Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước

https://tuyengiaobinhphuoc.org.vn


Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh

Trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ đuối nước thương tâm ở học sinh do đi tắm ở ao, hồ không có sự giám sát của người lớn, gia đình.
Trước vấn đề cấp bách đó, ngày 16/5/2022, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 577-CV/BTGTU về việc chỉ đạo tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh. Nội dung văn bản nêu rõ:

Bình Phước là tỉnh có diện tích mặt nước ao, hồ thủy lợi tương đối lớn, đây cũng là thời điểm học sinh các cấp chuẩn bị kỳ nghỉ hè, cộng với điều kiện thời tiết giao mùa, khí hậu nắng nóng nên tiềm ẩn nguy cơ cao gây đuối nước ở trẻ em. Những năm qua, ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh đã phối hợp với đoàn thanh niên và chính quyền địa phương các cấp tổ chức nhiều lớp dạy kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước, tập trung chủ yếu ở các thành phố, thị xã, thị trấn, nơi có điều kiện về kinh tế - xã hội do đó, tỷ lệ học sinh biết bơi chưa cao.

Trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ đuối nước thương tâm ở học sinh do đi tắm ở ao, hồ không có sự giám sát của người lớn, gia đình. Do đó, việc phòng ngừa tai nạn đuối nước ở trẻ em là rất cần thiết, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, nhà trường, gia đình và xã hội. Nhằm hạn chế tình trạng tai nạn đuối nước trẻ em, ngày 19/4/2022, UBND tỉnh đã ban hành Công văn 826/UBND-KGVX gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phòng chống tai nạn thương tích, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em.

Để tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai công tác tuyên truyền như sau:

1. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, đặc biệt các gia đình có con ở độ tuổi trẻ em tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước ở trẻ em.

2. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em cho người dân, nhất là các gia đình có con ở độ tuổi thiếu niên, nhi đồng. Trong đó, giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em là phải dạy trẻ kỹ năng bơi lội ngay từ nhỏ; hướng dẫn trẻ các nguyên tắc an toàn khi bơi và xử lý tình huống đuối nước. Đặc biệt, cha mẹ cần chủ động hơn trong việc quản lý và đảm bảo môi trường vui chơi an toàn cho trẻ nhằm tránh được những rủi ro tai nạn thương tâm đối với trẻ.

3. Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai, hướng dẫn, phổ biến kiến thức kỹ năng về phòng, chống đuối nước trong trường học, việc phổ biến, hướng dẫn phải đảm bảo đến từng lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè; mở đợt cao điểm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước, nhằm trang bị cho học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh kiến thức và các kỹ năng xử lý tình huống đuối nước. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tổ chức đoàn thanh niên, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả các chương trình, các lớp dạy học bơi an toàn cho học sinh các cấp học. Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong việc giám sát, quản lý trẻ em trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè.

4. Đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để phát huy vai trò của xã hội, cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước cho trẻ em; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp. Chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện biện pháp, giải pháp nhằm hạn chế tai nạn đuối nước xảy ra ở trẻ em; tăng cường thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em nói chung và công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở các địa phương, nhất là địa phương thường xuyên xảy ra đuối nước ở trẻ em.

5. Đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao và Du lịch đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong gia đình, cộng đồng dân cư việc chăm sóc, nhắc nhở, giám sát trẻ em về các yếu tố nguy cơ, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em; khuyến khích, vận động các gia đình cho trẻ tham gia các lớp học bơi tại cộng đồng; xây dựng biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch.

6. Đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cộng đồng về phòng, chống đuối nước ở trẻ em; tuyên truyền biện pháp, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu cho trẻ em bị đuối nước.

7. Đề nghị Tỉnh đoàn tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn thể, gia đình, nhà trường tuyên truyền, quản lý, giám sát trẻ em và tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí, rèn luyện thể dục, thể thao, hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt trong dịp nghỉ hè để hạn chế, giảm thiểu tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.

8. Đài Phát thanh Truyền hình và Báo Bình Phước tăng cường các tuyến tin, bài thông tin, tuyên truyền cảnh báo về tình hình tai nạn thương tích, tại nạn đuối nước ở trẻ em. Tuyên truyền cho người dân thường xuyên quan tâm, giám sát con, em mình, đặc biệt trong dịp học sinh nghỉ hè, mùa mưa bão. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, phóng sự, các thông điệp truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em; cảnh báo những khu vực có nguy cơ dễ xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em.

9. Ban tuyên giáo các huyện, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tham mưu, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, gia đình, nhà trường, cộng đồng về phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em. Tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các hộ gia đình trên địa bàn mình quản lý thường xuyên quan tâm, theo dõi, giám sát các hoạt động vui chơi, giải trí của trẻ em; chủ động đưa trẻ tham gia các lớp học bơi, học các kỹ năng xử lý an toàn trong môi trường nước.Tuyên truyền đến nhà trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn cần quán triệt, phổ biến đến các em học sinh không được tự ý tắm ao hồ, sông suối, kênh mương… nhằm phòng ngăn ngừa nguy cơ xảy ra đuối nước.
 

Tác giả: Gia Phúc (tổng hợp)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây