Xu hướng điều chỉnh chính sách thuế trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Thứ sáu - 08/03/2024 22:29 5 0
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thực thi các cam kết FTAs sẽ khiến số thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu giảm. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia đã có những điều chỉnh chính sách thuế nhằm vừa góp phần bù đắp khoản giảm thu, vừa tạo lập nguồn thu bền vững cho NSNN, đặc biệt trong suốt thời gian thực hiện các cam kết về thuế. Bài viết sẽ đề cập đến xu hướng điều chỉnh chính sách thuế của một quốc gia, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
 

Về thuế TNCN

Một số quốc gia đã tăng mức thuế suất thuế TNCN cao nhất từ 41% lên 45% (Nam Phi) và từ 40% lên 42% đối với thu nhập chịu thuế trên 500 triệu Won (Hàn Quốc). Singapore cũng đã sửa đổi thuế TNCN theo hướng tăng mức thuế suất lũy tiến đối với phần thu nhập chịu thuế cao và áp dụng từ năm 2017. Cụ thể: tăng mức thuế suất lũy tiến từ 17% lên 18% đối với mức thu nhập chịu thuế trong khoảng 160.000-200.000S$ và tăng từ 20% lên 22% đối với mức thu nhập chịu thuế từ 320.000S$ trở lên. Bên cạnh đó bổ sung khung thu nhập chịu thuế trong khoảng 200.000-320.000S$ sẽ chịu các mức thuế suất lũy tiến là 19% (200.000-240.000S$), 19,5% (240.000-280.000S$) và 20% (280.000-320.000S$) thay vì trước đây chỉ chịu một mức thuế suất là 18%.

Cùng việc điều chỉnh trên, việc mở rộng cở sở thuế và thu hẹp cơ sở thuế TNCN ở các quốc gia thông qua việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và khấu trừ thuế TNCN cũng được xem là xu hướng, khi phần lớn các quốc gia cải cách thuế TNCN nhằm mục tiêu hỗ trợ việc làm và hỗ trợ người có thu nhập thấp. Biện pháp hướng tới là thu hẹp cơ sở thuế TNCN, tuy nhiên ở một số quốc gia đồng thời đưa ra các cải cách hỗn hợp mở rộng và thu hẹp cơ sở thuế cùng một lúc. Có khoảng 27 quốc gia ở OECD thực hiện thu hẹp cơ sở thuế TNCN và 9 quốc gia đang thực hiện mở rộng cơ sở thuế TNCN.

Chẳng hạn, Thái Lan nâng ngưỡng giảm trừ gia cảnh đối với (i) người phụ thuộc là vợ hoặc chồng không có thu nhập từ 30.000 lên 60.000THB, nếu vợ hoặc chồng có thu nhập chịu thuế thì khoản giảm trừ tối đa cho cả hai là 120.000THB; (ii) nâng ngưỡng giảm trừ đối với người phụ thuộc là con từ 15.000 THB/con (giới hạn số con là 3) lên 30.000 THB/con (không giới hạn số con), nhưng hủy bỏ trợ cấp 2.000 THB cho mỗi con đến trường. Tại Anh quy định nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 11.200£ lên 11.500 £ trong năm 2017-2018 và áp dụng từ 6/4/2017. Ở Mỹ, mức khấu trừ thuế đã tăng gần gấp đôi cho các cá nhân (từ khoảng 6.000 USD lên 12.000 USD), cha mẹ đơn thân (từ khoảng 9.000 USD lên 18.000 USD) và các cặp vợ chồng (từ khoảng 12.000 USD lên 24.000 USD). Mức giảm trừ gia cảnh cho mỗi trẻ em phụ thuộc (dưới 17 tuổi) tăng gấp đôi lên 2.000 USD và mức giảm trừ mới cho mỗi người phụ thuộc từ 17 tuổi trở lên là 500 USD.

Bên cạnh đó, Hy Lạp đang thực hiện mở rộng cơ sở thuế TNCN bằng cách giảm đáng kể mức giảm trừ gia cảnh đối với trẻ em từ năm 2020, chẳng hạn đối với người nộp thuế có một người phụ thuộc thì mức giảm trừ sẽ bị giảm từ mức 950 Euro xuống còn 300 euro và đối với những người nộp thuế có hai người phụ thuộc thì mức giảm trừ sẽ bị giảm từ 2.000 euro xuống còn 350 euro.

Về thuế TNDN

Do nợ công tăng cao, một vài quốc gia cải cách thuế TNDN theo hướng tăng thu ngân sách từ thuế TNDN. Cụ thể, như Chi Lê tăng 1 điểm phần trăm, từ 24% năm 2016 lên 25% năm 2017; Pê ru tăng 1,5 điểm phần trăm, từ 28% năm 2016 lên 29,5% năm 2017; Algeria tăng 3 điểm phần trăm, từ 23% năm 2015 lên 26% từ năm 2016; Thổ Nhĩ Kỳ tăng từ 20% lên 22% cho 03 năm 2018-2020.

Về thuế GTGT

Nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, nhiều quốc gia đang thực hiện cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu. Điển hình như, Philippines tăng thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa và dịch vụ từ 12% lên 15% nhằm bù đắp nguồn thu bị thâm hụt do ảnh hưởng việc điều chỉnh giảm thuế TNDN. Ngoài ra, Chính phủ nước này đang xem xét mở rộng cơ sở thuế GTGT bằng việc loại bỏ một loạt các miễn giảm thuế cho hơn 30 mặt hàng và dịch vụ, hiệu lực từ ngày 1/6/2017. Malaysia chuyển sang áp dụng thuế hàng hóa và dịch vụ (Goods and Services Tax) với mức thuế suất 6% áp dụng chung cho cả hàng hóa và dịch vụ từ 1/4/2015 thay cho thuế bán hàng và dịch vụ (Sales Tax/Service Tax) có mức thuế suất phổ thông 10% và 5% đối với một số sản phẩm dầu mỏ, mức thuế suất 6% đối với dịch vụ. Nam Phi tăng thuế suất thuế GTGT từ 14% lên 15% kể từ 1/4/2018 nhằm giải quyết mối lo ngại về thâm hụt ngân sách ngày càng tăng và bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn thu lớn hơn dự kiến. Ba Lan tăng thuế suất thuế GTGT từ 8% lên 23% đối với sản phẩm vệ sinh và dược phẩm.

Tuy nhiên, xu hướng liên tục tăng thuế suất thuế GTGT trong những năm gần đây đã chững lại. Việc ổn định thuế suất thuế GTGT của phần lớn các quốc gia vì các quốc gia đó đang có vị trí tài chính tốt hơn, mặt khác mức thuế suất thuế GTGT cũng đã đạt đến mức cao ở nhiều nước, do đó khả năng tăng thuế suất bị hạn chế đi nhiều.

Về thuế TTĐB

Hiện nay việc điều chỉnh thuế TTĐB ở các quốc gia hướng đến nhiều mục tiêu như: tăng nguồn thu ngân sách, bù đắp cho sự sụt giảm từ nguồn thuế trực thu và thuế xuất nhập khẩu do thực hiện các FTAs; định hướng tiêu dùng các sản phẩm chịu thuế TTĐB và không có lợi cho sức khỏe người dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…Chẳng hạn, để hạn chế việc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá ở Singapore, Chính phủ nước này tăng thuế TTĐB lên 10% đối với tất cả các sản phẩm thuốc lá từ ngày 19/2/2018. Philippines tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá từ 32,5 peso/điếu lên 35 peso/điếu từ ngày 1/7/2018 và lên 37,5/điếu từ 1/1/2020, lên 40 peso/điếu từ 1/1/2022. Philippines cũng tăng thuế TTĐB đối với rượu mạnh từ 20,8 Php/lít năm 2016 lên 21,63 Php/lít năm 2017, tăng thuế TTĐB đối với nhiên liệu từ 4,53Php/lít xăng lên 10Php/lít...

Cùng đó, Hy Lạp, Phần Lan, Thụy Điển, Ba Lan và Hàn Quốc đều đã đưa ra loại thuế mới đối với thuốc lá điện tử. Ba Lan, các sản phẩm thuốc lá mới và chất lỏng được sử dụng trong thuốc lá điện tử đều bị đánh thuế TTĐB. Biện pháp này ngoài nhằm tăng nguồn thu thuế thì cũng đảm bảo sự công bằng hơn giữa các sản phẩm thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới.

Ngoài các sắc thuế trên, nhiều quốc gia cũng đã điều chỉnh thuế bất động sản theo hướng tăng mức động viên thông qua việc mở rộng đối tượng chịu thuế. Hay thực hiện điều chỉnh chính sách thuế theo hướng gắn với bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu...

Một số bài học rút ra cho Việt Nam

Qua nghiên cứu kinh nghiệm một số quốc gia về xu hướng điều chỉnh chính sách thuế trong bối cảnh thực hiện các hiệp định thương mại tự do, một số bài học rút ra cho Việt Nam như sau:

Đối với thuế TNCN

Việt Nam cần quy định rõ hơn về ngưỡng thu nhập chịu thuế và điều chỉnh mức thuế suất hợp lý nhằm động viên, khuyến khích cá nhân làm giàu hợp

Đối với thuế TTĐB

Việt Nam cần xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu, đồ uống có đường… để điều tiết tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế.

Đối với thuế GTGT

Mặc dù phần lớn các quốc gia thực hiện tăng thuế suất thuế GTGT phổ thông nhưng xu hướng này hiện nay đang ngày càng chững lại do khả năng tăng thuế bị hạn chế. Vì vậy, Việt Nam cần cân nhắc việc có nên tăng thuế GTGT hay không trong bối cảnh kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn.

Đối với thuế đánh vào tài sản

Thứ nhất, chính sách thuế liên quan đến bất động sản ở Việt Nam hiện nay chủ yếu hướng tới đối tượng là đất, do đó cần nghiên cứu và hoàn thiện chính sách thuế đối với đất và tài sản gắn liền với đất (công trình, nhà ở trên đất…) để phù hợp với xu hướng chung của quốc tế.

Thứ hai, cần nâng cao mức động viên NSNN từ thuế bất động sản do hiện nay tỷ trọng từ thuế bất động sản so với GDP và so với tông thu NSNN của Việt Nam còn thấp, trong khi sắc thuế này giữ vai trò quan trọng và là nguồn thu chủ yếu của chính quyền địa phương của nhiều nước trên thế giới.

Thứ ba, có thể áp dụng một mức thuế suất thống nhất cho cả nhà và đất hoặc nhiều mức thuế suất tùy theo giá trị giao dịch nhà và đất cho phù hợp với tình hình của Việt Nam.

Thứ tư, có thể hướng tới đánh thuế đối với bất động sản thứ hai trở đi hoặc đánh vào đất và nhà bỏ không nhằm tác động vào thị trường bất động sản theo hướng giảm đầu cơ, tránh lãng phí.

Tóm lại, chính sách thuế liên quan đến bất động sản ở Việt Nam cần được nghiên cứu một cách cụ thể, thận trọng và phải có lộ trình, phù hợp với bối cảnh phát triển đất nước.

Đối với thuế môi trường

Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần phải phát huy hơn nữa vai trò của thuế bảo vệ môi trường nhằm hướng tới tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm. Do đó, việc quy định mức thuế suất thuế môi trường đối với các loại hàng hóa gây hại đến môi trường cần phải được xem xét và điều chỉnh trong thời gian tới.

Tác giả: ThS Trần Thị Thu Huyền, Vụ Hợp tác quốc tế ThS Phạm Thị Thu Hồng, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập167
  • Hôm nay35,239
  • Tổng lượt truy cập17,076,465
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây