Sau đại dịch Covid-19, rất nhiều diễn đàn tranh luận gay gắt, thậm chí trái chiều xung quanh tình trạng khó khăn của ngành y tế. Từ việc khan hiếm thuốc, vật tư khiến cơ sở y tế, bệnh nhân lao đao đến nguồn nhân lực đang trở thành “khủng hoảng” của nhiều cơ sở y tế công lập. Đây đã và đang là vấn đề nhức nhối được mổ xẻ để tìm lời giải toàn diện. Và đó cũng là “mồi lửa” các thế lực thù địch lợi dụng châm ngòi “đốt cháy” công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của Đảng, Nhà nước ta.
Dù công tác chuyên môn đang đối mặt với nhiều khó khăn về thuốc, hóa chất… nhưng đội ngũ y, bác sĩ tỉnh Bình Phước luôn xác định vượt khó, đồng hành với ngành y và hướng tới những điều tốt hơn trong tương lai. Trong ảnh: Bác sĩ Khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế thị xã Bình Long thăm khám cho bệnh nhi - Ảnh: Thanh Nga
Thực trạng nhân lực ngành y
Đứng chân trên địa bàn huyện biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp hiện có 2 phòng, 8 khoa và 7 trạm y tế xã. Mặc dù hạ tầng cơ sở đang được quan tâm đầu tư xây dựng để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tuy nhiên cái khó kéo dài nhiều năm nay ở trung tâm là đội ngũ y tế thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Để thu hút bác sĩ chính quy về cơ sở y tế công lập ở huyện biên giới xa xôi là bài toán khó với nhiều nguyên nhân.
Bác sĩ Đặng Đức Toàn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp khẳng định: Trung tâm đang thiếu bác sĩ làm việc. Theo nhận định, trung tâm rất khó thu hút bác sĩ mới ra trường cũng như các bác sĩ giàu kinh nghiệm.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước
Theo báo cáo của ngành y tế Bình Phước, từ sau đại dịch Covid-19, việc thiếu thuốc thiết yếu, hóa chất, vật tư y tế gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động của ngành y. Số lượng nhân lực y tế chưa đáp ứng theo định mức quy định của Bộ Y tế. Toàn ngành hiện thiếu hơn 1.100 biên chế sự nghiệp y tế. Số lượng nhân viên y tế nghỉ việc gia tăng. Giai đoạn 2019-2022 có 387 nhân viên y tế nghỉ việc; trong đó, năm 2019 có 105 người, năm 2020 có 71 người, năm 2021 là 96 người và 2022 có 115 người. Bình Phước mới chỉ đạt 8,9 bác sĩ/vạn dân. Toàn ngành hiện thiếu 90 bác sĩ (năm 2020 thiếu 135 bác sĩ). Do đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 đạt tỷ lệ 10 bác sĩ/vạn dân và tỷ lệ giường bệnh 32 giường/10.000 dân rất khó.
Những khó khăn, khủng hoảng ngành y tế đang đối mặt cần nhận diện đầy đủ và giải quyết gốc rễ, có cơ chế điều hành khoa học và giải quyết căn cơ từng nguyên nhân. Cả trong ngắn hạn và dài hạn, việc thu hút, phát triển và giữ chân nhân lực ngành y phải là giải pháp trọng tâm trong chiến lược phát triển ngành. |
Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Nguyên, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho biết: Trong tình hình hiện nay, không chỉ riêng đối với Bình Phước, tất cả cơ sở y tế công trên cả nước hầu như rất thiếu hụt nguồn nhân lực. Thiếu hụt nguồn nhân lực ở đây liên quan nhiều yếu tố. Thứ nhất, vừa qua sau khi xảy ra dịch Covid-19 là một trong những yếu tố ảnh hưởng tâm lý bác sĩ; thứ hai là chế độ, chính sách đãi ngộ của ngành còn khó khăn; thứ ba, cơ sở y tế tư nhân phát triển với chế độ đãi ngộ rất cao. Khủng hoảng y tế hiện nay theo nhiều người nhận định không chỉ bao phủ ở những bệnh viện lớn mà len lỏi cả ở y tế cơ sở. Và hầu như sau “làn sóng” đại dịch Covid-19, không chỉ vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao mà thu nhập, môi trường làm việc chưa đủ hấp dẫn trở lại để thu hút, giữ chân nhân viên y tế.
Linh hoạt ứng phó
Chủ động trước tình huống thiếu nguồn nhân lực, nhiều trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh linh động các giải pháp tức thời và lâu dài để khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tại Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp, bác sĩ thiếu nên mỗi người luôn kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ ở các khoa, phòng khác. Bác sĩ Đặng Đức Toàn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp cho biết thêm: Về mặt nhân lực, hiện trung tâm khó khăn rất nhiều nhưng các bác sĩ ở đây luôn nỗ lực cố gắng. Mọi người vừa tham gia công tác chuyên môn chính vừa hỗ trợ các khoa khác như siêu âm, ngoại sản, cấp cứu, kể cả tăng cường tuyến xã. Không chỉ bác sĩ mà lãnh đạo bệnh viện cũng luôn hỗ trợ công tác chuyên môn cho các khoa, phòng. Nhiều giải pháp đã và đang được thực hiện để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân khu vực biên giới.
Theo bác sĩ Đặng Đức Toàn, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp đặt ra 3 vấn đề. Đó là về cơ sở vật chất phải được tu sửa điều chỉnh, vấn đề này đã được UBND huyện quan tâm. Thứ hai là trang thiết bị máy móc và cơ sở hạ tầng để phục vụ công tác khám, chữa bệnh, hiện Sở Y tế và huyện đang hỗ trợ. Vấn đề quan trọng nhất là nhân lực, trung tâm đã đề nghị Sở Y tế tổ chức đào tạo tập trung để các y sĩ đa khoa đang công tác tại trung tâm sẽ được tham gia nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và về phục vụ trên địa bàn huyện.
Sau dịch Covid-19, ngành y tế càng thiếu nguồn nhân lực. Trong ảnh: Bác sĩ tại thị xã Bình Long khám, chữa bệnh cho người dân
Trước tình trạng thiếu nhân lực, ngoài việc các bác sĩ choàng gánh cho nhau, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hớn Quản vận dụng mối quan hệ liên kết với một số bệnh viện tuyến Trung ương để khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Theo đó, vào thứ Tư hằng tuần, trung tâm được các tiến sĩ, bác sĩ Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tại TP. Hồ Chí Minh về khám, chữa bệnh. Điều đó không chỉ hỗ trợ kịp thời những bệnh nhân ở vùng sâu mà còn góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ trẻ tại trung tâm.
Bác sĩ La Văn Dầu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hớn Quản cho biết: Ngoài ký kết với một số bệnh viện tuyến Trung ương, nhất là các bệnh chuyên sâu được tiến sĩ về khám, chữa bệnh, trung tâm liên kết tỉnh cử đội ngũ y tế tại đơn vị luân phiên đi học… Giải pháp nữa là tăng cường bác sĩ tuyến trạm y tế ra.
Hiện ngành y tế và các cơ quan chức năng đang tích cực nỗ lực tìm kiếm giải pháp toàn diện nhất, căn cơ nhất để giải quyết khó khăn của ngành y tế, lấy lại niềm tin với bệnh nhân, người dân và kể cả lớp trẻ đang nuôi giấc mơ cống hiến cho sự nghiệp cứu người. Những nỗ lực tích cực ấy chắc chắn sẽ tạo ra tín hiệu tốt cho ngành y tế trong thời gian tới.
Tác giả: BPO
Ý kiến bạn đọc
Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024
lượt xem: 61 | lượt tải:34Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực
lượt xem: 41 | lượt tải:31Hướng dẫn tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ X tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029
lượt xem: 403 | lượt tải:198