Báo động ô nhiễm rác thải nhựa

Thứ tư - 16/11/2022 21:29 1.830 0
Ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối toàn cầu, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống mà còn đe dọa hệ sinh thái. Mối lo càng lớn hơn khi dịch Covid-19 bùng phát đã thổi bùng thói quen sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần trên toàn thế giới.

Trong khi đó, công tác thu gom, xử lý, tái sử dụng đồ nhựa vẫn còn nhiều hạn chế, nhận thức của người dân chưa cao dẫn đến rác thải nhựa tràn lan ở khắp nơi.

…có ở khắp mọi nơi

Đi đến bất kỳ đoạn đường nào, từ trung tâm thành thị đến vùng nông thôn, nhiều người dân không còn xa lạ với rác thải nhựa vương vãi khắp nơi, từ túi ni-lon, bao bì lớn bé, đến ly, khay nhựa, hộp nhựa đựng đồ ăn, thức uống dùng 1 lần. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm mất mỹ quan đô thị, đường làng, ngõ xóm.

Bãi rác ở thị xã Phước Long ngày càng cao do không có nhà máy xử lý, tái chế

Các loại rác thải nhựa đó phần lớn xuất phát từ việc trao đổi, mua bán tại các chợ, khu mua sắm, cửa hàng tạp hóa và đồ nhựa dùng 1 lần tại khu vui chơi, ăn uống, nghỉ dưỡng… Hầu hết các mặt hàng nhỏ, nhẹ, rẻ tiền đều đựng trong túi ni-lon, hộp, chai, lọ, ly nhựa. Hiếm hoi lắm mới thấy một vài dụng cụ khác thay thế đồ nhựa như chai, lọ thủy tinh hoặc hộp bằng giấy. Trong hoạt động mua bán, việc sử dụng túi ni-lon để đựng thực phẩm, rau quả và các nhu yếu phẩm đã trở thành thói quen của mọi người dân. “Người dân đi chợ có bao giờ mang theo làn hay giỏ xách đâu nên cái gì cũng đựng trong túi ni-lon. Và người bán cũng vậy, luôn có thói quen dùng túi ni-lon cho tiện dụng” - anh Trương Công Tân, tiểu thương chợ Đồng Xoài giải thích.

Bất cứ mặt hàng nào cũng đựng trong túi ni-lon, chai, lọ bằng nhựa 

Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, chủ cửa hàng tạp hóa chợ Đồng Xoài cho biết, các mặt hàng, sản phẩm bày bán ở tạp hóa đều được nhập từ nơi khác về, trong đó đều đóng gói, đựng trong túi ni-lon, bao, bì, chai, lọ nhựa. Sử dụng đồ nhựa rất rẻ, nhẹ, trong khi đó, cả người mua và người bán đều tiện, bởi thao tác, sử dụng nhanh hơn so với các loại khác. “Vẫn biết đồ nhựa tiêu hủy lâu, gây ô nhiễm môi trường nhưng không thể làm khác được. Bởi người ta bán gì mình đựng cái đó, khó có thể thay thế được” - chị Hằng lập luận.

Túi ni-lon giá chỉ 30.000 đồng/kg, rất rẻ nên người dân dùng nhiều, bởi đựng bất cứ thứ gì cũng cần đến túi ni-lon. Ngoài ra, các mặt hàng dùng 1 lần như hộp xốp, ly nhựa... giá cũng rất rẻ, chỉ 7.000 đồng/50 cái, rất hợp túi tiền người tiêu dùng. Giá rẻ, nhiều người cần, lại để được rất lâu nên không sợ ế.

Chị VŨ THỊ CHINH, tiểu thương chợ Đồng Xoài

 

Ông Trần Quang Duy, Phó trưởng Ban quản lý chợ Đồng Xoài cho biết, dù đơn vị thường xuyên tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người, động, thực vật nhưng do thói quen, giá rẻ, sử dụng tiện lợi nên người mua và người bán phần lớn đều sử dụng túi ni-lon trong trao đổi, mua bán hàng hóa.

