Câu chuyện tưởng bình thường nhưng xem ra đang có vấn đề nghiêm trọng. Ấy là việc người đứng đầu tổ chức đảng lại không biết nghị quyết đang ở đâu, đạt được kết quả đến mức nào. Đáng buồn là vậy, nhưng đây là thực trạng chung của nhiều tổ chức đảng cơ sở hiện nay. Có nghĩa, các tổ chức cơ sở đảng cứ mặc nhiên triển khai nghị quyết mà chưa thật quan tâm đến công tác lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết. Nhiều nơi có lối nghĩ rằng, nghị quyết lãnh đạo năm thì đến cuối năm tổng kết, nghị quyết nhiệm kỳ thì đến cuối nhiệm kỳ mới soi lại, đánh giá tổng quan.
Toàn cảnh khai mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, sáng 3-10. Ảnh: TTXVN |
Đó là tư duy hết sức nguy hại, chẳng khác nào tổ chức đảng “thả trôi” hàng loạt chủ trương, giải pháp, chỉ tiêu vào thực tiễn cuộc sống, rồi để nó tự vận động, tự trôi dạt đến đâu hay đến đấy, mà thiếu theo dõi, kiểm tra, uốn nắn, điều chỉnh thường xuyên. Thành thử, qua năm tháng, các chỉ tiêu nghị quyết đạt được đến đâu, chỉ tiêu nào đã hoàn thành sớm, kinh nghiệm lãnh đạo hoàn thành; chỉ tiêu nào khó đạt được, cần tập trung sức lãnh đạo; hay những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung, thay đổi trong quá trình thực hiện nghị quyết... thì chính tổ chức đảng triển khai lại không nắm bắt được. Cũng vì thế mà sinh ra tắc trách, mất thời cơ lãnh đạo hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết; tạo sự ngắt quãng trong công tác vận hành lãnh đạo hệ thống tổ chức đảng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “... Mệnh lệnh và nghị quyết cũng như mạch máu. Mạch máu chạy đều khắp thân thể thì người mạnh khỏe. Mạch máu dừng lại đâu, không chạy thì chỗ đó sẽ tê liệt, sinh bệnh. Mệnh lệnh và nghị quyết đi mau, đi suốt từ trên đến dưới, công tác mau chóng, việc gì cũng xong xuôi. Nó ngừng lại cấp nào, từ cấp đó trở xuống là tê liệt”.
Có một cách làm khá hay ở Đảng bộ tỉnh Yên Bái là Ban Thường vụ Tỉnh ủy này yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc phải luôn làm tốt công tác đánh giá mức độ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được nghị quyết xác định qua từng giai đoạn. Theo đó, dù nghị quyết nhiệm kỳ, nghị quyết chuyên đề hay nghị quyết hằng năm thì vào bất kỳ thời điểm nào, những người có trách nhiệm buộc phải nắm chắc thực trạng, kết quả thực hiện cả định tính và định lượng. Cùng với đó, các cơ quan chức năng liên tục báo cáo tiến độ, kết quả đạt được trên các lĩnh vực qua từng tháng, quý, giai đoạn với yêu cầu lượng hóa càng cụ thể, càng sát thực tế càng tốt. Cách làm nền nếp, thực chất như thế giúp đảng bộ địa phương lãnh đạo thắng lợi các chủ trương, giải pháp nghị quyết và sớm có kế hoạch, quyết tâm chính trị lãnh đạo đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Như vậy, triển khai nghị quyết phải đi liền với lãnh đạo tổ chức thực hiện một cách tích cực, khẩn trương, thường xuyên, liên tục trên thực tế. Cũng qua đó mà có thêm điều kiện phát hiện yếu kém, khuyết thiếu, kịp thời điều chỉnh, bổ sung phương thức, phương pháp lãnh đạo, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đúc rút: “Muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”. Mặt khác, nếu “bỏ ngỏ”, thiếu quan tâm đến công tác lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết thì dễ dẫn đến tình trạng “sai một ly, đi một dặm”, thậm chí bị mất phương hướng lãnh đạo, xa rời chủ trương và giải pháp căn bản; sinh ra sự tự phát, thiếu tính khoa học, thiếu bài bản ở tổ chức đảng cấp dưới, rồi manh nha tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên trải thảm, dưới rải đinh”, hoặc biểu hiện “đánh trống bỏ dùi”... Rốt cuộc, dù nghị quyết đã được triển khai nhưng vô hình trung chỉ nằm trên giấy!
Để tránh tình trạng nêu trên, ngoài việc phát huy vai trò tổ chức cơ sở đảng, tổ chức đảng cấp trên cần nêu cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, uốn nắn. Từng cấp ủy phân công rõ trách nhiệm theo dõi và chịu trách nhiệm đối với từng đồng chí cấp ủy viên trong quá trình triển khai nghị quyết; giao các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm tổng hợp, nắm bắt kết quả triển khai, thực hiện nghị quyết như phần việc “đánh răng, rửa mặt” hằng ngày, để kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền lãnh đạo, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Tác giả: QDND.VN
Ý kiến bạn đọc
Định hướng công tác tuyên truyền tháng 11/2024
lượt xem: 78 | lượt tải:26Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024
lượt xem: 259 | lượt tải:90Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực
lượt xem: 220 | lượt tải:65