Nhận thức của cấp ủy đảng, người đứng đầu về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng có nhiều chuyển biến tích cực
Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, nhận thức của các cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng được tăng lên rõ rệt. Qua khảo sát của Viện Dư luận xã hội, có 71% ý kiến cho rằng lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị “rất quan tâm, coi trọng” công tác tuyên truyền miệng trong thời gian qua, 25% ý kiến cho rằng lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị “quan tâm, coi trọng có mức độ” nhiệm vụ này.
Nhiều cấp ủy đảng, ban tuyên giáo đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác TTM, hoạt động BCV, TTV; đưa vào nội dung kế hoạch, chương trình công tác, chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ chính trị của năm, của nhiệm kỳ; khi triển khai các dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội; công tác xây dựng Đảng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh quan trọng của địa phương.
Nhiều đồng chí bí thư cấp ủy đã tích cực, chủ động tham gia công tác tuyên truyền miệng, góp phần tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia đối thoại trực tiếp với nhân dân, doanh nghiệp, phóng viên báo chí, thành phần có tư tưởng cực đoan, chống đối, quá khích để giải thích, thuyết phục, vận động, giải quyết ổn định tình hình ngay từ cơ sở, ngay từ khi mới phát sinh. Nhiều đồng chí là lãnh đạo các bộ, sở, ngành đã cung cấp thông tin tại hội nghị BCV hoặc cung cấp thông tin, tài liệu để ban tuyên giáo định hướng tuyên truyền.
Đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên được quan tâm xây dựng, phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động
Tính đến quý II/2023, cả nước có 620.248 Báo cáo viên các cấp, Tuyên truyền viên cơ sở. Đội ngũ Báo cáo viên nhìn chung bảo đảm về số lượng và chất lượng. Hầu hết Báo cáo viên cấp Trung ương, cấp tỉnh, huyện có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên. Đây đều là những đồng chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; nắm vững những kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có trình độ hiểu biết chung về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học; biết vận dụng tâm lý học, phương pháp sư phạm và nghiệp vụ tuyên truyền, nhất là nghiệp vụ tuyên truyền miệng; có khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin, nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận xã hội; có phương pháp phân tích, lập luận, cách trình bày bài nói; có phương pháp vận động, thuyết phục quần chúng, năng lực tự chủ và khả năng đối thoại với người nghe; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, đặc biệt là kỷ luật phát ngôn; có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết với công việc được giao; khiêm tốn học hỏi, gương mẫu về đạo đức, lối sống, có mối quan hệ gần gũi với Nhân dân.
Ở nhiều địa phương, đơn vị, hoạt động của đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên đi vào nền nếp, bám sát cơ sở, làm tốt vai trò là lực lượng nòng cốt thực hiện công tác tuyên truyền viên của Đảng và hệ thống chính trị, góp phần tăng cường sự gắn bó giữa Đảng với Nhân dân, tăng cường sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, đẩy mạnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đơn vị.
Trong quá trình triển khai công tác tuyên truyền miệng, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương luôn phát huy vai trò của lực lượng tuyên truyền viên ở cơ sở. Đối tượng tham gia lực lượng tuyên truyền viên hầu hết là cán bộ chủ chốt của cấp xã, bí thư các chi bộ khu phố, ấp và một số chức danh không chuyên trách cấp xã để tiến hành tuyên truyền, vận động quần chúng ở địa bàn dân cư. Với điều kiện gần gũi quần chúng nhân dân, thuận lợi trong việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân cũng như những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đời sống của cơ sở, đội ngũ tuyên truyền viên chính là những nhân tố tích cực trong vận động, cổ động quần chúng Nhân dân tham gia vào các phong trào hành động cách mạng, các phong trào thi đua yêu nước trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - văn hoá xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Không chỉ quan tâm về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, công tác tôn vinh, ghi nhận thành tích lao động của các Báo cáo viên cũng được chú trọng. Nhằm động viên, ghi nhận và phát huy vai trò của Báo cáo viên, tuyên truyền viên, Ban Tuyên giáo Trung ương định kỳ tổ chức hội thi Báo cáo viên giỏi cấp Trung ương. Thực hiện hướng dẫn của Ban, trong mỗi nhiệm kỳ, các địa phương đều tổ chức Hội thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi. Nhiều địa phương có những cách làm mới, sáng tạo, kết hợp hoạt động tuyên truyền miệng với việc tổ chức các Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu nghị quyết của Đảng và nhiều nội dung chính trị, lịch sử, văn hóa, quốc phòng - an ninh khác.
Công tác cung cấp thông tin cho đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên khá chủ động, thường xuyên. Nhiều tài liệu thông tin nội bộ do Ban biên soạn và phát hành được sao gửi kịp thời đến đội ngũ cán bộ chủ chốt và Báo cáo viên, phục vụ kịp thời cho việc định hướng thông tin, dư luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng, nhất là đối với các thông tin không phổ biến trên báo chí, truyền thông. Ngoài ra, các thông tin thời sự, chuyên đề chuyên sâu, nghiệp vụ tuyên truyền miệng, hoạt động Báo cáo viên, tuyên truyền viên được cập nhật hàng ngày thông qua App “Thông tin tuyên giáo” và Trang Thông tin điện tử tổng hợp “Báo cáo viên”. Trung bình 1 tháng đăng tải 4 - 5 chuyên đề chuyên sâu, hơn 100 tin, bài, ảnh mới liên quan đến nghiệp vụ tuyên truyền miệng, hoạt động Báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Nội dung, phương thức hoạt động tuyên truyền miệng có nhiều đổi mới
Theo Báo cáo thăm dò dư luận xã hội năm 2022, qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, công tác tuyên truyền miệng, hoạt động Báo cáo viên được cán bộ, đảng viên, Nhân dân đánh giá cao, cụ thể như sau: 83% ý kiến cho rằng công tác tuyên truyền miệng góp phần trực tiếp truyền bá sâu rộng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 79% cho rằng công tác tuyên truyền miệng đã phát huy vai trò trong việc định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là trước những vấn đề “nóng”, “nhạy cảm”; 79% cho rằng công tác tuyên truyền miệng góp phần tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; 78% cho rằng công tác tuyên truyền miệng đã phát huy vai trò mạnh mẽ, là một trong những vũ khí sắc bén để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. 75% cho rằng công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên đã nắm bắt, phản ánh kịp thời tình hình tư tưởng, mong muốn, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên đã tham gia có hiệu quả trong việc triển khai nhiều nội dung mới về công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, văn hóa, ngoại giao nảy sinh khi đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng; trong bối cảnh quyền tiếp cận thông tin của nhân dân ngày càng hoàn thiện, thông tin ngày càng công khai; các nền tảng kỹ thuật về thông tin ngày càng hiện đại, phong phú, có sức thu hút mạnh mẽ, đông đảo cộng đồng xã hội tham gia.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền miệng đã tiếp tục phát huy hiệu quả nhiều phương thức tuyên truyền miệng truyền thống, như: Nói chuyện thời sự để thông báo kịp thời, có định hướng những sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… trong nước và thế giới đã góp phần hình thành, xác lập quan điểm, thái độ, cách đánh giá cho người nghe đối với sự kiện đó; Giới thiệu nghị quyết trên cơ sở phân tích cơ sở lý luận, thực tiễn và quán triệt những nội dung nghị quyết của các cấp uỷ đảng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, qua đó định hướng tư tưởng những nhiệm vụ chính trị cần thực hiện; Báo cáo chuyên đề thông tin một cách hệ thống và chuyên sâu về vấn đề lý luận, thực tiễn cấp thiết hay về một sự việc, sự kiện diễn ra trong thực tiễn đang là vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm; Thảo luận nhằm trao đổi, tranh luận một vấn đề để thống nhất nhận thức; Đối thoại, nhất là những vấn đề liên quan đến các đối tượng chịu ảnh hưởng chi phối bởi quá trình xây dựng và triển khai một chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để giải thích kịp thời, rõ ràng về vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận; Hội nghị BCV trực tiếp là phương thức truyền thống đã được tổ chức ở Trung ương và địa phương, theo định kỳ và đột xuất từ nhiều năm qua…
Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bên cạnh phát huy ưu điểm, thế mạnh của các phương thức truyền thống, các ngành, địa phương chú trọng kết nối điểm cầu trực tuyến trên cơ sở đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số kết hợp với hiệu ứng của truyền thông và tận dụng tối đa những lợi thế của mạng xã hội. 100% địa phương, đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hội nghị trực tuyến; nhiều tỉnh, thành phố kết nối đường truyền tới các xã, phường, thị trấn, mở rộng đối tượng người nghe; sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook để truyền tải, lan tỏa thông tin tích cực. Bên cạnh việc tiếp, phát Hội nghị Báo cáo viên Trung ương trực tuyến, hình thức tổ chức hội nghị Báo cáo viên trực tiếp và trực tuyến được ban tuyên giáo nhiều tỉnh ủy, thành ủy chủ động triển khai có hiệu quả. Đó là những đổi mới về phương thức tiến hành hoạt động tuyên truyền miệng, có sức lan tỏa thông tin nhanh nhất, hiệu quả và tiết kiệm nhất./.
Tác giả: baocaovien.vn
Ý kiến bạn đọc
Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024
lượt xem: 61 | lượt tải:34Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực
lượt xem: 41 | lượt tải:31Hướng dẫn tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ X tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029
lượt xem: 403 | lượt tải:198