Hỏi:
Khi chưa hết thời gian thai sản theo chế độ, để có thêm thu nhập nuôi con nhỏ, nhiều lao động nữ đã lựa chọn đi làm sớm. Vậy lao động nữ đi làm sớm trong trường hợp này, có được nhận đủ 6 tháng trợ cấp và có phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) không?
Trả lời: Căn cứ điểm a, khoản 1, Điều 39, Luật BHXH năm 2014, lao động nữ được nghỉ hưởng chế độ thai sản trong 6 tháng với mức trợ cấp thai sản mỗi tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ.
Chưa hết thời gian thai sản, đi làm sớm có được nhận đủ 6 tháng trợ cấp?
Theo khoản 4, Điều 139, Bộ luật Lao động năm 2019, lao động nữ đi làm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản thì ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH.
Khoản 2, Điều 40, Luật BHXH năm 2014 cũng quy định: Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3, Điều 34 của Luật này.
Như vậy, nữ lao động đi làm sớm vừa được hưởng lương theo thời gian làm việc, vừa được hưởng đủ 6 tháng trợ cấp thai sản theo quy định.
Người lao động đi làm sớm sau sinh có phải đóng BHXH?
Theo quy định tại Điều 39, Luật BHXH năm 2014, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng BHXH, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH.
Với trường hợp người lao động đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì việc đóng BHXH được thực hiện theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 12, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau: Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng BHXH. Kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3, Điều 34 của Luật BHXH, nhưng người lao động và người sử dụng lao động phải đóng BHXH, BHYT.
Ngoài ra, điểm 6.3, khoản 6, Điều 42, Quyết định 595/QĐ-BHXH hướng dẫn về việc đóng BHXH của lao động nữ đi làm trước khi hết thời gian nghỉ sinh như sau: Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng BHXH, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ và đơn vị phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Như vậy, kể từ thời điểm đi làm, người lao động và người sử dụng lao động sẽ phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Duy Khiêm (TH)