗi tổ chức Đảng và mỗi đảng viên, khi “phê bình và tự phê bình phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Đối với uy tín của Đảng thì danh dự cá nhân mình không có nghĩa lý gì, hay nói đúng ra không có nữa, vì một người đảng viên cộng sản chỉ biết lấy uy tín, lấy danh dự chung của toàn Đảng làm danh dự của mình thôi”.

Trong hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện; đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Bước vào giai đoạn phát triển mới, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn diễn biến phức tạp.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong bối cảnh toàn Đảng đang nỗ lực thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là dịp để chúng ta học tập tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đó là, không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, luôn có niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cách mạng cao đẹp, yêu thương, gần gũi, hòa mình với giai cấp công nhân và nhân dân lao động; không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, nỗ lực học tập, rèn luyện, nêu cao tinh thần bảo vệ Đảng, bảo vệ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, phát huy vai trò tiên phong của Đảng.

Thành kính và tri ân công lao, đóng góp của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần tiếp tục học tập, vận dụng tinh thần, tư tưởng tự phê bình và phê bình nêu trong tác phẩm “Tự chỉ trích” góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ. Đó là:

“Chúng ta phải biết nhìn nhận những khuyết điểm về chủ quan mà chính chúng ta gây ra, chúng ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”.

“…Không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng - dù cho đúng - đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm phái chia rẽ trong hàng ngũ Đảng”.

“Phải cần làm cho các đảng viên giác ngộ, rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm của mình, biết xoay phương hướng trong những hoàn cảnh khó khăn, nghiêm trọng, biết tự chỉ trích đúng và kịp thời những khuyết điểm, sai lầm…”.

“Thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động”.

Có thể nói, tác phẩm “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ ra đời với những nội dung về phê bình và tự phê bình - một nguyên tắc hết sức quan trọng trong sinh hoạt đảng, đã kịp thời tháo gỡ được nút thắt trong công tác xây dựng Đảng lúc bấy giờ. Đây là một tác phẩm lý luận mẫu mực về xây dựng Đảng không chỉ trong giai đoạn cách mạng khi đó, mà nó còn nguyên giá trị cho tới ngày nay./. 

Tác giả: Anh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập157
  • Hôm nay47,137
  • Tổng lượt truy cập15,964,332
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây