Tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận, đánh giá khách quan, khoa học về những kết quả, thành tích đã đạt được; đồng thời, phân tích sâu sắc những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Trên cơ sở đó, việc ban hành nghị quyết mới nhằm tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần được quán triệt, triển khai thực hiện để kinh tế tập thể ngày càng phát triển mạnh hơn, đúng đắn và lành mạnh hơn, thực sự trở thành một thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang (Lộc Ninh) được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2020 với 9 thành viên. Trong ảnh: Các thành viên hợp tác xã ủ phân hữu cơ để bón cho hồ tiêu
Về quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng: Nghị quyết lần này xác định kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước, trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái triển khai, quán triệt Nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới" tại hội nghị
Nghị quyết nhấn mạnh, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã và các tổ chức đại diện phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế tập thể…
Mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ… |
Nghị quyết cũng nêu rõ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó cần nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân, nhận thức đúng, đầy đủ về phát triển kinh tế tập thể là yêu cầu và xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Hợp tác xã gạo Sóc Nê (huyện Bù Đốp) ra đời góp phần bao tiêu đầu ra gần 500 tấn lúa cho người dân mỗi năm
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Ngoài sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế tập thể, Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù cho kinh tế tập thể như: Chính sách phát triển nguồn nhân lực, về đất đai, tài chính, tín dụng…
Tác giả: BPO
Ý kiến bạn đọc