Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn thành phố về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nền Đông y và Hội Đông y trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân từng bước được nâng lên; lĩnh vực y, dược học cổ truyền và Hội Đông y thành phố đã có những bước phát triển, hoạt động có hiệu quả.
Công tác nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 24 được Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện nghiêm túc. Ngay sau khi Chỉ thị số 24-CT/TW, Kế hoạch 54-KH/TU ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy đã xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp thành phố và các xã, phường. Đồng thời chỉ đạo các xã, phương, các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường tuyên truyền, quán triệt nội dung Chỉ thị đến toàn thể cán bộ, đảng viên, hội viên Hội Đông y - Châm cứu và Nhân dân trên địa bàn thành phố; Tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, thông tin lưu động, panô, áp phích; qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở…Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò của đông y trong chăm sóc, nâng cao sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Xác định tầm quan trọng của đông y trong công tác khám, chữa bệnh, Hội Đông y các cấp, Trạm Y tế xã, phường đã tích cực trong công tác khôi phục và phát triển nguồn dược liệu phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Đến nay thành phố đã có 43 vườn thuốc với danh mục 60 loại cây thuốc nam, trong đó 08 vườn thuộc Trạm Y tế xã, phường và 35 vườn với diện tích khoảng 7.000m2 của các cơ sở Hội và hội viên.
Ảnh (Internet)
Ươm giống cây Đinh Lăng
Hệ thống khám, chữa bệnh bằng đông y được phát triển mở rộng từ thành phố đến các xã, phường, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh bằng đông y cho Nhân dân. Tại Trung tâm Y tế Thành phố có 01 khoa YHCT, 8/8 Trạm Y tế xã, phường triển khai thực hiện khám, chữa bệnh bằng đông y; có 01 Hội Đông y thành phố và 8 hội Đông y xã, phường. Trong những năm qua, Trung tâm Y tế thành phố, Hội đông y các cấp đã thực hiện khám và điều trị cho 478.870 lượt người; bốc 360.134 thang thuốc, châm cứu 190.680 lượt người; bó xương, bong gân 102.218 lượt người. Thực hiện khám, chữa bệnh miễn phí cho 56.031 lượt bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Tỷ lệ bệnh nhân khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền tại các Trạm Y tế xã, phường hàng năm đều đạt từ 30% trở lên trên tổng số bệnh nhân được khám và điều trị. Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho người dân khi thăm khám và điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền, Trung tâm Y tế thành phố tiến hành điều trị ngoại trú, nội trú và đảm bảo thanh toán bảo hiểm y tế cho các bệnh nhân theo quy định (Giai đoạn 2008-2014: 30.496 lượt người, giai đoạn 2014-2019: 32.592 lượt người, giai đoạn từ 2019-2022: 35.764 lượt người).
Những năm qua, thành phố luôn quan tâm, chú trọng đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, thuốc, dụng cụ y tế để phát triển Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng thuộc Trung tâm Y tế thành phố đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân; kinh phí dành cho công tác khám chữa bệnh bằng đông y chiếm khoảng 40% ngân sách đầu tư cho lĩnh vực y tế; kinh phí dành cho mua thuốc đông y là 51.959.850.200 đồng; tỷ lệ chi bảo hiểm y tế cho khám, chữa bệnh đông y từ năm 2008 đến tháng 3/2023 đạt từ 15% trở lên.
Công tác đào tạo và phát triển nguồn lực cán bộ YHCT luôn được quan tâm, thành phố đã có những chủ trương, chính sách ưu đãi tạo điều kiện thuận lợi để các y, bác sĩ đi tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn về công tác khám chữa bệnh bằng đông y, 15 năm thành phố đã đưa đi đào tạo 37 người, trong đó: 02 bác sỹ chuyên khoa I đông y, 34 y sỹ y học cổ truyền, 01 dược sỹ trung học.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 24 trên địa bàn thành phố vẫn còn một số khó khăn: Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội đầu tư tham gia phát triển nền đông y thành phố còn hạn chế. Các cơ sở khám, chẩn trị YHCT tư nhân tuy có bước phát triển nhưng quy mô chưa đa dạng về loại hình, hoạt động chuyên môn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho khám, chữa bệnh của hội đông y các cấp còn thiếu. Công tác nuôi trồng, khai thác chế biến dược liệu mang tính chất tự phát, chưa có quy hoạch cụ thể vùng chuyên nuôi trồng dược liệu. Nhiều bài thuốc hay, vị thuốc quý trong Nhân dân và các lương y chưa được sưu tầm để bảo tồn và kế thừa vẫn còn những hạn chế nhất định.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đông y trên địa bàn thành phố, thời gian tới cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các nội dung Chỉ thị 24-CT/TW trên địa bàn thành phố nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của YHCT trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Thứ hai, tiếp tục kiện toàn, phát triển mạng lưới Hội Đông y từ thành phố đến xã, phường; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh đông y; đầu tư kinh phí xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị vật tư y tế hiện đại đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh đông y cho Nhân dân.
Thứ ba, thường xuyên kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác đông y; tăng cường phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, hội viên Hội Đông y các cấp; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho tuyến cơ sở. Thực hiện chính sách thu hút đội ngũ y sĩ đông y, bác sĩ công tác tại ngành y tế thành phố; tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình hành nghề y dược cổ truyền phát triển. Quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, lương y, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, y thuật, tinh thần trách nhiệm “Lương y như từ mẫu” gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác kế thừa, phát triển, áp dụng những bài thuốc hay, cây thuốc quý trên địa bàn, tiếp tục tuyên truyền trồng và sử dụng thuốc Nam trong cộng đồng dân cư; mở rộng các vườn thuốc nam trong Hội Đông y các cấp và Nhân dân, quan tâm phát triển, bảo tồn nguồn gen cây con tại địa phương để các bài thuốc quý không bị thất truyền.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hoá trong lĩnh vực đông y; Khuyến khích mọi người dân và các tổ chức tham gia tích cực vào hoạt động trồng và sử dụng cây thuốc gia đình để phòng, chữa bệnh; mở rộng các hình thức dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân, nhất là chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, người tàn tật. Quan tâm thành lập, nâng cao chất lượng, các phòng khám, chẩn trị đông y, triển khai ứng dụng, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền. Tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế khám và điều trị bằng đông y.
Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động của các cơ sở hành nghề y dược cổ truyền, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật.