Di tích lịch sử sân bay Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN
Nguồn lực văn hóa vùng Đông Nam Bộ
Bình Phước có 45 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng; trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh. Các bảo tàng trên địa bàn đang lưu giữ, quản lý gần 15.400 hiện vật; đặc biệt có Bảo vật Quốc gia là bộ đàn đá Lộc Hòa. Các hệ thống di tích, hiện vật văn hóa, lịch sử này thể hiện gần như đầy đủ các giá trị thuộc nguồn lực văn hóa ở Đông Nam Bộ và cần được phát huy.
Huyện Lộc Ninh hiện có 24 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 2 di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt, 5 di tích cấp Quốc gia, 6 di tích cấp tỉnh, 11 di tích thuộc danh mục kiểm kê chưa được xếp hạng. Những di tích này gắn với văn hóa truyền thống vùng đất, con người Lộc Ninh và luôn được Đảng bộ, chính quyền các cấp quan tâm, bảo tồn, cải tạo, nâng cấp thường xuyên. Đây cũng là những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho người dân, nhất là thế hệ trẻ.
Tham quan các di tích lịch sử - văn hóa của Bình Phước, du khách Nguyễn Hùng Tâm (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa nơi đây có tính đặc thù riêng, gắn liền với lịch sử cách mạng; đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tiêu biểu như: Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam ở Tà Thiết, căn cứ cách mạng sóc Bom Bo, Di tích Quốc gia Mộ 3.000 đồng bào An Lộc bị đế quốc Mỹ tàn sát ngày 3/10/1972...
Du khách Phan Thị Thùy Trang (tỉnh Đồng Nai) cho biết, các di tích trên địa bàn được xếp hạng đều có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, cảnh quan, địa chất phục vụ khách tham quan, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; đồng thời, thúc đẩy hoạt động du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Văn Tới (Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, qua hệ thống di tích lịch sử - văn hóa ở Bình Phước có thể hình dung được quá trình hình thành, phát triển, đặc điểm lịch sử, văn hóa của tỉnh trong không gian văn hóa - lịch sử của vùng Đông Nam Bộ. Do đó, phát huy được nguồn lực di tích lịch sử - văn hóa nơi đây cũng là đóng góp quan trọng cho vùng Đông Nam Bộ theo định hướng phát triển.
Theo đánh giá của Giáo sư, Tiến sỹ Phan Thị Thu Hiền (Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), với những gì Bình Phước đang có, tỉnh có tiềm năng xây dựng thành một “tiểu trung tâm” song hành với các tiểu trung tâm khác như: Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu… đặt bên cạnh trung tâm lớn Thành phố Hồ Chí Minh.
Xã hội hóa công tác bảo tồn, phát triển du lịch
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong bảo tồn, phát huy giá trị các di tích; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý Nhà nước về di tích với các ngành, địa phương. Đồng thời, tiếp tục lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh; thực hiện chỉnh lý các hồ sơ khoa học di tích đã được xếp hạng.
Địa phương huy động tối đa nguồn lực của các cá nhân và tổ chức trong công tác xã hội hóa để thực hiện hiệu quả các hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích; xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh chú trọng xây dựng và phát triển số hóa di tích lịch sử - văn hóa; từng bước xã hội hóa, tiến tới tự chủ về kinh phí đối với các di tích tiêu biểu có điều kiện phát triển dịch vụ du lịch…
Theo ông Trần Thế Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước, để đảm bảo việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy di tích theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, tỉnh tiếp tục tiến hành rà soát một cách hệ thống; trên cơ sở đó xây dựng đề án quy hoạch, kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy hệ thống di tích, nhất là đối với những di tích đã được xếp hạng và đối tượng được kiểm kê di tích. Tỉnh quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn, từ đội ngũ cán bộ quản lý, hướng dẫn viên du lịch, đến nhân viên phục vụ; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học trong việc bảo quản, tu bổ, phát triển di tích.
Bình Phước tiếp tục ứng dụng khoa học - công nghệ vào công tác bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên hiểu được giá trị to lớn của các di tích lịch sử - văn hóa, nhất là những di sản đã được công nhận. Khi người dân hiểu và thấy được quyền lợi, trách nhiệm của cá nhân, gia đình và cộng đồng, họ sẽ cùng tham gia bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị của di tích.
Nhà khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Văn Tới (Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, Bình Phước đã có những giải pháp hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa như: Định danh, lập hồ sơ, quy hoạch, trùng tu, tôn tạo, quản lý, quảng bá, đầu tư phát triển, một vài di tích đã đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Tuy nhiên, tỉnh cần có tầm nhìn phù hợp với yêu cầu phát triển và nhịp bước của thời đại. Trong đó, mục tiêu phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa không chỉ đóng khung ở địa phương mà góp phần phát triển toàn vùng; không chỉ thu hút du lịch mà quan trọng hơn là giáo dục truyền thống, quảng bá hình ảnh của địa phương. Kết nối liên vùng là giải pháp hiệu quả để Bình Phước bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa...