Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), sự phát triển liên tục và nhanh chóng của khoa học, công nghệ đã và đang đặt ra yêu cầu mới trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội và thách thức chưa từng có đối với sự phát triển của mỗi quốc gia dân tộc, đồng thời cũng tạo nên thay đổi lớn trong đời sống và quan hệ xã hội, nhất là sự bùng nổ thông tin toàn cầu, sự xuất hiện của nhiều mạng xã hội... Đối với công tác tuyên truyền trong giai đoạn hiện nay, đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức để cả hệ thống chính trị nói chung, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Phước nói riêng vận dụng để góp phần đổi mới phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay.
Ở tỉnh Bình Phước, với quyết tâm “đi tắt đón đầu”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 18/5/2021 về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết đã đặt ra mục tiêu tổng thể đến năm 2025 sẽ cơ bản hình thành “chính quyền số - nền kinh tế số - xã hội số”, các hoạt động của chính quyền cơ bản diễn ra trên không gian mạng, các giao tiếp giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp đều diễn ra trên không gian mạng. Đây là hướng đi đúng đắn cho Bình Phước trong giai đoạn hiện nay, thể hiện tư duy đột phá của cấp ủy, chính quyền trong tỉnh, phù hợp với xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.
Bám sát Nghị quyết của Tỉnh ủy, với phương châm “Tiên phong - Trọng tâm - Thuyết phục”, ngành Tuyên giáo tỉnh Bình Phước đã không ngừng nỗ lực đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong công tác tham mưu cho cấp ủy tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy đã ưu tiên sử dụng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến cùng lúc đến hơn 300 điểm cầu, để mở rộng thành phần tham dự; một số nội dung đã kết hợp livestream trên mạng xã hội để người dân có thể tiếp cận, theo dõi. Việc nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội bên cạnh sử dụng các biện pháp truyền thống như qua đội ngũ cộng tác viên, qua hội nghị, cuộc họp, báo chí, đã ưu tiên theo dõi qua nền tảng mạng xã hội youtube, zalo, facebook, ticktok. Công tác tuyên truyền, định hướng đã có nhiều đổi mới như sử dụng mạng xã hội, qua hình ảnh, infographich… bảo đảm trực quan, sinh động. Xây dựng, phát triển được gần 700 trang, nhóm cộng đồng trong toàn tỉnh phục vụ công tác tuyên truyền, hằng năm qua kênh mạng xã hội đã đăng tải, chia sẻ khoảng 300.000 lượt tin, bài, hình ảnh, thu hút hàng trăm triệu lượt tiếp cận, tương tác. Các hội thi, cuộc thi tìm hiểu lịch sử truyền thống của địa phương, tìm hiểu nghị quyết đại hội đảng các cấp… đã được tổ chức trên nền tảng internet, mạng xã hội để dễ dàng tiếp cận tới nhiều người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, Ban cũng đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Bình Phước để phục vụ học tập, đánh giá nhận thức của cán bộ, đảng viên sau mỗi lần quán triệt nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, của Tỉnh ủy…
Phụ nữ Bình Phước đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động Hội
Trong công tác phối hợp tuyên truyền giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, hai đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động chung, như: thường xuyên tuyên truyền, định hướng chính trị tư tưởng cho hội viên hội phụ nữ các cấp; tuyên truyền các mô hình, gương điển hình phụ nữ trong học tập và làm theo Bác; tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia các cuộc thi do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức (Tìm hiểu Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, Bình Phước 25 năm hành trình khát vọng vươn lên, Chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…); trao đổi, cung cấp thông tin hằng tháng, hằng quý phục vụ công tác; hỗ trợ xây dựng và vận hành các fanpage do Hội thành lập, quản lý…
Để công tác phối hợp tuyên truyền chuyển đổi số trong sinh hoạt và hoạt động hội đi vào chiều sâu và thực chất hơn, hội phụ nữ các cấp cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 18/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, trong đó cần nghiên cứu đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm gắn với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình. Thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm liên quan đến chuyển đổi số trong hoạt động của Hội để lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương, đơn vị.
Hai là, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, vị trí của chuyển đổi số trong cuộc sống hiện nay cho hội viên; giúp hội viên nhận diện rõ tác động tích cực và tiêu cực của mạng xã hội đối với nhận thức cá nhân, từ đó đưa ra cách thức phù hợp nhằm tận dụng lợi thế, phát huy mặt tích cực, hạn chế tác động tiêu cực, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng cuộc sống.
Ba là, xác định rõ vai trò phương tiện hỗ trợ của công nghệ thông tin và phương tiện mới, môi trường mới là mạng xã hội có tính nhanh nhạy, tiện lợi, hấp dẫn, đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia. Do đó, cần thiết phải xây dựng một hệ thống các trang, nhóm cộng đồng mạnh trên các nền tảng mạng xã hội để phục vụ công tác tuyên truyền, bảo đảm các thông tin đến với hội viên nhanh chóng, kịp thời và hấp dẫn, thu hút sự quan tâm từ phía cộng đồng; đồng thời, qua kênh thông tin này để phát hiện ra những vấn đề hội viên đang quan tâm, bức xúc để tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo, xử lý kịp thời.
Bốn là, ưu tiên đầu tư trang thiết bị, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật - công nghệ - tin học - truyền thông phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường tổ chức các hội nghị trực tuyến để tiết kiệm thời gian, kinh phí.
Năm là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, biết và có thể ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tham mưu, giải quyết công việc chuyên môn. Đội ngũ cán bộ phụ nữ phải thường xuyên được cập nhật kiến thức và ứng dụng thành tựu mới về công nghệ thông tin; có hiểu biết đầy đủ để tận dụng lợi thế của mạng xã hội phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ./.