Văn học, nghệ thuật từ lâu đã là nguồn tài nguyên quý giá của nhân loại, không chỉ góp phần làm phong phú thêm tinh thần của cộng đồng, của mỗi con người mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, con người. Qua đó, giúp mỗi cá nhân và cả cộng đồng hiểu biết, liên kết chặt chẽ với nguồn gốc và truyền thống của mình, mở rộng tầm nhìn, sự cảm thông, sẻ chia, kết nối với các nền văn hóa khác.
Văn học, nghệ thuật tham gia phát triển văn hóa, con người
Văn học, nghệ thuật (VHNT), từ lâu đã là nguồn tài nguyên quý giá của nhân loại, không chỉ góp phần làm phong phú thêm tinh thần của cộng đồng, của mỗi con người mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, con người. Những tác phẩm VHNT không chỉ là sản phẩm để tiêu dùng mà còn là phương tiện để truyền tải những ý tưởng, triết lý, bản sắc văn hóa và lịch sử của một cộng đồng, một dân tộc. Qua đó, giúp mỗi cá nhân và cả cộng đồng hiểu biết, liên kết chặt chẽ với nguồn gốc và truyền thống của mình, mở rộng tầm nhìn, sự cảm thông, sẻ chia, kết nối với các nền văn hóa khác.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương (nguyên UVTW Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW, nguyên Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam) phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
Tìm hiểu vai trò của VHNT trong phát triển văn hóa, con người cũng là cách góp phần vào việc định hình và phát triển bản sắc văn hóa quốc gia hay vùng đất trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trong một thế giới mà sự đồng hóa văn hóa, “xâm lăng văn hóa” đang diễn ra ngày càng sâu sắc, VHNT không chỉ là “căn cước”, là hành trang, là niềm tự hào của các dân tộc mà còn là những phương tiện quan trọng góp phần xác định và phát triển văn hóa, con người giàu mạnh, văn minh. Các sản phẩm VHNT thường mang đậm dấu ấn văn hóa đặc trưng, chứa đựng giá trị tinh thần sâu sắc, qua đó thể hiện sức mạnh mềm trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia, của các địa phương.
VHNT là cầu nối giúp con người thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc, kinh nghiệm sống. Các nghiên cứu cho thấy, việc tiếp xúc với VHNT có thể tác động tích cực đến sự phát triển cá nhân, từ việc học hỏi kỹ năng sống đến việc cải thiện sức khỏe tinh thần. Đối với xã hội, thúc đẩy sự đồng cảm và tôn trọng đa dạng văn hóa, qua đó góp phần xây dựng cộng đồng bền vững. VHNT là phương tiện quan trọng trong việc hình thành nhân cách và tư duy sáng tạo; không chỉ giúp người học phát triển khả năng phản biện và tưởng tượng mà còn mở rộng hiểu biết về thế giới xung quanh. Trong môi trường học tập, việc tích hợp văn học và nghệ thuật có thể nâng cao hiệu quả giáo dục, đồng thời khuyến khích người học phát triển toàn diện.
VHNT không chỉ là những biểu hiện của trí tưởng tượng sáng tạo, mà còn là những yếu tố quan trọng, có ảnh hưởng đáng kể đến phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy sự đổi mới công nghệ. VHNT góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua việc định hướng giáo dục, thẩm mỹ, giải trí; nuôi dưỡng, bồi đắp, làm giàu thêm cuộc sống tinh thần của con người. Chúng tạo ra những giá trị văn hóa và thẩm mỹ, giúp mọi người có thể hiểu và đồng cảm với nhau hơn. VHNT góp phần mở rộng cảm quan và tầm nhìn của cộng đồng, tạo nên một xã hội đoàn kết, hài hòa và đa dạng hơn.
VHNT góp phần tạo ra các ngành CNVH có giá trị kinh tế, văn hóa cao. Ngành công nghiệp xuất bản, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, kiến trúc, thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa…tạo ra việc làm, thu nhập và thúc đẩy sự tăng trưởng. Các lễ hội nghệ thuật, triển lãm và buổi biểu diễn không chỉ thu hút khách du lịch mà còn góp phần vào sự phát triển của các dịch vụ liên quan như khách sạn, nhà hàng, giao thông vận tải...
VHNT phản ánh đời sống xã hội, đánh thức nhận thức và kích thích sự tưởng tượng. Nó không chỉ là nguồn gốc của giáo dục mà còn là cơ sở để phát triển tư duy phản biện và sáng tạo - những yếu tố cần thiết cho sự đổi mới và tiến bộ trong kinh doanh và công nghệ. VHNT cung cấp cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về con người, xã hội, và thế giới - một nguồn lực quan trọng cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và có khả năng thích ứng với sự thay đổi.
VHNT không chỉ phục vụ nhu cầu thẩm mỹ của con người mà còn tạo ra sự đổi mới trong cách thức chúng ta giao tiếp và khám phá thế giới. Nó giúp chúng ta bày tỏ và chia sẻ cảm xúc, là cầu nối giữa các nền văn hóa và là nguồn cảm hứng cho sự đổi mới. Trong nền kinh tế toàn cầu, VHNT không chỉ là một ngành công nghiệp sáng tạo, tạo ra giá trị kinh tế mà còn tăng cường sức mạnh mềm quốc gia, khả năng cạnh tranh quốc gia thông qua việc thúc đẩy du lịch và xuất khẩu văn hóa. Một mặt, tạo điều kiện cho nguồn lực được đầu tư vào lĩnh vực VHNT, từ đó mở rộng cơ hội cho các nghệ sĩ, nhà văn, giới sáng tạo phát triển sự nghiệp và tạo ra những tác phẩm chất lượng cao. Mặt khác, một nền VHNT phong phú sẽ góp phần cải thiện chất lượng đời sống, nâng cao dân trí và định hình giá trị văn hóa cho xã hội, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Phát triển văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng văn hóa, con người Bình Phước trước yêu cầu mới
Bình Phước có những đặc điểm về lịch sử, địa lý, địa hình, khí hậu, địa chất, tài nguyên, dân tộc, tôn giáo.. nhiều nét riêng, nhiều lợi thế. Bình Phước là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, “địa lợi, nhân hòa”; có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, các lễ hội và hoạt dộng văn hóa tiêu biểu như Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, hồ suối Lam, hồ Sóc Xiêm, Tràng Cỏ Bàu Lạch, núi Bà Rá. Di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Miền (Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam), còn gọi là Căn cứ Tà Thiết; di tích lịch sử cách mạng ở Núi Bà Rá, Sóc Bom Bo; các đình, chùa, thành: chùa Sóc Lớn, Đình thần Hưng Long, thành tròn An Khương, Lộc Tấn 2;… Lễ hội cầu mưa của người dân tộc S’tiêng, Lễ hội miếu Bà Rá; Tết mừng lúa mới của người M’nông, Tết Chol Chnăm Thmây của người Khmer, Lễ hội Dolta… Đưa văn học, nghệ thuật gắn với di sản văn hóa các dân tộc Kinh, S’tiêng, Khmer, Hoa, Tày, Nùng, Mường, Dao, Thái;… thổi hồn, chắp cánh cho giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa, các danh lam thắng cảnh, các lễ hội, các hoạt động văn hóa tiêu biểu là con đường, là cách thức tốt nhất để phát triển văn hóa, xây dựng con người Bình Phước giàu có, phong phú, văn minh.
Xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo, với những phẩm chất yêu nước, yêu quê hương, đoàn kết, dũng cảm, cần cù, sáng tạo, nghĩa tình, nhân văn. Trong tình hình mới, Bình Phước cần coi trọng việc xây dựng nền văn hóa số thích ứng với nền kinh tế số, kinh tế xanh, xã hội số, công dân số… Chú trọng đầu tư, phát triển công nghệ số trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật. Số hóa các di sản văn hóa, các nguồn tài nguyên văn hóa nhằm tạo dựng nguồn dữ liệu số đầy đủ, hấp dẫn về văn hóa, con người Bình Phước. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh theo định hướng đi của nền kinh tế số. Xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và hành lang pháp lý nhằm khuyến khích phát triển thị trường văn hóa, văn nghệ số, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên không gian số. Có các biện pháp hạn chế, ngăn chặn các ảnh hưởng, tác động từ mặt trái, mặt tiêu cực quá trình chuyển đổi số đến đời sống xã hội, nhất là với văn hóa, con người, đặc biệt là giới trẻ. Xác lập quyền lực mềm quốc gia và sức mạnh mềm của quê hương Bình Phước bằng văn hoá, con người với các chính sách phát triển hợp lý, trên cơ sở các giá trị đặc sắc, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đặc biệt coi trọng việc thông qua tác phẩm văn học, nghệ thuật để giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và truyền thống quê hương, trách nhiệm xã hội cho các tầng lớn nhân dân, nhất là thanh thiếu niên. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững của tỉnh, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp. Phát triển văn học, nghệ thuật Bình Phước theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII). Tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật; trọng dụng, tôn vinh trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, tài năng trẻ trên cơ sở cống hiến cho đất nước, cho tỉnh nhà.