Những kết quả tích cực sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW

Thứ tư - 22/12/2021 17:12 1.623 0
Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 43-KH/TU, ngày 01/12/2016 tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW; đồng thời cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương, chính sách lớn trong nghị quyết của Trung ương bằng Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 14/4/2017; chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các Đảng ủy trực thuộc, các Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn; các sở, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện những nội dung nghị quyết đến từng chi bộ Đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch hành động số 107/KH-UBND ngày 04/5/2017 thực hiện một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm, kịp thời Nghị quyết 05 và các chủ trương, chính sách của Trung ương trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại; thường xuyên nắm tình hình sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư; đồng thời chú trọng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,4%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 24,78%; ngành công nghiệp - xây dựng 40,20%; ngành dịch vụ 35,02%. Mặc dù từ năm 2020 bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19, nhưng quy mô nền kinh tế Bình Phước đạt 70.040 tỷ đồng, tăng gấp 1,69 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người 69,3 triệu đồng, tương đương 3.000 USD (bình quân cả nước  2.570 USD), gấp 1,58 lần so với năm 2015. Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chuyển biến theo chiều sâu: Đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng chất lượng cao, chăn nuôi phát triển mạnh theo hướng công nghiệp hiện đại; mô hình liên kết chuỗi giá trị, nông nghiệp công nghệ cao được hình thành; kết cấu hạ tầng, các khu công nghiệp, đô thị được quan tâm đầu tư phát huy vai trò mũi nhọn trong quá trình phát triển; sản phẩm công nghiệp đa dạng; kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 đạt 2.972 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 12,4%/năm.

Đến nay, 100% các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến tổ chức, công dân khi được tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả tại Trung tâm hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia, đảm bảo nguyên tắc “công khai - minh bạch - chất lượng - đúng hẹn”; việc giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo đúng quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 đã giảm chi phí cho các tổ chức, cá nhân, được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Những chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, các thủ tục hành chính của tỉnh đều được công khai, minh bạch, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tiếp cận, tìm hiểu thông tin, tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại

Chương trình hành động số 12-CTr/TU của Tỉnh ủy đã xác định ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Giai đoạn 2016 – 2020, Bình Phước đã có nhiều chính sách và giải pháp khơi dậy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương và các nguồn lực xã hội để huy động vốn cho đầu tư phát triển.

Hệ thống giao thông được chú trọng đầu tư, đảm bảo các tuyến giao thông huyết mạch (Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, ĐT.741) lưu thông thuận lợi, kết nối giữa Tây Nguyên với tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và kết nối với các nước Campuchia, Lào, Thái Lan qua cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư. Hoàn thành xây dựng tuyến đường tuần tra biên giới kết nối lưu thông giữa tỉnh Bình Phước với tỉnh Đắc Nông, Tây Ninh; kêu gọi và huy động vốn của doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BOT, BT, hoàn thành một số dự án trọng điểm như: dự án BOT Quốc Lộ 13 đoạn An Lộc - Chiu Riu, dự án BOT đường ĐT 741 đoạn Bàu Trư - Đồng Xoài giai đoạn II, dự án BOT đường ĐT 741 đoạn Đồng Xoài - Phước Long giai đoạn I, dự án BT đường Minh Hưng - Đồng Nơ kết nối giao thông liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế. Xây dựng được 6.900 km đường giao thông; trong đó: Quốc lộ 231km, tỉnh lộ 449km, đường huyện 840km, 3.900km đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù "Nhà nước và Nhân dân cùng làm".

Thành phố Đồng Xoài (đô thị loại II), là đầu mối giao thương quan trọng kết nối với Tây nguyên; là trung tâm cấp vùng về thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục và đào tạo phía Đông Bắc của TP. Hồ Chí Minh (ảnh: Báo Bình Phước online)

Hệ thống điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt được đảm bảo, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99%. Bên cạnh việc khai thác các nhà máy thủy điện hiện có, các dự án điện năng lượng mặt trời đang triển khai khẩn trương, đưa vào hoạt động 02 dự án điện mặt trời, với công suất khoảng 850 MWp; hoàn thành xây dựng, vận hành đường dây 220 kV Lộc Ninh - Bình Long 2 để đấu nối các nhà máy điện mặt trời hòa vào hệ thống điện lưới quốc gia.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt kết quả khá, các hình thức giao dịch việc làm được phát triển. Cơ cấu lao động chuyển dịch dần theo hướng tăng tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ lệ lao động ngành nông nghiệp. Tỷ lệ lao động ngành nông nghiệp giảm còn 45,58%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2020 đạt 60% (bình quân mỗi năm tăng 3%). Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 17,5% năm 2020. 

Hàng năm đều có các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); kết quả giai đoạn 2016 - 2020, đã đào tạo, bồi dưỡng 44.655 lượt CBCCVC. Trong đó: lý luận chính trị: 3.803 lượt CBCCVC; đại học, sau đại học: 199 CBCCVC; các lớp bồi dưỡng khác: 39.378 lượt CBCCVC.

Đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế với tầm nhìn dài hạn

Việc tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp đã được thực hiện theo lộ trình. Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến nay cơ bản đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra. Việc chuyển giao các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao về SCIC: Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Phước đã tiến hành xong; Công ty Cổ phần Xây dựng Bình Phước đang thoái vốn theo lộ trình. Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé và đường BOT ĐT.741 chưa thực hiện.

Công tác xử lý tài chính trong quá trình cổ phần hóa, công tác thoái vốn nhà nước, tình hình sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mặc dù chưa đạt kế hoạch đề ra, nhưng nhìn chung phương pháp định giá tài sản tiên tiến được áp dụng phù hợp với cơ chế thị trường; bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đủ, hợp lý, công tác đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán, công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán... trong công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước được thực hiện công khai minh bạch đảm bảo theo đúng quy định.

Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 64/2016/QH14, ngày 8/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 63/QĐ-TTg, ngày 12/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 và các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh thu hút đầu tư trong nước được 800 dự án/tổng vốn đăng ký 50.000 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần về số dự án và hơn 3 lần về số vốn đăng ký so với giai đoạn 2011-2015. Thu hút đầu tư nước ngoài 155 dự án/tổng vốn đăng ký 932 triệu USD, tăng hơn 2 lần về số dự án và gần 2,5 lần về số vốn đăng ký so với giai đoạn 2011-2015. Số doanh nghiệp thành lập mới 4.850 doanh nghiệp/tổng vốn đăng ký 44.440 tỷ đồng, tăng gấp 1,65 lần về số doanh nghiệp và hơn 3 lần về số vốn so với giai đoạn 2011-2015. Thành lập mới 246 hợp tác xã, tăng gần 2,8 lần so với giai đoạn 2011-2015.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền làm việc tại Công ty cổ phần FSC trong Khu công nghiệp Nam Đồng Phú

Xác định tái cơ cấu đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, Bình Phước đã có nhiều chương trình, hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư để huy động vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh theo hình thức PPP (BOT, BT…), được 12 dự án quan trọng: 07 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng: Gồm: (1) dự án nâng cấp đường ĐT 759; (2) dự án nâng cấp đường tuần tra biên giới; (3) dự án BOT Quốc lộ 13 đoạn An Lộc - Chiu Riu ; (4) dự án BT đường Minh Hưng - Đồng Nơ ; (5) dự án BOT mở rộng ĐT 741 đoạn Bàu Trư - Đồng Xoài; (6) dự án khu di tích lịch sử và du lịch sinh thái căn cứ Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết; (7) dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo.; 03 dự án hoàn thành giai đoạn I: (1) Dự án Becamex Bình Phước; (2) dự án BOT mở rộng ĐT 741 đoạn từ Đồng Xoài - Phước Long; (3) dự án khu du lịch tâm linh Bà Rá. Có 02 dự án đang triển khai: (1) Dự án khu du lịch sinh thái kết hợp với phim trường trảng cỏ Bù Lạch; (2) dự án trung tâm thượng mại Đồng Xoài, Phước Long, Chơn Thành,, đã góp phần tạo bước tiến đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông, làm tiền đề quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên toàn khu vực nói chung và toàn tỉnh nói riêng. 

Việc cơ cấu lại đầu tư công được lồng ghép với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đã từng bước hoàn thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện giao thương trao đổi hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số một cách bền vững, từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng trong tỉnh.

 Cơ cấu lại một cách thực chất các ngành công nghiệp

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỷ trọng ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020 luôn đạt trên 20% GRDP của tỉnh. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh qua các năm: Năm 2016 chiếm 23%, năm 2017 chiếm 26,3%, năm 2018 chiếm 30,78%, năm 2019 chiếm 33,97%, năm 2020 chiếm 35,02%. tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,91%/năm; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 95% trong toàn ngành công nghiệp. Năng suất lao động ngành công nghiệp năm 2020 đạt 144,15 triệu đồng/lao động, gấp 1,47 lần năng suất bình quân của tỉnh; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành đạt 7%/năm.

Trên địa bàn tỉnh có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha, trong đó có 05 khu đã lấp đầy. Chính sách thu hút đầu tư và công tác xúc tiến đầu tư được quan tâm, mời gọi được một số nhà đầu tư lớn có năng lực đến khảo sát, đầu tư tại tỉnh; phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam điều chỉnh quy hoạch sử dụng thêm 9.992 ha giai đoạn 2021-2030 để mở rộng các khu công nghiệp hiện có, phát triển các khu, cụm công nghiệp mới. 

Toàn cảnh thị xã Phước Long đã có nhiều đổi thay

Hoạt động thương mại, dịch vụ ngày càng sôi động, hệ thống hạ tầng thương mại ngày càng phát triển, lưu thông hàng hóa được xuyên suốt; hệ thống phân phối, bán lẻ được phát triển, mở rộng về tới vùng sâu vùng xa; nguồn cung hàng hóa dồi dào, cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường được giữ vững, giá cả cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu dân sinh, phục vụ sản xuất và đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt 5,51%/năm, luôn đóng góp trên 35% vào GRDP tỉnh (năm 2016 đạt 41,98%, năm 2017 đạt 40,1%, năm 2018 đạt 39,84%, năm 2019 đạt 38,58%, năm 2020 đạt 35,02%).

Năng suất lao động ngành dịch vụ (theo giá hiện hành) năm 2016 đạt 104,83 triệu đồng/lao động, gấp 1,3 lần so với năng suất lao động bình quân của tỉnh, năm 2020 đạt 135,03 triệu đồng/lao động, bằng 1,24 lần so với năng suất bình quân của tỉnh. Tốc độ tăng năng suất bình quân ngành giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8%/năm. Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh; khuyến khích ứng dụng thương mại điện tử góp phần hỗ trợ kịp thời người dân, doanh nghiệp đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp.

Đổi mới cách thức thực hiện liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong phát triển kinh tế vùng

Cùng các địa phương trong vùng thực hiện có hiệu quả các nội dung ký kết hợp tác theo chương trình hợp tác thương mại, liên kết phát triển và các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa với thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và các tỉnh trong vùng; Chương trình Kết nối cung - cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành giai đoạn 2016 – 2020. Qua đó, mỗi năm Bình Phước hỗ trợ 12 doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia trưng bày các sản phẩm đặc trưng như hạt điều các loại, cà phê, nấm linh chi, các sản phẩm rau, củ, quả các loại, giúp các doanh nghiệp kết nối cung cầu hàng hóa vào các hệ thống phân phối hiện đại trong nước: hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại (Sài Gòn – Co.opmart, Big C, Satra, Hapro, Vinmart…), hệ thống chợ (chợ đầu mối, chợ truyền thống…).

Tham gia xây dựng quy hoạch phát triển các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, các ngành, sản phẩm chủ yếu vùng và các Đề án về cơ chế chính sách phối hợp phát triển các ngành, lĩnh vực của các Bộ, ngành triển khai trên địa bàn tỉnh, như: Phát triển nguồn nhân lực của Vùng; cơ chế tạo vốn phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; xây dựng và hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy phát triển liên kết vùng; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, thực phẩm giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; mô hình kinh tế mới tạo lập nguồn vốn cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; bảo vệ môi trường nước vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhờ đó, hạ tầng giao thông kết nối vùng được đầu tư, việc vận chuyển hàng hóa, giao thương giữa các tỉnh trong vùng được thuận tiện, nhất là kết nối với tỉnh Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nguyên và cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư. Giai đoạn 2016-2020, xây dựng được 6.900 km đường giao thông, trong đó Quốc lộ 231 km, tỉnh lộ 496 km, đường huyện 840 km.

 Bên cạnh các nguồn vốn ngân sách, tỉnh đã kêu gọi và huy động vốn của doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BOT, BT đã hoàn thành một số dự án trọng điểm như: dự án BOT Quốc lộ 13 đoạn An Lộc - Chiu Riu; dự án BOT đường ĐT.741 đoạn Bầu Trư - Đồng Xoài; dự án BOT đường ĐT 741 đoạn Đồng Xoài - Phước Long; Dự án BT đường Minh Hưng - Đồng Nơ và đang triển khai dự án BOT đường Đồng Phú - Bình Dương, qua đó đã kết nối giao thông liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế Bình Phước.

Bài học kinh nghiệm

Từ đánh giá kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Bình Phước, rút ra những bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất: Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế là chủ trương đúng đắn, xu thế tất yếu đảm bảo phát triển bền vững của quốc gia, địa phương. Tuy nhiên để thực hiện các các mục tiêu này, mỗi địa phương phải đánh giá được các nguồn lực đầu vào (khả năng huy động nguồn vốn, lợi thế, tài nguyên, trình độ nguồn nhân lực, trình độ khoa học – công nghệ…) để lựa chọn con đường phát triển, lựa chọn mô hình tái cơ cấu phù hợp với địa phương. Từ đó sử dụng các công cụ về chính sách, quy hoạch, khoa học – công nghệ để thực hiện; trong đó khoa học – công nghệ vừa đóng vai trò nguồn lực đầu vào, vừa là công cụ thực hiện do đó cần có sự đầu tư, phát triển hợp lý.

Thứ hai: Quản lý chặt chẽ các nguồn lực, nhất là nguồn thu ngân sách để tập trung chi đầu tư phát triển; phát huy thế mạnh về đất đai để vừa tạo nguồn lực về vốn, vừa tạo mặt bằng cho xây dựng các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Việc đầu tư phải được ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm và phải có tính chiến lược; ưu tiên thực hiện 03 đột phá chiến lược, trong đó đầu tư hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, chú trọng đầu tư hạ tầng Công nghệ thông tin đảm bảo đồng bộ, vượt trước.

Thứ ba: Quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp, hợp tác xã và các chủ thể sản xuất kinh doanh; kết hợp hài hòa lợi ích chung, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; phát hiện và tạo điều kiện cho những nhân tố mới, cách làm mới phát triển. Thường xuyên kiểm tra, rà soát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Thứ tư: Đề ra nhiệm vụ cụ thể, những cơ chế chính sách thiết thực, không chung chung; chỉ đạo thực hiện phải kiên quyết, kiên trì và vận dụng mọi khả năng, nguồn lực để thực hiện.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh nền kinh tế. Nhìn chung, nền kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch đáng kể, hầu hết các lĩnh vực kinh tế đều có sự bứt phá, từng bước đáp ứng yêu cầu cơ bản đặt ra để hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các lợi thế về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đã và đang được phát huy, khai thác. Thu ngân sách và tỷ lệ động viên vào ngân sách so với GRDP có chiều hướng tăng theo từng năm; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư. Việc thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách có nhiều chuyển biến tích cực. Hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước được tăng lên đáng kể nhất là đổi mới tư duy phục vụ và kiến tạo. Quốc phòng an ninh luôn đảm bảo, tạo ổn định để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tác giả: Anh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

1493-CV/BTGTU

Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024

lượt xem: 167 | lượt tải:72

1494-CV/BTGTU

Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực

lượt xem: 126 | lượt tải:50

118-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ X tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029

lượt xem: 542 | lượt tải:263
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập178
  • Hôm nay37,662
  • Tổng lượt truy cập13,364,409
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây