Cần điều chỉnh cho phù hợp
“Chúng ta đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006, nếu so với mục tiêu giáo dục thì chúng ta đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục, chấn chỉnh. Chính vì vậy mới có Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo và đang nóng với chương trình thay sách giáo khoa lớp 1, 2, 6. Rõ ràng là có những tồn tại lớn nên mới thay đổi căn bản, toàn diện như thế” - Thạc sĩ Nguyễn Văn Nghiêm, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quang Trung (TP. Đồng Xoài) đánh giá. Cũng theo ông Nghiêm, giáo dục Bình Phước đang đi đúng hướng và khẳng định được mục tiêu giáo dục phổ thông hiện hành nhưng so với mục tiêu kiến tạo giá trị bản thân thì cần phải điều chỉnh nhiều hơn nữa.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Nghiêm
“Chúng ta thường chú trọng đến đổi mới sách giáo khoa, phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học, hình thức tổ chức kiểm tra, đánh giá, cơ sở vật chất, phương tiện dạy học… điều đó là tốt nhưng chưa đủ. Ngoài một bộ phận cán bộ quản lý còn hạn chế về năng lực thì việc sử dụng phương pháp dạy học tích cực, kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực của giáo viên vẫn còn khiếm khuyết, nhất là việc sử dụng ngoại ngữ, công nghệ thông tin áp dụng vào dạy học. Vì thế, để đạt được mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì phải nỗ lực rất nhiều” - Tiến sĩ Uông Thị Lê Na, chuyên gia tâm lý giáo dục nhận định.
Anh Nguyễn Hoài Nam, Phó chủ tịch Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) thị xã Phước Long được nhiều người biết đến bởi dám dấn thân, sống đẹp và từng “ẵm” rất nhiều giải thưởng cao quý trong hoạt động đoàn, nhất là giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2021… Những giá trị tốt đẹp mà anh tích lũy được đều xuất phát từ hoạt động giáo dục và rèn luyện.
“Hoạt động giáo dục không chỉ thông qua trường lớp, các khóa đào tạo mà còn có giáo dục của gia đình, xã hội. Tuy nhiên, loại hình giáo dục mà tôi muốn nhấn mạnh đến là giáo dục tự thân. Tức là thông qua hoạt động tự học, tự rèn, tự trải nghiệm, tìm tòi, sáng tạo của bản thân có ý nghĩa vô cùng quan trọng và có vị trí, vai trò ảnh hưởng, tác động lớn đến nhận thức, suy nghĩ, hành động của mỗi người chúng ta. Những điều đó tôi cho là nền tảng cốt lõi tạo nên giá trị bản thân” - anh Nam chia sẻ.
Cuộc sống không ban tặng cho ai điều gì
“Cuộc sống không ban tặng cho chúng ta bất cứ điều gì, còn những gì cuộc sống ban tặng cho chúng ta đều ghi giá một cách kín đáo. Nếu trong cuộc sống, chúng ta không học tập, trau dồi, trải nghiệm, không tự tìm tòi, kiến tạo nên những giá trị của bản thân thì đó đích thực chỉ là sự tồn tại. Và vì sao chúng ta cần phải tìm kiếm giá trị sống, bởi đã gọi là giá trị mà chúng ta cho đó là quan trọng, là cần thiết thì chúng ta phải nỗ lực hết mình mới có thể đạt được” - Tiến sĩ Lê Na nhìn nhận.
Tiến sĩ Uông Thị Lê Na
Theo Tiến sĩ Lê Na, đối với học sinh Bình Phước, các em cần hướng đến 5 nhóm giá trị tốt đẹp: giản dị, đoàn kết, năng động, sáng tạo; hòa bình, hợp tác, hạnh phúc, học tập suốt đời; kỷ luật, khoan dung, khiêm tốn học hỏi, khẳng định mình; tự tin, tự trọng, tôn trọng, trách nhiệm, trung thực. Những giá trị tốt đẹp ấy, các em cần hướng tới vì người với người là để yêu thương.
Trải nghiệm đến đâu, đào sâu đến đó
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đưa ra 5 phẩm chất cối lõi đối với người học là yêu nước, trách nhiệm, trung thực, chăm chỉ và nhân ái. Tuy chưa đại trà nhưng giáo dục Bình Phước cũng đã chủ động tiếp cận sớm với định hướng của giáo dục phổ thông mới và đã có những chuyển mình lớn trong giáo dục. Tại Trường THPT chuyên Quang Trung, dạy học tích cực và lấy học sinh làm trung tâm được xem là mấu chốt trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Từ những năm trước, trường đã mời chuyên gia về tập huấn cho giáo viên, rồi tự thân giáo viên tìm tòi các phương pháp dạy học trung thực triển khai cho học sinh.
Làm theo bài văn mẫu vẫn còn là tình trạng phổ biến với các cháu nhỏ. Bởi mình cũng có con học lớp 1, 2, khi hướng dẫn các cháu làm bài văn thì không chịu, các cháu yêu cầu phải làm theo cô. Bà ngoại phải là tóc bạc, lưng còng, còn bà ngoại mà chơi tennis là không được. Thực ra, có những bà ngoại còn rất trẻ nhưng các cháu không chịu... Điều đó chứng tỏ chúng ta đang ép các em vào một cái khuôn, chứ không để các em tự tư duy, sáng tạo, để kiến tạo giá trị bản thân. Còn các em lớp 11, 12 mà hỏi dự định thích nghề gì, thi trường nào, các em chưa biết đâu. Đó là do chúng ta chưa phát huy nội lực, sở thích, sở đoản riêng của các em mà gò theo cách nghĩ của người lớn, theo chương trình cũ là truyền đạt kiến thức một chiều... Nguyễn Văn Nghiêm, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quang Trung |
“Để đáp ứng xu thế của thời đại, ngoài 5 phẩm chất thì những kỹ năng cốt lõi cơ bản học sinh phải có hiện nay là ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng sống khác. Hiện trường có 21 câu lạc bộ, đội, nhóm, giúp các em tham gia vào quá trình trải nghiệm thực tế để học tập tự thân. Không gì có thể giúp người học thu hoạch được nhiều bằng việc trải nghiệm thực tế, trải nghiệm đến đâu, đào sâu đến đó. Việc làm này cần nhân rộng ở các trường trong thời gian tới” - Thạc sĩ Nghiêm nhắn nhủ.
Để đào tạo thế hệ học sinh vừa hồng vừa chuyên đáp ứng với đòi hỏi của tình hình mới, nhất là đề cao giá trị công dân toàn cầu, Tiến sĩ Lê Na cho rằng, ngoài đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học thì thầy, cô giáo cần thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá học trò. Đó là khích lệ những điểm mạnh và hạn chế điểm yếu, để mỗi ngày đến trường với các em là một ngày vui.
Phụ huynh cũng đừng thấy con mình học chưa tốt thì đổ lỗi tất cả cho giáo viên và cũng đừng so sánh con mình với con người khác mà thử hỏi xem nền tảng giáo dục gia đình mình ra sao, được sống trong môi trường giáo dục như thế nào, hoàn cảnh có giống gia đình người ta không? Tất cả mọi so sánh đều khập khiễng nên ngừng ngay việc so sánh mà hãy khích lệ điểm mạnh, hạn chế điểm yếu của các con. Tiến sĩ Uông Thị Lê Na, chuyên gia tâm lý giáo dục |
Tiến sĩ Lê Na lưu ý: Mục tiêu của chúng ta là đào tạo, giáo dục con người phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực. Vì đức và tài luôn song song với nhau nên cả thầy cô, phụ huynh hãy quan tâm đến việc phát triển ngang bằng phẩm chất và năng lực, luôn khích lệ các con đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm để các con phát triển là chính mình.
Sống đẹp bắt đầu từ học tập và rèn luyện
Là cán bộ đoàn trẻ với những thành công nhất định, anh Nguyễn Hoài Nam cho rằng để hình thành nên những giá trị bản thân để sống đẹp, sống tốt, sống có ích cho cộng đồng thì học tập và rèn luyện là quan trọng nhất. Và muốn tạo lập giá trị bản thân trước hết phải hiểu bản thân mình, hiểu được mình là ai, mong muốn điều gì và cái gì là quan trọng nhất cuộc đời mình? Khi đó, mình sẽ xác định được phương hướng, động lực phấn đấu cho tương lai. Ông cha ta thường nói “nhân vô thập toàn”, có nghĩa là không ai hoàn hảo cả mà mỗi người có giá trị riêng nên cần phát huy mặt mạnh, hạn chế điểm yếu để từng bước hoàn thiện mình hơn.
Anh Nguyễn Hoài Nam
“Chúng ta có quyền yêu thương bản thân mình, yêu mọi người xung quanh, yêu công việc mình đang làm, từ đó có những động lực cần thiết để xây dựng hình ảnh cá nhân. Nếu các bạn cần một người bạn song hành để tìm lại giá trị bản thân thì hãy đến với tổ chức đoàn, ở đó sẽ kiến tạo giá trị tương lai cho tuổi trẻ” - Hoài Nam nhắn nhủ.
Các bạn trẻ nên xây dựng, duy trì những thói quen thiết thực như đọc sách, tập thể dục, giúp đỡ người khác, nói những lời yêu thương với mọi người. Những việc làm đó dù nhỏ nhưng nâng cao giá trị bản thân, giúp ích cho nhiều người. Anh Nguyễn Hoài Nam, Phó chủ tịch Ủy ban Hội LHTN thị xã Phước Long |
Tác giả: BPO
Ý kiến bạn đọc