Chị A.N (ở Hà Nội) cho biết, chị đã “sốc nặng” khi được tận mắt nhìn thấy một loại thuốc lá điện tử trong hình dạng hộp sữa bán ở cửa hàng tạp hóa gần trường học con trai chị, rất nhiều loại sản phẩm nếu không quan sát kỹ sẽ không nhận ra.
“Tôi cũng đã tò mò thử mùi của các sản phẩm thuốc lá điện tử này và thấy mùi thơm rất lôi cuốn, có nhiều vị thơm ngon. Cũng có nhiều loại dưới hình thức đồ chơi của trẻ em trông rất bắt mắt. Tôi đã nghĩ đến việc nếu con tôi tiếp xúc chắc chắn cũng sẽ dễ bị hấp dẫn bởi những loại sản phẩm này. Đáng lo là nhiều bố mẹ nếu không nắm bắt được sẽ không biết con dùng thuốc lá điện tử, mà nghĩ là con uống sữa hoặc chơi món đồ chơi quen thuộc, nhiều trẻ sẽ rất dễ thử và nhanh chóng trở nên nghiện những sản phẩm chết người này”, chị A.N lo lắng.
Hay cũng mới đây, một trường THCS trên địa bàn tỉnh Phú Yên cũng đã cảnh báo các phụ huynh học sinh về tình trạng có đối tượng lạ mặt mang thuốc lá điện tử đến dụ dỗ, mời gọi trẻ em sử dụng với chiêu trò cho trẻ hút và nếu trẻ rủ được thêm người hút sẽ được tặng luôn điếu thuốc lá điện tử và 50.000 đồng.
Nhà trường cũng cảnh báo, việc hút thử này là đặc biệt nguy hiểm vì kẻ xấu có thể tẩm thêm ma túy vào trong thuốc lá. Nhà trường cũng đề nghị các phụ huynh học sinh phối hợp với nhà trường và cơ quan công an để đẩy mạnh tuyên truyền và nhắc nhở các học sinh nâng cao cảnh giác không nhận đồ, hút thử các sản phẩm lạ.
Đáng lo ngại, thời gian gần đây tại các cơ sở y tế cũng liên tục ghi nhận các ca trẻ ngộ độc thuốc lá điện tử.
Đơn cử như mới đây tại Hà Nội, có 3 học sinh lớp 10 Trường THPT Hà Đông ngộ độc, nhập viện sau khi uống chai nước mà một học sinh đã trêu đùa nhỏ 2 giọt tinh dầu thuốc lá điện tử vào. Cùng lúc khi sử dụng pod hút thuốc lá điện tử, một học sinh khác cũng choáng, mệt và ngã ra sàn lớp học.
Trước đó, tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã tiếp nhận 4 học sinh lớp 9 nhập viện trong tình mệt mỏi, khó chịu toàn thân, bủn rủn chân tay, tức ngực, khó thở, buồn nôn... được chẩn đoán ngộ độc nicotine trong thuốc lá điện tử. Theo lời kể các bệnh nhân, trước khi vào viện 1 giờ, bệnh nhân có sử dụng thuốc lá điện tử không rõ chủng loại và nguồn gốc.
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước. Tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, nhất là trên môi trường mạng.
Bà Nguyễn Thị An, Giám đốc tổ chức HealthBridge tại Việt Nam cảnh báo: “Qua khảo sát trên thị thường chúng tôi thấy sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện nay được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị hấp dẫn, nhiều sản phẩm thiết kế như đồ chơi, hộp sữa..., chứng tỏ các sản phẩm thuốc lá điện tử đang nhắm đến nhóm trẻ nhỏ hơn, các em học sinh. Đây là điều hết sức nguy hiểm”.
Cần giải pháp quyết liệt bảo vệ giới trẻ
Theo Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15 đến 17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%; điều tra năm 2022 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13 đến 15 là 3,5%. Như vậy, chỉ sau 3 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể và đang gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của các em học sinh.
TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo: “Với trẻ vị thành niên, nhất là trong môi trường học đường, là giai đoạn thích khám phá, dễ bị rủ rê, lôi kéo; nên nguyên tắc phòng ngừa trong sử dụng chất gây nghiện là phải có sự giám sát, quản lý của gia đình và nhà trường. Ở nhà, cha mẹ cần thực hiện giám sát các biểu hiện, quản lý các sinh hoạt của con. Ở trường, các thầy cô giáo cũng cần tăng cường quản lý, giám sát; đồng thời luôn luôn đưa ra những cảnh báo, khuyến cáo về những nguy hiểm khi sử dụng các chất gây nghiện, trong đó có thuốc lá điện tử”.
“Việc quản lý của nhà trường và gia đình cùng sự giám sát chặt chẽ của xã hội với thuốc lá điện tử sẽ giúp phát hiện sớm biểu hiện bất thường của những trẻ có sử dụng thuốc lá để có thể có các biện pháp sớm, phòng ngừa cho trẻ tốt hơn. Các bậc cha mẹ cũng cần chú ý hơn nữa đến việc chăm sóc con em, không cho trẻ tiếp xúc gần cũng như sử dụng các chế phẩm liên quan đến thuốc lá điện tử”, TS.BS Ngô Anh Vinh khuyến cáo.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), hiện học sinh đã bước vào học mới, mục tiêu ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ lại được đẩy mạnh và là một trong những mục tiêu ưu tiên trong các chính sách về Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cũng đã hỗ trợ các tỉnh, thành phố nhằm xây dựng trường học không khói thuốc lá trong thời gian qua. Thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh công tác phổ biến và tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá, thuốc lá điện tử; phổ biến đến từng học sinh từ cấp học mầm non đến đại học và đến từng giáo viên, các cán bộ, nhân viên làm việc tại các trường học để góp phần xây dựng môi trường học đường không khói thuốc, bảo vệ thế hệ trẻ.
Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện các hành vi vi phạm liên quan đến bán thuốc lá, quảng cáo, khuyến mại thuốc lá, hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm... vẫn còn phổ biến. Vì vậy, cần tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, trong đó tập trung xử lý vi phạm tại địa điểm cấm hút thuốc, vi phạm về quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, kinh doanh buôn bán các sản phẩm thuốc lá lậu...
Tác giả: Bài, ảnh: Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Ý kiến bạn đọc
Định hướng công tác tuyên truyền tháng 11/2024
lượt xem: 92 | lượt tải:29Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024
lượt xem: 268 | lượt tải:90Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực
lượt xem: 227 | lượt tải:65