Thuật ngữ KTTH được xây dựng bởi 2 tác giả Pearce và Turner (1990)[1]. Thuật ngữ này chỉ mô hình kinh tế mới mà ở trong đó nó được dựa trên nguyên lý cơ bản “Mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, sản phẩm hay phế phẩm của ngành này, quy trình sản xuất này đều có thể là sản phẩm của ngành khác, quy trình khác. Cách nhìn nhận và tiếp cận này đã đảo ngược hoàn toàn mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống. Lợi thế của mô hình này là một hệ thống công nghiệp phục hồi hoặc tái tạo theo ý định của người xây dựng nên nó. KTTH chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống… Nói cách khác, nhìn nhận và tiếp cận dưới góc độ kinh tế phát triển thì KTTH là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp, hoặc nhìn nhận và nói rộng ra là nền kinh tế nói chung của một quốc gia hay là của toàn cầu. Do vậy, lợi ích của KTTH là xu thế tất yếu không thể đảo ngược của nhân loại, hướng tới góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại lợi ích to lớn cho bất kỳ một quốc gia, dân tộc nào biết tận dụng và dẫn đầu trong phát triển kinh tế tại quốc gia đó.
Trước những lợi ích to lớn như vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã nhận thấy có sự phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế trong nước. Do vậy, lần đầu tiên Đảng ta đưa ra quan điểm chỉ đạo phát triển KTTH trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 phải “xây dựng nền KTTH, thân thiện với môi trường” và “Phát triển bền vững là xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, KTTH, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn”[2]. Như vậy có thể nhận thấy nhận thức về KTTH được Đảng ta chỉ rõ trong việc thực hiện từ thiết kế đến triển khai, trong các ngành, lĩnh vực, đối với từng doanh nghiệp, người dân và các cấp quản lý, lãnh đạo… để tạo ra sự đồng thuận chung là thách thức lớn nhất cần phải vượt qua.
Trong tinh thần của Đại hội XIII, Đảng ta xác định việc chuyển đổi mô hình “kinh tế truyền thống” sang “KTTH” sẽ góp phần phát triển nhanh và bền vững “Phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các bon thấp; khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình tái sản xuất”, “kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường”[3]. Và để thực hiện KTTH trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta còn chỉ rõ “Đẩy nhanh chuyển đổi số đối với một số ngành, lĩnh vực đã có điều kiện, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, AI, blockchain, in 3D, IoT, an ninh mạng, năng lượng sạch, công nghệ môi trường để chuyển đổi, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế”. Do vậy, việc thực hiện KTTH ở Việt Nam hiện nay vừa là cơ hội lớn để tăng trưởng nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn hiện nay với những áp lực của sự thiếu hụt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, lượng chất thải lớn, nhất là chất thải nhựa[4]… Chỉ có giải pháp hiệu quả là sớm triển khai phát triển KTTH ở nước ta, Đại hội XIII của Đảng đặt ra là một vấn đề cấp thiết. Bởi chúng ta đang cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và ứng phó với biến đổi khí hậu... “Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, KTTH, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn”[5]. Tuy nhiên, với xuất phát điểm của Việt Nam là một nước có nền kinh tế lạc hậu, việc chuyển đổi sang nền KTTH cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho nền kinh tế nước ta mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ.
Dưới ánh sáng của tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển KTTH “khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”[6], cùng với thực tiễn tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã đề ra nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh như Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh nêu rõ: ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của tỉnh. Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững... Phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm nhanh và bền vững có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam Bộ[7].
Có thể thấy, với sự nhạy bén trong công tác, cùng sự bám sát chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã từng bước đề ra các chủ trương, chính sách hợp quy luật trong việc thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một trong những chỉ đạo sát sao và thành công như vậy là bước đầu thí điểm, vận dụng và phát triển KTTH trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Bình Phước trong phát triển KTTH trên địa bàn tỉnh đã bước đầu tạo ra sự thành công và hiệu quả của một mô hình kinh tế mới ở địa phương.
Mô hình và điểm sáng trong phát triển KTTH tại Bình Phước
Bằng sự vận dụng sáng tạo nghị quyết của Trung ương trong phát triển KTTH ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng, Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã sát sao, chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh nghiên cứu học hỏi, tìm tòi những mô hình phù hợp trong phát triển KTTH ở địa phương để có thể thí điểm triển khai. Sau khi thí điểm triển khai thành công thì đúc rút kinh nghiệm để triển khai nhân rộng phát triển KTTH trên địa bàn toàn tỉnh, hướng tới thực hiện thành công những nhiệm vụ mà Đảng bộ tỉnh khóa XI đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Một trong những điểm sáng đi đầu về phát triển KTTH trên địa bàn tỉnh Bình Phước là mô hình chăn nuôi dê ở các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp[8], trong đó có Hợp tác xã Dê thảo mộc Tân Thành, huyện Bù Đốp với hơn chục thành viên tham gia. Với đàn dê hơn 500 con, đây là nguồn thu nhập chính của người nông dân khi cây hồ tiêu rớt giá khiến những hộ chuyên canh trồng tiêu thua lỗ kéo dài. Thực hiện mô hình KTTH trong chăn nuôi dê tại xã Tân Thành, các hộ nông dân được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện trong chăn nuôi, có thể tận dụng nguồn thức ăn từ vườn trồng hồ tiêu và phế phẩm nông nghiệp để nuôi dê; phân bón từ đàn dê ủ để bón lại cho vườn tiêu, giúp giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp[9]. Việc thực hiện mô hình KTTH trong nuôi dê tại xã Tân Thành đã tạo ra sinh kế và thu nhập ổn định từ nuôi dê, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế hộ để người nông dân trong mô hình KTTH này có thể tiếp tục quay lại chăm sóc và canh tác cây tiêu. Nguồn phân bón từ chăn nuôi dê được sử dụng để bón cho vườn tiêu giúp giảm chi phí đầu vào và cây tiêu phát triển khỏe mạnh hơn nhờ nguồn phân hữu cơ. Còn nguồn thức ăn đầu vào cho đàn dê được lấy từ nguồn sẵn có trong rẫy như lá cây keo dậu trồng làm trụ tiêu, cỏ trồng trong vườn tiêu và cây ngô (bắp)… Chất thải từ đàn dê ủ với phân xanh được tái tạo sử dụng và bón cho vườn tiêu, giúp tiêu phát triển tốt và giảm chi phí phân bón. Trong sản xuất nông nghiệp, nếu trước đây, phế phẩm nông nghiệp bị vứt bỏ gây lãng phí, thì nay việc chăn nuôi dê có thể tận dụng phế phẩm này để làm thức ăn cho dê.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cùng đại diện ngành chức năng tham quan mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn của nông dân trong huyện - Ảnh: Tư liệu
Điểm sáng thứ hai là mô hình KTTH trong kinh doanh và chế biến dầu điều của Công ty TNHH chế biến nông sản Phước Thành[10] (phường Phước Bình, thị xã Phước Long) với phương thức đầu tư xây dựng nhà máy ép dầu từ vỏ hạt điều với quy mô 7 máy ép, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động địa phương và bảo vệ môi trường. Với 40 máy ép dầu điều, hiện mỗi ngày nhà máy tiêu thụ gần 1.500 tấn vỏ hạt điều. Công ty đã xây dựng và phát triển mạnh mẽ KTTH trên địa bàn tỉnh với phương châm phát triển KTTH trong chuỗi sản phẩm của mình. Công ty đã tận dụng tối ưu những “phế phẩm” của cây điều vào trong sản xuất như: trái điều, vỏ điều, vỏ lụa hạt điều, dầu điều, cám điều… nhằm mang lại hiệu quả lớn và thiết thực trong việc phát triển lợi ích cho doanh nghiệp. Vỏ hạt điều là thứ mà nhiều người cho là phế phẩm, thế nhưng hiện nay đóng góp của ngành sản xuất dầu điều không chỉ về mặt kinh tế mà còn góp phần giải quyết vấn đề xử lý chất thải, từng bước giải quyết bài toán trong xử lý môi trường.
Như vậy có thể nhận thấy, sự vận dụng của Đảng bộ tỉnh Bình Phước trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo là phù hợp với thực tiễn ở địa phương và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, tạo ra những mô hình và điểm sáng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đôi điều cần nhìn nhận và kiến nghị từ phát triển KTTH trên địa bàn tỉnh Bình Phước
KTTH là một đột phá mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Việc thực hiện mô hình kinh tế này ở Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng là hoàn toàn mới mẻ và chưa có tiền lệ, các cách làm ở nước ta hiện nay chỉ mang tính thí điểm, tìm tòi và chưa thực sự đồng bộ. Do vậy, để phát huy và khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong phát triển KTTH trên địa bàn tỉnh Bình Phước[11], theo tác giả cần thực hiện một số giải pháp đột phá sau:
Một là, Tỉnh ủy cần ban hành một nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lãnh đạo phát triển KTTH. Theo đó, cần sớm sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh thúc đẩy phát triển KTTH, quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra; thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các tỉnh tại khu vực Đông Nam Bộ.
Hai là, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai nghiên cứu sâu rộng về phát triển KTTH từ cách tiếp cận toàn cầu, nguyên tắc xác lập theo ngành, vùng, lĩnh vực; triển khai mô hình, tiêu chí cụ thể cho nền KTTH, qua đó lựa chọn vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh thực tiễn địa phương và phổ biến đến doanh nghiệp, người dân, nhà quản lý để có sự nhìn nhận đúng đắn, các bước làm, cách thức thực hiện phù hợp với nội dung, tính chất đặc thù về điều kiện tự nhiên dân số, xã hội và tập quán, văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Ba là, thúc đẩy phát triển KTTH phải dựa trên các ngành, lĩnh vực và địa bàn trong tỉnh đã và đang triển khai các mô hình kinh tế gần với cách tiếp cận KTTH, từ đó bổ sung hoàn thiện và có sự lựa chọn phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực từ thí điểm đến triển khai nhân rộng, triển khai từng bước, từng cấp độ phải thực sự vững chắc, đạt kết quả cao trong thí điểm mới tiến hành thực nghiệm từng bước trong thực tế, để có thể nhân rộng từng phần đối với mô hình KTTH này tại địa phương.
Bốn là, cần cử một số đoàn là các nhà khoa học, quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp đi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia đã và đang thực hiện thành công KTTH, từ đó chuyển giao và áp dụng vào điều kiện cụ thể tại Bình Phước.
Năm là, trong nhiệm kỳ phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, Tỉnh ủy quán triệt chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh cũng như các cơ quan liên quan của tỉnh cần có lộ trình và ưu tiên trong phát triển KTTH dựa trên nhu cầu thị trường và đòi hỏi của xã hội. Ưu tiên trước hết là chất thải nhựa và túi ni-lon phải thực hiện và đưa vào kế hoạch 5 năm tới để giải quyết triệt để, giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường. Đây là một vấn đề đang gây nhiều hệ lụy xấu không chỉ cho Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung.
Sáu là, cần sớm triển khai phân loại rác tại nguồn và rác sau khi phân loại phải được thu gom, làm sạch, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế, phải trở thành yêu cầu bắt buộc, tiêu chí đánh giá văn hóa đối với người dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước, để hướng tới một tỉnh công nghiệp văn minh, có môi trường xanh - sạch - đẹp của khu vực Đông Nam Bộ trong năm 2025.
Như vậy, KTTH là một hệ thống, trong đó các tài nguyên được tận dụng lại hoặc tái sử dụng, phế liệu trở thành yếu tố đầu vào tiếp tục quá trình tái sản xuất, cùng với tiến bộ công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng trong bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng hữu hạn. Vì thế, việc nhận thức quán triệt sâu sắc những định hướng phát triển KTTH trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là phù hợp với nhu cầu phát triển tất yếu khách quan có tính quy luật của Tỉnh ủy Bình Phước trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời còn có ý nghĩa rất quan trọng để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sớm đi vào thực tiễn của tỉnh Bình Phước hôm nay và mai sau.
___________________________________
[1]. Pearce, D.W. and R.K. Turner (1990), Economics of Natural Resources and the Environment, Hemel Hempstead: Harvester Wheatsheaf.
[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nxb CTQG Hà Nội, tập 1; tr. 20.
[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nxb CTQG Hà Nội, tập 1; tr. 20; tr. 49
[4]. Xem: Nguyễn Nhâm, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM200598
[5]. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nxb CTQG Hà Nội, tập 1; tr. 90
[6]. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nxb CTQG Hà Nội, tập 1; tr. 115.
[7]. Tham khảo tại: https://binhphuoc.gov.vn/vi/
[8]. Tìm hiểu tại: https://vietnamcirculareconomy.vn/showcase/hieu-qua-kinh-te-tuan-hoan-cua-nong-dan-vung-bien-binh-phuoc/
[9]. Tham khảo tại: https://vietnamcirculareconomy.vn/showcase/hieu-qua-kinh-te-tuan-hoan-cua-nong-dan-vung-bien-binh-phuoc/
[10]. Xem tại: https://media.baobinhphuoc.com.vn/news/4/133606/san-xuat-dau-dieu-nganh-cong-nghiep-phu-giau-tiem-nang
[11]. Đọc và tham khảo tại: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM200598.
Tác giả: BPO
Ý kiến bạn đọc
Định hướng công tác tuyên truyền tháng 11/2024
lượt xem: 78 | lượt tải:26Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024
lượt xem: 259 | lượt tải:90Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực
lượt xem: 220 | lượt tải:65