Quán triệt và triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ

Chủ nhật - 23/10/2022 10:07 1.748 0
Sáng nay 23-10, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 

Toàn cảnh hội nghị tại Hội trường Ban Chấp hành Trung ương Đảng

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hội trường Ban Chấp hành Trung ương Đảng và trực tuyến đến các điểm cầu ban, bộ, ngành, cơ quan trực thuộc trung ương và các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì hội nghị

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì tại Hội trường Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đang công tác tại các cơ quan trung ương.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại điểm cầu Trung ương Đảng

Dự tại điểm cầu Bình Phước có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh, Trần Văn Mi; lãnh đạo các ban, sở, ngành của tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng và lãnh đạo UBND tỉnh, các ban, sở, ngành của tỉnh dự tại điểm cầu Bình Phước. Ảnh: Như Nam

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29-8-2005 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2-8-2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, vai trò của vùng càng thể hiện rõ nét, là vùng đứng đầu cả nước về quy mô GRDP và thu ngân sách nhà nước, là thị trường lớn với dân số hơn 21 triệu người. Vùng còn là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất của cả nước, hàng năm đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.

Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước. Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm toàn vùng (GRDP) theo giá hiện hành gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra; đóng góp 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước.

 

Bên cạnh đó, trình độ phát triển kinh tế của vùng Đông Nam Bộ đang có sự thay đổi tích cực ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực, cụ thể như: công nghiệp công nghệ cao, đô thị, du lịch, viễn thông, tài chính, ngân hàng; nghiên cứu, ứng dụng và triển khai, đào tạo nhân lực, với tứ giác động lực TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng sự năng động kinh tế và vai trò ngày càng cao của Long An, Tiền Giang, Bình Phước và Tây Ninh…

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tốc độ phát triển của các địa phương trong vùng đã có dấu hiệu chậm lại, nguyên nhân chủ yếu là do sự quá tải của hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng và nhiều nguyên nhân khác như “chiếc áo thể chế quá chật” hoặc không được “thiết kế” phù hợp với yêu cầu phát triển của vùng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày nội dung Nghị quyết số 24-NQ/TW và dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ triển khai nghị quyết

Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định, Vùng Đông Nam Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đông Nam Bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.

Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 của Vùng Đông Nam Bộ: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8 - 8,5%; đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD; tỉ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP, khu vực công nghiệp và xây dựng 45,3%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 10,7%; tỉ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30 - 35%; tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70 - 75%; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng năng suất lao động đạt khoảng 7%. Đến năm 2030, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40 - 45%; tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%; đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ trên 10.000 dân; tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95%. 

Tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp - công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới.

 

Sau 3 hội nghị toàn quốc phổ biến Nghị quyết 11 Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Nghị quyết 13 Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Nghị quyết 23 Vùng Tây Nguyên, đây là hội nghị thứ 4 được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước cũng như các địa phương trong vùng, sớm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích vì sao vào lúc này Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về vùng Đông Nam Bộ, khẳng định vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tình hình thực tế đã đặt ra yêu cầu phải khẩn trương, nghiêm túc tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX; Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI và nghiên cứu xây dựng, ban hành nghị quyết mới về vấn đề đặc biệt quan trọng này, góp phần tạo ra sự chuyển biến có tính đột phá trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở vùng Đông Nam Bộ trong giai đoạn phát triển mới. Đây cũng là việc làm rất có ý nghĩa đối với "miền Đông gian lao mà anh dũng", luôn là đầu tàu, động lực phát triển của cả nước trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua; cũng như đối với “miền Nam thành đồng của Tổ quốc, Nam Bộ mến yêu, cách mạng và anh hùng”.

Cần phải đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo hơn nữa, tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc tiếp tục xây dựng và phát triển vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò đầu tàu trong liên kết phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước.

Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, bên cạnh việc phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của nghị quyết, nắm thật vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm; trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, của toàn vùng và từng địa phương trong vùng; của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương; thì điều quan trọng cần đặc biệt lưu ý là trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, phải đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị, tăng cường, nâng cao, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực và chất lượng lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu thực hiện nghiêm Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, tiên phong, gương mẫu về đạo đức và lối sống.

Tác giả: BPO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

1587-CV/BTGTU

Định hướng công tác tuyên truyền tháng 11/2024

lượt xem: 78 | lượt tải:26

1493-CV/BTGTU

Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024

lượt xem: 259 | lượt tải:90

1494-CV/BTGTU

Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực

lượt xem: 220 | lượt tải:65
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập185
  • Hôm nay50,957
  • Tổng lượt truy cập14,538,578
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây