Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn”, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền, sự nổ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự nghiệp giáo dục của tỉnh Bình Phước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ở địa phương.
Bình Phước là tỉnh miền núi, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số khá cao (chiếm hơn 19,6%). Tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 8 huyện; 111 đơn vị hành chính cấp xã; dân số khoảng 997.766 người. Tuy nhiên, với sự quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, 10 năm qua quy mô trường lớp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Hiện nay toàn tỉnh có 56 trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng; 155 trường mầm non; 163 trường tiểu học; 107 trường trung học cơ sở (THCS); 35 trường trung học phổ thông (THPT) và hơn 15 nghìn biên chế được giao của ngành giáo dục.
Đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo do đồng chí Tạ Ngọc Trí- Phó Vụ Trưởng Vụ giáo dục Tiểu học dẫn đầu có buổi kiểm tra công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ tại huyện Bù Đốp (tháng 8/2020)
Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Chỉ thị số 10-CT/TW, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện; trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; dành các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới trường lớp và mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt chương trình giáo dục theo quy định… từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân; củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là trong công tác phổ cập giáo dục ở các cấp học, phân luồng học sinh và xóa mù.
Đối với giáo dục mầm non, đã củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Toàn tỉnh có 28/123 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, chiếm 22,76%; tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn là 31/122 trường, chiếm 25,4%; tỷ lệ trường THCS đạt chuẩn là 16/107 trường, chiếm 14,95%; tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn là 15/36 trường, chiếm 41,67%.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành Giáo dục cũng được nâng cao, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật tốt và quan trọng nhất là tinh thần trách nhiệm cao. Với sự nỗ lực của các thầy cô giáo cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, nhận thức của các bậc cha mẹ học sinh, đặc biệt là học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đã được cải thiện vượt bậc. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp từ đó được nâng cao. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục THCS được củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập. Năm 2020, tỉnh Bình Phước giữ vững chuẩn quốc gia về xóa mù chữ mức độ 1, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tỉnh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 đứng thứ 19/63 tỉnh thành; phổ cập giáo dục THCS mức độ 1. Qua đó khẳng định công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS và xóa mù chữ của tỉnh luôn được duy trì, ổn định và ngày càng nâng cao chất lượng. Tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT hằng năm tương đối cao: năm 2020 đạt tỷ lệ 99,78%, năm 2021 đạt tỷ lệ 98,4%...
Xác định tầm quan trọng của công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS chính là giải pháp căn bản để giúp mỗi gia đình, học sinh tự nhận biết khả năng của mình, chọn đúng nghề, hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động xã hội để khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Chính vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành và các địa phương trong tỉnh đã tích cực chủ động, phối hợp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả và mang lại những kết quả quan trọng trong công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh. Kết quả có từ 10 - 15% học sinh sau tốt nghiệp THCS tham gia các lớp đào tạo nghề, trung cấp.
Đặc biệt, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường cao đẳng, trung cấp, dạy nghề. Kết quả, trong giai đoạn 2011 - 2020, đã đào tạo được 42.823 lượt người gồm: trình độ cao đẳng và trung cấp là 2.394 học viên, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 92.770 học viên. Tỉnh luôn quan tâm đến việc đầu tư, tu sửa cơ sở vật chất trường lớp phục vụ giáo dục, gắn với xây dựng trường chuẩn quốc gia; hàng năm, đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ dạy và học. Giai đoạn 2011 - 2020, đã đầu tư xây mới nhiều phòng học, phòng chức năng, tu sửa cơ sở vật chất trường, lớp với kinh phí hơn 3 nghìn tỷ đồng.
Có thể nói rằng, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW đã đem lại những kết quả tích cực trong công tác giáo dục. Không chỉ cơ sở vật chất, trường, lớp đáp ứng cho việc giảng dạy, học tập mà chất lượng dạy và học cũng được nâng cao, góp phần rất lớn vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực ở địa phương.