Tiện 1 phút hại trăm năm

Đồ nhựa dùng 1 lần đúng là rất rẻ và tiện ích với cuộc sống bận rộn, vì nhanh, gọn, nhẹ, không cần vệ sinh sau khi sử dụng. Thế nhưng sự tiện dụng này lại không hề có lợi cho sức khỏe con người mà còn gây tác hại lớn đến môi trường sống. Chất thải nhựa rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên. Chưa có nghiên cứu chính thức nhưng 1 túi ni-lon nhỏ, chai nhựa nhỏ có thể phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới phân hủy được. Trong khi đó, hiện nay việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn nhiều hạn chế, chủ yếu là đốt, chôn, lấp thủ công. Mặt khác, việc mua bán, sử dụng đồ nhựa vô tội vạ lại chưa có chế tài để xử lý; công tác xử phạt việc xả thải ra môi trường chưa nghiêm khắc dẫn đến rác thải nhựa tràn lan khắp nơi.

Việc xử lý rác thải hiện nay chủ yếu bằng chôn, lấp, đốt

Theo thống kê, lượng chất thải nhựa và túi ni-lon thải bỏ ở Việt Nam khoảng 2 triệu tấn/năm. Trong đó chỉ số ít là tái sử dụng, còn lại được xử lý theo cách đốt, chôn, lấp thủ công hoặc “nằm chờ” trên những bãi rác, ven đường, khuôn viên gia đình, cơ quan, trường học... Một phần được thả trôi ra biển, đại dương, sông, suối. Các loài động vật khi ăn phải rác thải nhựa có thể chết, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng sinh thái.

Rác thải nhựa không xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không khí và môi trường nước. Khi đốt khói nhựa sinh ra chất độc dioxin, furan làm ô nhiễm không khí, gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, gây bệnh ung thư… Khi chôn lấp, rác thải nhựa làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi qua đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Hơn nữa, nó có thể làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra cái chết của các vi sinh vật có lợi cho cây ở dưới lòng đất.

 

Cần có chế tài

Ông Trần Quang Duy cho rằng, việc sử dụng đồ nhựa, túi ni-lon vô tội vạ như hiện nay một phần do chưa có chế tài xử lý. Vì thế, Ban quản lý chợ và người dân đều mong muốn Nhà nước sớm có quy định cụ thể nhằm hạn chế sản xuất, sử dụng đồ nhựa. Đồng thời cần xử lý nghiêm những trường hợp vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định.

Các mặt hàng đồ nhựa được bày bán đủ thứ với giá rất rẻ nên người dân không khó để tiếp cận (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Trao đổi với phóng viên về việc phân loại, xử lý, tái chế rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, ông Võ Văn Dinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có duy nhất 1 nhà máy thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đặt tại TP. Đồng Xoài, thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ môi trường Bình Phước, còn các huyện, thị xã khác thì chưa. Vì vậy, việc thu hồi, xử lý, tái chế rác thải nhựa chỉ được thực hiện tại nhà máy Đồng Xoài, còn các huyện, thị xã khác là thu gom, chôn, lấp, đốt thủ công. Việc chôn, lấp rác thải nhựa lâu ngày khi phân hủy sẽ ngấm vào nước ngầm, lòng đất ảnh hưởng tới sức khỏe con người, động, thực vật.

“Để hạn chế tình trạng này, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm chỉ đạo sở tham mưu kế hoạch xây dựng và xử lý toàn bộ rác thải trên địa bàn. Đơn vị cũng đã tham mưu xây dựng 5 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt mang tính chất liên vùng, xử lý toàn bộ rác thải trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ năm 2021-2030” - ông Võ Văn Dinh cho biết.

Với thói quen sử dụng các vật liệu, đồ dùng bằng nhựa phổ biến như hiện nay là một thách thức, gánh nặng cho môi trường, thậm chí có thể dẫn đến thảm họa “ô nhiễm trắng”. Do đó, ưu tiên hàng đầu hiện nay là thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để xử lý, hạn chế ô nhiễm rác thải nhựa. Và mỗi người dân hãy chung tay, thay đổi thói quen để có môi trường trong lành và cuộc sống tươi đẹp hơn.

Tác giả: BPO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

1587-CV/BTGTU

Định hướng công tác tuyên truyền tháng 11/2024

lượt xem: 78 | lượt tải:26

1493-CV/BTGTU

Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024

lượt xem: 259 | lượt tải:90

1494-CV/BTGTU

Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực

lượt xem: 220 | lượt tải:65
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập238
  • Hôm nay50,957
  • Tổng lượt truy cập14,543,391
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây